Trang chủ Diễn đàn Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM: Còn là lòng tự trọng...

Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM: Còn là lòng tự trọng và sĩ diện học thuật

100

Thư viện: niềm tự hào và diện mạo học thuật

Thư viện, tùy cấp, là biểu trưng vật chất hoạt động học thuật một quốc gia, một thành phố, một trường đại học… Nhìn vào quy mô, chất lượng hoạt động, khai thác thư viện tương ứng, người ta có thể đánh giá về trình độ phát triển học thuật của một quốc gia, trình độ dân trí của một thành phố, chất lượng giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học của một trường đại học.

Người trí thức và cả cộng đồng có ý thức học thuật xem thư viện là niềm tự hào về sự phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của quốc gia mình, của thành phố mình, của hệ thống đại học của mình.

Người Mỹ rất tự hào về Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, một kho tàng tri thức dẫn đầu thế giới. Người Nga cũng rất hãnh diện với nhiều thư viện, trong đó, thư viện Lê nin một thời cũng được coi là thư viện lớn nhất hành tinh, còn thư viện Viện Hàn lâm Khoa học Saint Peterburg vẫn được xem là biểu tượng sự phát triển khoa học Nga.

Tín đồ đạo Thiên chúa thì tự hào với thư viện Vatican, địa chỉ lưu trữ sách có truyền thống lâu đời và được kiến tạo như một lâu đài của khoa học và học thuật tôn giáo.

Trong niềm tự hào và hãnh diện về các thư viện, người ta không chỉ quan tâm đến số lượng sách báo, tài liệu, quy mô công trình kiến trúc, trang trí, mà còn coi lượt khách phục vụ, số lượng tài liệu luân chuyển … là những thành tích về học thuật. Một lực lượng trí thức, nhà khoa bảng có trình độ thực sự, thì luôn có nhu cầu sử dụng thư viện, dành một tỷ lệ thời gian đến làm việc tại thư viện, cũng như tự hào, hãnh diện về thư viện như một tài sản vô giá của quốc gia, địa phương và hệ thống giáo dục mà mình liên hệ.

Ở Việt Nam, trước năm 1975, người Phật tử, nhất là giới tu sĩ, tín đồ trí thức, khoa bảng luôn tự hào với Thư viện Viện Đại học Vạn Hạnh, là một trong những thư viện hàng đầu của các trường đại học ở miền Nam, với vốn tài liệu khoảng 25.000 bản (có số liệu nói nhiều hơn), gồm nhiều sách quý do cộng đồng quốc tế trao tặng, viện trợ của các nước lớn, sự giúp đỡ của các tổ chức, các trường đại học lớn trên thế giới.

Thư viện Viện Đại học Vạn Hạnh với quy mô và hoạt động phục vụ, một thời đã là biểu tượng của tầm cao trí tuệ Phật giáo, của bề rộng hoạt động học thuật Phật giáo, là thành quả của những nhà tu hành khoa bảng Phật giáo Việt Nam, là niềm tự hào của sinh viên Vạn Hạnh và đông đảo tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam.
Thư viện Viện Đại học Vạn Hạnh là tiền thân của Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM hiện nay.

Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM

Tình trạng tài liệu, hoạt động của Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM mới đây, Tạp chí “Thư viện Việt Nam” số 6 (44)/11-2013 đã có bài viết về Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, có nhan đề “Các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Thư viện Học viện Phật giáo TPHCM” của 2 tác giả PGS TSKH Bùi Loan Thủy, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, và Nguyễn Thị Thùy Dương, học viên cao học trường đại học nói trên.

Bài viết cho chúng ta những thông tin hết sức bất ngờ về hoạt động của Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM được coi là kế thừa của Thư viện Viện Đại học Vạn Hạnh. Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM hiện nay có thể coi là thư viện lớn nhất, tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam, của giáo dục đại học Phật giáo Việt Nam, là một biểu trưng của học thuật Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Bài báo nói trên viết về Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM bằng giọng văn khoa học, khách quan, nhưng những thông tin bài báo đưa ra làm người đọc Phật tử, nhất là giới trí thức phải choáng váng.

