Trang chủ Thời đại Từ KTMH chùa Phật Quang nghĩ về công tác giáo dục thanh...

Từ KTMH chùa Phật Quang nghĩ về công tác giáo dục thanh thiếu niên

111

Trong Tiểu Bộ Kinh Đức Phật có dạy một trong những nguyên nhân khiến một vị Tỳ Kheo không thể có được tuệ giác vĩ đại là ưa thích, hứng thú đam mê vào những câu chuyện phiếm. Một khi phần lớn quỹ thời gian của một vị Tỳ Kheo dùng để rong ruổi, đuổi theo những câu chuyện không đem lại lợi ích cho mình, cho người thì mãi mãi vị Tỳ Kheo đó sẽ không chạm tay vào quả vị giải thoát, giác ngộ và Tăng đoàn sẽ không thể lớn mạnh. Cũng vậy, một đất nước khó có thể phát triển thành một cường quốc nếu thế hệ trẻ của quốc gia đó hoang phí quá nhiều thời gian cho những điều viển vông, không thật.

Việc mở Khóa tu học hè của chùa Phật Quang là công tác hoằng pháp thiết thực lợi đạo – ích đời, phù hợp và bắt kịp trình độ tư duy của xã hội hiên đại. Nội dung các bài giảng của Khóa tu đã nêu “bật” lên được những trăn trở, băn khoăn của các Hoằng pháp viên, các nhà lãnh đạo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Sự lợi ích của Internet đối với đời sống của nhân loại hôm nay là không thể phủ nhận, tuy nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi cho Internet đã tàn phá, hủy hoại tương lai của nhiều bạn trẻ ra sao, cái mà chúng ta cần nhận thức rõ ở đây là chúng ta đã sử dụng sai mục đích của Internet và biến nó thành công cụ phục vụ cho động cơ đen tối, tiêu cực của chúng ta. Nói một cách thật dù “đau” là chúng ta chưa đủ trình độ văn minh để lên Facebook, hoặc lên mạng chơi Game. Mong muốn của người sáng lập ra Facebook là để chia sẻ, kết nối toàn nhân loại với nhau trong tinh thần thế giới đại đồng, chứ không phải để chúng ta biến nó thành một nỗi lo lắng, khiếp sợ như hiện nay.

Việc một bộ phận các bạn trẻ “tự nguyện” nướng cháy tương lai của mình vào Facebook, Game, vào thế giới ảo lỗi do chính các bậc phụ huynh đã không hoặc thiếu sự giám sát và các nhà giáo dục, các nhà hoạch định chính sách đã thiếu định hướng những chuẩn mực đạo đức cho các em. Hơn nữa, việc thiếu trầm trọng các khu vui chơi giải trí, văn hóa lành mạnh khiến các em không biết đi về đâu khi trong đầu trống rỗn, thế nên niềm vui duy nhất là vùi mình trong thế giới ảo là điều không thể tránh khỏi. Thêm vào đó, lực lượng hùng hậu các quán Internet trải dài khắp ba miền đất nước càng có cơ hội cho thế giới ảo phát triển như vũ bão, gây ra biết bao bi, hài kịch đau lòng từ Game, do Game mà ra.

Như chúng ta đã biết, Ấn Độ là nước có nền công nghệ tin học, Internet phát triển vượt bậc, đặc biệt là công nghệ phần mềm họ đứng đầu thế giới, thế nhưng, điều đó không có nghĩa là nền công nghiệp Game nở rộ, thật khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ ăn, ngủ cùng Internet như thực trạng hiện nay của không ít thanh, thiếu niên chúng ta. Các quán Internet – Cafe hầu như chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là công việc như Foto, Copy…hoặc dùng cho các đối tượng nước ngoài có nhu cầu tìm kiếm thông tin liên lạc, tài liệu học tập. Thế mới có chuyện một kỹ sư Ấn Độ, trên chuyến bay đến Thượng Hải thấy các hành khách Trung Hoa cứ cúi đầu mải miết vào Ipad để chơi Game dù lúc đó là giờ tắt đèn để ngủ, điều đó ám ảnh mãi anh chàng kỹ sư đến nỗi khi về anh phóng bút viết ngay một bài báo cảnh tỉnh cho tương lai cả một thế hệ với nhan đề: “Người Trung Quốc không đọc sách, thật đáng lo ngại”[1], gây hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng mạng.

