Trang chủ PGVN Nhân vật Tiểu sử & hành trạng cố Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông...

Tiểu sử & hành trạng cố Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông (Vaṅsarakkhita)

1921

Tại vùng đồng ruộng trù phú, xanh tươi bạt ngàn sông nước thuộc làng Tân An, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc miền Nam, Nam Việt – có một gia đình khá giả là ông Lê Văn Như và bà Đinh Thị Giêng; vào ngày 15 tháng 10 năm 1983 đã xuất sinh một người con trai tên là Lê Văn Giảng – mà sau này trở thành vị khai tổ của Phật giáo Theravāda Việt Nam.

Cũng giống như các gia đình thuộc giai cấp trung lưu thời bấy giờ, ấu thơ, ngài được học Hán văn và Việt ngữ tại quê nhà. Năm 1913, lúc 20 tuổi, sau khi lấy bằng Primaire, ngài phải theo gia đình sang sinh sống tại Nam Vang (Phnôm-Pênh-Campuchia). Tại đây, ngài theo học trường Trung học Sisavatt (Collège-Sisavatt) rồi bị cha mẹ thúc ép lập gia đình với cô Võ Thị Nhung.

Thế rồi, như là “định mệnh”, có vợ con phải nuôi dưỡng, ngài bỏ học, xin làm giáo viên. Bỏ nghề giáo, ngài thi trúng tuyển làm thư ký cho tòa Khâm Sứ. Thấy đồng lương vẫn ít ỏi, bọt bèo, bỏ thư ký, ngài thi đỗ và theo học 4 năm tại trường Cao đẳng Thú y Đông Dương. Từ đây, ngạch công chức lương cao, đời sống ổn định, ngài được thăng tiến mãi nhờ sự cần mẫn và đạo đức nghề nghiệp. Năm 1923, lúc 30 tuổi, ngài đã có đủ tất cả: địa vị, tài sản, chức phận, nhà cửa, có xe và tài xế riêng…

Khi cuộc sống dư dả, sung túc… chính là lúc ngài thao thức, trăn trở về lẽ tử sinh và sự đau khổ của kiếp người nên ngài bắt đầu tu Phật – “tu thôi, tu thôi” – như tiếng gọi kêu từ quá khứ. Thế rồi, ngài nghe theo bạn đạo, ăn chay tháng 4 ngày, 8 ngày… Rồi hơn nữa, mỗi ngày chỉ một bữa chay đạm; ban đầu thì có cơm, nhưng sau chỉ còn rau, trái, củ, quả… mà thôi. Còn nữa, nghe bạn dụ dỗ, ngài ăn cơm lạt với nước sôi, ăn cơm trộn với dấm… Rồi nào là niệm A Di Đà Phật, nhịn đói, luyện đơn, khổ hạnh… với tất cả nỗ lực chuyên cần của một người cư sĩ tại gia; nhưng rồi ngài sớm nhận ra rằng tất cả đấy đều sai lầm… Lại tìm kiếm nữa… Rồi lạy hồng danh 108 lạy, rồi tu thiền diệt dục, rồi niệm Phật Buddho! Buddho!…

Đêm kia, trước giờ hành thiền, niệm Phật xong, chừng mươi phút, ngài chấp tay lên trán, nguyện rằng: “Nếu con không có duyên với Phật Pháp thì hãy để con chết quách cho xong; bằng có duyên tu hành từ kiếp trước, hãy cho con gặp được chánh pháp, có lộ trình tu tập đàng hoàng, có bản đồ chỉ đường không có sai lạc; trước để diệt xan tham, sân si trăm mối khổ cho mình, sau nữa để giúp mọi người cùng tu theo, cùng thoát khổ theo!”. Nguyện xong thấy lặng ngắt, trong ngoài đều lặng lẽ; và hốt nhiên, kỳ diệu thay, trong đầu thoáng hiện ra ba chữ Bát Chánh Đạo! Bàng hoàng quá mà cũng vui mừng quá, ngồi xếp bằng trở lại, ngài suy nghĩ, suy nghĩ…! Và ngài quyết chắc rằng: “Đây đúng là chơn lý như thật rồi! Có lẽ chư thiên linh thiêng, do thấy mình có lòng thành, đã mách bảo đây! Bây giờ, hãy từ ba chữ này mà phanh lần ra, phanh lần ra… không trật đi đâu được!”.