Bài báo nêu ra và nhiều lần nhắc lại rằng chỉ có 1/3 tổng số tài liệu của thư viện này được đưa ra phục vụ, cụ thể là 9.505 tên tài liệu với 17.395 bản. “Số tài liệu còn lại được đóng thùng và lưu trữ tại tầng hầm của thư viện” (tạp chí đã dẫn, trang 38)

Vốn tài liệu của Thư viện phát triển chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là chưa có nguồn kinh phí dành riêng cho việc bổ sung tài liệu. Trải qua hơn 26 năm hoạt động, Thư viện chỉ tiến hành bổ sung tài liệu một lần duy nhất vào năm 2010 với số tiền là 31 triệu đồng từ sự hỗ trợ của Hội hỗ trợ Giáo dục Vạn Hạnh (VHEF, California, Mỹ). Các tài liệu còn lại được bổ sung vào Thư viện phần lớn qua kênh biếu tặng từ tổ chức Phật giáo, các trường đại học trên thế giới, các nhà phát hành sách Phật giáo, các nhà dịch thuật trong nước” (tạp chí đã dẫn trang 38)

Trước đây, Thư viện không có sổ theo dõi lượt mượn tài liệu, các phiếu yêu cầu tin do bạn đọc tự viết cũng chỉ được Thư viện lưu trữ không quá 03 tháng. Việc theo dõi lượt người sử dụng và lượt luân chuyển tài liệu chỉ được quan tâm từ khi có phần mềm Thư viện điện tử và quản lý tích hợp nghiệp vụ Ilib. Me Version 5.0. Ví dụ: trong năm 2012 có 566 lượt người sử dụng, 1.158 lượt luân chuyển tài liệu; Trong 5 tháng đầu năm 2013 có 212 lượt người sử dụng, 429 lượt luân chuyển tài liệu, khoảng 19 người sử dụng dịch vụ đọc tại chỗ” (tạp chí đã dẫn trang 41)

Thật không thể tưởng tượng mỗi thư viện kế thừa Thư viện Viện Đại học Vạn Hạnh, niềm tự hào của trí tuệ, học thuật Phật giáo Việt Nam, bây giờ lại đến nông nỗi tệ hại như thế.

Một thư viện mà có đến 2/3 tài liệu “được đóng thùng và lưu trữ tại tầng hầm”. Không hiểu tư duy, trình độ của các vị lãnh đạo học viện như thế nào mà để diễn ra tình trạng nói trên? Như thế thì còn gì là thư viện? Trí thức khoa bảng thực sự, thấy sách thư viện “đóng thùng” không phục vụ dù chỉ một ngày là đã bất bình, huống chi là từng ấy mấy chục năm trời. Xử sự đối với sách thư viện như thế, sao còn là trí thức, là người quản trị đại học? Chỉ những người không biết đọc sách, không biết giá trị cuốn sách là gì, mới xử sự với sách vở thư viện đến mức như thế. Thật không hiểu nỗi việc sử dụng sách như vậy, còn gì là trí tuệ, học thuật!

Các học viện Phật giáo thường nhắc đến khẩu hiệu “Duy tuệ thị nghiệp”. Nay những giá trị cụ thể của trí tuệ là sách vở được “đóng thùng” để dưới hầm mấy chục năm như những đống giấy vô dụng, thì còn lấy gì mà làm sự nghiệp? Một phần lớn số sách  Thư viện Học viện Phật giáo hiện nay có được là thừa kế từ công lao tìm tòi, sưu tập, đầu tư của những nhà khoa bảng Phật giáo tiền bối, sáng lập Viện Đại học Vạn Hạnh. Để có được từng ấy sách, không phải không nhọc công, tốn sức, hao tiền. Để rồi bây giờ những người thừa kế đóng thùng để dưới hầm đến 2/3 số sách(!).

Con số tên tài liệu được đưa ra phục vụ là 9.505. Con số này quả thật mỉa mai với tầm vóc một “học viện”, vì nhiều tủ sách gia đình cũng có được con số đó, nữa là trường phổ thông, trường tư thục ngoại ngữ…

Đó là hệ quả tất nhiên của việc “Trải qua hơn 26 năm hoạt động, thư viện chỉ tiến hành bổ sung tài liệu một lần duy nhất vào năm 2010 với số tiền là 31 triệu đồng từ sự hỗ trợ của Hội hỗ trợ Giáo dục Vạn Hạnh (VHEF, California, Mỹ)”.

