Trang chủ Diễn đàn Tiếp tục sự nghiệp chấn hưng Phật giáo

Tiếp tục sự nghiệp chấn hưng Phật giáo

90

Rất may, cả hai tác phẩm tâm huyết này của ngài đều được xuất bản vào năm 2004. Hai cuốn sách này là tài liệu rất qúy đối với công cuộc chấn hưng hay phát triển Phật giáo hôm nay và mai sau.


Trước khi đi vào nội dung chính của bài viết này, chúng ta cần nhận điṇh lại tình hình Phật giáo và đất nước trong giai đoạn hiện nay. Từ cơ sở nhận định đó mới có thể đề ra chương trình hành động cụ thể cho công cuộc chấn hưng hay phát triển Phật giáo.

I. Nhận định:

1. Về Phật giáo:

Phật giáo Việt nam nói chung, miền Bắc nói riêng, ngày nay rất khác với Phật giáo thời kỳ chấn hưng tức khác với Phật giáo nửa thế kỷ trước đây. Hơn năm mươi năm trước, Phật giáo không có một tổ chức nào ngoài các sơn môn, chùa Quán Sứ có nguy cơ bị xóa sổ, v.v… Còn ngày nay, Phật giáo được thống nhất thành một tổ chức từ trung ương đến các địa phương; chùa Quán sứ-sau hai lần trùng tu- trở nên khang trang, tố hảo, tăng, ni, Phật tử ra vào tấp nập, trở thành văn phòng trung ương của Giáo hội; trung ương có học viện, có viện nghiên cứu; các tỉnh thành đa số đều có các trường Phật học, chùa cảnh được tu bổ, được xây dựng mới ngày càng nhiều; kinh sách được in đầy đủ với nhiều thể loại; Phật tử đi lễ chùa càng ngày càng đông; tăng, ni du học nước ngoài ngày càng nhiều; đặc biệt, năm 2006, Phật đản được UNESCO công nhận là lễ hội thế giới và ở Việt Nam được long trọng cử hành với xe hoa, cờ xí rợp trời, v.v…

Trong bối cảnh phát triển như thế, chắc chắn sẽ có người đặt câu hỏi : “Như vậy thì Phật giáo đã phát triển qúa tốt rồi, cần gì phải đặt vấn đề chấn hưng Phật giáo?” hay “ Nhìn lại vấn đề chấn hưng Phật giáo để làm gì?”v.v… và v.v…

Đúng là Phật giáo có phát triển hơn nửa thế kỷ trước nhiều lắm về mặt hình thức. Chúng ta không nên quên rằng đó là mặt hình thức bởi vì đó là điều ai cũng thấy, ai cũng biết, không thể chối cãi được. Nhưng :” Cái áo không thể làm nên ông thày tu.”. Trong bất cứ một phạm trù nào cũng vậy, hình thức là cần thiết nhưng đó chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa phải là “đủ”. Hình thức là như thế nhưng nội dung như thế nào? Hình thức như thế đã thực sự phản ánh nội dung có thật hay chưa? Hay nói cách khác, có một nội dung tương ứng với hình thức như thế hay chưa? Cho dù có được một nội dung tương ứng với hình thức đã trình bày ở trên nhưng đã thực hiện đầy đủ đề cương chấn hưng Phật giáo mà cố đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải trình bày trong hai tác phẩm vừa kể ở trên chưa? Lại nữa, cho dù Phật giáo ngày nay đã thực hiện đầy đủ đề cương chấn hưng Phật giáo mà cố đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải khởi xướng trong hai tác phẩm của ngài chăng nữa, vấn đề khác lại nẩy sinh. Đó là thời đại mà chúng ta đang sống hoàn toàn khác với thời đại mà cố đại lão Hòa thượng phác thảo chương trình chấn hưng Phật giáo. Nói cách khác, cuộc sống luôn biến chuyển. Phật giáo muốn tồn tại và phát triển như một sinh thể phải luôn luôn định ra hướng đi phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, với sự phát triển của đất nước.

Như trong phần hai trình bày về Chương trình hành động cụ thể, chúng ta sẽ thấy, về mặt nội dung chúng ta chưa đạt được yêu cầu của Phật giáo đương thời chứ chưa nói gì đến những yêu cầu chấn hưng của cố đại lão Hòa thượng hay nhu cầu của dân tộc. Muốn đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của dân tộc cần phải tìm hiểu rõ hiện trạng của đất nước.

