Trang chủ Diễn đàn Phật tử và Dân tộc Từ quyền lợi dân tộc: nghĩ đến nguy cơ từ những vùng...

Từ quyền lợi dân tộc: nghĩ đến nguy cơ từ những vùng trắng PG

209

Đường biên giới tôn giáo

Trong những sự kiện chính trị có liên quan đến tôn giáo diễn ra gần đây, có sự kiện đáng chú ý là 2 miền Nam Bắc Sudan, với hai tôn giáo khác nhau, sẽ có thể chia làm 2 quốc gia độc lập tách biệt.

Đường biên giới phân chia Sudan thành hai nước, nếu trở thành hiện thực sẽ là đường ranh giới địa tôn giáo. Điều này sẽ được quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý sắp tổ chức và kết quả dự đoán là sự tan rã của Sudan sẽ xảy ra. Sự toàn vẹn lãnh thổ của Sudan, nếu thế, sẽ không còn.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, trong bản tin 22g chủ nhật 19/12/2010, đã đưa tin về việc này, rằng Tổng Thống Sudan Omar al – Bashir nói nước ông sẽ áp dụng một hiến pháp hoàn toàn Hồi giáo nếu miền Nam tách ra khỏi Sudan sau một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng tới.

Phụ tá của tổng thống Bashir, ông Nafia Arli Nafie, nói rằng Sudan có phần chắc sẽ chia đôi.

Miền Nam Sudan dân cư chủ yếu theo Cơ đốc giáo.

Và như thế, hiển nhiên đường biên giới chia đôi Sudan là đường biên giới địa tôn giáo.

Khái niệm địa tôn giáo và các đường biên giới của nó đã được nhà khoa học quan hệ quốc tế nổi tiếng hàng đầu hiện nay, Giáo sư Samuel Phillips Huntington khảo sát khá kỹ

S. P Huntington trong báo cáo khoa học nổi tiếng: Sự xung đột giữa các nền văn minh, đăng trong Foreign Affair, tập 72, số 3, 1993, dẫn lại nhận định của William Wallace, đã nhận xét: “đường phân chia quan trọng nhất ở châu Âu có thể là đường ranh giới phía Đông của khối Thiên Chúa giáo phương Tây hình thành từ năm 1500. Đường này chạy dọc theo đường biên giới hiện nay giữa Nga và Phần Lan, giữa các nước vùng Ban – tích và Nga, chạy qua Bê – la – rút và Ucraina (phân chia giữa người Thiên chúa giáo phương Tây miền Tây và người Thiên Chúa giáo Chính thống ở miền Đông nước này) ngoặt sang phía Tây chia cắt vùng Transylvania với phần còn lại của Rumani, sau đó chạy qua Nam Tư theo đường biên giới cắt lìa Croatia và Slovenia ra khỏi Nam Tư. Tất nhiên ở khu vực Ban – căng, đường ranh giới này trùng với biên giới lịch sử giữa hai chế độ Hapsburg và Ottoman…”.

Chúng tôi chỉ xin dẫn lại một phần nhỏ của bài báo trong đoạn miêu tả các đường biên giới tôn giáo trên thế giới.

Các đường biên giới tôn giáo có khi đồng nhất với đường biên giới quốc tế (như trường hợp biên giới Nga – Phần Lan), nhưng có khi đường biên giới tôn giáo đã chia cắt một quốc gia thành nhiều quốc gia, chẳng hạn trường hợp đường biên giới tôn giáo cắt lìa Croatia và Slovenia, phá tan Liên Bang Nam Tư.

Có khi đường biên giới tôn giáo là đường biên giới đe dọa sự chia cắt, chẳng hạn miền Tây Ucraina theo Thiên Chúa Giáo La Mã, còn miền Đông theo Chính Thống Giáo Nga.

Các thế lực tôn giáo quốc nội, quốc tế của các nước tranh thủ khai thác các đường biên giới tôn giáo để thúc đẩy sự chia cắt vì quyền lợi tôn giáo.

Bài viết của giáo sư S. P. Huntington dẫn ra trường hợp hành động của chính phủ Sudan Hồi giáo và bài diễn văn nảy lửa của Giáo hoàng Joan Paul đệ II ở Khartoum tháng 2/1993 “công kích hành động của chính phủ Xu đăng theo đạo Hồi chống lại thiểu số theo đạo Thiên Chúa ở nước này”.

Những sự can thiệp của các thế lực tôn giáo bên ngoài vẫn tiếp tục và kết quả là đến nay, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Sudan đứng trước nguy cơ sụp đổ. Sự chia cắt ra 2 nước riêng biệt theo đường biên giới tôn giáo đã là việc nhãn tiền và có thể chỉ trong vài tháng là nước Sudan sẽ bị chia cắt.

Sudan là trường hợp sắp xảy đến. Người ta đã nói đến khả năng ở Ucraina.

Đó là chuyện thời sự chính trị tôn giáo ở nước ngoài, xin ghi nhận để tham khảo.