Kinh phí 31 triệu đồng để bổ sung sách trong 26 năm là một con số không hình dung nổi đối với thư viện lớn nhất Việt Nam của Phật giáo, thư viện của một “học viện” Phật giáo. Con số này kém xa kinh phí mua sách của một tủ sách gia đình trí thức, mà chủ sở hữu chỉ có thể là một giáo viên, một công chức. Thư viện của tỉnh miền núi như Lào Cai cũng “trung bình mỗi năm bổ sung cho Thư viện tỉnh khoảng 6000 bản sách các loại và đặt mua 150 loại báo, tạp chí; còn “thư viện huyện với 4000 bản sách mới và 4,5 loại báo” (“Thư viện tỉnh Lào Cai nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc” của Phạm Văn Hạnh, Giám đốc Thư viện tỉnh Lào Cai, tạp chí đã dẫn trang 49).

Như vậy, là trong khoảng 3 năm, một thư viện huyện miền núi sẽ có số lượng tên sách nhiều hơn số sách đang phục vụ của Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM. Điều này, nghe qua là mai mỉa, cay đắng cho hoạt động thư viện của Học viện Phật giáo Việt Nam, cho bộ mặt học thuật của Phật giáo Việt Nam.

Bây giờ cầm hơn 1 triệu đồng ra mua sách, e rằng mua chỉ độ 10 cuốn. Kinh phí thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam mua mười mấy cuốn sách mỗi năm thì sao gọi là có hoạt động thư viện? Mà 26 năm, mới có được 31 triệu mua sách một lần, thì càng thấy bất hợp lý và đáng tủi đến chừng nào! Vì để mua được sách thì phải mua hàng năm, hàng quý, hàng tháng, vì bây giờ có nhiều tựa sách chỉ in 200 – 300 bản, phải canh mới mua được. Đó là sách trong nước, còn tài liệu nước ngoài, thì để có sách quý càng khó khăn hơn gấp bội phần. Đó chỉ là sách, 26 năm mới bổ sung một lần, thì nói gì đến báo và tạp chí phục vụ nghiên cứu học tập. Mà thư viện “học viện” không đặt mua báo, tạp chí thì đã là hầu như không hoạt động gì hết!

Thực ra, nếu xét kỹ, cái cách làm 26 năm mới bổ sung sách 1 lần với 31 triệu đồng được tặng không đáng lấy làm lạ nếu gắn với việc đóng thùng 2/3 kho sách rồi để dưới hầm trong có lẽ chừng ấy năm trời. Sách có sẵn còn làm như thế thì nữa gì nói đến chuyện mua sách mới, báo tạp chí mới?

Hai biểu hiện của việc không đáng gọi là có thư viện của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM như trên sẽ gắn liền với những thông tin về hoạt động của thư viện này một cách đương nhiên, tất yếu, ắt phải. “Thư viện không có sổ theo dõi lượt mượn tài liệu” (điều mà thư viện một trường cấp 1 cũng có). Còn đến khi sử dụng phần mềm tin học, thì kết quả là:

–    “Trong năm 2012 có 566 lượt người sử dụng, 1.158 lượt luân chuyển tài liệu; (tạp chí đã dẫn trang 41)

–    “Trong 5 tháng đầu năm 2013 có 212 lượt người sử dụng, 429 lượt luân chuyển tài liệu, khoảng 19 người sử dụng dịch vụ đọc tại chỗ” (tạp chí đã dẫn trang 41)

Chúng ta so sánh số liệu trên với Thư viện tỉnh miền núi biên giới Lào Cai (bài đã dẫn): “Hàng năm Thư viện phục vụ từ 30.000 đến 35.000 lượt bạn đọc, với gần 100.000 lượt sách báo luân chuyển”.

Vâng, đó là sự so sánh hoạt động phục vụ của Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM với thư viện một địa phương mà trong kinh Phật thường dùng từ “biên địa”, nơi phải chịu thiệt thòi về mặt trí tuệ. Rất tiếc, chúng tôi không có trong tay số liệu của thư viện các trường chỉ là trung tâm ngoại ngữ ngoài giờ, hay cấp 1 cấp 2 để so sánh với thư viện “học viện”.

Nhưng dù sao, thì cũng chẳng có thư viện nào phục vụ chưa tới 2 lượt người/ngày, vì 5 tháng đầu năm 2013 chỉ có 212 lượt người sử dụng, 19 người sử dụng dịch vụ đọc tại chỗ. Phải chăng đây là một “kỷ lục” trong hoạt động thư viện?