2. Về đất nước

Việt nam ngày nay không phải là Việt nam của hơn 50 năm về trước. Việt nam ngày nay đã độc lập, tự chủ, non sông đã liền một dãi, kinh tế phát triển, nhu cầu của đa số người dân ngày nay không phải là cơm no áo ấm mà là ăn ngon mặc đẹp. Với sự mở cửa và sự phát triển của công nghệ thông tin, Việt nam như bước vào một mùa xuân trăm hồng ngàn tía. Nhưng chính mùa xuân đó lại trở thành vấn đề với đối với chúng ta. Mùa xuân, nếu trăm hoa đua nở thì cũng có muôn ngàn cỏ dại chen nhau phát triển : Cũng có hoa thơm nhưng không phải không có trái đắng. Trong lúc mở cửa, hội nhập với thế giới, tất cả các mặt tích cực và tiêu cực đều phá triển song hành. Làm sao để chúng ta nhận định và ngăn chặn được những mặt tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến văn hóa truyền thống của dân tộc là một việc làm không phải đơn giản. Đó là một việc làm rất khó khăn nhưng không phải không thực hiện được.

Hình ảnh Phật Pháp Vân và Phật Bà chùa Hương đã dạy cho chúng ta những bài học thật qúy báu về trách nhiệm bảo vệ truyền thống văn hóa và xa hơn là chủ quyền độc lập của dân tộc. Muốn làm được điều đó, mỗi người Phật tử chúng ta dù tại gia hay xuất gia phải thấy mình có trách nhiệm với dân tộc, phải luôn luôn suy tư, thao thức cho sự tồn vong của dân tộc. Phải xem sự tồn vong của dân tộc chính là sự tồn vong của Phật giáo và ngược lại. Không phải ngẫu nhiên mà ngài Lý Công Uẩn từ hậu trường đi ra để thành lập một triều đại an bình, thịnh trị với những vị minh quân, nhân từ của dân tộc Việt nam. Và cũng không phải chỉ có một mình Thiền sư Vạn Hạnh dấn thân vào công cuộc “Trụ tích trấn vương kỳ” (Chống gậy giữ kinh vua), ấp ủ, xây dựng những bậc hiền tài cho đất nước. Hình tượng Phật Pháp Vân, Phật Bà chùa Hương và nhân vật lịch sử Lý Công Uẩn là kết tinh tinh thần yêu nước, bảo vệ giống nòi của bao thế hệ thiền sư. Từ đó, chúng ta mới thấy trách nhiệm ngày nay của chúng ta đối với dân tộc không phải là nhỏ và không phải là đơn giản.

Từ hai nhận định trên, chúng ta thấy người Phật tử ở bất cứ thời đại nào cũng cần có trách nhiệm đối với Phật giáo và dân tộc, không thể làm người bàng quan đứng ngoài cuộc nhìn bánh xe lịch sử xoay chuyển, phải có ước mơ, phải biết nuôi dưỡng hoài bão và điều quan trọng hơn hết là biết biến ước mơ thành hiện thực. Vì thời gian không cho phép, chúng tôi chỉ xin trình bày đại cương những việc chúng ta cần làm ngay để gọi là kịp thời chấn hưng Phật giáo, phát triển đất nước.

II. Chương trình hành động cụ thể

1. Kinh điển

Ngày nay có rất nhiều kinh sách bằng tiếng Việt được xuất bản nhưng kinh tụng thì đa số tại các chùa đều hành trì âm Hán-Việt. Tụng kinh bằng âm tiếng Hán thì nghe có vẽ linh thiêng và dễ khơi dậy niềm tin nơi người đọc hơn. Nhưng cách tin như thế dễ dàng dẫn đến mê tín. Hơn nữa, đức Phật dạy : Giáo pháp của ngài là đến để mà thấy, đến để mà hiểu chứ không phải đến để mà tin. Người ta có hiểu lời Phật dạy thì mới có thể thực hành được. Việc Việt hóa kinh điển Phật giáo đã được cố đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải thực hiện ngay từ những ngày đầu khi bặ́t tay vào việc chấn hưng Phật giáo. Ngài có soạn quyển Nghi thức tụng niệm và theo ngài thì cho tới năm 1965 đã in được 26.000 quyển. Nghi thức tụng niệm này chắc chắn phải là tiếng Việt chứ không phải là âm Hán như Chư kinh nhật tụng chúng ta đang trì tụng ngày nay. Kinh mà cố đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải dịch sang tiếng Việt đa số là văn vần, nghe như thơ, rất dễ tụng và dễ học thuộc lòng. Công việc Việt hóa kinh tụng hằng ngày như vậy chỉ là tiếp nối công cuộc chấn hưng Phật giáo của hơn nửa thế kỷ trước mà thôi.

