Trang chủ Diễn đàn ''Tội ác'' Phật giáo Miến Điện? (Bài 2)

''Tội ác'' Phật giáo Miến Điện? (Bài 2)

421

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông bác bỏ cáo buộc về tội ác của Phật giáo Miến Điện. Hình như trên truyền thông đại chúng Phật giáo và mạng xã hội Phật giáo không có ai bác bỏ như ông cả? Ông có thấy điều này là kỳ quặc, lẻ loi, không giống ai. Tội ác đối với người Hồi giáo Rohingya là tội ác mà Liên Hiệp Quốc đã phê phán. Nếu ông bác bỏ, thì hãy chứng minh.

MINH THẠNH: Loạt bài sau đây là nội dung chứng minh của tôi, và từ đó, chúng ta có những điều cần thống nhất với nhau.

Trước hết, chúng ta cần thống nhất với nhau, tên gọi Miến Điện (Burma) hiện nay là không phù hợp, không đúng với quốc hiệu chính thức của nước mà chúng ta đang bàn luận: Cộng hòa Liên bang Myanmar (Republic of the Union of Myanmar).

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đồng ý, gọi là Cộng hòa Liên bang Myanmar, gọi tắt là Myanmar.

MINH THẠNH: Sở dĩ nước này bỏ tên gọi Miến Điện (Burma), vì muốn thể hiện đây là đất nước có nhiều dân tộc, mà dân tộc Bamar chỉ là dân tộc đa số (khoảng 68%).

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Myanmar là một quốc gia có nhiều dân tộc.

MINH THẠNH: Có phải xung đột giữa các dân tộc là xung đột lâu đời ở Myanmar, bùng nổ thành những xung đột vũ trang như xung đột giữa người Bamar (có cách gọi khác là người Miến) với người Karen, hay người Bamar với người Rohingya…?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Xung đột giữa các dân tộc ở Myanmar có rất lâu đời, phát triển thành xung đột vũ trang đổ máu cả ở những phần đất khác nhau, phía Tây, phía Đông…

MINH THẠNH: Người dân tộc Rohingya theo đạo Hồi, ở đây đường phân giới dân tộc và phân giới tôn giáo trùng khít với nhau. Ông có thống nhất được điều này?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Được. Điều này ai cũng biết.

MINH THẠNH: Theo Wikipedia, người theo đạo Phật, chủ yếu là Phật giáo Theravada, ở Myanmar là hơn 87%.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đúng vậy. Người theo đạo Phật là hơn 87% dân số Myanmar. Người dân tộc Bamar chiếm 68%.

Ngoài người Bamar hầu hết theo Phật giáo, sẽ còn một phần dân số các dân tộc khác ở Myanmar theo Phật giáo, và dĩ nhiên là không gồm trong đó người Rohingya.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đồng ý.

MINH THẠNH: Ông có nghe vấn đề người Rohingya ở Myanmar được truyền thông như một vấn đề dân tộc?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có, nhưng ít. Hướng truyền thông áp đảo thể hiện đây là xung đột giữa người Phật giáo và người Hồi giáo.

Người Phật giáo diệt chủng, thanh lọc người Hồi giáo.

MINH THẠNH: Ông có nói đến chỉ trích của Liên Hiệp Quốc, mà nếu tôi nhớ không lầm, là Hội đồng bảo an, không phải Đại hội đồng. Chỉ trích này nhắm vào chính phủ Myanmar, chính phủ thành viên một quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc hay Phật giáo Myanmar?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhằm vào chính phủ Myanmar.

MINH THẠNH: Chúng ta không bàn đến có tội ác hay chưa, nhưng cần xác định đây là xung đột dân tộc hay tôn giáo?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nói sao cũng đúng. Xung đột dân tộc cũng được, xung đột dân tộc cũng được.

Tùy mỗi người.

MINH THẠNH: Chúng ta đã tiếp cận vấn đề. Tùy, nhưng không phải theo ý thích, mà còn là sự tính toán có chủ ý.

Đối với việc không quân Nga không kích ở Syria, người ta có nói là máy bay của người theo đạo Cơ đốc Chính thống ném bom người Hồi giáo không?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Chính quyền Syria thì không nói vậy, nhưng lực lượng IS thì nói vậy và kêu gọi tấn công khủng bố Moskva.

MINH THẠNH: Còn khủng bố của người Hồi giáo ở các nước châu Âu, người ta có nói đó là người Hồi giáo tiêu diệt người Ky tô giáo không?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Phía khủng bố thì nói vậy, họ cắt đầu cha xứ nhà thờ. Còn truyền thông phương Tây tránh đi yếu tố tôn giáo, có nói thì chỉ nói Hồi giáo cực đoan, Hồi giáo quá khích.

MINH THẠNH: Khi ông đặt vấn đề “tội ác” Phật giáo Miến Điện với tôi, ông đã theo cách diễn đạt vấn đề ở Myanmar là xung đột tôn giáo, bỏ qua yếu tố xung đột dân tộc?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Cách nói tội ác của Phật tử đối với người Hồi giáo Rohingya là cách nói phổ biến trên truyền thông, tôi không chủ ý.

MINH THẠNH: Chúng ta đã thống nhất được hướng tiếp cận vấn đề là truyền thông. Không phải vấn đề ở chỗ được gọi là “tội ác” Phật giáo Miến Điện, mà chính là vấn đề truyền thông. “Tội ác” của Phật giáo Miến Điện đó là một sản phẩm truyền thông, theo một chủ ý có tính toán, mà nói đúng hơn là một cuộc tập kích truyền thông vào Phật giáo Myanmar và Phật giáo thế giới.

Cuộc tập kích truyền thông này không dễ để nhận ra, nên người ta cứ nối nhau mà nói Phật giáo Myanmar đàn áp Hồi giáo, Phật giáo Myanmar diệt chủng kéo theo cách nói gián tiếp, tự mình không lựa chọn như ông.

Nhiều lần, cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã chỉ ra, khủng hoảng ở Myanmar là vấn đề truyền thông.

Phật giáo thường không nói đến tập kích truyền thông, không ý thức về những cuộc tập kích truyền thông hướng về mình, nên không làm gì khác ngoài sự im lặng, mà để làm rõ có thể, mượn cách nói của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm từ diễn đàn chùa Giác Ngộ, là chưa trưởng thành. Điều đó đưa Phật giáo từ từ lún vào cuộc khủng hoảng mang tên “tội ác”. Chẳng những Phật giáo Myanmar xung đột Hồi giáo, mà còn giết người, đốt nhà, tàn sát, diệt chủng người Hồi giáo nữa, ghê chưa?

Hướng tiếp cận vấn đề từ truyền thông sẽ là cơ sở cho những cuộc đối thoại tiếp theo.

(còn tiếp)