Trang chủ Blog chùa TT. Chân Quang giảng về ý nghĩa Hoằng Pháp

TT. Chân Quang giảng về ý nghĩa Hoằng Pháp

273

 

Với chủ đề “Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP”, Thương tọa đã nêu ra định nghĩa, vai trò, ý nghĩa của công việc hoằng pháp. Đồng thời, Người cũng chỉ ra những tố chất, yêu cầu cần có của một người hoằng pháp. Nhờ vậy, các phật tử biết được vai trò của mình trong việc giữ gìn và đưa đạo lý đến với những người xung quanh. Từ đó, cố gắng rèn luyện kỹ năng, tu tập tinh tấn, đạo đức gương mẫu, để trở thành một người hoằng pháp giỏi, đem lại an vui, hạnh phúc đến với mọi người.

Trong tiết trời xuân ấm áp, Thượng tọa đã gửi tặng các phật tử một bài thơ chúc tết trước khi đi vào bài giảng.

Về đây vui với núi rừng

Nghe hương xuân đến theo từng bước chân

Nhẹ nhàng mỗi tiếng chuông ngân

Khiến người quên cảnh hồng trần gian truân

Hôm nay chùa cũng vào xuân

Hoa khoe sắc đón trẻ gần người xa

Về đây quỳ dưới Phật đà

Như quay về với ngôi nhà tình thâm

Gặp nhau nhắn nhủ đầu năm

Cầu cho gia quyến thân tâm an lành

Lộc tài luôn phát được nhanh

Không quên làm phước để giành hậu lai

Nội tâm thanh lọc đêm ngày

Siêng tu để được Như Lai độ trì.

Nói về khái niệm hoằng pháp, Thượng tọa định nghĩa “Hoằng pháp là việc ta đem giáo lí đến cho mọi người”, và tất cả mọi người đều có bổn phận đem giáo lí đến cho người xung quanh, chứ không phải chỉ có quý Thầy Giảng sư.

Người có thể hoằng pháp là người phải đi qua nhiều kiếp, có công đức rất lớn để có thể thuyết phục người khác lắng nghe, yêu mến mình. Vì vậy, hoằng pháp có rất nhiều cấp độ, rất nhiều hạng người. Ta sống là ta phải hoằng pháp, dù là ở cấp độ nào, vì sống là để tu và tu để sống, tức tu để sống cho đúng và sống cho đúng để tu. Ta sống là ta phụng sự mọi người nhưng không phải phụng sự để cho mọi người mải mê ăn chơi mà là giúp mọi người lo tu, đó mới là phụng sự chân chính.

Hệ quả của việc “Phụng sự chân chính” là ta vừa giúp mọi người có phước và cũng vừa tích phước cho mình. Qua đó, Thượng tọa nhắc nhở tất cả phật tử phải xác định mục tiêu phấn đấu trong kiếp này và vô lượng kiếp sau là phải giúp mọi người, giúp cả bản thân mình tu cho tốt, để ai cũng trở thành Thánh, ai cũng được giải thoát giác ngộ, bước một bước mới trên con đường tiến hóa của vũ trụ.

Mà để thực hiện được mục tiêu đó thì công việc hoằng pháp rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đứng lên trên bục giảng để giảng đạo lí cho mọi người, vì người đứng được trên đó phải là người đi qua ít nhất 200 kiếp tu hành và gieo hàng nghìn nhân lành. Vì vậy, cơ hội đứng trên giảng đường của các phật tử gần như là không có. Tuy nhiên, mọi người vẫn có thể đem giáo lí đến cho người khác bằng nhiều cách khác, chẳng hạn: mời người khác cùng đi nghe pháp; giới thiệu lịch giảng pháp cho nhiều người cùng biết; giới thiệu các kênh thông tin có các bài giảng Pháp; tặng băng đĩa, sách báo cho mọi người, v.v…

Mục đích của việc hoằng pháp rất tốt đẹp nhưng động thái hoằng pháp phải êm thấm, nhã nhặn chứ không được cưỡng bách, vì đạo lí mang sắc thái rất yên bình, sâu lắng, vẫn luôn có sức hút với nhiều người, tuyệt đối không có màu sắc của bạo lực. Để củng cố và làm phong phú thêm quan điểm này, Thượng tọa làm phép so sánh giữa khái niệm về người hoằng pháp và người hộ pháp là thế nào, vì hai công việc này ngược hẳn nhau cả về thái độ và phương pháp thực hiện.

