Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Từ bài “Chuông đồng quý hiếm vứt trong góc nhà”: Đề xuất...

Từ bài “Chuông đồng quý hiếm vứt trong góc nhà”: Đề xuất xây dựng Bảo tàng Phật giáo

119

Người viết đọc thấy bài “Chuông đồng quý hiếm vứt trong góc nhà” post trên trang Phattuvietnam.net ngay giữa lúc đang tìm tài liệu viết tiếp loạt bài Phật giáo Nga, đọc thấy đoạn Sa hoàng Nicholas II, một vị vua theo Chính thống giáo ngoan đạo, khi còn là thái tử, đã đến Ấn Độ, Tích Lan sưu tầm các cổ vật nghệ thuật Phật giáo, dùng một ngân khoản lớn để mua và chuyển về cho các bảo tàng ở Nga và Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Nga.

Việc quý trọng, sưu tập, gìn giữ, triển lãm các cổ vật nghệ thuật Phật giáo, gồm cả thư tịch cổ, không chỉ là việc của Sa hoàng Nga, mà còn là công việc của vương tôn quý tộc triều đình Nga, các viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia. Hoàng thân Nga Esper Ukhtomsky, người phụ tá Sa hoàng trong việc hoạch định các chính sách đối nội và đối ngoại của nước Nga ở phía Đông đã sưu tầm (mua và nhận tặng) nhiều cổ vật nghệ thuật Phật giáo, hình thành một bộ sưu tập lên đến 2000 đơn vị, trưng bày tại viện Bảo tàng Alexander III tại Moskva, đã tham dự triển lãm toàn cầu ở Paris năm 1900 (có thể xem bài E. Ukhtomsky, hoàng thân hộ pháp của Phật giáo Nga trên www.phapluanonline.com và trên Wikipedia tiếng Anh, tiếng Nga).

Viện sĩ F. Schebatskoy, một nhà Đông phương học Nga – Liên Xô, đã lặn lội khắp các vùng châu Á của nước Nga, đến Ấn Độ, Tây Tạng…cũng để sưu tập các cổ vật Phật giáo.

Không chỉ sưu tập cổ vật các viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Nga còn phối hợp với các học giả phương Tây xuất bản sách miêu tả, chú giải, giới thiệu cổ vật Phật giáo.

Nhà  nuớc Xô Viết sau Cách mạng Tháng Mười cũng hết sức quý trọng các cổ vật Phật giáo. Dân Ủy Giáo dục Liên Xô, Viện sĩ A. Lunacharsky, đã chỉ đạo tổ chức một cuộc triển lãm cổ vật nghệ thuật Phật giáo tại Viện Bảo tàng quốc gia Nga vào năm 1919. Hoàng thân E. Ukhtomsky cũng được nhà nước Xô Viết lưu dụng để làm nhiệm vụ gìn giữ các cổ vật Phật giáo mà ông sưu tập, dù ông là một đại thần trong chế độ cũ.

Trong những năm 1930, việc sưu tập các cổ vật nghệ thuật Phật giáo ở phần châu Á của Liên Xô vẫn được Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô tiếp tục, mặc dù những nhà lãnh đạo Liên Xô lúc này không còn đối xử với Phật giáo như thuở Lênin còn sinh thời.

Trong thế chiến thứ II, các cổ vật và thư tịch Phật giáo còn lưu giữ ở thành phố Leningrad bị bao vây là một trọng điểm bảo vệ.

Người Nga thời Sa hoàng và sau đó là Liên Xô còn hết lòng qúy trọng đối với các cổ vật Phật giáo như vậy, trong khi đó tại Việt Nam, thế kỷ XXI, một chiếc chuông đồng theo kiểu Phật giáo, chế tác từ thế kỷ XIV, bị vứt lên vứt xuống trong một xó xỉnh (may là chưa bị bán đồng nát theo giá ký lô).

Chắc chắn còn nhiều cổ vật nghệ thuật quý giá khác của Phật giáo còn đang trong tình trạng như vậy.

Do đó, xin nêu ra đề xuất thành lập một viện bảo tàng cổ vật nghệ thuật và thư tịch cổ Phật giáo.

Hiện nay, chắc chắn nhiều cổ vật Phật giáo đang được các chùa lưu giữ. Việc lưu giữ như thế, nếu bảo quản tốt, thì cũng chưa phát huy được giá trị cổ vật một cách triệt để và cũng chưa khiến cổ vật được bảo quản một cách tuyệt đối.

