Trang chủ Blog chùa TT. Thích Chân Quang giảng đề tài ''Bảo hộ công phu tu...

TT. Thích Chân Quang giảng đề tài ''Bảo hộ công phu tu tập''

123

Bài Pháp thoại chỉ điểm cho các phật tử thấy được mục tiêu cao thượng nhất trong hoạt động tu học của người con Phật, đó là hướng tới vô ngã. Đồng thời, Thượng tọa cũng hướng dẫn cho Hội chúng những phương pháp giúp bảo vệ, nuôi dưỡng công phu tu tập. Nhờ đó, mọi người có được con đường tu tập đúng đắn, Vì có hiểu biết đúng đắn, chơn chánh ta mới có thể thực hành lời Phật dạy đúng được, và kiên trì theo đuổi cho tới khi đạt đến vô ngã vị tha, để cuối cùng trở thành bậc giác ngộ. 


Vào đầu bài Pháp thoại, nói về ý nghĩa tu hành Thượng tọa cho rằng: Nếu trong tâm ta còn ý niệm đi tìm hạnh phúc thì tức là có ý hưởng thụ. Khi ấy bản ngã vẫn còn chỗ để bám víu và đường về vô ngã sẽ bị ngăn ngại. Đó là lý do mà Người luôn căn dặn các đệ tử của mình phải sống đời hi sinh, không bao giờ được có cái ý đi tìm hạnh phúc cho bản thân. 

Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, chuẩn bị ý chí đi qua rất nhiều kiếp vất vả như vậy. Và trong những kiếp đó, bên cạnh sống đời vị tha rộng lớn, ta còn phải nuôi dưỡng công phu tu tập không ngưng nghỉ. Công phu tu tập gồm những gì? Rất nhiều, cũng như nhiều cánh cửa mở ra để đón chúng sinh vào ngôi nhà của đạo. Tuy nhiên, đỉnh cao vẫn là thiền định. Chỉ khi đi vào bằng cánh cửa của thiền thì chúng ta mới lọt được vào đại sảnh, vào cốt lõi của đạo Phật. 


Thực tế phải là người rất có thiện căn thì mới chịu đựng được cái tê đau, mỏi mệt, vọng tưởng liên miên mà vẫn không bỏ thiền. Đó là người đã có tu từ nhiều kiếp trước, đã từng phát những lời nguyện lớn lao. Cho nên những ai đã bắt chân ngồi thiền được rồi thì phải biết rằng đó là nhân duyên từ nhiều đời nhiều kiếp của mình, đừng phục bạc nhân duyên này. 

Và trên con đường đằng đẵng đó nếu không có một phương pháp để bảo hộ công phu tu tập thì có khi ta gãy đổ giữa đường, có khi ta lạc bước rẽ sang một nhánh khác, không còn hướng về mục tiêu giác ngộ giải thoát cuối cùng. Phải hết sức khôn khéo, tinh tế, cẩn thận, kiên trì ta mới bảo hộ được công phu tu tập không chỉ cho kiếp này mà còn cho cả những kiếp sau. Vậy những yếu tố nào giúp bảo hộ công phu tu tập? 


– Yếu tố thứ nhất là “lý tưởng tu hành”, hay còn gọi là đạo tâm kiên cố.

Đạo tâm kiên cố đầu tiên là niềm tin sắt son, sự thương kính tuyệt đối với Đức Phật. Trong ‘kính’ có ‘thương’, Đức Phật với chúng ta vừa cao xa vời vợi như ngọn thái sơn, vừa thân thương gần gũi như người cha người mẹ. Tình cảm thương kính với Đức Phật là yếu tố đầu tiên của đạo tâm. 