Tiếp theo, Thượng tọa gợi mở, liệt kê ra một số kỷ năng hoằng pháp đi kèm với nhiều ví dụ, được rút ra từ nếp sống hằng ngày của quần chúng phật tử, nhằm giúp cho người học dễ hiểu, dễ nhớ. Chẳng hạn, với những người dù nói ngon ngọt cũng không đi nghe pháp, không xem băng đĩa, không đọc sách thì ta phải trực tiếp nói đạo lí với họ, phải tìm những tình huống thực tế để lồng đạo lí vào, phải canh tất cả các cơ hội để nói. Tuy nhiên, khi ta trực tiếp đưa đạo lí đến với mọi người thì có một điều kiện rất khắt khe là nhân cách ta phải hoàn thiện, sống phải tốt, phải gương mẫu đạo đức.

Nhân đây, Thượng tọa cũng nói về nhân quả của một người sống đạo đức gương mẫu, luôn tìm mọi cách đưa đạo lí đến với người khác. Đồng thời nhấn mạnh việc tu cũng không phải dễ, nó phải trải qua rất nhiều gian nan, thử thách mới tiến sâu hơn được vào con đường giải thoát giác ngộ. Người vào chùa quy y, quyết tâm tu tập thì phải vượt qua được hai điều, đó là cám dỗ ngọt ngào cùng nghịch cảnh đắng cay. Và Thượng tọa đã phân tích tỉ mỉ về quan điểm này, đi kèm với các câu trắc nghiệm thăm dò, xem mọi người đã thực sự hiểu rõ điều Người tuyên giảng chưa. Nếu nhìn thấy hội chúng còn nhiều người mơ hồ thì Thượng tọa lập đi lập lại những khái niệm quan trọng đó cho đến khi thấy gương mặt mọi người dãn ra, nhẹ nhàng, chứng tỏ họ hiểu rồi thì mới thôi. Đó là lý do mà các bài giảng của Thượng tọa luôn thuyết phục người nghe từ giới bình dân cho đến người trí thức.

Ngoài ra, để hiểu được sự khó khăn của người làm công tác hoằng pháp, Thượng tọa ví von “Người làm công việc hoằng pháp giống như làm dâu trăm họ vậy”. Người giải thích rõ rằng khi mình sống đạo đức, đem đạo lí đến cho mọi người thì có rất nhiều điều chực chờ ta: có khen, có chê, có sự lợi dụng, có sự cám dỗ của tình cảm, thậm chí còn bị mưu hại. Vì vậy, Thượng tọa nhắc nhở những ai làm công việc hoằng pháp, gánh lên vai trách nhiệm làm sứ giả của Phật thì phải chuẩn bị tâm lí để vượt qua hết những chông gai, thử thách đó, giữ vững lí tưởng sống cao đẹp là đem đạo lí đến cho mọi người. Tương tự, nhận xét về nhiệm vụ hoằng pháp, cố HT Thích Thiện Hoa cũng đã nói “Người hoằng pháp không sợ gian lao, không từ khó nhọc” là vậy.

Lại nữa, TT Thích Chân Quang cho rằng người mà biết đạo lí rồi thì không còn con đường nào khác ngoài con đường hoằng pháp. Con đường này tuy có rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng nó cũng có nhân quả rất lớn. Khi ta giúp người khác tiến tu thì bản thân ta cũng dễ tiến tu. Càng tu tiến thì ta độ người càng hiệu quả. Đến một kiếp nào đó, nhân quả đến với ta, ta trở thành người xuất gia, là một vị hòa thượng, hay thượng tọa với số lượng đệ tử rất đông.

Cuối cùng, Thượng tọa nhấn mạnh lại vai trò quan trọng của công tác hoằng pháp. Đây là công việc hỗ trợ, giúp cho quá trình tu tập của bản thân và mọi người xung quanh được thăng tiến. Việc truyền đạo lí không chỉ thay đổi cách nghĩ, cách làm của những người xunh quanh mà nó cũng làm cho bản thân mình tốt lên. Ai nghe, hiểu và thực hiện được công việc hoằng pháp thì duyên lành rất lớn.

Trong rất nhiều bài giảng trước đó, Thượng tọa đã nhắc đến 2 từ “Hoằng pháp” rất nhiều. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Người thuyết một bài giảng chi tiết, tỉ mỉ về công việc này cho các phật tử nắm vững về kỹ năng hoằng pháp. Thông qua những ví dụ minh họa, những cách ví von dí dỏm, những so sánh thú vị, sử dụng ngôn từ chính xác, câu cú logic, ngắn gọn, đơn giản, bài Pháp thoại đã giúp các phật tử hiểu rõ hơn về ý nghĩa cao đẹp mà công việc hoằng pháp mang lại. Đồng thời, mọi người cũng tự nhận ra trách nhiệm của mình đối với công tác hoằng pháp trong thời đại mới. Từ đó, có sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với công việc cao quý ấy. Quả thật, Thượng tọa Giảng sư thật xứng đáng là người làm sứ mệnh giáo hóa đã biết cách hóa độ người cư sĩ hộ trì chánh pháp./.