Điều trớ trêu là trong bài mà chúng ta đang lấy thông tin đây nhân sự thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam  “có 02 người chuyên trách, 03 cộng tác viên, 03 tình nguyện viên và 01 nhân viên tạp vụ chung của cả học viện”. Hơn 8 người chỉ để phục vụ chưa đến 2 lượt người sử dụng dịch vụ mỗi ngày, 19 người sử dụng dịch vụ đọc tại chỗ trong 5 tháng, trên diện tích khu vực đọc và xử lý kỹ thuật: 200m2” (trang 39, tài liệu đã dẫn).

Kết quả phục vụ này là hệ quả tất yếu của số lượng tài liệu, hoạt động bổ sung sách báo đã nói ở trên. Nó một lần nữa xác định là Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam hầu như là không hoạt động.

Xin đặt vấn đề này lên bàn Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, mà tất cả đều là những nhà khoa bảng.

Một “học viện” mà thư viện như thế, thì hoạt động dạy và học thực có hay không? Một trường đại học mà không có thư viện, hay thư viện phục vụ 429 lượt luân chuyển tài liệu trong 5 tháng có còn là một đại học? Bây giờ, hoạt động giáo dục còn không thể chấp nhận một trường phổ thông không có thư viện, nữa là một “học viện” bề thế, uy nghi, đào tạo đại học và trên đại học cho cả một miền (!). Một thư viện học viện phục vụ “19 người sử dụng dịch vụ đọc tại chỗ” trong 5 tháng đầu năm 2013 thì hầu hết giáo sư, giảng viên, sinh viên cao học, sinh viên đại học không biết đến thư viện.

Thông tin như một vở hài kịch mang mâu thuẫn trớ trêu. Hàng loạt tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân… không dùng đến thư viện! Cười ra nước mắt đấy chứ? Khoa bảng đến như thế thì là cực điểm của khôi hài!

Bài viết mà chúng ta đang dẫn thông tin, có đưa ra một số giải thích về hiện trạng trên, mới nghe thì rất thuyết phục: “Hầu hết các giáo thọ sư đều có tủ sách riêng, có nguồn sách tặng riêng từ mối quan hệ cá nhân, chỉ khi thiếu tài liệu họ mới đến thư viện.

Nhu cầu tin của tăng, ni sinh chủ yếu là theo chương trình học. Tăng, ni sinh thường sử dụng các giáo trình do giáo thọ sư cung cấp và tham khảo các tài liệu trên mạng từ các trang web về Phật giáo nhiều hơn là tài liệu giấy của thư viện.

Kết quả khảo sát trực tiếp của Thư viện cho thấy, mức độ sử dụng Thư viện của giáo thọ sư, tăng, ni sinh tại Thư viện còn thấp do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như:

–    Hạn chế về cơ sở vật chất – kỹ thuật (diện tích kho tài liệu, cũng như diện tích đọc tại chỗ hẹn hẹp);

–    Các sản phẩm, dịch vụ thông tin – thư viện rất nghèo nàn;

–    Bạn đọc thường ưu thích khai thác các nguồn tin điện tử Phật giáo trên các trang web Phật giáo trong và ngoài nước;

–    2/3 số tài liệu của Thư viện nằm “chết” trong tầng hầm của Học viện;

–    Chưa xây dựng được trang web, cổng thông tin điện tử của thư viện;

–    Chưa khai thác sử dụng được phân hệ tra cứu với mục lục trực tuyến OPAC;

–    Trong Học viện có 01 phòng Internet riêng và 01 phòng photocopy để phục vụ tăng, ni sinh tra cứu tin và nhân bản tài liệu. Thư viện không quản lý hai phòng này”.

Chỉ những người không có học vấn đại học thực thụ thì mới nói đến việc không cần thư viện. Cũng như, chỉ có những người không hề tiếp xúc với văn hóa đọc mới nghĩ là bây giờ sách đã có thể tìm đọc một cách đầy đủ qua mạng internet.

Nếu tủ sách riêng cũng như internet đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu, thì thư viện, nhất là thư viện đại học trên toàn thế giới, không có lý do để tồn tại nữa. Một người làm học thuật thực thụ thì luôn thấy sách của mình bao giờ cũng hết sức thiếu thốn và sách của thư viện nào cũng không bao giờ đủ. Search phần hình ảnh của từ khóa “library”, chúng ta sẽ thấy các thư viện trên thế giới từ các thư viện quốc gia, đại học, đến thư viện trường học, địa phương hoạt động thế nào. Để rồi vô cùng hoang mang khi những nhà khoa bảng điều hành thư viện một Học viện Phật giáo vào loại bậc nhất, có đào tạo sau đại học, đóng thùng 2/3 kho sách để cất dưới tầng hầm.

