Trang chủ Thời đại Hoằng pháp TT Minh Thiện nói về “thuyết pháp ngắn”

TT Minh Thiện nói về “thuyết pháp ngắn”

134

Dưới đây là bài phỏng vấn mà Thượng tọa dành cho Phattuvietnam.net nói về thuyết pháp ngắn, việc mà Thượng tọa hết sức cổ xúy và tự ứng dụng rất có kết quả trong hoạt động hoằng pháp.

Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, xin Thượng tọa cho biết thế nào là thuyết pháp ngắn?

TT Thích Minh Thiện: Nói thuyết pháp ngắn là để phân biệt với thuyết pháp thông thường, có thời lượng kéo vài chục phút đến có thể qua nhiều giờ. Nói về thuyết pháp ngắn trọng tâm không phải ở vấn đề thời lượng, mà là ở hoàn cảnh thuyết pháp. Thuyết pháp ngắn là thuyết pháp trong những trường hợp trước đây không thể thuyết pháp, mà chỉ tụng kinh, lễ bái chẳng hạn.

Như vậy, thuyết pháp ngắn là việc ứng xử tùy duyên trong hoằng pháp, với tinh thần thuyết được Phật pháp một câu là tốt một câu.

Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, như vậy trong hoàn cảnh nào thì có thể thuyết pháp ngắn.

TT Thích Minh Thiện: Trong mọi hoàn cảnh, nếu có được sự trang nghiêm, thanh tịnh cần thiết để thuyết pháp, thì cần tranh thủ để thuyết pháp ngắn.

Trong thực tế, có thể phân chia thành 2 nhóm trường hợp như sau:

–  Chuyển một phần thời gian dùng cho các khóa lễ có Phật tử tham dự để thuyết pháp.

Tranh thủ thời gian có mặt đông đảo Phật tử để thuyết pháp.

Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, xin thượng tọa nói rõ hơn về việc chuyển một phần thời gian dùng cho các khóa lễ có Phật tử tham dự để thuyết pháp.

TT Thích Minh Thiện: Vấn đề đặt ra cho thuyết pháp ngắn là có được thời giờ dành cho thuyết pháp. Muốn có được thời gian thuyết pháp, thay vì tụng kinh, lễ bái trong các lễ mà Phật tử cung thỉnh chư tăng, chúng tôi dành thời gian cho thuyết pháp có thể kể đến lễ cầu an, lễ hằng thuận, lễ mừng thọ, lễ giỗ, lễ cúng thất, lễ tang… Thời lượng được cân đối lại, thường là phân nửa dùng cho nghi lễ, phân nữa dùng để thuyết pháp.

Tùy theo cuộc lễ mà sẽ có bài thuyết pháp ngắn thích hợp. Thí dụ, trong lễ cầu an thì thuyết giảng về Kinh Phước Đức, lễ cưới thì thuyết giảng về Kinh Thiện Sanh, Lễ cúng thất thì thuyết giảng về luân hồi, nhân quả, nghiệp báo…

Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, còn việc tranh thủ thời gian Phật tử có mặt để thuyết pháp thì sao?

TT Thích Minh Thiện: Đây nói về những trường hợp còn lại, ngoài việc chuyển thời gian các khóa lễ Phật tử cung thỉnh chư tăng để thuyết pháp. Những trường hợp còn lại rất đa dạng. Có thể đó là trong một cuộc hành hương, hay nhân dịp có nhiều Phật tử vấn an thầy… Có khi chỉ là vài ba Phật tử, nhưng có đủ trang nghiêm, thanh tịnh là đủ nhân duyên thành tựu một bài thuyết pháp ngắn.

Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, theo Thượng tọa, những gì cần chú ý khi thuyết pháp ngắn?

TT Thích Minh Thiện: Trước hết, điều tất nhiên là người thuyết pháp phải có trình độ Phật học, bài thuyết pháp đã được chuẩn bị sẵn hoàn chỉnh trong đầu người thuyết pháp.

