Trang chủ Blog chùa Tiền Giang: Đại lễ Vu Lan 2016 tại Ni viện Tịnh Nghiêm

Tiền Giang: Đại lễ Vu Lan 2016 tại Ni viện Tịnh Nghiêm

128

Buổi lễ dưới sự chứng minh của Chư tôn Giáo phẩm Ban Chứng minh; Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang và các Huyện, Thị xã, Thành phố; cùng Chư tôn đức Ban Chức sự Trường hạ chùa Vĩnh Tràng, chùa Phật Ân, chùa Phổ Đức, chùa Linh Phong; Chư tôn đức Tăng trụ trì các Tự viện.

Về phía Chư Ni có: Chư tôn đức Ni Phân ban Đặc trách Ni giới tỉnh Tiền Giang; cùng quý Ni trưởng, Ni sư, Chư tôn đức Ni trụ trì các Tự viện trong tỉnh. Và gần 500 phật tử trong và ngoài tỉnh.

Đúng  8 giờ, buổi Lễ bắt đầu. Sau phần niệm Phật cầu gia bị là điệu múa TRẦM HƯƠNG ĐỐT dâng lên cúng dường Đấng Từ Phụ và hiện tiền Chư tôn đức Chứng minh.

Kế đến, sau phần giới thiệu thành phần tham dự là nghi thức dâng hoa cúng dường do thiếu nhi Trường mầm non Tịnh Ngiêm trình bày trong giai điệu hết sức cô đọng, hàm súc, giản dị của ca khúc “Dâng hoa”, khiến buổi Lễ thêm long trọng.

Tại buổi Lễ, trên tinh thần tri ân, báo ân của ngày đại lễ Vu Lan –  ngày Chúng Tăng vừa tự tứ, ngày mười phương chư Phật hoan hỷ, và ngày mà toàn thể Tăng Ni đệ tử Phật sắp viên thành một hạ lạp sau những chuổi ngày miệt mài trau dồi huệ mạng, sư cô TN Tịnh Huệ đại diện cho Ni chúng tại điểm cấm túc an cư Ni viện Tịnh Nghiêm dâng lời khánh tuế trước Chư tôn thiền đức Tăng già nhị bộ bằng cả tấm lòng tôn kính và biết ơn trong bầu không khí trang nghiêm, đạo vị.

Tiếp theo, sư cô TN Tịnh Thủy dâng lời hoài niệm Vu Lan trong không khí thật trang nghiêm, ý nghĩa, đã để lại nhiều xúc động trong lòng mọi người trên tinh thần hiếu đạo và hiếu hạnh của người đệ tử Phật. Cho nên, đây là một ngày Lễ hội rất có ý nghĩa, cần phải được bảo tồn và phát triển, phải làm sao để đây trở thành một ngày Lễ hội của quần chúng, nhằm duy trì một nếp sống đạo đức tốt đẹp cho xã hội loài người.

Ngay sau đó là nghi thức “Hoa hồng cài áo”. Trong không gian lắng đọng, các em thanh niên phật tử đã trang nghiêm cài lên ca sa của Chư tôn đức, quý quan khách và toàn thể phật tử những đóa hoa hồng màu vàng biểu trưng cho tình thương thoát tục. Đồng thời, đây còn là dịp để mỗi người phật tử nhớ nghĩ về công lao sinh thành dưỡng dục tựa như trời biển của mẹ cha.

Xen kẽ chương trình, các tiết mục văn nghệ do các ca sĩ phật tử trình bày đã để lại nhiều xúc cảm trong lòng người về tình cha nghĩa mẹ. 

Sau đó là chương trình cúng dường Vu Lan với nghi thức dâng y và cúng dường trai Tăng.

Theo đó, đãi lao Chư tôn đức chứng minh, TT Thích Giác Nhân – Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Tiền Giang ban đạo từ. Thượng tọa đã nêu ý nghĩa quan trọng của việc An cư kiết hạ đối với người xuất gia, trong đó nhấn mạnh Giới luật là trọng tâm của lời Phật dạy cần phải giữ gìn. An cư là điều kiện tốt để Tăng Ni thúc liễm thân tâm trau dồi Tam Vô lậu học. Nhân đây, Thượng tọa phân tích rõ về vấn đề An cư Kiết hạ có 2 phần tự lợi và lợi tha là thế nào. Từ đó nêu bật được ý nghĩa và giá trị đích thực của khóa An cư Kiết hạ.

Đồng thời, Thượng tọa còn tán thán NS TN Tịnh Nghiêm đã thể hiện tâm hiếu hạnh thật sâu sắc với mẫu thân là Sư bà TN Lệ Đức. Ni sư đã thể hiện hạnh hiếu khi cha mẹ còn sinh tiền chứ không đợi cha mẹ mất rồi. Người là tấm gương sáng cho đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia noi theo.

Thật vậy, hiếu đạo là nền tảng, là nhân cách, là đạo đức của một con người. Phật giáo luôn đề cao tinh thần tri ân và báo ân, đề cao lòng hiếu kính của con người. Những giá trị ưu việt đó của Phật giáo vượt trội hơn tất các các tôn giáo khác không chỉ có mặt tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Đức Phật cũng  đã dạy “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Buổi lễ đã kết thúc trong niềm hoan hỷ, và tất cả đã thể hiện bằng tinh thần pháp vị cúng dường trai tăng dâng lên cúng dường chư Phật, và hiện tiền Chư tôn đức Tăng Ni, đồng thời hồi hướng phước báo này hướng về hai đấng sinh thành trong mùa Vu Lan./.