Trang chủ Thời đại Giáo dục “Trường học trong chùa, chùa trong trường học”: cần chuẩn bị những...

“Trường học trong chùa, chùa trong trường học”: cần chuẩn bị những gì?

328

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng, thực ra, mục tiêu “trường học trong chùa, chùa trong trường học” vẫn có thể thực hiện trong mọi hoàn cảnh. Và hiện nay, đã có nhiều “trường học trong chùa, chùa trong trường học”.

Chư vị  tăng ni thường được gọi là những vị thầy. Đó là một xuất phát điểm hết sức thuận lợi cho sự nghiệp giáo dục xã hội.

Từ “sư” trong chữ Hán cũng có nghĩa là thầy. Xã  hội đã đặt quý tăng ni ở vị trí  những nhà giáo. Thế thì lẽ nào chư  vị tăng ni chỉ giới hạn nhiệm vụ của mình trong khuôn khổ Phật học, trong khi giáo dục xã  hội, làm trường trong chùa, đưa chùa vào trường cũng là một phương tiện hoằng pháp. Vì vậy, điều cần chuẩn bị trước tiên là cần phá bỏ  cái giới hạn “thầy chùa”, mà nhắm tới một vị trí rộng lớn hơn, thầy ở chùa cũng là thầy ở trường. Mô hình chùa –  trường, trước hết, cần được xây dựng từ  ở từ những vị sư.

Diễn  đạt một cách khác, chư vị tăng ni trước hết cần xác định trách nhiệm hoằng hóa chánh pháp của mình thông qua hoạt động giáo dục xã hội.

Khi mà  “thầy chùa” cũng là thầy học, thì mô hình chùa trường có thể thực hiện trong mọi hoàn cảnh. Thuận lợi thì quý tăng ni xây dựng những trường đại học quy mô lớn. Chưa thuận lợi thì quý tăng ni có thể mở các lớp tình thương, trường mầm non hay lớp dạy ngoại ngữ bằng những giáo trình Anh ngữ, Nhật ngữ… Phật pháp (dạy ngoại ngữ qua những bài text có nội dung giáo lý). Điều quan trọng là làm sao để tập hợp được thanh thiếu niên đến chùa, để vừa truyền đạt cho các em kiến thức, vừa gieo duyên Phật pháp nơi các em.

Điều chúng tôi trình bày không có gì mới, chỉ là một sự nhắc lại, là công việc bước đầu hệ thống các gợi ý, vì vậy tìm những ví dụ không khó.

Chúng ta nghe nhắc nhiều đến những vị tăng vị ni nuôi trẻ. Điều chắc chắn là nhà chùa không chỉ  nuôi ăn cho các em, mà ắt phải kiêm nhiệm công việc bước đầu truyền đạt kiến thức. Trẻ  được cưu mang, trưởng dưỡng trong chùa chính là những học sinh đầu tiên của trường học trong chùa.

Trường mẫu giáo trong chùa cũng là một mô hình không phải xa lạ. Chẳng hạn, chùa Phước Hải, quận 10, TPHCM có cơ sở 2 nằm ở địa phương nông thôn trên đường công nghiệp hóa ở tỉnh Đồng Nai. Ban đầu chùa mở lớp học tình thương, có rất đông học sinh. Theo đà phát triển kinh tế, hệ thống giáo dục công lập ngày càng hoàn thiện. Vì vậy, học sinh lớp học tình thương ít dần. Nhà chùa theo nguyện vọng của đông đảo phụ huynh Phật tử ở địa phương, vì ngày càng nhiều người được tuyển dụng làm công nhân ở địa phương, cần gởi con vào các lớp mẫu giáo, để cha mẹ rảnh tay đi làm, nhưng không muốn cho con vào “trường bà xơ”, nên đã đứng ra gánh trách nhiệm ở trường mẫu giáo. Các cháu gửi vào chùa bán trú, kinh phí do các bậc phụ huynh đóng góp, vừa được vỡ lòng kiến thức, vừa được vỡ lòng Phật pháp. Trường mẫu giáo, ngôi trường đầu đời, cũng chính là đạo tràng đầu đời của các cháu..