2. Trường Phật học

Ngày nay, ở trung ương chúng ta có Học viện Phật giáo, ở các tỉnh, thành phố có các trường cơ bản, trung cấp, cao đẳng Phật học. Tuy có khá đầy đủ những cơ sở giáo dục như thế nhưng chúng ta không thể không nghĩ tới một mô hình hoàn thiện hơn. Ngay các từ ngữ “cơ bản”, “trung cấp”, “cao đẳng” Phật học đã cho thấy rõ sự chắp vá, thiếu đồng bộ trong hệ thống giáo dục Phật học của chúng ta. Tại sao chúng ta không quy định : sơ cấp, trung cấp, cao cấp hay sơ đẳng, trung đẳng, cao đẳng và ba cấp học như thế là 12 năm?

Hệ thống giáo dục hiện nay của chúng ta ra đời trong hoàn cảnh Phật giáo trước đây không có một trường đào tạo tăng ni nào và số lượng tu sĩ cũng ít. Sự ra đời của hệ thống giáo dục như thế là cần thiết và đã đáp ứng được nhu cầu trước mắt của Phật giáo trong giai đoạn đó. Còn ngày nay, hoàn cảnh đã khác, chúng ta cần nghĩ đến mô hình đào tạo chuyên sâu và mang tính tu tập thực nghiệm hơn. Cụ thể là chúng ta cần thành lập các Phật học viện tăng riêng, ni riêng. Tại các Phật học viện này, tăng, ni sinh sẽ ở nội trú, vừa học vừa tu chứ không phải chỉ có tiếp thu kiến thức như ngày nay. Phật giáo là một tôn giáo đặt nặng vấn đề giải thoát tâm linh, vấn đề tu tập của từng cá nhân chứ không phải là một tôn giáo chỉ rao giảng lý thuyết suông. Cần đặt nặng vấn đề tu dưỡng đạo đức, tu tập tâm linh của tăng, ni sinh. Đó chính là xây dựng nền móng, căn bản của Phật giáo.

Tu học tập trung như thế, tăng, ni sinh cũng không bị phan duyên về kinh tế, không bị phan duyên về việc cúng bái, có thể tập trung vào việc tu học. Các tỉnh, thành phố nên thành lập một hay hai trường Phật học trước, không nên chạy theo công thức mỗi tỉnh thành phải có một trường riêng. Các tỉnh, thành phố cùng chung sức xây dựng một trường Phật học sẽ tập trung được nhiều nhân tài, tiết kiệm được kinh phí, tạo sự giao lưu hiểu biết lẫn nhau, nhất là tạo điều kiện tốt cho việc hoằng dương Phật pháp sau này. Phật giáo miền Bắc có một lợi thế mà các nơi khác không có là sự thống nhất từ trung ương đến địa phương : Thống nhất về truyền thống tu tập, thống nhất về hành chánh : không có sự phân phái của các hệ phái. Cần tận dụng lợi thế này để hình thành các Phât học viện nội trú thay thế mô hinh các trường Phật học hiện nay.

3.Tu tập

Phật giáo rõ ràng là một tôn giáo nhưng chúng ta cần phải minh định Phật giáo là tôn giáo như thế nào. Từ đó chúng ta mới có thể đề ra một hướng đi đúng đắn, thích hợp cho Phật giáo. Nói tới tôn giáo, người ta thường đưa ra hai định nghĩa : Một là cứu rỗi, hai là tỉnh thức.

