Trang chủ PGVN Nhân vật Tưởng nhớ bậc pháp chủ thiền gia

Tưởng nhớ bậc pháp chủ thiền gia

127

Khi trở về Nam, trong lòng tôi luôn khắc sâu hình ảnh của Hòa thượng Thích Tâm Tịch – bậc đống lương Phật pháp với bi trí song toàn, đạo tâm trác thế, Phật học uyên thâm, từ hoà khả kính. Nhưng điều đọng lại nhất trong tôi đó là hoài bão thống nhất Phật giáo cả nước. Năm 1976, tôi được cử tri tín nhiệm bầu vào Đại biểu Quốc hội khoá VI. Trong những lần đi họp Quốc hội, tôi đều đến ở Tòng Lâm Quán Sứ để có điều kiện thăm sức khoẻ cũng như tiếp chuyện cùng Hòa thượng về những vấn đề mà toàn thể Tăng Ni, Phật tử quan tâm, đó là Phật giáo cả nước phải sớm được thống nhất, xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo Tăng tài cho Giáo hội v.v…Những gì Hòa thượng trao đổi cùng tôi thật chân thành, giản dị nhưng hàm chứa bao tình cảm sâu lắng về sự thịnh suy của Phật giáo Việt Nam, sự phát triển bền vững Giáo hội trên tinh thần đoàn kết hoà hợp, hướng tới tương lai với những Tăng Ni đạo cao đức trọng, tăng phong phẩm hạnh tuyệt vời. Hòa thượng trao đổi Phật sự  vừa như vị thầy, vừa như người Pháp hữu đồng phạm hạnh.


 


                       “Tâm tỉnh tâm mê cũng do mình,


                       Đem thân hoá độ khắp quần sinh.


                       Mắt mũi tai đều công đức nhóm,


                       Lưỡi thân ý hiện trí quang minh.


                       Năng sanh năng xuất tâm thường lặng,


                       Vô tận vô y cảnh giới thanh.


                       Gặp được đạo tràng viên mãn xứ,


                       Một thân giải thoát nhẹ thênh thênh”.


Nhớ lại, một lần trước khi chia tay, Hòa thượng nói một câu làm tôi nhớ mãi: “Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng, được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không. Nếu không vượt qua được chính mình, bị danh và lợi chi phối, tự mình sẽ đánh mất đạo lộ giải thoát”. Từ đó, khi có những Phật sự bất như ý tôi liền nhớ đến Hòa thượng với những lời đạo vị trác tuyệt. Quả thật, những hành trang mà Hòa thượng để lại cho hậu thế giống như những lời vàng của Đức Thế Tôn hơn 25 thể kỷ trước.


 


Niềm kính trọng của tôi đối với Hòa thượng ngày càng thêm sâu sắc khi những lần trở lại Hà Nội sau đó để tham dự các công tác Phật sự tại Văn phòng 1, tham dự các kỳ Đại hội của Giáo hội. Được biết Hòa thượng có những nỗ lực tu học xuất chúng từ thời còn là vị Tăng trẻ. Với đạo đức bất phàm, tài học xuất chúng, Hòa thượng đã kế thừa tổ ấn, rạng rỡ tông phong, xứng danh người Thích tử. Có thể nói là bậc thầy từ hoà khả kính, khiêm cung độ lượng, là bậc long tượng Phật pháp; đặc biệt Hòa thượng có lời ái ngữ nhiếp hoá mọi người, do đó khi ai diện kiến với Hòa thượng đều luôn nhớ mãi hình bóng của bậc thượng sĩ xuất trần, suốt đời tận tuỵ lo cho đạo phục vụ cho đời, vì mọi người mà không phút nghỉ ngơi trong việc ôn tầm bối diệp, đem chánh pháp tế độ hàm linh, vì tương lai đạo pháp mà tiếp tăng độ chúng.


 


Lần cuối cùng tôi diện kiến Hòa thượng vào năm 2002 – Đại hội kỳ V Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lúc này thân tứ đại của Hòa thượng có nhiều sút giảm, nhưng khi tiếp chuyện cùng tôi, Hòa thượng dành nhiều thời gian để trao đổi về sự phát triển của Giáo hội trong thế kỷ XXI và các thế kỷ tiếp theo. Điều mà Hòa thượng quan tâm nhất là việc đào tạo Tăng Ni. Theo Hòa thượng thì đất nước không ngừng phát triển thì Giáo hội phải có một đội ngũ Tăng Ni phạm hạnh, tinh thâm Phật học, giỏi chuyên môn như ngũ minh mà Đức Phật đã dạy.


 


Tuy vẫn biết không ai thoát khỏi định luật vô thường, nhưng khi nhận được tin Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch – Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam xả báo an tường, tôi không khỏi bàng hoàng xúc động. Vì kể từ đây, Giáo hội mất đi bậc lãnh đạo tối cao tài đức song toàn, sơn môn pháp phái vĩnh viễn mất đi bậc thầy tôn kính, Tăng Ni, Phật tử vĩnh viễn mất đi bậc chân tu đạo cao đức trọng và tôi mãi mãi không còn được nghe những âm vang của Hòa thượng trong những năm tháng còn lại của cuộc đời hữu hạn này.


 


Giờ đây nơi Phật quốc, Đại lão Hòa thượng Pháp chủ đã thong dong tự tại, tôi và những người còn ở lại, xin có đôi lời tưởng niệm để tưởng nhớ bậc Pháp chủ thiền gia đã mãn nguyện Ta bà. Xin nguyện sẽ tiếp  tục những tâm nguyện của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ còn để lại và mãi mãi học tập những hành trang mà Đại lão Hòa thượng đã để lại cho tôi học tập, hành trì.


 


           “Trăm lẻ do tuần nhẹ duỗi tay,


           Xoay đầu mong gặp Phổ Hiền thầy.


           Đường đường an vị tòa sen đỏ.


           Voi trắng hiền hòa nhẹ bước mây.


           Nhiều kiếp trí bi bừng nhật nguyệt,


           Bao đời hạnh nguyện độ tròn đầy.


           Phật công đức hải trùng tuyên nói,


           Giúp đời thoát khổ, Phật tâm khai”.


 


Đôi lời tưởng niệm bậc Pháp chủ thiền gia với lòng thành kính, ngưỡng mong Giác linh Đại lão Hòa thượng thượng Tâm hạ Tịch – Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam thùy từ chứng giám và bất từ nguyện lực, tái hiện Đàm hoa.


 


HT. Thích Hiển Pháp – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN