Trang chủ PGVN Nhân vật Tưởng niệm Đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận: Vẫn sáng...

Tưởng niệm Đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận: Vẫn sáng mãi một vì sao

105

Cũng thế, các vị thánh nhân, hiền nhân tuy đã giã từ cõi mộng nhưng tâm hồn, nhân cách của quý Ngài vẫn sống mãi trong trái tim – thánh địa miên viễn – của nhân loại. Đức Pháp chủ đã đến và đã ra đi, nhưng tâm hồn trong sáng, nhân cách hiền thiện và những lời dạy vàng ngọc của Ngài thì lại vượt ra ngoài vòng cương toả của sinh diệt.


 


Năm 1980, Đức Pháp chủ (bấy giờ, Tăng, Ni, Phật tử Tổ đình Vĩnh Nghiêm kính xưng Ngài là Tổ Đồng) vào thành phố Hồ Chí Minh, lưu trú tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Thời gian ấy, tôi có phước duyên được thường xuyên lên hầu Ngài. Lần diện kiến Ngài đầu tiên đã để lại trong tâm trí tôi lòng ngưỡng mộ và tôn kính vô biên. Dáng đi, cách đứng, kiểu ngồi của Ngài rất nghiêm trang, toát lên đạo phong của một thiền giả đang sống trong chánh niệm, tỉnh giác. Ánh mắt trong sáng của Ngài luôn nhìn thẳng, nhưng không phải hướng ra ngoài để tìm một đối tượng nơi lục trần biến động mà là hướng vào tự thân, sống với nội tâm thanh tịnh. Quả thực, những ai được diện kiến Ngài đều cảm nhận được sự bình an và hỷ lạc của tâm hồn, phiền não ít nhiều rơi rụng.


 


Năm 1981 trước khi về Hà Nội, Ngài biết rằng sẽ không bao giờ vào nữa, và quả là hồng phúc, Ngài đã đăng vị Hoà thượng Đàn đầu để truyền giới Tỳ kheo cho ba huynh đệ chúng tôi trong Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Truyền giới xong, xuống phương trượng, Ngài dạy các giới tử những điều cần thiết trong việc hành trì giới luật.


 


Tôi nhớ, lúc ấy Ngài dạy rất nhiều. Ngài dạy cách nghiêm trì tịnh giới, cách Thiền định an tâm, cách niệm Phật trừ vọng tưởng, cách bái sám tiêu nghiệp chướng… Ngài dạy bằng kinh nghiệm hành trì của tự thân chớ không phải bằng lý thuyết suông. Chính công phu tu thân hành đạo của Ngài toả ra một làn hương giọng nói ôn tồn, chân chất, Ngài luôn nhắc đi nhắc lại câu “vô tự khi” không lừa dối chính mình. Ngài dạy: Đây là then chốt để xây dựng, hoàn thiện nhân cách người với ý nghĩa đích thực của nó.


 


Thời gian theo năm tháng nối tiếp nhau ra đi, đến hôm nay, lời dạy của Ngài vẫn in đậm trong tâm trí tôi.


 


Ngài còn khuyên chúng tôi, sau khi học hết lớp 12, nên để tâm nghiên cứu kinh điển và thực hành thiền định. Lúc ấy, bề ngoài, chúng tôi tỏ vẻ vâng theo lời dạy của Ngài, nhưng trong thâm tâm thì thầm bảo mình phải đi xa hơn, phải bước chân vào ngưỡng cửa đại học để giật lấy tấm bằng, để đắm mình trong triết học Đông phương, triết học Tây phương.


 


Thế rồi, do nhân duyên đưa đẩy, tôi không vào trường đại học thế gian mà theo trường Cao cấp Phật học. Ở đây, ngoài Phật học tôi cũng được học cả triết Đông, triết Tây… Cũng chính tại môi trường này, tôi cảm nhận sâu sắc lời dạy của Ngài, mới thấu hiểu hết lời khuyên của Ngài.


 


Bây giờ, đã đi qua hết mùa xuân của cuộc đời, đã trải qua ít nhiều thăng trầm của thân phận người, tôi mới hiểu: Kẻ tự dối mình là kẻ phản bội lý tưởng mà mình tôn thờ, là kẻ phủ nhận nhân cách thiêng liêng mà đức Phật thường xưng tán: “Nhân thị tối thắng”. Kẻ lừa dối mình là kẻ cũng sẵn sàng lừa dối những người xung quanh, lừa dối xã hội. Những kẻ ấy không thể xây dựng tương lai cho bản thân, cho xã hội và cho Phật pháp. Vì sự dối trá còn ghê sợ hơn cả chiến tranh đẫm máu.


 


Có những người thao thao bất tuyệt về triết Đông, triết Tây nhưng bản thân thì đầy mưu mô xảo quyệt, nhân cách không bằng bác sửa xe bên đường. Họ che đậy khát vọng tầm thường của họ bằng ánh hào quang của ngôn từ hoa mỹ cũng như ánh sáng lấp lánh của con đom đóm trong đêm đen che đậy thân phận của loài sâu bọ!


 


Suốt cuộc đời, Đức Pháp chủ sống đúng theo những lời Ngài dạy. Ngài tuân thủ những lời di huấn tối hậu của Đức Phật, Ngài sống rất chuẩn mực, cẩn thận, tỉnh giác trong từng giây, từng phút, trước đám đông cũng như khi ở riêng một mình nơi vắng vẻ. Ngay cả khi tuổi hạc đã cao, Ngài luôn trân trọng khoác trên mình chiếc áo tràng nâu, khi thì xem kinh khi thì niệm Phật một cách tinh cần, thành kính. Chính sự tu luyện tự thân đó đã toát lên một bài học thân giáo rung cảm lòng người, đầy sức thuyết phục.


 


Ngài không bao giờ nói đến triết lý. Nếu có nói, Ngài chỉ nói đến cách xây dựng nhân cách con người, cách sống làm sao để trở thành một con người có chất người với ý nghĩa đích thực của nó. Nếu thiếu nhân cách, mất đạo đức, con người dễ dàng tạo ra những tội lỗi, những cái xấu xa ghê gớm nhất khi nó núp dưới cái vỏ văn hoá: “Văn hoá làm cho xã hội và con người đẹp đẽ, đáng yêu hơn, nhưng văn hoá cũng có thể thành tấm bình phong che đậy, điểm trang cho tội ác, cho sự bất nhẫn, có thể giương ra nguỵ biện cho sự sai trái hay cũ kỹ”


(Lê Văn Trà, Thách thức của Văn hoá – TTCN 51-89, tr.3)


 


Hôm nay Đức Pháp chủ đã giã từ cõi mộng, không ai còn được chiêm ngưỡng đức tướng trang nghiêm của Ngài, nhưng, ánh sao, tuy đã tắt, trăm ngàn năm sau vẫn soi sáng thế gian này. Suốt cuộc đời, Ngài sống khiêm tốn, giản dị, không thân cận cửa quyền, với tấm áo vải, Ngài tận tuỵ với sự nghiệp truyền bá Chánh pháp bằng sự chân chất, thanh tịnh của tâm hồn. Cho nên, trong khi những lâu đài chức tước, địa vị theo sóng biển thời gian sụp đổ và bị chôn vùi vào bóng đêm quên lãng thì nhân cách đĩnh đạc của Ngài vẫn toả sáng trong trái tim của hàng triệu Tăng, Ni, Phật tử- vẫn sáng mãi một vì sao.


 


Tổ đình Vĩnh Nghiêm, Mạnh Hạ Giáp Tuất


Tháng 5- 1994