Trong thập niên 1990, khi phong trào học tin học vừa bắt đầu, máy vi tính còn đắt tiền, giá đến hàng ngàn đô, khi đó là xa xỉ phẩm đối với người muốn theo học. Nhiều chùa ở TPHCM đã mở ra những phòng máy vi tính tại chùa, hỗ trợ máy vi tính cho các em học sinh nghèo có nhu cầu học tập. Từ đó, dù muốn dù không, chư vị tăng ni quản lý phòng máy cũng phải trở thành thầy dạy vi tính cho các em. Các em đến chùa học tin học, đến giờ tụng kinh thì đều lên chánh điện hành lễ. Thời đó, vào những ngôi chùa như vậy, dễ nhận ra sự khác biệt: chiếm tỷ lệ cao trong giờ công phu chiều là những khuôn mặt thanh niên thông minh, sáng láng, thay vì những cụ bà như chúng ta vẫn thường thấy.

Chúng tôi cũng có dịp đến thăm chùa Lá, quận Gò Vấp, TPHCM. Chùa nhỏ trong hẻm sâu, đường vào khó đi, nhưng hỏi thăm từ khoảng cách 5-7 km thì ai cũng biết chùa, dù là những người lớn hay trẻ nhỏ. Vì chùa cũng chính là trường dạy ngoại ngữ miễn phí. Đến chùa thì thấy hầu như tất cả phòng ốc đều trở thành lớp học. Chùa lúc nào cũng đông đảo học sinh vào ra, gạch nền mới lót mòn vẹt hẳn vùng ngoài lối đi, cũ đi một cách bất thường.

Đến những ngôi chùa – trường như vậy, chúng ta thấy rõ ngoài yếu tố nhân lực, hoạt động giáo dục xã hội đòi hỏi rất lớn ở cơ sở vật chất. “Trường học trong chùa” thì tất nhiên nhà chùa phải có cơ sở đáp ứng cho nhu cầu không chỉ là một ngôi chùa, mà còn là một ngôi trường. Chuẩn bị cơ sở vật chất cũng không phải là điều có thể chuẩn bị trong một ngày một giờ.

Dù 10 năm sau hoàn cảnh mới thuận lợi để mở trường ở trong chùa, thì cũng cần chuẩn bị cơ sở vật chất từ bây giờ. Dành một khoảng chi phí thích hợp để xây dựng trang bị phòng học trong chùa để sau này triển khai hoạt động hoằng pháp cho giới trẻ thông qua giáo dục, thiết tưởng, cũng bội phần công đức như đúc chuông, tô tượng. Quy hoạch không gian dành cho trường học về sau trong chùa, thiết tưởng, là điều cần phải tính đến hôm nay. Chùa nhỏ, đất hẹp thì việc tận dụng khoảng không, bằng nhà nhiều tầng, là điều cần phải sớm tính đến.

Một trong những cơ sở không thể thiếu được  ở trường học là thư viện. Để xúc tiến mô hình “trường học trong chùa, chùa trong trường học”, bên cạnh phòng học, thư viện là cơ sở vật chất cần phải xây dựng ngay từ bây giờ. Kinh nghiệm cho thấy, để tích lũy sách cho một thư viện phong phú, thời gian mười năm có thể không đáp ứng cho quá trình sưu tập sách. Thư viện tích lũy đến đâu, có thể đưa ra phục vụ ngay khi đó. Khi hoàn cảnh cho phép mở trường trong chùa, các thầy không phải bận tâm đến vấn đề thư viện nữa.

Trước mắt, Giáo hội có thể xây dựng những “trường học trong chùa, chùa trong trường học” mẫu, đưa tăng ni sinh có trình độ học vấn thích hợp lên bục giảng để vừa thực tập giảng dạy, thực tập điều hành, vừa học hỏi kỹ năng quản lý trường học. Đến khi hoàn cảnh cho phép những tăng ni sinh đã qua đào tạo thực tập quản lý cơ sở giáo dục sẽ là những vị hiệu trưởng, hiệu phó đầu tiên cho trường học trong chùa mở ra kịp thời.

MT