Tiếp theo là quyết tâm thực hành lời Phật dạy. Đồng thời, ta cũng phải xác định được mục đích vô ngã tối thượng. Chúng ta biết rằng trong khi hầu hết các tôn giáo khác đều dạy cho con người nắm víu bản ngã, tức là hứa hẹn sự hạnh phúc, sung sướng ở thế giới bên kia thì chỉ đạo Phật dạy cho chúng sinh tu cho đến khi cái “ta” cũng không còn, huống hồ là “cái của ta” như tài sản, thân xác, những người thân yêu, v.v… 

Thậm chí hạnh phúc cũng không phải của ta. Thật ra tất cả chúng sinh đều thèm khát hạnh phúc, thèm khát được hưởng thụ, chỉ trong đạo Phật lại khuyên người ta không được tìm hạnh phúc, không hưởng thụ, mà phải đi về nơi không còn là chính mình, hay còn gọi là “vô ngã”. Thế gian không mấy người hiểu được điều lạ lùng này. 

Nếu ai xác định được mục tiêu vô ngã, người đó đã đi vào cái lõi của đạo Phật. Bằng không, dù có học trăm kinh nghìn quyển thì vẫn xem như chưa hiểu gì về đạo Phật. Và chỉ khi xác định, giữ lấy mục tiêu vô ngã này thì ta mới gọi là có lý tưởng tu hành, mới bảo hộ được công phu tu tập của mình đi qua nhiều kiếp. 


– Yếu tố thứ hai giúp bảo hộ công phu tu tập là “làm phước”, làm phước mãi.

Thực tế nếu hết phước, chúng ta sẽ lập tức nghĩ bậy, làm bậy ngay. Đặt trường hợp một người dù có bị giết vì nghĩ sai, họ cũng chẳng thể suy nghĩ lại cho đúng được. Khủng khiếp như vậy, cái phước chi phối vào từng ngóc ngách trong tâm hồn chúng sinh. Khi tổn phước, người ta sẽ lập tức suy nghĩ lung tung bậy bạ, đừng nói đến việc giữ lý tưởng tu hành, giữ đạo tâm kiên cố.

Ngày nào ta còn đạo tâm, còn hướng về sự tu tập, còn yêu kính Phật, yêu kính Pháp, yêu kính chư Tăng là ngày đó ta còn phước. Nếu vì lý do gì đó mà phước tổn trầm trọng thì khi ấy đạo tâm cũng mất, công phu tu tập không còn. Vì vậy ta phải làm phước mãi, không bỏ qua điều phước nhỏ dù chỉ bằng hạt bụi. 

– Yếu tố thứ ba là được “Tam Bảo hộ niệm”, tức là giữ gìn những ý niệm bí mật trong tâm. Có người nghĩ sai rồi làm bậy, cũng có người nghĩ sai nhưng hồi tâm tỉnh ngộ lại, bởi người này được Tam Bảo hộ niệm. Tất cả chúng ta đều như vậy, trừ người có ác nghiệp quá nhiều, còn lại nếu ai có lòng kính Phật, thường lễ kính Phật thì luôn được sức thần gia hộ của Tam Bảo. Nhờ vậy ta không nghĩ bậy rồi rẽ nhánh lung tung, và vẫn còn đi đúng con đường tu tập.


Cho nên đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà không có thời lễ Phật, trừ khi hôm đó ta không đi nổi, hoặc bán thân bất toại thì phải nằm mà niệm Phật thôi. Như Ngài Phổ Hiền Bồ tát là một đại Bồ tát mà công hạnh hàng đầu của Ngài vẫn là lễ kính chư Phật. Hay có những bậc Tôn túc được bao người trọng vọng, vậy mà các Ngài vẫn không bao giờ bỏ công hạnh lễ kính Phật. Và quả thực, uy đức, đạo phong của các Ngài càng ngày càng rực rỡ. Sức thần gia hộ của Tam Bảo là yếu tố quan trọng giúp bảo hộ công phu tu tập qua nhiều kiếp là vậy.

– Yếu tố thứ tư là được “Thầy tổ nhắc nhở, huynh đệ bảo bọc”.

Chỉ trừ bậc Độc Giác, Bích Chi Phật, còn lại chúng ta không phải bậc thượng căn thì đừng động tâm ở một mình, vì ta sẽ mất đi một yếu tố cực kì quan trọng là được Thầy tổ, huynh đệ bảo bọc nhắc nhở tạo thành một từ trường lớn mà nương tựa lẫn nhau. Sau khi quan sát rất nhiều, chư Tổ đã rút ra câu “Tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại” là vì vậy.

