Trang chủ Bài nổi bật Tri ân người phiên dịch kinh sách

Tri ân người phiên dịch kinh sách

2246
Từ khi còn để chỏm, tôi đã từng đọc Thoát vòng tục lụy, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận… và tụng kinh Mục Liên sám pháp do Hòa thượng phiên dịch. Lúc ấy, tôi chỉ cảm nhận được nội dung các tác phẩm đó có ý nghĩa, giúp mình sáng tỏ được giáo lý đức Phật và làm kim chỉ nam để mình vững chải hơn trên đường đạo, chứ chưa biết thân phận dịch giả thế nào.
….

 

Tôi sinh ra và lớn lên trong thời đất nước không còn chiến tranh loạn lạc, người dân không còn cảnh vợ khóc chồng, cha mẹ khóc con khi lâm cảnh tử biệt sinh ly bởi sức công phá của đạn bom. Song, cảnh đất nước hòa bình không có nghĩa là thế sự không còn đau khổ vì tình cảnh cơm áo gạo tiền khi đất nước đang đà hồi phục sau mấy mươi năm chiến tranh. Và đến tận bây giờ, cũng chưa ai dám chắc chắn rằng ngoài kia thiên hạ thái bình, không còn những mảnh đời bất hạnh. Trong thế giới còn nhiều đau thương, lòng người sợ hãi, thờ ơ, ích kỷ mà có vị chân tu hiện hữu như ngài Quảng Độ cũng mang lại bao an ủi và niềm tin cho người dân vào cuộc sống tốt đẹp tương lai.

Được may mắn khoác chiếc áo nâu sồng làm đệ tử Như Lai và lạm dự vào hàng Tăng bảo, tôi luôn tâm nguyện sẽ thực hiện theo những lời Phật dạy để không uổng phí cho kiếp sống người tu. Luôn kính trọng những người thầy đi trước, nhất là những bậc có tài năng và đức độ, dù quan điểm và thái độ chính trị mỗi người khác nhau, nhưng nếu có ai thực hiện được hạnh nguyện “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” mang lại lợi lạc cho nhân sinh thì tôi đến tận nơi cúi đầu đảnh lễ.

Từ khi còn để chỏm, tôi đã từng đọc Thoát vòng tục lụy, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận… và tụng kinh Mục Liên sám pháp do Hòa thượng phiên dịch. Lúc ấy, tôi chỉ cảm nhận được nội dung các tác phẩm đó có ý nghĩa, giúp mình sáng tỏ được giáo lý đức Phật và làm kim chỉ nam để mình vững chải hơn trên đường đạo, chứ chưa biết thân phận dịch giả thế nào.

Khi làm nghiên cứu sinh tại Hà Nội, tôi cầm trên tay cuốn Từ điển Phật học Hán Việt do Hòa thượng Kim Cương Tử chủ biên, PGS. TS. Nguyễn Tá Nhí (thầy Hướng dẫn luận án tôi, là thành viên biên soạn cuốn từ điển đó) cho biết, Hòa thượng Quảng Độ đã lãm duyệt và đóng góp rất nhiều ý kiến quý báu trong bộ từ điển này khi ngài còn độc cư ở Thái Bình.

Vài dịch phẩm tiêu biểu của HT Quảng Độ. Ảnh: Thư viện Huệ Quang

Sau này, khi bắt đầu công việc phiên dịch kinh sách, thì bộ Phật Quang đại từ điển (8 tập chữ Hán, dịch thành 6 tập chữ Việt 7374 trang) do ngài phiên dịch đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc tra cứu các thuật ngữ Phật học. Trong quá trình sử dụng bộ từ điển này nhiều năm, tôi thầm nhủ, chỉ có đầu óc bách khoa mới có đủ can đảm để phiên dịch trọn vẹn bộ từ điển đồ sộ này. Và từ đó, tôi đã từng nhiều lần muốn đến đảnh lễ Hòa thượng nhưng chưa đủ duyên để thực hiện được tâm nguyện bé nhỏ trong đời tu của mình.