“Suy kỷ cập nhân” – suy mình ra người, việc chùa Thiền Tôn Phật Quang mở Khóa tu học hè cho 300 bạn trẻ có thể thấy đó là công tác cần làm ngay và luôn để đào tạo, duy trì, nuôi dưỡng một thế hệ không sâu bệnh về tâm hồn và bản lĩnh vững vàng trong việc sàng lọc, lựa chọn hướng đi cho tương lai.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Bất cứ một quốc qia nào nếu muốn tồn tại và phát triển thì ba trụ cột chính phải vững chắc là Giáo dục – Kinh tế – Chính trị. Tại sao Mỹ là một siêu cường quốc? vì họ có nền giáo dục toàn diện, một nền kinh tế vững mạnh và nền quốc phòng hoàn bị. Và tại sao Israel một nước nhỏ với sa mạc khô cằn nhưng lại có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới và nền quốc phòng của họ vững mạnh đến mức họ có thể xuất khẩu vũ khí để thu về lợi tức?. Tất cả được bắt nguồn từ hai chữ “Giáo dục”. Giáo dục phát triển giúp họ sở hữu một nguồn tài nguyên mang tên “chất xám”, chất này có trong não trạng một đội ngũ các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ xuất chúng và có nơi thế hệ trẻ; những người luôn ý thức việc làm thế nào để giúp quốc gia họ phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển họ nghĩ đến việc tiếp theo là phát triển quốc phòng, quốc phòng vững chắc họ có thể tự tin giữ vững độc lập chủ quyền đất nước mà không sợ bất cứ thế lực thù địch nào đe dọa.

Như vậy, muốn kinh tế phát triển phải phát triển giáo dục, muốn quốc phòng vững mạnh phải phát triển kinh tế, người xưa đã dạy “túc thực binh cường”. Như vậy vấn đề cốt lõi nhất vẫn là phát triển giáo dục. Giáo dục – Kinh tế – Chính trị như một chiếc kiềng ba chân, thiếu một thì nguy, thiếu hai thì suy, thiếu cả ba thì coi như vận mệnh của quốc gia đó bị lung lay đến tận gốc rễ.

Thế nên, có thể thấy thế hệ trẻ của Israel không chỉ nhận thức về mặt tư duy thuần túy rằng giáo dục là sức mạnh mà họ đã biến sức mạnh đó bằng thái độ lao động tích cực, chăm chỉ, bằng việc phân bổ thời gian quý báu cho việc đọc sách, lao động hăng say chứ không có cảnh “nhà nhà chơi Game, người người lên Facebook” như chúng ta.

Các nhà khoa học ngày nay đang đau đầu với 4 nguy cơ quy mô thế giới là mất cân bằng sinh thái, bùng nổ dân số, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, thiếu hụt nhân tài. Sở dĩ, 3 nguy cơ đầu chưa giải quyết được chính vì nguyên nhân then chốt là chưa xuất hiện những nhân tài kiệt xuất có khả năng tìm ra lối thoát cho 3 nguy cơ trên. Mà nhân tài kiệt xuất là do qúa trình giáo dục đào tạo nên, “khổ luyện thành tài”, chứ không có bí quyết gì ở đây cả.

Sau chiến tranh thế chiến thứ hai, Nhật Bản chỉ là một đống đổ nát hoang tàn, không nguồn tài nguyên, động đất thì liên miên, song nhờ tinh thần lao động cần cù, thái độ trân trọng với thời gian, họ đọc sách mọi lúc, mọi nơi không để thời gian ngừng, chết, họ đọc từ trường đến công viên, ra ga tàu, thậm chí vào…nhà vệ sinh cũng đọc khiến họ trở nên thịnh vượng. Hầu như sau thời gian học tập, lao động vất vả cách họ khôi phục lại năng lượng là ngồi Thiền – Zen, sống Thiền, vì họ nhận thức được rằng khi thanh tâm tĩnh trí, đầu óc minh triết sẽ phát sinh trí huệ, từ trí huệ họ đã tạo nên một nền kinh tế tri thức – nền kinh tế mà các sản phẩm được tạo ra in đậm dấu ấn của trí tuệ trác tuyệt, như chuyện xe hơi sang trọng Lexus được phun sơn bởi các Robot thực hiện tự động theo từng màu do khách hàng đặt, đó là lý do họ đã vùng lên mạnh mẽ trở thành siêu cường quốc kinh tế mà cả thế giới phải cúi đầu ngưỡng mộ.

Nếu thế hệ chúng ta ngày nay không lao động hết mình, phấn đấu hết sức thì thế hệ kế cận lấy gì làm niềm tin, lấy gì làm nền tảng, sức bật để phát triển? việc 300 bạn trẻ tham dự Khóa tu tại chùa Phật Quang còn qúa ít so với hàng triệu bạn trẻ đang loay hoay, quay cuồng trong màn lưới NET mà không tìm được lối thoát như hiện nay. Do vậy, việc giáo dục cho thanh, thiếu niên nhận thức được nguyên nhân của việc nghèo đói, thất học, lạc hậu…đến từ chính thái độ sống của các bạn trẻ hôm nay thật sự là mảng hoằng pháp cần thiết được chú trọng đối với các hoằng pháp viên chúng ta trong giai đoạn hiện nay.