Tôn giáo cứu rỗi là nơi đó, con người tin tưởng một cách tuyệt đối vào vị thần linh, tin tưởng vào quyền năng ban phước, giáng họa của các vị thần linh không những ở đời này mà còn ở đời sau. Và người tu sĩ trong tôn giáo này được xem như là nhân vật trung gian giữa con người và thần linh, giữa van xin và ban phát. Một định nghĩa khác của tôn giáo là sự tỉnh thức. Hay nói cách khác tôn giáo làm cho người tỉnh thức giữa mê mờ, dục vọng, tìm về được con người đích thực của chính mình. Trong tôn giáo tỉnh thức không có thần linh, chỉ có người chỉ đường. Người tu sĩ trong tôn giáo này cũng chỉ là người phụ giúp công việc của người chỉ đường.


Như vậy, khi đức Phật dạy “Như lai chỉ là người chỉ đường, chúng đệ tử hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy nương tựa vào chính mình” thì rõ ràng Phật giáo là tôn giáo của tỉnh thức của sự quay về chính mình. Ngài dạy : Bằng ngọn đuốc trí tuệ hãy đốt cháy tham sân si và hãy thắp sáng thế gian này. Một hình ảnh thật đẹp và là ước vọng muôn đời của nhân loại.

Thế nhưng hiện trạng Phật giáo ngày nay nói lên điều gì? Phật tử ngày nay đến chùa chỉ biết cầu an, cầu siêu, biến Phật giáo thành tôn giáo cứu rỗi, biến vị tu sĩ của một đạo giác ngộ thành người trung gian, nối kết giữa con người và thần thánh, làm tha hóa Phật giáo.

Do đó, như trên đã nói, chúng ta cần biên soạn lại nghi thức tụng niệm bằng tiếng Việt, ngắn gọn để chỉ cần tụng trong vòng 30 phút trở lại. Thời giờ còn lại là để thuyết pháp hoặc hành thiền hoặc niệm Phật nhiều hơn. Như thế, khi xây dựng chùa chiền chúng ta cần xây dựng giảng đường để thuyết pháp, thư viện để truyền bá Phật pháp. Tại Nhật bản, có những tông phái mới ra đời cách nay khoảng một trăm năm như Rissho kosei kai, Shoka gakkai, Yurei kai, v.v… nhưng có tín đồ đông hơn các tông phái chính và tín đồ đa số là thanh thiếu niên. Bởi vì tại các tông phái mới này, ngoài chánh điện ra họ còn chú trọng tới xây dựng giảng đường, và giảng ̣đường (chứ không phải chánh điện) trở thành trung tâm sinh hoạt của tông phái.

Nếu chúng ta không mau chóng nhìn nhận, sửa đổi con đường tu học Phật pháp của Phật tử, Phật giáo chúng ta không thể nào đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Với sự phát triển của xã hội ngày nay, con người nhìn bề ngoài có vẽ hạnh phúc nhưng thực sự chịu áp lực rất nhiều từ xã hội và thường dẫn đến sự khủng hoảng tinh thần, tự sát. Nhật bản là một nước công nghiệp phát triển mà chúng ta thường ngưỡng mộ và mong mõi một ngày nào đó xã hội có một cuộc sống tiện nghi, văn minh như Nhật bản. Nhưng chúng ta đừng quên rằng số người tự tử ở Nhật chiếm kỷ lục một trong những nước cao nhất thế giới : Năm 2004 là 32.325 người, năm 2005 là 34.427 người. Trung bình một ngày có 88 người tự tử. Đó là những gì xẩy ra ở một đất nước mà thiền và Phật giáo đã trở thành xương máu của dân tộc.

Văn minh vật chất càng phát triển, con người càng bị đánh mất mình trong tham vọng, đố kỵ, ý nghĩa sống không còn. Trong trường hợp đó cần phải có phương pháp giúp con người tìm về chính mình, sống với con người thật của chính mình.