Tôi ngồi hàng giờ đau xót cho số phận những cuốn sách đã một thời làm nên biểu trưng học thuật và tự hào trí tuệ của Phật giáo Việt Nam qua thư viện Đại học Vạn Hạnh.

Tôi nhớ tới cảm giác đau xót của mình khi trước đây một bộ sách quý của tôi bị một chị giúp việc không biết chữ lấy để kê nồi cơm canh vì mới vào làm không biết rá lót nồi ở đâu! Tôi không thể đòi hỏi một người không biết chữ ý thức về giá trị sách vở, còn ở đây…?

Nói thư viện không cần mua sách, chỉ chờ tặng, biếu, thì đây càng không phải là người trong lãnh vực học thuật, mà là những người chỉ cần có sách trưng bày, không cần có sách theo yêu cầu học thuật.

Những dòng nói trên tưởng là căng thẳng, nhưng không chút nào là rất cần thiết vì “tài liệu nội điển chiếm khoảng 2/3 tổng số tài liệu của Thư viện [Học viện Phật giáo Việt Nam TPHCM]” (tạp chí đã dẫn trang 39). Như vậy, có thể khoảng 2/3 số sách đóng thùng để dưới hầm Học viện trong mấy chục năm là sách Phật pháp. Tất nhiên, sách Phật pháp của Thư viện Viện Đại học Vạn Hạnh trước đây phải là sách hiếm, sách quý. Lên tiếng vì giá trị của số sách Phật pháp bị đóng thùng cất dưới hầm mà lẽ ra, là phương tiện hoằng hóa, lưu hành chánh pháp, thiết tưởng, là việc cần thiết.

Cách đây mấy năm, trước việc một số sách hiếm, quý của Thư viện Khoa học Xã hội TPHCM thuộc Viện Khoa học Xã hội TPHCM bị đánh cắp bán làm giấy vụn, do tình trạng cất giữ ở một nơi không đủ điều kiện để bảo quản, thì nhiều nhà khoa học đã yêu cầu phải truy cứu trách nhiệm hình sự thủ thư và cả những người lãnh đạo chủ quản, xem như là thiếu trách nhiệm trong việc giữ gìn kho tàng tri thức quốc gia.

Vì vậy, nếu ở đây chỉ giới hạn nói đến trách nhiệm và yêu cầu khắc phục tình trạng nói trên đối với người có trách nhiệm, thì thiết tưởng vẫn phù hợp tiếng nói của một Phật tử muốn giữ gìn và khai thác tương xứng kho tàng kinh sách Phật pháp, không nỡ nhìn thấy kho tài liệu từng là niềm tự hào của học thuật Phật giáo Việt Nam, tiêu biểu cho trí tuệ Phật giáo Việt Nam trở thành những thùng đóng bụi vô dụng dưới hầm học viện.

Viết bài này, chúng tôi cũng băn khoăn, thư viện của học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM còn đến nỗi như thế thì thư viện các học viện Phật giáo khác, các trường cao đẳng, trung cấp Phật học sẽ ra sao? Vì vậy, ngoài việc sẽ trở lại vấn đề thư viện học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu tình hình tổ chức và hoạt động thư viện ở các học viện Phật giáo, trường Phật học. Cũng mong được bạn đọc cung cấp thông tin (*).

Chúng tôi đề cập đến Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM là điều ngẫu nhiên, do có được Tạp chí “Thư viện Việt Nam”số đã dẫn, không vì một lý do chủ quan nào. Trách nhiệm gìn giữ kho tàng kinh sách Phật pháp là trách nhiệm của những người con Phật. Tuy nhiên trách nhiệm gìn giữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả thư viện còn là trách nhiệm của những người làm văn hóa, giáo dục, những nhà khoa bảng, những người làm thầy. Thư viện một “học viện” còn là sự tự trọng và sĩ diện của những người làm học thuật.