 

Sau đó, nhờ vị trụ trì chùa Phó Vua Sãi giải thích, giải nghĩa ngài mới hiểu Bát Chánh Đạo và tạm thời hiểu luôn cả Tứ Diệu Đế. Hân hoan, vui sướng, ngài đã làm được 2 bài thơ Luật Đường với niêm luật, đối vận chỉn chu…như báo triệu đời sống xuất gia:

Đường Thế Mịt Mù, Trăm Năm Đầy Tội
Cửa Thiền Thanh Tịnh, Muôn Kiếp Nên Duyên

Đường trần sao lắm cuộc bi ai
Thế sự khác nào chốn chông gai
Mịt mịt hơi sầu vòng gác tía
Mù mù gió thảm vẻ cân đai
Trăm lo nghìn liệu gây oan trái
Năm mỏi tháng mòn vướng nghiệp tai
Đầy đủ phước hồng rồi cũng bỏ
Tội trường oan trái khổ liền tay.
Cửa Phật tháng ngày chẳng thảm ai
Thiền môn nào phải chốn chông gai
Thanh sơn đâu quản khanh cùng tướng
Tịnh thất nào hay mão với đai
Muôn thuở an vui hành Bát Chánh
Kiếp trần thong thả lánh tam tai
Nên chăng hỡi khách công hầu gẫm
Duyên kết Niết-bàn được rảnh tay.

Thế rồi, ngài thầm nguyện trong lòng, quyết thoát ly những cám dỗ trần tục. Và, lộ trình Bát Chánh như một quang đạo dẫn dắt ngài sống một đời sống cư sĩ chơn chánh. Ngài đến thư viện hoàng gia nghiên cứu kinh sách tiếng Việt, tiếng Campuchia và cả tiếng Pháp – tìm hiểu sâu và rộng thêm về Bát Chánh Đạo, về Tứ Diệu Đế. Sau đó, với đời sống của người cư sĩ: bố thí, trì giới, tham thiền – ngài cùng với bạn bè, thân hữu cúng dường tứ sự đến tăng chúng; xây dựng trường phật học, trùng tu chùa, tháp, tạo lập liêu, thất, tịnh xá trong rừng sâu cho các vị thọ hạnh đầu-đà chuyên tu thiền quán. Và chính ngài, lúc ấy cũng đã rất nổi tiếng về giới luật thanh tịnh cùng năng lực định thiền.

Tại Campuchia, ngài lập chùa Sùng Phước để hướng dẫn Việt kiều thọ bát quan trai giới. Bấy giờ, chư tăng và thiện tín gọi ngài là A-cha Giảng – tôn kính như là một bậc thầy – với lòng kỉnh mộ và tri ân. Khi chùa dần dần có đông chư tăng và thiện tín, ngài bắt đầu dịch kinh sách ra tiếng Việt, trong đó có Nhựt Hành Cư Sĩ, Kinh Tụng Chư Tăng và bộ Luật Xuất Gia Tóm Tắt – là những dịch phẩm đầu tiên vô cùng quý giá để mọi người cùng nghiên cứu và đọc tụng. Sau này, ngài còn dịch thuật hoặc biên soạn thêm: Kim Ngôn Của Đức Phật. Phép Chánh Định Và Sưu Tập Pháp. Thanh Tịnh Đạo. Chánh Giác Tông (?). Nền Tảng Phật Giáo. Bộ Văn Phạm Pāḷi. Phật Giáo Và Đời Sống Thực Tiễn. Bát Thánh Đạo. Cư Sĩ Vấn Đáp. Tứ Diệu Đế. Thập Độ. Cấp Cô Độc Khuyến Dụ Kinh. Sơn Thiền Tâm. Triết Lý Về Nghiệp.

Khoảng thập niên 1930, ngài và một số bạn đạo đồng tu như cư sĩ Ngô Bảo Hộ (ngài Thiện Luật), cư sĩ Phạm Văn Tông (ngài Bửu Chơn), cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu thường về Sài Gòn thuyết giảng, nhờ thế đã quy tụ đông đảo phật tử hướng về giáo lý uyên nguyên. Một ngôi chùa đầu tiên tại Việt Nam đã được thành lập năm 1938 tại Gò Dưa, Thủ Đức, đó là Tổ đình Bửu Quang ngày nay. Cũng trong năm đó, nhận thấy đã đến lúc không còn thích hợp với đời sống tại gia nữa, ngày Rằm tháng 10 năm 1941, ngài đã thọ đại giới tỳ-kheo với Đức Vua Sãi Chun Nat.