Khi không được Thầy tổ nhắc nhở, huynh đệ thương yêu, đạo tâm ta dao động, mỏng manh, yếu đuối và có khi tan vỡ luôn. Mà mất đạo tâm rồi thì xem như công phu tu tập không còn được bảo hộ nữa, sẽ gãy ngang giữa đường.


– Yếu tố thứ năm là được “đàn na tín thí ủng hộ, được luật pháp quốc gia bảo vệ”. Tại Việt Nam ta được thanh thản tu hành nên ta không nhận ra sự quý giá của yếu tố này, còn trên thế giới có những nơi mà tu sĩ sống rất vất vả vì không nhận được sự cúng dường đầy đủ, ban ngày phải làm công nhân kiếm sống, buổi tối mới khoác tấm y tu sĩ. Hoặc người ta cho phép được truyền đạo, nhưng với điều kiện phải lồng thêm giáo lý của giáo phái, tôn giáo khác vào đạo Phật. Vì vậy được đàn na tín thí ủng hộ, được luật pháp quốc gia bảo vệ, đó cũng là một cái phước sẽ bảo vệ sự tu tập.

– Yếu tố thứ sáu là “không bị tổn phước bởi kiêu mạn, khoe khoang, chê bai, xúc phạm”. Đó là bốn lầm lỗi làm ta tổn hết công đức mà mình đã từng gây tạo

‘Kiêu mạn’ tuy bí mật nằm trong tâm, nhưng vẫn đánh vào cái phước, làm gãy đổ công phu tu tập. Còn khi ta bật ra thành lời nói khoe khoang thì cái nghiệp càng nặng nề hơn. Chẳng hạn, nếu khoe mình đã nhập vào dòng Thánh thì hãy yên chí rằng mình phải mất ba chục năm sám hối để không rơi vào làm súc sinh. Một câu nói không tốn kém nhiều, vậy mà đánh mất ba chục năm công đức, và nếu không kiềm giữ lại thì sẽ đọa luôn vào súc sinh.


Thật ra tất cả chúng sinh đều bị khuynh hướng khoe khoang thôi thúc. Khi ta thấy mình hay, ví dụ giàu hơn, giỏi hơn, thông minh hơn, tinh tấn hơn… thế nào ta cũng bộc lộ cho người khác biết. Ai kiềm giữ được sự khoe khoang xuống, đó là người cực kì bản lĩnh, đạo đức. Còn khi đã khoe khoang rồi thì công đức bị tổn giảm, công phu tu tập không còn được bảo hộ nữa.

Một cái lỗi làm tổn phước nữa là ‘chê bai’. Trong bầu trời này ai cũng có điểm dở, điểm đáng chê, nếu ta cứ tìm cái dở của nhau để chê thì trên đời không còn ai thương ai được nữa. Và ta sẽ tổn phước do vậy. Phải là người rất trí tuệ thì mới cản ngăn được cái sai của người khác mà vẫn không vướng vào lỗi chê bai. Còn lại hãy cố gằng tìm cái hay của người mà ca ngợi, sẽ rất có phước bởi lời khen thường giúp con người thương yêu đoàn kết hơn.

‘Xúc phạm’ thì nặng hơn lời chê, và vì thế mang lại quả báo khốc liệt hơn. Xúc phạm con người bình thường đã có tội, còn nếu xúc phạm nhằm một bậc Thánh thì bao nhiêu công đức quá khứ xem như đổ xuống sông xuống biển, và hầu hết đều phải mất thân người.

Ngược lại với kiêu mạn, khoe khoang, chê bai, xúc phạm là khiêm cung, kín đáo, ngợi khen, tôn kính. Khi bốn yếu tố này được khéo giữ gìn, công phu tu tập cũng sẽ được bảo hộ.