Còn cần phải làm gì thì bài viết “Các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện Học viện Phật giáo TPHCM” đã nêu ra khá đầy đủ. Chúng tôi nặng lòng, xót xa và tủi hổ khi đọc thấy những lời khuyên bảo về việc tổ chức sử dụng một thư viện là đơn vị thừa kế một thư viện nổi tiếng của một đại học lớn ở miền Nam trước đây.

Nặng lòng, tủi hổ hơn nữa khi các tác giả của bài viết lại dùng chính thành ngữ Phật giáo “Duy tuệ thị nghiệp” khuyến cáo những người có trách nhiệm đối với Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM về những điều mà hễ đã là người trí thức thì phải biết đối với sách vở. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng rất biết ơn về những lời khuyên đó và xin trích dẫn lại dưới đây: “Để nâng cao hiệu quả phục vụ Thư viện tại Học viện Phật giáo Việt Nam Tp. HCM cần thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:

1.    Giải quyết tình trạng 2/3 số tài liệu của Thư viện nằm “chết” trong kho lưu bằng cách mở rộng diện tích sử dụng của Thư viện trên cơ sở tận dụng một số phòng đang bỏ trống hiện tại để tổ chức thành kho tài liệu mở nhằm tăng số lượng sách phục vụ tại chỗ và cho mượn về nhà.

2.    Liên hệ với các khoa thông tin – thư viện tại các trường đào tạo cán bộ thư viện trên địa bàn Tp.HCM (trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp.HCM, trường Đại học Sài Gòn, trường Văn hóa Nghệ thuật Tp.HCM) để nhờ các khoa phân bổ sinh viên về thực tập hỗ trợ xử lý tài liệu theo đúng chuẩn nghiệp vụ

3.    Tổ chức lại kho tài liệu theo đúng tiêu chuẩn về bảo quản tài liệu và theo hướng phục vụ mở.

4.    Huy động các giáo thọ sư, tăng, ni sinh tham gia vào việc phân loại, xử lý 2/3 số tài liệu của Thư viện đang nằm “chết” trong tầng hầm của Học viện để họ biết giá trị của tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập của chính họ và sẽ khai thác sử dụng sau này. Khai thác có hiệu quả các tình nguyện viên là đạo hữu làm công quả để hỗ trợ Thư viện trong quá trình cải tổ.

5.    Viết thư ngỏ vận động các Phật tử tham gia vào tổ chức lại kho tài liệu và quyên góp tài liệu để tăng vốn tài liệu, quyên góp tiền để mua thêm các kệ để sách, báo, mua thêm một số trang thiết bị hiện đại phục vụ các hoạt động thiết yếu của Thư viện như máy photocopy, máy đọc mã vạch, máy quét tài liệu, mua tài liệu…

6.    Xây dựng một số tiêu chí lựa chọn và thanh lọc đối với các tài liệu bổ sung qua kênh biếu, tặng; xây dựng chính sách lưu trữ khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án của tăng, ni sinh.

7.    Nâng cao trình độ nghiệp vụ cho nhân viên thư viện của Học viện và đội ngũ cộng tác viên bằng cách cử tăng, ni đi học văn bằng 2 về thư viện – thông tin đối với cử nhân các chuyên ngành khác nhau của Phật học. Trong trường hợp chưa có điều kiện nghiệm nghiệp vụ của các thư viện đại học khác trên địa bàn Tp. HCM để xử lý tài liệu, tổ chức lại kho, tổ chức lại việc phục vụ Thư viện.

8.    Chủ động tìm kiếm chương trình hợp tác với các thư viện Học viện Phật giáo trong nước như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Học viện Phật giáo Nam tông Khơ me tại Cần Thơ, hỗ trợ thư viện các trường trung cấp, cao đẳng Phật học. Bên cạnh đó thiết lập các mối quan hệ với Học viện Phật giáo của nước ngoài, ví dụ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản v.v…

9.    Đào tạo, huấn luyện người sử dụng Thư viện: Trước mắt có thể thức hiện một số hoạt động cụ thể như tư vấn tại chỗ về cách tìm tài liệu trong kho, cách sử dụng và khai thác thông tin qua các sản phẩm và dịch vụ của Thư viện.

