Trang chủ Blog chùa TT. Thích Chân Quang giảng chủ đề ”Hạnh Phúc chính là không...

TT. Thích Chân Quang giảng chủ đề ”Hạnh Phúc chính là không lầm lỗi”

691

Vừa qua, trưa ngày 04/08/2018 (nhằm ngày 23/06/năm Mậu Tuất), nhân khóa tu thiền lần thứ V năm 2018 tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long ( ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP.Vĩnh Long), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã quang lâm thuyết giảng về đề tài “HẠNH PHÚC CHÍNH LÀ KHÔNG LẦM LỖI, cho hơn 400 thiền sinh và đông đảo phật tử.

Bài Pháp thoại đã nêu ra hàng loạt vấn đề rất thực tế, giúp người tu xây dựng sức mạnh nội tâm cho mình, để công phu vững bền tiến xa.

Theo Thượng tọa, “không lầm lỗi” nghe rất đơn giản, nhưng hiểu cho thấu đáo rồi chúng ta mới thấy rúng động tâm hồn mình. Nếu hỏi một bậc Thánh rằng hạnh phúc của vị ấy là gì, vị ấy cũng sẽ nói rằng “Hạnh phúc chính là không lầm lỗi”. Câu trả lời đơn sơ, giản dị, khiêm tốn mà chứa cả bầu trời giác ngộ, trí tuệ, đạo đức. Vì không lầm lỗi nên vị ấy được sự bình thản, vô úy, sống tự tại, không sợ hãi điều gì, kể cả những điều mà người đời run sợ kinh hãi nhất.

Nhưng vì sao một người ít mắc phải sai lầm, cho đến chỗ không còn lầm lỗi? Vì người ấy có sức mạnh nội tâm từ thiền định.

Quả thật thiền định mang lại một sức mạnh kì lạ, nhìn như hư vô, như mây bay gió thoảng mà vững vàng như sắt đá. Có sức mạnh nội tâm này rồi thì khi cần chết, người ta có thể chết một cách nhẹ nhàng. Khi có việc khó khăn, cần dấn thân vào nơi gian khó nguy hiểm họ sẵn sàng. Hoặc đối diện với những nhục mạ dữ dội, họ bình thản chịu đựng, không than oán.

Tại sao thiền mang đến nguồn sức mạnh như vậy? Lý giải về điều này, Thượng tọa cho rằng khi ngồi thiền có một yêu cầu bắt buộc là giữ thân mềm mại bất động không nhúc nhích, dù thân có đau đớn tê mỏi. Chỉ như vậy thôi mà trong tâm bắt đầu hình thành một loại ý chí mạnh mẽ, một sức mạnh phi thường kì lạ.

Người nông dân cuốc đất, người chiến sĩ luyện tập trên thao trường… cái cố gắng của họ hiện ra thành hình tướng, thành sự chuyển động, cũng cần đến ý chí nhưng không bằng người ngồi thiền. Một hành giả ngồi thiền không nhúc nhích thì hiền lành mềm mại như hư vô mà đòi hỏi ý chí khủng khiếp. Rất nhiều người cuốc đất nổi, nhưng không ngồi bất động được vài phút vì quá khó.

Cho nên người tu thiền đúng rồi đều dần thành tựu một loại ý chí mạnh mẽ đặc biệt, giữ họ chịu đựng được mọi thuận cảnh hay nghịch cảnh, và không lầm lỗi, không tạo nghiệp.

Tuy nhiên con đường thiền định thì rất đỗi gian nan. Một cơn bệnh ập đến, một lần lao tác mệt nhọc, một cuộc họp kéo dài đến khuya… đều có thể trở thành lý do khiến chúng ta bỏ thời khóa, gián đoạn công phu. Mà bỏ được một lần rồi sẽ có đà bỏ tiếp những lần sau nữa, và như thế chúng ta gieo cái nhân giãi đãi, ta không đủ nghị lực, không đủ quyết tâm, không đủ lòng son sắt để theo Phật đến cùng trời cuối đất, cho đến vô lượng kiếp được.

Hoặc có trường hợp bị người nhà cản trở, bị huynh đệ đồng tu dèm pha, hoặc có những khi phải đối diện với những thủ đoạn mưu hại… Rất nhiều chướng duyên sẽ tìm đến, và chúng ta đều phải kiên định vượt qua, không nản lòng.

Có một yếu tố rất quan trọng thấy như vô hình nhưng lại là gốc rễ nuôi sống thiền. Điều này đã được Thượng tọa phân tích chi li, rõ ràng trong phần cuối bài giảng, trong đó nhấn mạnh đến những nền tảng căn bản then chốt làm sao để người tu thiền áp dụng có kết quả.

Quả thật, qua quá trình thực hành của bản thân cộng với sự dẫn dắt khéo léo của Thượng tọa, thính chúng cảm nhận rất rõ rằng, thiền nhìn như hư vô nhưng lại mang đến sức mạnh nội tâm phi thường, giúp con người vượt thắng ngịch cảnh, thoát khỏi cám dỗ và nhờ vậy bớt lầm lỗi, bớt tạo nghiệp.

Và đây là chìa khóa vàng dẫn đến hạnh phúc bền vững./.

Bài, ảnh: Tâm Trụ