Cần phải chú ý đến đối tượng nghe pháp. Có thể đối tượng nghe pháp rất khác biệt, có sự chênh lệch lớn đối với trình độ kiến thức Phật học. Đôi khi, trong một số trường hợp, còn có người theo các tôn giáo khác, như thân hữu của gia đình dự lễ hằng thuận, lễ chúc thọ… chẳng hạn. Như vậy, cần tránh những từ ngữ Phật học Hán Việt khó hiểu, tránh đi vào những vấn đề quá thâm sâu, mà chỉ nên trình bày thật đơn giản, dễ hiểu các vấn đề Phật học thiết thực trong đời sống. Kinh nghiệm riêng của tôi là nên tham khảo, vận dụng nội dung và cách thể hiện các bài thuyết pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Thanh Từ.

Về phía Phật tử, nên động viên khơi gợi ở họ tinh thần cầu pháp, trang nghiêm thanh tịnh khi nghe pháp. Điều cốt yếu là hoàn cảnh thuyết pháp có đa dạng như thế nào, thì vẫn phải giữ được chất lượng của buổi thuyết pháp, phải giữ được sự tập trung, chú ý của người nghe pháp.

Người thuyết pháp cũng cần hướng tới những mục tiêu cụ thể, như khuyến hóa thọ Tam Quy, Ngũ giới, tu Thập Thiện nghiệp, Tu Bát Chánh đạo…

Thuyết pháp ngắn, như chính trong cụm từ này, trước hết là sự ràng buộc về thời lượng. Vì vậy, nội dung thuyết pháp cần phải cô động, súc tích, ngắn gọn mà tập trung, tạo được ấn tượng ở người nghe.

Trong một số trường hợp, nên chú ý lắng nghe từ cử tọa, xét xem họ đang quan tâm tới việc gì, cần muốn nghe những điều gì… mà thuyết pháp theo yêu cầu của họ. Có khi không chờ người nghe pháp đặt câu hỏi, mà người thuyết pháp phải chú ý, khơi gợi, tìm hiểu, phát hiện.

Thời lượng buổi thuyết pháp ngắn, rất linh động, có thể từ 5 – 7 phút đến 10 – 15 phút tùy theo hoàn cảnh. Xác định thời lượng buổi thuyết pháp ngắn cũng là điều cần chú ý. Tranh thủ được thời gian thuyết pháp thì rất cần, nhưng cũng vừa phải, phù hợp với hoàn cảnh, giữ được sự tập trung, chú ý của người nghe. Hoàn cảnh cho phép thuyết pháp đến đâu thì thuyết pháp đến đó, không máy móc chạy theo thời lượng mà ảnh hưởng chất lượng buổi thuyết pháp.

Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, theo Thượng tọa, thuyết pháp ngắn đem lại kết quả ra sao?

TT Thích Minh Thiện: Chuyển tải lời Phật dạy với sự phù hợp hoàn cảnh, tất nhiên, sẽ đem kết quả rất tốt.

Thầy đã gặp nhiều trường hợp sau khi nghe thuyết pháp ngắn đã phát tâm quy y Tam Bảo, thọ giới.

Điều giá trị ở thuyết pháp ngắn là đưa Pháp bảo ứng dụng vào những hoàn cảnh cụ thể, phù hợp với tâm tư người nghe pháp lúc đó. Hội chứng thuyết pháp ngắn thường nhỏ, nên nếu quan tâm đến tâm tư suy nghĩ từng người nghe cụ thể, thì hiệu quả việc thuyết pháp thường rất cao. Người nghe pháp cảm thấy được Phật pháp soi sáng cho mình rất nhiều.

Vì thuyết pháp cho một cử tọa ít người, người thuyết pháp cũng dễ cảm nhận hiệu quả bài thuyết pháp của mình ở từng người nghe cụ thể.

Thuyết pháp ngắn, tuy có thể nói là chỉ ở quy mô nhỏ, nhưng tác động của nó không hề nhỏ.

Phatttuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, xin chân thành cảm ơn Thượng tọa đã dành cho cuộc phỏng vấn.

MT