Đường biên giới tôn giáo tại Việt Nam

Vấn đề liên hệ được đặt ra là, ở Việt Nam có những đường biên giới như thế không và sự nguy hiểm của nó đến mức nào?

Nếu vẽ bản đồ tôn giáo đối với Phật giáo Việt Nam, chúng ta sẽ thấy 2 hiện tượng.

– Đường biên giới Phật giáo Việt Nam không hoàn toàn trùng khít với đường biên giới quốc gia, mà đường biên giới Phật giáo Việt Nam thu hẹp lại rất nhiều. Ngoài đường biên giới Phật giáo Việt Nam là vùng trắng của Phật giáo Việt Nam (vẫn trong lãnh thổ Việt Nam). Vùng này tập trung ở Tây Bắc, một phần diện tích rộng lớn Tây Nguyên. Trong những vùng trắng Phật giáo đó, Tin Lành và đạo Ca tô La Mã hoạt động mạnh, gầy dựng những buôn làng toàn tòng.

– Bên trong đường biên giới Phật giáo có những vùng lõm trắng Phật giáo, nằm lọt thỏm bên trong, đó là vùng Ca tô La Mã toàn tòng.

Chúng tôi thấy từ những vùng trắng Phật giáo Việt Nam, cắt rời khỏi lãnh thổ Việt Nam vùng Tây Bắc, Tây Nguyên rộng lớn. Ở đây, về cơ bản đã tìm ẩn những nguy cơ như đối với Sudan, chỉ với một thiểu số dân chúng ít ỏi theo Thiên Chúa giáo, 5% theo Wikipedia, đã dẫn đến bi kịch chia cắt đất nước, theo một đường biên giới tôn giáo.

Viết bài này, tổng thuật về hiện tượng đường biên giới tôn giáo trên thế giới, chúng tôi nhắm tới mục tiêu chư tăng ni Phật tử Việt Nam, nhất là hàng giáo phẩm lãnh đạo được thông tin đầy đủ về vấn đề này.

Có lẽ, cần có một đề tài nghiên cứu, với sự giúp sức từ phía chính quyền, để xây dựng bản đồ Phật giáo Việt Nam, thể hiện được những vùng trắng Phật giáo, và thẩm định tình trạng đã đi tới mức độ nào.

Biên giới của một quốc gia ảo tưởng, cái gọi là nước Tin Lành Đề ga, chắc chắn được xây dựng trên cơ sở đường biên giới tôn giáo.

Vì vậy, cần có một bản đồ Phật giáo Việt Nam, trong đó, thể hiện mật độ tín đồ từng vùng, trong tương quan với các tôn giáo khác.

Phật giáo Việt Nam chúng ta làm điều này không phải trước hết vì quyền lợi Phật giáo Việt Nam, mà trước hết vì quyền lợi của dân tộc, vì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.

Các đường biên giới tôn giáo càng hằn sâu, thì nguy cơ như ở Nam Tư, Sudan ngày càng rõ. Đó là điều dễ dàng nhận thấy trên bàn cờ thế giới.

Với trách nhiệm của Phật giáo Việt Nam trước Đạo pháp và Dân tộc, sau khi xác định đường biên giới tôn giáo trong nước một cách cụ thể, cùng với mức độ của nó ở từng vùng khác nhau, các nhà lãnh đạo Phật giáo cần phải hợp tác tích cực với chính quyền để điều chỉnh, xóa mờ, tiến tới triệt tiêu đường biên giới tôn giáo trên lãnh thổ Việt Nam, bằng cách xóa các vùng trắng Phật giáo tại Việt Nam, dần dần xóa các ốc đảo tôn giáo tách biệt.

Vụ Cồn Dầu xảy ra vì ở đó có một vùng ốc đảo tôn giáo, với một đường biên giới tôn giáo hình thành chung quanh giáo xứ này. Diện tích ốc đảo tôn giáo Cồn Dầu do đường biên giới tôn giáo đó tạo ra không lớn, nhưng chuyện đáng tiếc xảy ra không nhỏ.

Còn Tây Bắc, một phần Tây Nguyên, nơi đường biên giới tôn giáo tạo nên những vùng trắng Phật giáo rộng lớn, thì rõ ràng nguy cơ bất ổn âm ỉ có liên hệ đến vấn đề tôn giáo rất đáng ngại, chất chứa nhiều nguy cơ.

Bài học đường biên giới tôn giáo ở Sudan cho thấy trách nhiệm của Phật giáo trong việc xóa đi những đường biên giới tôn giáo.

Trong trường hợp này, để giải quyết vấn đề, chính quyền chỉ có một sự lựa chọn là trông cậy vào Phật giáo, tôn giáo gắn liền với truyền thống dân tộc, tôn giáo có bản chất ôn hòa và đoàn kết.

Xóa vùng trắng  Phật giáo là tiền đề để xóa các đường biên giới tôn giáo.

Xóa các đường biên giới tôn giáo trong nước là điều kiện quyết định để bảo vệ sự thống nhất đất nước, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

MT