Bảo tồn cổ vật tại các cơ sở thờ tự và bảo tồn tại viện bảo tàng rất khác nhau. Tất nhiên là điều kiện giữ gìn cổ vật ở viện bảo tàng luôn luôn tốt hơn, với các quy định chặt chẽ về an ninh, chống trộm, chống cháy, chống lụt, chống ẩm, chống tác động tiêu cực của khí hậu…

Cổ vật nghệ thuật Phật giáo ở một bảo tàng chuyên nghiệp, theo nguyên tắc hoạt động của bảo tàng, còn được phân loại, lập hồ sơ miêu tả, sắp xếp thành bộ sưu tập, thuyết minh, chú giải, in catalogue giới thiệu, trưng bày, xuất bản công trình nghiên cứu, tổ chức triển lãm quốc tế…

Một cổ vật nghệ thuật Phật giáo lưu trữ ở chùa, có khi khách đến thăm không biết giá trị của nó. Nhưng khi nhiều người biết giá trị của nó thì lại dễ bị đánh cắp (vì chánh điện chùa xưa thường bằng gỗ, rất dễ cạy phá và nhiều sự việc đáng tiếc đã từng xảy ra). Cũng không thể loại trừ người bảo quản bán đi lấy tiền riêng một cách thiếu lương tâm.

Khi tập trung cổ vật về một bảo tàng nghệ thuật Phật giáo, cổ vật được đăng ký mục lục sưu tập, thông báo rộng rãi, quản lý theo quy chế bảo tàng và theo pháp luật, nguy cơ mất mát giảm bớt rất nhiều.

Một viện bảo tàng nghệ thuật Phật giáo là nơi khách có thể đến tìm hiểu, thưởng ngoạn các cổ vật nghệ thuật Phật giáo một cách tập trung, thay vì đến nhiều nơi, xem mỗi chỗ một ít. Thuyết minh viên của viện bảo tàng được đào tạo chuyên ngành sử học, chắc chắn, sẽ giới thiệu cho khách đến tham quan một cách chuyên nghiệp, đầy đủ hơn là khi cổ vật được bảo quản tại các chùa, nhất là ở các chùa nông thôn.

Việc xây dựng bảo tàng cổ vật nghệ thuật và thư tịch cổ Phật giáo Việt Nam không khó. Chỉ riêng hoàng thân Nga E. Ukhtomsky đã sưu tập đến những 2000 cổ vật hình thành một bộ sưu tập lớn nhất châu Âu thời đó.

Bảo tàng có thể xây dựng từ một ngôi chùa lớn, nằm ở khu trung tâm thành phố, là nơi viếng thăm của nhiều khách nước ngoài. Tùy theo số lượng cổ vật sưu tập được mà phát triển cơ sở hạ tầng.

Qúy tăng ni có thể vừa tu học, vừa kiêm nhiệm công tác bảo tàng. Bảo tồn những cổ vật giá trị, phản ánh sự phát triển gần hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam, giới thiệu quảng bá nó với công chúng, thực chất cũng là một hoạt động tu học.

Lãnh đạo bảo tàng do giáo hội bổ nhiệm, chịu trách nhiệm với giáo hội và trước pháp luật về việc bảo quản các cổ vật nghệ thuật và các thư tịch cổ Phật giáo.

Các công trình nghệ thuật đương đại Phật giáo có giá trị, như tranh, tượng, tác phẩm thủ công mỹ nghệ, kim hoàn… cũng có thể đưa vào bảo tàng, hình thành bộ sưu tập đương đại.

Kinh phí hoạt động của bảo tàng có thể có từ nhiều nguồn: tăng ni Phật tử ủng hộ, kinh phí giáo hội, sự giúp đỡ của nhà nước, các tổ chức xã hội văn hóa…

Trong trường hợp thật cần thiết, bảo tàng có thể tổ chức bán vé vào xem để bổ sung kinh phí hoạt động. Đây là điều bình thường đối với các bảo tàng trên thế giới.

Bảo tàng cổ vật nghệ thuật Phật giáo và thư tịch cổ góp phần tạo nên diện mạo văn hóa của Phật giáo Việt Nam hiện đại, cũng là cơ sở phục vụ nghiên cứu cho các học giả Phật giáo Việt Nam và thế giới.

Những người theo đạo Cơ đốc Chính thống tận Saint Petersburg xa xôi còn xây dựng một bảo tàng cổ vật nghệ thuật Phật giáo cách đây một thế kỷ, sau đó được nhà nước Xô Viết gìn giữ trong hơn 70 năm, và lưu truyền đến nay.

Còn Phật giáo Việt Nam, nơi có truyền thống đạo Phật gần 2000 năm với vô số tác phẩm văn hóa nghệ thuật giá trị, sao lại không thể có một bảo tàng?

MT