– Yếu tố thứ bảy giúp bảo hộ công phu tu tập trong nhiều kiếp là “không bị xao nhãng bởi những việc vô bổ”, là những cám dỗ, trò vui, hay những cuộc tranh cãi, tranh biện, tìm cầu vật chất, danh vọng…

– Yếu tố thứ tám là “sức khỏe”. Một cơ thể yếu đuối bệnh tật sẽ khó có công phu tu tập tốt, và cũng khó xuất hiện những ý nghĩ sáng suốt. Mà muốn cơ thể khỏe mạnh ta phải tập luyện. Tuy nhiên sự tập luyện của một người tu thì khác với một lực sĩ. Người tu phải có cách tập luyện vừa nhẹ nhàng mà vừa hiệu quả hơn, đó là khí công. Như ‘âm dương khí công’ dù nhẹ nhàng như mây gió nhưng vẫn giúp con người hình thành nguồn sinh lực, vừa bảo vệ thân, vừa giúp nhiếp tâm. Người khó nhiếp tâm trong thiền định nếu siêng tập âm dương khí công, thời gian sau sẽ thấy tâm dễ yên lắng hơn hẳn. Nên khi đã xác định lập trường tu tập thì người tu buộc phải rèn luyện sức khỏe, sự rèn luyện này vừa là làm việc tay chân, vừa tập luyện võ thuật, và tập khí công.

– Yếu tố thứ chín là “tinh tấn tọa thiền, giữ chánh niệm trong từng phút giây cuộc sống”. Bằng không, sự loạn động bí mật trỗi lên dần dần sẽ bẻ gãy hết mọi lý tưởng tu tập của chúng ta. Đó là lý do mà người có lý tưởng tu tập thường không dám bỏ thời thiền nào, và trong đời sống, lúc ăn uống đi đứng nằm ngồi nói năng họ thường âm thầm kiểm soát tâm, thường an trú toàn thân, nhớ thân vô thường. Sự tinh tấn này sẽ bảo hộ công phu tu tập hết kiếp này đến kiếp khác.


– Yếu tố thứ mười là “dìu dắt mọi người cùng tu hành” để tạo thành thần lực chung mà hỗ trợ lẫn nhau. Dìu dắt có hai nghĩa, một là ta dìu dắt với tư cách là một bậc Thầy, hai là với tư cách huynh đệ khéo léo nhắc nhở nhau cùng tinh tấn tu tập.

– Yếu tố cuối cùng là “để lại truyền nhân nối tiếp dòng thiền không cho đoạn dứt”. Khi ta đã có lập trường, lý tưởng tu tập, đã thực hành được rồi thì hãy tìm người sau nối truyền, hi vọng họ sẽ có kết quả chứng đắc, giữ gìn dòng thiền không cho đoạn dứt.

Bằng những ngôn từ hết sức gần gũi, giản dị nhưng vô cùng sắc sảo, Thượng tọa đã tinh gọn, đơn giản hóa được những đạo lí cao siêu, mầu nhiệm trong đạo Phật để gửi đến mọi người. Và phải người có trí tuệ, có tâm yêu thương lớn lắm mới làm được công việc ý nghĩa, cao thượng này. Nhờ có Thượng tọa – một Người lúc nào cũng hết lòng vì đạo Pháp, vì chúng sinh mà vất vả giáo hóa, giữ ngọn đuốc chánh Pháp làm cho đạo Phật hưng thịnh, trường tồn.  


Có thể nói, mục tiêu vô ngã là điều mà phật tử nào cũng được dạy ngay trong những ngày đầu tìm đến đạo Phật. Nhưng không phải ai cũng có được những phương pháp đúng đắn nhất để thực hiện được mục tiêu tối cao đó. 

Hôm nay, các phật tử được tiếp cận với những cách thức làm sao bảo hộ công phu tu tập thì không còn loay hoay, nghi hoặc, mà có thể yên tâm tu học, rèn luyện và nắm chắc con đường đi của mình. Đồng thời còn chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh, để cùng nhau tinh tấn tu học, cùng xây dựng Phật quốc tại nhân gian. Đây là sự kì vọng của tất cả Chư tôn đức trong việc giáo chúng sinh, đem đạo độ đời./.