Trang chủ PGVN Nhân vật Tiểu sử Cố NT.Thích Đàm Lưu  (1927 – 2020)

Tiểu sử Cố NT.Thích Đàm Lưu  (1927 – 2020)

285

 

  1. Thân thế:

Ni trưởng Thích Đàm Lưu, đạo hiệu: Tinh Cần. Thế danh là Lương Đàm Thanh. Sinh ngày 27 tháng 11 năm 1927 tại thôn La Cao, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình có 5 anh chị em: 1 trai, 4 gái. Thân phụ là cụ ông Lương Văn Khoan, thân mẫu là cụ bà Vũ Thị Tựa hiệu Kiên Trì. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng và tôn kính Phật giáo nên Ni trưởng đã ảnh hưởng sâu sắc hai dòng tư tưởng này để rồi cả cuộc đời Người đã một vai gánh việc đạo, một vai gánh việc đời từ thuở thiếu thời cho đến ngày viên tịch.

  1. Thời kỳ xuất gia tu học:

Năm 13 tuổi, Ni trưởng đã giác ngộ về lẽ nhân sinh thống khổ, thế sự vô thường. Người đã xin song thân đi xuất gia cầu đạo với Sư Trưởng Thích Đàm Loan, trụ trì chùa Đa Cốc, xã Nam Bình, huyện Kiến Xương. Với đức tính siêng năng cần mẫn, tư chất thông minh, năng động và một lòng thiết tha cầu đạo nên thầy nghiệp sư đã cho đăng đàn thụ giới Sa Di vào năm 1946 tại Giới đàn chùa Đa Cốc cùng với cố Ni trưởng Thích Đàm Đoan (chùa Tam Bảo) và cố Ni trưởng Thích Đàm Oanh (chùa Lai Vi) và quý Ni trưởng thời bấy giờ.

Đến năm 1950, trong khoá an cư kiết hạ tại Tổ đình Đa Cốc, Ni trưởng được đăng đàn thụ giới cụ túc. Giới đàn do Sư Tổ Thích Tâm Tịnh làm Hoà Thượng đàn đầu và chư vị Giới sư cao thiền thạc đức trong các sơn môn lớn ở Thái Bình chứng đàn. Từ đây người được dự vào hàng Tăng Bảo, là sứ giả của đức Như Lai với trọng trách “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh”.

Ni trưởng đã được thầy nghiệp sư cho đi tham học nhiều lớp Phật học và thế học thời bấy giờ như lớp chỉnh huấn của Hội Phật giáo cứu quốc tại huyện Thái Ninh năm 1946, lớp chính trị do Hội Phật giáo Trung Ương tổ chức năm 1962 và lớp bồi dưỡng các Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo phía Bắc tại chùa Quán Sứ Hà Nội năm 1969.

III. Quá trình hành đạo:

Ngay từ năm 1945, Ni trưởng đã tham gia hội Phật giáo cứu quốc. Năm 1960, hội Phật giáo Cứu quốc được đổi thành hội Phật giáo Thống Nhất. Ni trưởng được Giáo hội điều chuyển về chùa Thánh Long, phường Kỳ Bá, thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình), phân công làm Uỷ viên Thường trực, kiêm Trưởng Ban Từ thiện của Phật giáo Thái Bình, Phó ban Quản lý trụ sở hội Phật giáo tỉnh, Trưởng Ban Phụ trách thị xã, sau là Trưởng Ban Đại diện Phật giáo thị xã.

Ni trưởng là một bậc uyên thâm giới luật và trì giới tinh nghiêm. Điều này được thể hiện qua đạo phong cốt cách của Người, nhất là đức hạnh cung kính chư Tăng. Vì thế, từ năm 1969, khi được tấn phong làm Ni Sư, Ni trưởng thường được thỉnh mời làm thầy Giới Sư, Yết ma, Giáo thụ A – Xà – lê, Hòa thượng Đàn Đầu trong các Đại Giới đàn của Tỉnh hội tổ chức để trao truyền giới pháp cho cho các giới tử Ni tu học. Hàng năm, vào các khóa an cư do Tỉnh hội tổ chức, Ni trưởng đều được cung thỉnh ngôi Thủ chúng Ni giới để hành giả Ni nương theo tu tập.

Với vai trò của một người trụ trì – sứ giả của Như Lai, Ni trưởng vẫn luôn giữ mình trong phạm hạnh thanh tịnh của người đệ tử Phật. Đối với tự thân thì khắc kỷ, đối với người thì rộng lượng bao dung. Luôn từ bi, khoan hòa, nhã nhặn, đãi nhân, tiếp vật, mẫn niệm độ sinh; Cần cù siêng năng hành trì, lễ niệm, tăng trưởng các hạnh lành, lánh xa các điều ác. Bên cạnh đó Ni trưởng còn giúp tín đồ, nhân dân, Phật tử quy y Tam Bảo, hướng dẫn giảng giải cho nhân dân phật tử địa phương hiểu được chính pháp, hiểu được giáo lý nhân quả biết làm lành lánh ác, góp phần làm cho Phật pháp tại địa phương ngày một hưng long, và thông qua đó giúp đời sống văn hóa đạo đức của nhân dân ngày một Phát triển. Đặc biệt là nhân dân chính quyền và phật tử chùa Thánh Long rất quý mến Ni trưởng, với bản tính hòa nhã, trầm tính đối với người trên kẻ dưới ai cũng thân thiện mến thương, với cả cuộc đời thanh bần giản dị.

