Trang chủ PGVN Cửa thiền Thương mái chùa quê

Thương mái chùa quê

48

Lòng hẹn lòng, đã 3 năm nay chúng tôi đều đi tham quan các chùa quê vào đầu năm. Sáng mùng 4 tết, chúng tôi lên đường đến huyện Lăk. Sau khi đứng chờ chừng một giờ đồng hồ tại bến xe buýt thành phố Ban Mê Thuột, chúng tôi theo dòng người dân lên xe đi Lăk. Xuôi về hướng Nam của thành phố theo quộc lộ 27, chúng tôi phải đứng chen chúc với người dân suốt hơn một giờ mới trạm cuối của xe buýt.


Mặc dù là con đường huyết mạch kinh tế nối liền giữa hai tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng, song nhiều đoạn đường vẫn còn gập ghềnh. Cái đáng nói hơn cả là phong cảnh hai bên đường thật hữu tình. Đâu đâu cũng thấy đồi núi chập chùng với những cánh đồng bao la, đây đó điểm xuyết những căn nhà sàn đồng bào dân tộc nằm lẫn trong những hàng cây trơ cành vào mùa khô.


Chùa Quảng Trạch cách thành phố Buôn Mê Thuột gần 60km, tọa lạc tại thôn Hòa Bình 3, xã Đăk Liêng, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk. Chùa nằm lưng chừng một ngọn đồi hữu tình, bao quanh chùa là những cánh đồng ngút ngàn tới tận những dãy núi xa xa, ngọn đồi lượn quanh như thế con rồng lượn, phía phải chùa là một quả đồi nhỏ tròn tựa hòn ngọc được ngăn cách với đồi chùa chính bởi lối mòn nhỏ đi vào các xóm dưới chân đồi chùa.


Năm 1959, theo dòng người di dân vào vùng đất mới, đồng bào Phật tử huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi đã di dời vào đây với biết bao sự bở ngỡ xa lạ trước núi đồi và muông thú, gia tài tâm linh được đồng bào trân quý đem theo bên mình chính là bức tượng Bồ-tát Phổ Hiền bằng gỗ, hiện còn được bảo tồn tại chính điện chùa.


Thế là người cắt cỏ tranh, kẻ đốn cây, chung sức dựng lên một am thờ tự bên mé sông Krông Ana vào đầu năm 1962. Sau khi chuyển địa điểm đến buôn Cam vào năm 1963, chùa lại được di dời một lần nữa tới lưng đồi hiện tại, đồng thời xây thêm một số công trình như nhà Tổ, đoàn quán gia đình Phật tử, trường Bồ đề v.v… vào năm Mậu Thân. Ngôi chùa chúng ta được thấy trong hiện tại là nhờ sự góp sức của đồng bào Phật tử địa phương cũng như các nơi đóng góp xây dựng vào năm 2005.


Qua những chặng đường xây dựng và tu bổ ngôi chùa quê, những người mà chúng tôi muốn nhắc đến nhất là các vị Phật tử hữu công làm trong ban Khuôn Hội thời bấy giờ, trước hết là cụ Nguyễn Chút làm khuôn trưởng, cụ Võ Y làm khuôn phó, cụ Võ Duy Tẩn trưởng ban nghi lễ, cụ Tiêu Viết Ninh làm thư ký, cụ Huỷnh Khoảng làm tài chánh thủ quỹ v.v…và  rất nhiều vị hữu công trong huyện nhà.


Trong thời gian kiến tạo và tu bổ ấy, chùa may mắn được sự chứng minh của chư vị tôn đức như: vào P.L 2507, đại đức Thích Minh Đức truyền ngũ giới và tam quy cho đồng bào Phật tử tại đây; đại đức Thích Nguyên Thanh về địa phương an vị Phật khi tu bổ lại chùa vào năm Kỷ Dậu, và thầy Chánh đại diện Thích Quán Tâm thời bấy giờ cũng như chư vị tôn túc khác.


Kể từ khi lập lên ngôi già lam Quảng Trạch đến nay, tuy chùa được sự quan tâm và cố vấn của một số chư vị tôn túc thời ấy, nhưng đến hiện tại chùa vẫn chưa có một vị trụ trì chính thức. Trong thời gian gần đây, theo lời thỉnh cầu của ban hộ tự cùng đồng bào Phật tử, đại đức Thích Nhuận Độ đã về đây cố vấn cho chùa.


Được biết, hiện nay đại đức vẫn đang theo học khóa VI tại Học Viện Phật Giáo tại thành phố Hồ Chí Minh, do vậy đại đức chỉ có thể hỗ trợ cho chùa vào những dịp lễ lớn hoặc các Phật sự đặc biệt.


Tuy nhiên, trong thời gian qua, đại đức Thích Nhuận Độ đã đóng góp khá nhiều Phật sự cho chùa cũng như các công tác xã hội khác, cụ thể là xây cho đồng bào dân tộc 2 căn nhà tình thương, đặc biệt vào ngày 15 tháng 5 năm Mậu Tý, đại đức đã quy y cải đạo cho 300 đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện. Đồng thời đứng ra xây lại một con đường đi lên bên hông chùa bằng bê tông lót đá chẻ, xây kè các bờ đất trước chùa v.v…


Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70% dân số toàn Huyện Lăc, trên cả toàn huyện lại chỉ có hai ngôi chùa, nhưng chưa có chùa nào có thầy trụ trì, duy nhất chùa Quảng Trạch có đại đức Thích Nhuận Độ về cố vấn trong thời gian qua. Cuộc sống dân chúng ở đây đa phần làm nông, dân tộc lại chiếm đa số, cho nên nhìn chung Phật sự của huyện nhà cũng như tình hình đời sống dân chúng ở đây gặp rất nhiều khó khăn.


Do đó, nơi đây đang cần rất nhiều sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước cũng như các cấp lãnh đạo tỉnh và các tấm lòng vàng ở trong nước và hải ngoại.


Đây là lần thứ 2 chúng tôi về thăm chùa, nhìn cảnh chùa và đi dọc theo các bản làng, lòng chúng tôi cảm thấy rất thương tâm cho cái thân phận “heo hút” của một huyện xa. Định luật vô thường đổi thay xoay chuyển vạn vật, lúc thịnh lúc suy, và trong tất cả những sự biến đổi ấy, lòng chúng tôi rất mong một sự “trở mình” trong thời gian tới của mãnh đất Huyện Lăk kỳ tú.



Đường làng


Đường làng ẩn hiện sau tán lá phía trước chùa





Chùa nhìn từ ngọn đồi nhỏ


Cổng chùa nhìn từ đường làng


Tiền đường chùa


Trụ biểu


Chính điện


Lầu Quan Âm và chùa


Đồng ruộng bạt ngàn phía trước chùa

















Đại đức Thích Nhuận Độ (giữa)


Tượng Bồ tát Phổ Hiền đem theo từ thời di dân