Vào một buổi sáng tháng 6 năm 2019, tôi được đầy đủ duyên lành đến thăm Hòa thượng tại chùa Từ Hiếu. Lúc bấy giờ, Hòa thượng lúc nhớ lúc quên do lão hóa trí não khi bước qua tuổi 92, nhưng ngài đi lại nhanh nhẹn và vẫn còn dung tướng uy nghiêm của bậc đại trượng phu, đĩnh đạc đường hoàng. Ngài mặc bộ vạt hò màu nâu vải thô ngồi trên ghế salon trông giản dị nhưng vẫn hiện rõ dáng mạo vững vàng của dáng ngồi sư tử. Tôi quỳ xuống cúi đầu đảnh lễ sát đất, nhưng ngài ngăn cản: “Thôi, đảnh lễ làm gì, tôi đang mặc áo ngắn không phải phép để nhận thầy lễ lạy!”

Tác giả bên HT Quảng Độ. Ảnh tác giả cung cấp

Tôi nghe theo lời chỉ dạy của ngài và được phép ngồi bên cạnh để hầu chuyện. Khi chị Chung (cháu gọi bằng ông) xin Hòa thượng đọc thơ thì ngài trả lời: “Thơ thì phải ngâm chứ đọc lên thì dễ trở thành thơ thẩn lắm!” Nói xong, ngài cười khá hoan hỷ làm lộ rõ khoảng trống của hai chiếc răng cửa vừa mới rụng. Khi gợi lại bài thơ Dâng mẹ được in trong tập sám văn Mục Liên sám pháp, Hòa thượng đưa tay lên trán suy ngẫm một hồi và bắt đầu đọc, vừa dứt bốn câu đầu:“Bao năm rồi con lưu lạc ngàn phương// Con nhớ mẹ suốt canh trường khắc khoải// Công dưỡng dục mẹ ơi! Sao xiết kể// Công sinh thành, con nghĩ quặn lòng đau” thì ngài bật khóc. Tiếng khóc nức nở như trẻ thơ đang nhớ mong hơi ấm của người mẹ hiền đã rời xa mình trong đêm trường hiu quạnh. Hòa thượng Nguyên Lý đang ngồi nghe, sợ ngài xúc động sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tuổi già nên lái sang câu chuyện khác.

Đạo Phật khuyên dạy người tại gia lẫn xuất gia phải luôn nhớ đến bốn ơn trọng: ơn cha mẹ, ơn sư trưởng, ơn quốc gia và ơn tam bảo. Một tỳ-kheo trẻ đến thăm viếng và đảnh lễ một tỳ-kheo lớn là chuyện rất bình thường, hợp lẽ đạo. Trong nghi thức thiền môn, trước khi tụng kinh, quý thầy thường xướng lễ:

Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,

Cảm ứng đạo giao nan tư nghị…

Đối với tự tánh chân không thì không có chủ thể lễ và đối tượng được lễ. Chủ thể và đối tượng không phải là những gì độc lập nằm ngoài nhau mà chúng có sự tương duyên tương sinh mật thiết. Khi cái ngã của người lễ hòa nhập vào dòng chảy của mười phương chư Phật, chư vị Tổ sư thì sẽ sinh ra năng lượng cảm thông mầu nhiệm giữa chủ thể và đối tượng. Đây là pháp thực tập quán chiếu vi diệu của người tu tập.

Khi Hòa thượng Đỗng Minh sắp viên tịch, ngài cầm tay thị giả và nói: “Tôi cám ơn thầy trong thời gian qua đã lo lắng chăm sóc tấm thân tôi!” Thị giả mỉm cười thưa: “Hòa thượng sao lại cám ơn! Con cận kề Hòa thượng là trách nhiệm của một ông thầy tu nhỏ chăm sóc một ông thầy tu lớn chứ có gì to tát đâu mà Hòa thượng cám ơn!” Rồi cả hai thầy trò hoan hỷ trước giây phút từ biệt nhau.