10.    In ấn các tài liệu về nội quy sử dụng Thư viện, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ và khả năng cung cấp thông tin của Thư viện bằng cách sử dụng các bảng biểu hướng dẫn đặt ngay trong phòng đọc của Thư viện; Xin phép các vị sư lãnh đạo Học viện tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cho tăng, ni sinh vào đầu năm học; Tổ chức những buổi tọa đàm trao đổi phương thức sử dụng Thư viện cho Tăng, ni sinh…

11.    Thiết kế trang web của Thư viện để quảng bá hình ảnh của thư viện và tạo các liên kết để giáo thọ sư và tăng, ni sinh có thể khai thác các tài liệu điện tử dễ dàng đã có từ nguồn trên mạng. Ví dụ đọc sách điện tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh gồm 80 đầu sách dạng ebook (sách điện tử) với 3 định dạng PDF. EPUB và MOBI.

12.    Đối với dự án xây dựng tòa nhà thư viện học viện gồm 10 tầng đã được Ủy ban Nhân dân Tp.HCM giao 238.0006,5m2 tại nông trường Láng Le, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, cần thiết kế tòa nhà thư viện với các phòng ban theo đúng chức năng, chuẩn kiến trúc thư viện kết hợp đặc thù của kiến trúc các tòa nhà Phật giáo.

13.    Đối với việc đào tạo nâng cao trình độ nhân sự làm việc trong Thư viện: Khi cử nhân sự theo học chuyên ngành thông tin – thư viện tại Hoa Kỳ theo dự án xây dựng thư viện nói trên cần phải lựa chọn kỹ càng để về nước không chỉ làm nồng cốt xây dựng thư viện điện tử mà còn có khả năng sư phạm để huấn luyện đào tạo các giáo thọ sư và tăng, ni sinh sử dụng khai thác thư viện điện tử hiệu quả.

Phật giáo lấy phương châm duy tuệ thị nghiệp làm kim chỉ nam cho việc tu học, do đó phát triển các cơ sở đào tạo Phật học cho tăng, ni đã được GHPGVN coi như nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Thư viện của Học viện Phật giáo Tp.HCM nói riêng và thư viện của các cơ sở đào tạo Phật học nói chung của Việt Nam sẽ cung cấp các tài liệu học tập tạo nền tảng vững chắc về trí tuệ giúp cho tăng, ni sinh để hiểu biết sâu sắc các giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp của Phật giáo để có thể phát huy và biểu dương các giá trị này đến tín đồ và quần chúng nhân dân. Các thư viện này phát triển không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng, ni sinh tu học mà còn góp phần tích cực làm cho các thư viện Phật giáo hòa mình vào dòng chảy của các thư viện Việt Nam theo xu hướng hội nhập với các nước trong khu vực và toàn cầu.”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng ở mức độ căng thẳng hơn và chất vấn trực tiếp những vị có trách nhiệm nếu việc quản lý kho sách Phật pháp có giá trị này không được cải thiện trong thời gian tới. Góp phần giữ gìn, lưu thông, hoằng truyền kinh sách Phật pháp là công đức bố thí pháp, được Phật dạy là rất lớn. Đó là lý do chúng tôi không ngần ngại để theo đuổi những bài viết tiếp theo nếu kinh sách còn bị xử sự một cách nhẫn tâm và không phù hợp chút nào với văn minh, với học thuật như thế.

Chúng tôi coi việc để một thư viện thừa kế một thư viện từng là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng bi đát, thảm hại như thế trong nhiều chục năm, tệ hơn một thư viện huyện miền núi là chuyện quan trọng, là chuyện danh dự của người con Phật.

Tôi nhớ đến lời của học giả Nguyễn Hiến Lê, đại ý, để tin tưởng một vị bác sĩ, thì trước hết nên nhìn vào tủ sách chuyên môn của ông ta. Nếu người bác sĩ chỉ có vài cuốn sách chuyên môn đóng bụi, thì nên tránh xa, với sự coi thường là đương nhiên. Ông ta không thực sự là người thầy thuốc đúng nghĩa.

Tôi quý trọng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM nên ngoài những cảm giác tiêu cực như trên, tôi còn có sự đau buồn. Vì vậy, mong Học viện Phật giáo Việt Nam vì sĩ diện và tự trọng trong hoạt động học thuật, sớm lên tiếng về vấn đề này, đưa ra lộ trình giải quyết. Nếu thông tin trên tạp chí Thư viện Việt Nam là không chính xác, thực tế không phải như vậy, thì cùng cần nói rõ, buộc tác giả bài viết đính chính, giữ gìn danh dự, thể diện học thuật cho giáo dục Phật giáo Việt Nam.

MT

————–

(*) Email: [email protected]