Để tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Ni trưởng đã tiếp độ được 15 vị đệ tử xuất gia thụ giới cụ túc trở thành những vị ni chúng trong tăng đoàn.

Trong suốt quá trình hành đạo tại chùa Thánh Long trụ sở của Phật giáo tỉnh Thái Bình, Ni trưởng đã hết lòng cùng với Tăng Ni trong tỉnh và Phật tử địa phương tu bổ sửa sang, tái thiết chùa cảnh ngày một khang trang theo kiến trúc hiện đại để làm nơi cho Tăng Ni an cư kiết hạ và là trung tâm tu học, hoằng pháp của Phật giáo tỉnh Thái Bình.

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ loạn lạc, chiến tranh khốc liệt của thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ trên khắp đất nước. Ni trưởng đã chứng kiến những thành quả cách mạng được dệt bằng máu và nước mắt của đồng bào nhân dân và Phật tử ta. Đau khổ trước nỗi khổ đau của chúng sinh nên ngoài sứ mệnh phụng sự Giáo hội đúng con đường Chính pháp, Ni trưởng vẫn hằng quan tâm đến vấn đề hoà bình đất nước và sự hạnh phúc của toàn dân. Ni trưởng cũng là một trong những người tham gia hội Chữ thập đỏ, hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi của tỉnh Thái Bình cũng như các tổ chức nhân đạo – từ thiện khác.

Từ sau năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ni trưởng vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội ích đạo lợi đời và luôn được các cấp Giáo hội, chính quyền và nhân dân tín nhiệm đã bầu Ni trưởng tham gia: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI; Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XIII, nhiều khóa làm Uỷ viên hội Phụ nữ tỉnh; 02 khoá Hội đồng nhân dân Thị xã và liên tục tham gia các khoá trong HĐND và MTTQ phường Kỳ Bá.

Trải qua trên 80 năm hoạt động cách mạng, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, Ni trưởng luôn nhận được sự quý mến của chư Tăng Ni, đạo hữu Phật tử, các cấp chính quyền và nhân dân gần xa. Do có nhiều công lao đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, Ni trưởng nhận được rất nhiều khen thưởng của các cấp Giáo hội và xã hội: 01 huy hiệu và giấy khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 01 huy chương kháng chiến lâu dài anh hùng dân tộc của Nhà nước; 01 huy chương kháng chiến chống Mỹ  hạng ba.

Ngoài ra, Ni trưởng còn nhận được gần 100 bằng, giấy khen khác nhau của các cấp Giáo hội cũng như của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ ngày khởi nghĩa đến nay như Mặt trận Tổ quốc, hội Nông dân, hội Phụ nữ, chữ Thập đỏ, hội Bảo trợ người tàn tật…

  1. Cuộc sống đời thường của Ni trưởng:

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống giữa đạo với đời, cuộc sống thường nhật của Ni trưởng là một tấm gương cho Ni chúng. Là người có tình thương bao la và đức độ vô biên, Người luôn quan tâm đến mọi người nhất là những người có hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội nên thường động viên Tăng Ni và Phật tử làm nhiều việc từ thiện để chia sẻ động viên với những người có hoàn cảnh khó khăn. Do nghiêm trì Giới luật, lại là người tích cực hoạt động, Ni trưởng cũng rất quan tâm đến oai nghi của Ni chúng tuỳ theo căn cơ và nhân duyên của mỗi người mà dạy bảo khuyến tấn chư Ni tiến tu đạo nghiệp phụng đạo giúp đời.

Cuộc đời của Ni trưởng là cuộc đời hoạt động theo chí nguyện lợi tha, uy đức và tài danh của Ni trưởng khiến nhiều chư Ni và Phật tử trong và ngoài tỉnh đều kính ngưỡng. Đồng thời sự nghiệp hết lòng vì đạo pháp và dân tộc của Ni trưởng sẽ mãi là tấm gương sáng ngời còn lưu lại cho hậu thế.

  1. Thời kỳ lâm bệnh và viên tịch:

Những tưởng trên bước đường phục vụ đạo pháp và chúng sinh, Ni trưởng còn đóng góp nhiều hơn nữa. Nhưng sau một thời gian lâm trọng bệnh, mặc dù đã được sự chăm sóc của các cấp Giáo hội, của sơn môn pháp phái, thân quyến, Phật tử và các y bác sĩ tận tình cứu chữa, do tuổi cao sức yếu, Ni trưởng đã thuận lẽ vô thường an nhiên thu thần thị tịch vào lúc 20 giờ 18, ngày 03 tháng 02 năm 2020. (Tức ngày 10 tháng Giêng năm Canh Tý). Trụ thế: 94 năm – hạ lạp: 62 năm.

“Trút hơi thở cuối nhẹ tợ lông
Trần thế còn chi để bận lòng
Làm đóa sen vàng nơi cõi Phật
Sa Bà hạnh nguyện đã tròn xong”.

Thế là Ni trưởng đã từ bỏ huyễn thân trở về với thế giới Niết Bàn vô chung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Ni trưởng vẫn còn lưu lại thế gian trong tâm tư ký ức của chư Ni, Phật tử nói riêng, các tầng lớp nhân dân Thái Bình nói chung. Xin thành kính tiễn biệt Ni sư.

Nam Mô Tào Động phái Tây Long Bảo Tháp Ma Ha Sa Môn Tỷ Khiêu Ni giới Lương tộc tính Pháp húy Thích Đàm Lưu đạo hiệu Tinh Cần Giác Linh Thiền Tọa hạ thùy từ chứng giám.  

Ảnh: Ban TT-TT PG Thái Bình cung cấp