Trang chủ Tết Việt Du xuân Trải nghiệm “em đi chùa Hương…”

Trải nghiệm “em đi chùa Hương…”

59

Bắt đầu với những địa danh mới tinh trên đường tới Chùa Hương, mà nếu ai nghe qua lần đầu chắc cũng thấy ngạc nhiên như em vì lạ tai như: Vát, Bặt, Tía… Lúc ấy em mới có thể chia sẻ được với đồng nghiệp người Sài Gòn lần đầu tiên ra Hà Nội  khi bạn ấy hỏi em: – Sao Hà Nội có những cái tên… buồn cười thế, cứ lzổn nha lzổn nhzổn”. Chả là bạn ý nói đến những địa danh đã quen tai với người Hà Nội như Diễn, Nhổn, Trôi, Phùng… khi em đưa bạn đi từ Cầu Giấy xuôi theo đường 32 để đến thăm thành cổ Sơn Tây. Giống như em ngày hôm qua cũng đã ngạc nhiên với những địa danh chỉ có 1 âm tiết ở chùa Hương.

 

Đi qua cầu Vân Đình, trải ra trước tầm mắt em là dải đê sông Đáy đẹp như tranh vẽ….Với một bên là đoạn tường bê tông hóa bằng những viên đá xám lục giác ken xít vào nhau,  và nền của nó là bát ngát những rặng tre xen lẫn những hàng cây bạch đàn xanh biếc. Con đường đẹp của Việt Nam với những hàng cây đó trải dài liên tục cho đến Tế Tiêu…

 

Gần tới chùa Hương em lại gặp một con đường đẹp nữa, vẫn là đê sông Đáy trải dài nhiều cây số đến cổng chào vào khu du lịch Chùa Hương. Với hàng lan can sắt được kết nối với nhau bằng những dây xích buông trùng như đưa võng bên hàng dừa soi bóng nước. Khung cảnh thơ mộng đến mức trên đường về chúng em cứ chốc chốc lại dừng lại ngắm cảnh… Đi xuống bậc thang dẫn tới bến sông, em còn có thể với được cả vài cụm lục bình thả trôi lững lờ theo dòng nước.

 

Từ bến thuyền Chùa Hương, thuyền đưa chúng em trôi theo dòng nước đến Đền Trình. Bến Đục ngày xưa xem ra nay đã không thể phục vụ được số lượng du khách năm sau đông hơn năm trước nữa. Dẫu vậy, em vẫn rất ấn tượng với khung cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, xao xác tiếng gọi nhau và bầu không khí tưng bừng, rộn rã sắc Xuân mà không giấy bút nào có thể lột tả hết được. Chỉ biết bỗng dưng thấy lòng mình phấn khởi, rộn ràng giữa mênh mông trời nước.

 

Chốc lát em đã thấy mình thả bước theo từng bậc đá, cúi đầu trước Đền Trình xin phép được vãn cảnh Hương Sơn.

 

Bắt đầu từ Đền Trình xuôi theo dòng suối Yến là điệp trùng núi non, sơn thủy hữu tình như tranh thủy mặc. Những ngọn núi nhấp nhô sương giăng mây mỏng mà em biết được đó là 100 con voi xưa xửa xừa xưa hóa thân thành… Suối Yến nước trong thấy đáy với nhiều loại rong rêu và tảo lục trông tựa dải lụa xanh ngắt, điệp màu với những ruộng lúa đang thì con gái trải dọc đôi bờ. Mỗi cơn gió thổi qua, sóng lúa lại dập dờn cùng sóng nước, xô đuổi nhau mê mải chạy tít về  phía chân núi mờ xa nơi có những rừng cây xanh thật mát mắt…

 

Với tâm tình thơ thới ấy, thuyền em cập bến Thiên Trù.

 

Vào chùa Thiên Trù lễ Phật, rồi em theo đoàn người hành hương leo núi về hướng động Hương Tích- trung tâm của Hương Sơn. Lại càng biết rằng bao giờ đường đến đích cũng gian nan vất vả và thật đáng khâm phục những bậc cao niên đã ở độ tuổi cổ lai hi mà leo núi không hề biết mệt. Vào động Hương Tích, em như tưởng mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh trong bầu không khí mát lạnh vương vấn khói hương với nào Đụn Gạo, Cối Giã, Núi Cô, Núi Cậu, Cây Bạc, Cây Vàng và  Sữa Mẹ quanh năm rỏ xuống không ngừng nghỉ nuôi dưỡng đàn con… Hương Tích thật không hổ danh là Nam thiên đệ nhất động.

 

Giờ em mới hiểu thế nào là Hương Sơn quần thể của đình, đền, chùa, miếu với chùa trong động, động trong chùa kết hợp rất khéo léo khiến cho khách hành hương tưởng như hoàn toàn là “lẽ tự nhiên”. Suối Yến với những nhánh nhỏ đi Long Vân, Tuyết Sơn… vừa như bàn tay con gái vươn những ngón búp măng ôm vòng đồi núi, lại vừa như vành khăn mỏ quạ duyên dáng dưới mỏm núi xanh khiến người ta mê mải như lạc vào cõi Thiền.

 

Này nước này non hòa quyện tuyệt vời trong quần thể Hương Sơn, và đây đó điểm xuyết những rặng tre thoảng nghe tiếng chim hót ríu rít… Thật là một cảnh sắc thoát tục giữa cuộc đời…

 

Để rồi khi chưa tạm biệt Hương Sơn mà em đã thấy lòng lưu luyến, nhưng bỗng dưng lại thấy thêm yêu cuộc đời này…


Theo Dân Trí