4. Từ thiện xã hội

Phật giáo có tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện xã hội như cứu trợ nạn nhân bị thiên tai, xây dựng nhà tình nghĩa, nuôi trẻ mồ côi, giúp đỡ người nghèo, neo đơn,v.v… Nhưng việc làm từ thiện của chúng ta mang tính tự phát, địa phương, không mang tính chiến lược có tổ chức. Chúng ta cần tập trung các nguồn tài, vật lực vào một đầu mối và cần có kế hoạch giúp vốn hay tạo công ăn việc làm cho những gia đình khó khăn nhất là những đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Thông qua việc từ thiện như thế, chúng ta có thể giúp cho đồng bào dân tộc nâng cao đời sống và sự hiểu biết về cuộc sống, bỏ bớt các tập tục mê tín dị đoan. Có như thế thì chúng ta mới tránh được sự lôi kéo của những kẻ xấu, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng hoạt động từ thiện làm mất ổn định đời sống xã hội và cuộc sống yên lành của nhân dân.

5. Chuẩn bị trường đại học Phật giáo

Về lâu về dài, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải chuẩn bị nhân lực, tài lực và vật lực cho một trường đại học (không phải là Học viện Phật giáo) của Phật giáo trong tương lai. Trong một thời gian không xa, Phật giáo cũng như các đoàn thể tư nhân, các tôn giáo khác sẽ được phép thành lập trường đại học. Điều đó chắc chắn sẽ xẩy ra. Cho nên chúng ta cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Nếu chúng ta không có trường đại học thì không thể nào nói là hòa nhập vào dòng chảy của dân tộc, cống hiến cho đất nước được. Song song với việc tìm kiếm cơ sở vật chất, chúng ta cần có sự định hướng và giúp đỡ cho các tăng, ni sinh trẻ có điều kiện du học tất cả các ngành nghề từ khoa học xã hội tới khoa học tự nhiên chứ không phải chỉ có Phật học không. Thời cơ đó sẽ đến, chắc chắn sẽ đến. Nếu chúng ta không nắm được thời cơ thì chúng ta mãi mãi bị tụt hậu, không có cơ hội cống hiến cho đất nước, cho dân tộc và chúng ta sẽ trở thành cái bóng chứ không phải là hình, chỉ là bóng ảo chứ không phải là hình hài thực thê trong dòng chảy sống động của nhân loại.̉.

6. Kế thừa di sản chấn hưng Phật giáo

Cần đề ra chương trình mang tên : Kế thừa di sản chấn hưng Phật giáo. Trước mắt cần tập hợp và xuất bản thư tịch của các bậc long tượng trong giai đoạn chấn hưng như cố đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải, cố đại lão Hòa thượng Thích Tố Liên,v.v… Sau đó, từ những thư tịch, tài liệu này, cần học tập, thảo luận, đề ra hướng đi cho Phật giáo hôm nay và mai sau.

Cố đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải và Thích Tố Liên là những vị long tượng tiêu biểu cho phong trào chấn hưng Phật giáo không phải chỉ riêng miền Bắc mà của cả nước, con người của thế giới. Có một thời gian dài, có nhiều sự cấm đoán, nghi kị, ngộ nhận, hạn chế khắc khe hoạt động của hai ngài. Hôm nay chúng ta không truy cứu lịch sử nhưng cần trả lại cho lịch sử gía trị đích thực của nó, trả lại cho lịch sử những con người đã làm nên lịch sử. Cần hình thành một ban biên tập và xuất bản tác phẩm của hai ngài dưới hình thức toàn tập hay tuyển tập. Từ những tư liệu đó, cần giáo dục cho tăng, ni trẻ gương sáng phụng sự đạo pháp và dân tộc của hai ngài. Đó là trách vụ tri ân và báo ân của chúng ta.

III. Kết luận

Tóm lại, tuy Phật giáo có tổ chức, có trường lớp, có dấu hiệu phát triển hơn trước đây nhiều nhưng chúng ta không nên tự mãn với những thành qủa đó. Cần phải phát triển nội lực đích thực của Phật giáo. Cụ thể là cần xây dựng những trường Phật học nội trú, cần soạn nghi thức tụng niệm đơn giản, dễ hiểu bằng tiếng Việ̣t, cần tổ chức thuyết giảng nhiều hơn, cần tổ chức các khóa tu niệm Phật hoặc hành thiền, cần chuẩn bị sẵn sàng cho một trường đai học của Phật giáo trong tương lai, cần tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội quy mô, hiệu qủa hơn, cuối cùng là cần biên tập và xuất bản các tác phẩm của cố đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải và Thích Tố Liên.
Mong sao những nguyện ước trên sớm thành hiện thực.