Trang chủ Diễn đàn Trách nhiệm

Trách nhiệm

97

Cái ‘trách nhiệm’ được nhắc đến nhiều với hai ý nghĩa, thứ nhất nó đi theo trong cụm ‘vô trách nhiệm’, ‘thiếu trách nhiệm’, ‘đổ trách nhiệm’…; thứ hai nó đi theo trong các câu khẩu hiệu nhiều khi trở nên lãnh cảm với người dân: kêu gọi tinh thần trách nhiệm một cách lạm phát trong xã hội. Kêu gọi người làm cán bộ phải thực sự là nô bộc của nhân dân, người làm giáo dục đừng chỉ dừng ở mục tiêu kinh doanh giáo dục, đừng miệt mài chạy theo thành tích và cái đẹp hình thức, kêu gọi mỗi người dân hãy là một tình nguyện viên trong việc giữ gìn môi trường sinh thái… Kêu gọi thì cứ kêu gọi, lên án thì cứ lên án, nhưng dường như v?n không động đến được trái tim và khối óc của con người, khi mặt trái của kinh tế thị trường tác động làm cho con người trở nên ích kỷ và thực dụng một cách thô thiển; các thông tin hàng hóa hàng ngày luôn đạp vào mắt, rót vào tai… và ngôn ngữ quảng cáo tạo nên những giá trị ảo trong mọi ngõ ngách của đời sống, làm cho con người quay cuồng hơn. Chữ trách nhiệm dường như là lời đầu môi chóp lưỡi hơn là tinh thần sống cần phải được thể hiện cụ thể hàng ngày của mỗi người trong các vai trò xã hội của mình.

Dẫu muốn hay không thì mặt trái của kinh tế thị trường cũng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống. Nó như thiên tai, mà thiên tai thì không thể tránh. Phương cách tốt nhất là phòng và khắc phục. Chúng ta phòng nhưng không chống. Phòng và khắc phục để chuyển hóa, tạo sự cân bằng để phát triển.

Với xã hội, phòng là xã hội hóa, làm sống dậy những giá trị sống đạo đức, tâm linh truyền thống được cha ông chúng ta tiếp nhận, thu thập, Việt hóa và đúc kết, được thử nghiệm qua mấy ngàn năm lịch sử, trong nhiều hoàn cảnh và tồn tại cho đến hôm nay. Tìm lại những giá trị căn bản đó để định hướng xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới, lấy nó làm cái gốc của con người Việt. Cái gốc đó chính là đạo Phật và Nho giáo. Khi có những giá trị đó làm gốc, chúng ta sẽ tiếp nhận các luồng tư tưởng khác mà không bị thao túng, mất phương hướng – yếu tố tạo nên sự mất ổn định trong đời sống xã hội. Và khi có nó, trách nhiệm đối với xã hội của con người sẽ tự có; nó tự nhiên như khi tay chạm vào lửa sẽ tự rút lui, con người sẽ không “xả rác” vào xã hội, vì xã hội là môi trường sống của mình. Xã hội ô nhiễm thì mình cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu theo. Con người sẽ có một sự tự điều chỉnh – cơ chế ổn định lâu dài và căn bản từ xưa đến này.

Trách nhiệm thường gắn với các vai trò xã hội của mỗi người trong xã hội. Trách nhiệm là sự tự ý thức. Nói một cách nôm na, trách nhiệm xã hội của người làm giáo dục, làm thầy và làm thầy cho đáng làm thầy. Trách nhiệm xã hội của người học trò là học tập và rèn luyện đạo đức. Trách nhiệm xã hội của người làm cha mẹ là nuôi dưỡng con cái về cả thể chất và tinh thần. Trách nhiệm xã hội của người con đối với cha mẹ là hiếu thảo… Trách nhiệm là tự nguyện, chứ không phải ép buộc. Mà ép buộc làm thế nào được đối với con người. Bởi nếu ép buộc, người ta có thể tỏ ra là có trách nhiệm, nhưng kỳ thực thì không.

Trong đạo Phật, trách nhiệm của người Phật tử không chỉ là những ràng buộc đối với người ngoài qua các vai trò xã hội mà cả đối với bản thân mình. Trách nhiệm trong Phật giáo trước hết là đối với bản thân, mỗi người hãy tự tu dưỡng bản thân, giảm tham, giảm sân, giảm si, rèn luyện để phát sinh và gia tăng trí tuệ, phẩm hạnh; khi trí tuệ càng sáng và phẩm hạnh càng dày thì tâm từ bi sẽ nảy sinh và như thế, tinh thần trách nhiệm sẽ cụ thể và tích cực hơn, có phẩm chất hơn. Ngôn ngữ thông thường trong đạo Phật gọi đó là tự độ và độ tha. Hành động xuất phát từ trách nhiệm như thế không còn là sự ràng buộc mà tự nhiên như cuộc sống, làm việc và cống hiến như là hơi thở chứ không vì một mục đích mưu cầu danh hay lợi. Điều này đã được lịch sử ghi lại, trong hành trạng các thiền sư và sự nghiệp các nhà lãnh đạo Phật tử trong quá khứ, cả những nhà lãnh đạo cao nhất: vua. Có người đã xem ngai vàng như đôi dép bỏ. Làm vua không phải để hưởng thụ, mà đem tài năng của mình ra cống hiến cho đất nước, như vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông… là vua nhưng họ luôn cảnh giác với bản thân mình, luôn sống như một nhà tu. Và họ đã lãnh đạo xây dựng đất nước hưng thịnh một thời: hùng mạnh nhưng lại thuần từ.

Quá khứ luôn là một bài học vô giá trong xây dựng và phát triển. Quá khứ cũng như chiếc gương. Chúng ta soi vào đó để nhận ra mình, nhận ra tính dân tộc còn sót lại trên gương mặt mình, thấy lại bàn chân ‘giao chỉ’, chúng ta soi để biết mình là người Việt Nam cao 1m6, nhưng cũng để thấy những em bé sẽ có thể là Phù Đổng khi đất nước cần đến. Soi gương như thế cũng là trách nhiệm của mỗi con người chúng ta hôm nay.