Hàng đầu từ trái sang HT.Thiện Pháp, Trưởng lão Hộ Tông, Trưởng lão Giác Chánh
Ngài Hộ Tông . Ngài Giác Chánh . Ht Thiện Pháp

Năm 1958, ngài cùng với Trưởng Lão Thiện Luật, Trưởng Lão Bửu Chơn, Trưởng Lão Giới Nghiêm, Trưởng Lão Hộ Giác, Trưởng Lão Tịnh Sự, pháp sư Thông Kham và nhiều vị cao tăng thạc đức khác đã đứng ra thành lập Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam; và ngài, là người đầu tiên được tôn cử chức vụ Tăng Thống. Ngài đã cùng với chư tôn Trưởng Lão được sự ủng hộ của đông đảo tín đồ, đã thành lập các chùa như Kỳ Viên, Bàn Cờ năm 1947; Giác Quang, Chợ Lớn năm 1950; Pháp Quang, Gia Định và Bửu Long, Thủ Đức năm 1958; Định Quang, Phi Nôm năm 1963; Bồ Đề, Vũng Tàu năm 1969; Nguyên Thủy, Cát Lái năm 1970.

Thời gian qua đi, khi tuổi đã tuyết sương, ngài vẫn được chư tăng thỉnh cầu đảm nhiệm chức vụ Tăng thống 2 nhiệm kỳ từ năm 1971 đến năm 1974. Và ngài đã giữ vững được con thuyền Giáo Hội giữa cơn phong ba bão táp của thời cuộc lúc bấy giờ.

Năm 80 tuổi, “công thành thân thoái”, ngài lui về ẩn cư tại chùa Bửu Long – ngôi già-lam do chính ngài lập ra – và tại nơi đây ngài đã để lại không biết bao nhiêu là kỷ niệm, nhiều bài học trân quý cho tăng tín đồ noi theo.

Một tuần trước khi ra đi, hằng đêm, thấy ánh sáng lạ xung quanh cốc, ngài mỉm cười biết rằng chư thiên ưu ái viếng thăm và nhắc nhở chuyện sinh tử thường phàm. Để bố thí xả ly lần chót, ngài bảo lấy hết tịnh tài không chừa lại gì, sắm tứ sự, cúng dường đến chư tăng tại 33 ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy miền Nam và miền Trung; tổ chức trai tăng, để bát, thuyết pháp 7 ngày tại Bồ đề Phật cảnh…

Lúc 16 giờ 45 phút ngày 26 tháng 7 năm Tân Dậu (nhằm thứ Ba, ngày 25 tháng 8 năm 1981); ngài bảo sư Bửu Đức – thị giả hầu cận – đọc đoạn kinh Niệm Hơi Thở bằng tiếng Pāḷi, ngài chăm chú lắng nghe rồi an nhiên thị tịch, thọ 88 tuổi.

Lễ trà tỳ được cử hành một cách đơn giản lúc 9 giờ ngày 29 tháng 7 Tân Dậu (thứ sáu ngày 28 tháng 8 năm 1981) tại hỏa đài chùa Bửu Long. Đặc biệt không hẹn mà chư tăng khắp nơi về dự lễ đúng với số tuổi của ngài, là 88 vị! Kim quang được cung tống đến hỏa đài với sự hiện diện của đông đảo chư tăng, tín đồ kính thành cầu nguyện trong không khí vô cùng trọng thể và thiêng liêng.

Trưởng Lão Viên Minh được ngài tín nhiệm di chúc thừa kế chùa Bửu Long đã xúc động cảm tác 4 câu thơ nghe rất nhẹ nhàng mà thâm viễn dường bao:

“Người đi còn lại nụ cười,
Cho yêu thương nối tình người ngàn sau;
Cho cây đơm lá xanh màu,
Cho trăng sáng mãi nhịp cầu thủy chung”.

Các vị đồng phạm hạnh thường nhắc đến những đức tính của ngài mà chỉ những ai có ba-la-mật sâu dày mới có được:

– Ngay thẳng, bộc trực, không thiên vị.
– Giới luật nghiêm minh nhưng bao dung, từ ái.
– Mặc dù có nhiều đồ chúng nhưng ngài lại ưa thích độc cư thiền tịnh.
– Mặc dù dư dả tứ sự cúng dường nhưng ngài lại sống đời dị giản “tam thường bất túc”.
– Bố thí xả ly là hạnh nổi bật nhất.

Với công đức lớn lao, với công hạnh sâu dày và với những đức tính ưu việt như thế, ngài quả xứng đáng là vị Sơ Tổ khai sơn Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam.


Nghiên tầm và viết lại,
tại Ngọa Tùng Am
Chùa Huyền Không Sơn Thượng
An Cư Kiết Hạ, mùa Thu, năm 2020
Tỳ-kheo Giới Đức (Sīlaguṇa Mahāthera)