Người tu Phật khi sử dụng những sản phẩm cuộc đời ban tặng cần phải nhớ niệm tri ân. Chúng ta tri ân bác nông dân chân lấm tay bùn để ta có chén cơm mỗi bữa, tri ân người dệt cửi để ta có áo quần che thân, tri ân các vị lương y bào chế thuốc thang để thân ta kháng lại tật bệnh, và còn nhiều người trong xã hội này, trong thế giới này chúng ta cần phải tri ân.

Tôi trưởng thành được là nhờ tắm gội nhiều thứ ơn nặng mà kinh Phật thường khuyên dạy người tu phải biết ơn và đền ơn. Cha mẹ cho ta hình hài này, thầy tổ đã ban cho ta tri thức để biết đường tà nẻo chính, hoặc trực tiếp khuyên bảo bằng lời, hoặc gián tiếp chỉ dạy qua kinh sách, tất cả đều là kim chỉ nam để ta trưởng thành. Tôi thường tri niệm đến thâm ân của đàn-na thí chủ, thầy cô dạy dỗ tôi nên người, kẻ thân người sơ trong xã hội này đã trợ giúp tôi trưởng thành nhiều phương diện. Khi ta sử dụng bất kỳ sản phẩm nào của cuộc đời này mang tặng thì ta cũng đều phải nhớ ơn. Huống chi, Hòa thượng Quảng Độ đã là người mang thân giáo dạy tôi lúc cận kề ngài; từ nhỏ tôi tụng đọc bao nhiêu kinh điển mà ngài đã phiên dịch để tăng thêm tuệ đức; tôi đã sử dụng chữ nghĩa trong bộ Từ điển đồ sộ mà ngài đã dày công phiên dịch để có công cụ hoằng pháp ngày hôm nay, thì việc đến đảnh lễ Giác linh ngài khi viên tịch trong tình thầy trò đồng tu chẳng có gì trở ngại. Như Bát nhã tâm kinh đã dạy: “Vì không có trở ngại nên không có sợ hãi” mà tôi thường tụng đọc hằng ngày.

Đến đối diện trước linh cữu ngài để ta thấy được vô thường đang hiện hữu, và một lần nữa trong đời ta có cơ hội cảm niệm được ân đức của ngài trước khi tấm thân tứ đại vùi sâu trong biển lửa. Được gặp gỡ Tăng thân trong pháp hội là dịp để cảm nhận chí hướng ta chan hòa cùng chí hướng của chư vị đồng tu. Hòa thượng là người đại diện cho Tăng bảo, mà người đệ tử Phật thì cần phải tôn kính và biết ơn Tăng bảo. Tôi hiện diện ở tang lễ Hòa thượng chỉ để đảnh lễ Tăng bảo và cảm nhận chất liệu tâm linh tu tập suốt cuộc đời phụng sự tha nhân của ngài mà thôi!

Trong cuộc sống hiện đại hóa hôm nay, đôi lúc tâm hồn phác trực của người tu sĩ cũng bị cuốn theo dòng đời lãnh đạm. Dù thế gian người ta có thờ ơ, lạnh nhạt với nhau bao nhiêu đi nữa thì tôi vẫn luôn chắp tay mỉm miệng vái chào để tỏ lòng kính trọng Tăng thân mỗi khi tôi gặp các vị đại đức, sư cô nơi công cộng, như đường phố, sân bay, ga tàu…

Xin khép lại trang giấy này và mở rộng tâm hồn đón nhận tình thương từ các bậc cổ đức.

Thành tâm đảnh lễ và niệm ân Hòa thượng.

                                                         Đà Lạt, tháng 3 năm 2020

                                                      Tỳ-kheo Thích Hoằng Trí