Trang chủ PGVN Nhân vật Tưởng niệm Đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận: Truy niệm...

Tưởng niệm Đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận: Truy niệm tôn sư

114

Nói cách khác, từ lúc bình sinh tới khi nhập diệt, Ngài đã, đương, và sẽ mãi mãi là hiện thân của trí tuệ và từ bi, được thể hiện cụ thể bằng ý nghĩ, lời nói và việc làm trong sứ mạng hoằng pháp, lợi sinh để phụng sự Đạo Pháp và Dân tộc.


Trên ngôi vị Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, ở trong, Ngài hướng về mục đích làm cho Giáo Hội, Tăng Ni và Phật Tử trên toàn quốc có sự phát triển, nề nếp, kỷ cương; ở ngoài, Ngài tự nguyện góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước sao cho mọi người Việt Nam có nếp sống ấm no độc lập, hạnh phúc và tự do, trên cơ sở văn hoá nhân bản của dân tộc.


 


Khi công thành, quả mãn, Ngài viên tịch. Tuy nhiên, vấn đề sinh tử đối với Ngài chỉ là một cuộc hành trình trên đường du hoá, lợi tha; tuỳ ý ra vào hay đi về tự tại của một vị cao Tăng, lữ khách vân du, không hề vướng mắc với không gian và thời gian, vì đó là một quy luật tất yếu. Nghĩa là, có sinh phải có tử, và có tử phải có sinh, cũng như lớp sóng nổi lên và chìm xuống trên biển cả mênh mông của chân như Phật – Tính, cho nên chẳng có gì là lạc quan và bi quan cả; vả lại, sinh tử và sắc không phải là hai mặt sinh hoá tất nhiên của sự sống miên viễn trên nguyên ý Bất Nhị và Trung Đạo.


 


Ở đây, có một điều phi thường đáng ghi nhận trong đại tang lễ của Ngài là:


1. Tất cả các vị lãnh đạo Đảng, Quốc Hội và Chính phủ của Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; cũng như các vị chức sắc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và các hàng Tăng Ni, Phật Tử trên toàn quốc đều đến niêm hương, cầu nguyện;


2. Trên lộ trình mười cây số di chuyển Kim quan của Ngài từ chùa Quán Sứ Hà Nội tới nhập tháp tại chùa Quảng Bá ngoại thành, đều có mặt những người dân Hà Nội và các ngoại kiều đứng đông đảo trên hai lề đường để chiêm ngưỡng, và tiễn đưa Ngài lần cuối;


3. Tang Lễ Ngài kéo dài suốt trong một tuần lễ, thế mà không hề có một điều gì đáng tiếc xảy ra, tất cả đều được trang nghiêm và mỹ mãn.


 


Bởi vậy, có thể khẳng định rằng: Sở dĩ có ba thành quả nêu trên, là do đức độ của Ngài, nhờ sự nhiệt tình tự giác và lòng ngưỡng mộ của mọi người trong Đạo cũng như ngoài đời.


 


Nói chung, Ngài viên tịch đích thưự là một sự mất mát chung, vô cùng to lớn, cho cả dân tộc, Giáo Hội, Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam; nhưng tấm gương trong sáng bằng phước trí viên mãn của Ngài vẫn còn soi sáng cho chúng ta trên đường làm tốt Đạo, đẹp Đời để cùng tiến bước nhịp nhàng trong tiến trình Đổi Mới toàn diện của toàn dân Việt Nam, và của toàn thế giới.


 


Chính đó là một trong những cách bày tỏ lòng biết ơn xứng đáng nhất, và cụ thể nhất của chúng ta đối với Ngài.


 


Nam Mô Kim Liên Tháp, Ma-Ha-Sa-Môn, Tỷ-Khiêu Bồ-Tát Giới, Cố Pháp Chủ Giáo – Hội Phật-Giáo Việt-Nam, Đại Lão Hoà-Thượng Thích Đức Nhuận, Thế Danh Phạm Đức Hạp Giác Linh tác đại chứng minh.


 


Giới tử THÍCH ĐỨC NGHIỆP


Khế thủ bái niệm