Trang chủ Diễn đàn Trao đổi về Trưởng dòng Truyền thừa và Tăng đoàn Drukpa thăm...

Trao đổi về Trưởng dòng Truyền thừa và Tăng đoàn Drukpa thăm Việt Nam

84

Tựu chung lại có các vấn đề được đem ra trao đổi:

         Danh xưng “Đức Pháp vương” được dùng với Ngài Gyalwang Drukpa XII có chính danh không? Và do vậy có phù hợp không?

         Việc đón tiếptrang trí Pháp hội như vậy có tương xứng và phù hợp không?

         Việc tung hô, quỳ lạy, mở giới đàn làm lễ xuất gia như vậy có đúng lề luật không? và v.v.

Đã có bài trả lời phỏng vấn của HT Thích Thiện Tánh trên báo Giác Ngộ, bài của Thầy Thích Thanh Hòa trên Phattuvietnam.net và 1 số bài khác với hàng chục phản hồi ở các góc nhìn khác nhau.

Thiết nghĩ đây là 1 vấn đề không nhỏ, là sự trăn trở của không ít Phật tử, do vậy chúng tôi thiết nghĩ chúng ta nên trao đổi cho rộng đường dư luận. Đồng thời mong muốn Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Phật giáo Quốc tế và các ban Hoằng Pháp, Nghi lễ, Ban HDPT… của GHPGVN sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề này để an lòng quần chúng Phật tử, giữ gìn 2 chữ DÂN TỘC trong phương châm của GHPGVN.

Được biết, trong Đại lễ Vesak khai mạc hôm 8/5/2014 vùa qua tại Bái Đính, có sự hiện diện của Ngài Gyalwang Drukpa XII với sự giới thiệu chính thức từ BTC là: “Ngài Gyalwang Drukpa XII – Trưởng dòng truyền thừa Drukpa Nê – pan”.

Dưới đây, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Phật học Lệ Thọ để bạn đọc có thêm một cái nhìn về vấn đề này. Hy vọng sẽ nhận được các bài viết, các phản hồi của các bạn quan tâm, trên tinh thần kiến hòa đồng giải vì sự hòa hợp, chính danh, chính phận, cởi mở để bình an phát triển của PGVN.

Cư sĩ Huệ Minh – Lê Minh Nghĩa

                 =========================================

Vài dòng tâm sự nhân dịp Tăng đoàn truyền thừa Drukpa viếng thăm Việt Nam

Sự kiện trong Pháp hội 2014, Ngài Gyalwang Drukpa XII, ngài Thuksey Rinpoche và Tăng đoàn truyền thừa Drukpa viếng thăm Việt Nam 2014 từ ngày 04/04/2014 đến ngày 06/05/2014.

Namdruk là thánh địa khởi nguồn dòng truyền thừa. “Druk” theo tiếng Tây Tạng có nghĩa là “Rồng”, cũng có nghĩa là tiếng sấm.

Vào năm 1206, 808 năm trước, Ngài Tsangpa Gyare Yeshe Dorje nhìn thấy điềm lành chín rồng thiêng bay thẳng lên trời từ thánh địa Namdruk liền quyết định đặt tên dòng truyền thừa mệnh danh là “Drukpa” hay “Thiên Long Truyền Thừa”. Theo đó, đức Tsangpa Gyare là bậc sáng lập và được tôn xưng là Gyalwang Drukpa đời thứ I.

Ngài Gyalwang Drukpa XII, từ Nê – pan đến thăm viếng Việt Nam, Ngài đã đem thông điệp yêu thương đến nhân loại và khuyến phát tu tập để được an lành và giải thoát khỏi sinh tử khổ đau.

Có thể thấy rõ, dòng truyền thừa Drukpa cũng là một phần nhỏ của Phật giáo Bắc tông, hay Bắc truyền, có cơ sở chính tại Nê – pan và đang có sự hiện hữu trên đất nước Việt Nam.

Trải qua 2000 năm đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam có đủ 10 tông phái, và Phật tử nói riêng và người dân nói chung không thiếu bất cứ một pháp tu nào, pháp hành nào như các nước Phật giáo trên thế giới.

Thậm chí còn nổi trội hơn về một bộ Phật học Phổ thông, hệ thống giáo lý một cách rõ ràng khúc chiết giáo lý đức Phật, do Hòa thượng Thích Thiện Hoa biên soạn.

Tuy mỗi nơi có điều kiện, nhân duyên và chủng tính con người khác nhau, nên giáo pháp được giảng dạy cũng khác nhau, miễn là khế lý khế cơ, giúp chúng sinh hiểu đúng chính pháp mà tu tập, chứ không phải hình thức thế nào.

Điểm này, trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Tùng Địa Dũng Xuất thứ 15 có đề cập: “Đức Phật không chấp nhận chư Bồ tát phương xa đến giáo hóa, vì chúng sinh ở tại nơi đó cũng có căn tính lanh lẹ, trí tuệ siêu xuất, nên không cần các ông” – Rất thâm thúy, nếu đức Phật chấp nhận, Bồ tát phương xa đến hoằng truyền giáo pháp cho chúng sinh bản địa, tâm sẽ điên đảo pháp tu từ bấy lâu nay. Tự xem thường Phật tính vốn sẵn có của mình, chạy theo ngoại duyên trần cảnh.

Ngoài ra, ở phẩm Diệu Âm thứ 24, đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật bảo ngài Diệu Âm Bồ tát: “Ông chớ có khinh nước Ta-bà sinh lòng tưởng là hạ liệt. Thiện nam tử! Cõi Ta bà kia cao thấp không bằng, các núi đất đá đầy dẫy sự dơ xấu, thân Phật kém nhỏ, các chúng Bồ tát thân hình cũng nhỏ, mà thân của ông cao lớn đến bốn muôn hai nghìn do tuần, thân của ta sáu trăm tám muôn do tuần. Thân của ông tốt đẹp thứ nhất trăm nghìn muôn phước sáng rỡ đẹp lạ, cho nên ông qua chớ khinh nước kia hoặc ở nơi Phật, Bồ tát cùng cõi nước mà sinh lòng tưởng cho là hạ liệt”.

Ngài Gyalwang Drukpa đã đến lần thứ 4. Theo quy tắc Thiền môn, đến nơi nào đó cư trú qua hết ngày thứ 3 là không còn là khách nữa! Phải tu tập hành trì theo trú xứ đó.

Vậy Phật giáo Kim Cương thừa đến bản địa Việt Nam tức là sinh hoạt hành trì theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Làm khác đi, tức là “hiển thị hoặc chúng” [biểu hiện sự mê hoặc quần chúng].

Bởi Mật tông có mặt từ khoảng nửa thế kỷ thứ I đã có mặt ở Việt Nam. Nhưng chưa phát triển được sâu rộng, chứ không phải ở Việt Nam không có Mật tông.

Trong những ngày qua, trên một số kênh thông tin đưa hình ảnh giữa Tăng đoàn truyền thừa Drukpa làm lễ cầu an, lễ Quán Đảnh có Tăng Ni Phật tử Việt Nam tham dự lễ có phần thái quá, với các đại ngôn vô thượng! Hình ảnh các Thầy cầm chai nước vừa đi vừa rải trên đầu đám đông, lấy tượng Phật để lên đầu người tham dự lễ … có phần bi hài.

Truyền thống Phật giáo Việt Nam khiêm tốn giản dị, không cầu kỳ hình thức truyền tải giáo lý đức Phật đến người dân, hòa mình vào sự thăng trầm của dân tộc, nên Phật giáo với dân tộc là một. Xem ra, có phần đi sát với tinh thần Kinh Pháp Hoa đã dạy: “trưởng giả thay đồ hốt phân, bộ dạng đáng sợ để tiếp xúc với đứa con lưu lạc”.

Vì vậy, hầu như chưa có vị nào trong đoàn thể Phật giáo Việt Nam thiết lập chỗ giảng rực rỡ đầy màu sắc và cái chỗ ngồi giảng như một cái ngai, và cũng chưa nghe ai xưng là Pháp Vương cả. Bởi vì danh xưng đó chỉ có đức Phật “Pháp vương vô thượng tôn, tam giới vô luân thất, thiên nhơn chi đạo sư…”

Những biểu hiện Tăng đoàn truyền thừa Drukpa dễ làm lóa mắt, chính vì ý này nên đức Phật dạy rằng: “Phật pháp còn buông bỏ huống hồ là phi pháp”. Cho nên đã là bụi thì giống nhau cho dù đó là mạt vàng đi chăng nữa khi rơi vào mắt cũng bị bệnh giống nhau!

Mong là các vị lãnh đạo GHPGVN quan tâm khi có đoàn Phật giáo các nước đến thăm viếng thì phải đến lễ bái ra mắt các vị Tổ đức và hàng Giáo phẩm lãnh đạo. Đồng thời, Hiến chương đã quy định hàng Giáo phẩm cao nhất của Việt Nam là Hòa thượng. Cho nên các vị lãnh đạo Phật giáo các nước đến thăm viếng cũng phải dùng danh xưng theo Hiến chương.

Các phóng viên báo đài cũng nên tham khảo về qui định của Phật giáo khi đưa tin và hình ảnh để tránh ngộ nhận và sau cùng phân dòng truyền thừa Drukpa tại Việt Nam [Mà Đại diện là các Quý Thầy, Quý Sư Cô đang tu tập hành trì theo dòng Drukpa và các Quý vị đứng ra mời] chịu trách nhiệm và hướng dẫn cho Ngài Gyalwang Drukpa, ngài Thuksey Rinpoche và Tăng đoàn truyền thừa Drukpa viếng thăm Việt Nam theo phong tục tập quánqui định của Giáo hội, nhằm tạo sự đoàn kết hòa hợp như nước với sữa giữa pháp tu trong nước và các tông phái Phật giáo trên thế giới.

Đối với đức Phật, việc hóa giải những bất hòa cũng quan trọng không kém việc xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa những người sống chung trong một đoàn thể.

Theo thiển ý của người viết, sở dĩ đạo Phật đạt được những thành quả như ngày hôm nay. Bởi vì, nét đặc thù về triết lý xã hội của đạo Phật nằm ở chỗ Phật giáo không tồn tại vì cái tự ngã hay cái danh xưng của mình, mà đến với thế giới này là vì hạnh phúc và an lạc cho mọi loài chúng sanh. Nói theo ngôn ngữ của ngài W. Rahula:

Có gì trong một cái tên,

Bạn gọi nó là hoa hồng?

Dù được gọi bất cứ tên gì,

Hoa hồng vẫn đẹp và vẫn ngát hương”.