Trang chủ PGVN Nhân vật Tưởng niệm Hòa thượng pháp chủ HĐCM GHPGVN (Nhiệm kỳ IV...

Tưởng niệm Hòa thượng pháp chủ HĐCM GHPGVN (Nhiệm kỳ IV & V)

169

Hòa thượng hiện hữu ở thế gian này vào những ngày đầu của thập niên 10 – thế kỷ XX và xả bỏ báo thân ra đi vào những ngày đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3 – thế kỷ XXI. Với 91 năm trụ thế và 66 năm tùy duyên hóa độ chúng sanh, thực hành Bồ tát đạo, Hòa thượng đã để lại cho Tăng Ni, Phật tử, cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam một tấm gương đạo hạnh trang nghiêm, một hiện thân Bồ tát – hiền Tăng thanh tịnh từ hòa.


         Chúng tôi là người miền Nam, hiện công tác Phật sự tại Văn phòng II Trung ương Giáo hội và Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh nên không có phước duyên được giao tiếp nhiều với Hòa thượng. Cho đến nay, Ngài đã mãn hóa duyên – phi tích không trung, tôi mới có hân hạnh được bái kiến Hòa thượng hai lần tại chùa Quán Sứ – thủ đô Hà Nội với tấm lòng tràn trề ngưỡng mộ, kính mến. Đó là vào những năm:


         Tháng 11 năm 1997 và tháng 11 năm 2002, lúc bấy giờ tôi là đại biểu đoàn Thành hội Phật giáo Thành phố. Hồ Chí Minh tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (1997-2002) và lần thứ V (2002-2007) tại chùa Quán Sứ – Hà Nội. Cũng tại hai nhiệm kỳ này (IV và V), toàn thể Đại hội đã suy tôn Hòa thượng lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giữ vững thạch trụ tòng lâm, làm nền tảng xây dựng và phát triển Giáo hội.


         Với hai lần diện kiến Hòa thượng trong không gian hạn hẹp vì đại biểu của các đoàn Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước về dự rất đông và thời gian thì đã khép kín vào chương trình theo quy định của Ban Tổ chức Đại hội, cho nên tôi chỉ hân hạnh được bái kiến Hòa thượng chứ không dám đứng hầu Ngài lâu vì Hòa thượng tuổi đã cao, lại còn Phật sự đa đoan cần giải quyết trong Đại hội, riêng phần tôi cũng phải về với đoàn để chuẩn bị cho Đại hội sắp khai mạc. Tuy hai lần diện kiến với Hòa thượng trong thời gian ngắn ngủi như vậy, nhưng với ngôn từ và đạo phong của Ngài cộng với những hiểu biết về Ngài qua chư tôn đức miền Bắc kể lại cùng với các tư liệu về Ngài mà tôi có được đã để lại trong tâm tư tôi những ấn tượng hết sức tốt đẹp và sâu sắc khó quên.


         Thật vậy, cố Hòa thượng Đệ nhị Pháp chủ là một bậc chân tu thực học trong hàng Thánh đệ tử của Phật, trong suốt cuộc hành trình hành đạo với đời sống phạm hạnh, với chí nguyện hoằng hóa độ sanh cùng đức tính nhu hòa, cần mẫn, hết lòng phụng sự Tam bảo, phục vụ Giáo hội. Hòa thượng chính là một bậc chúng trung tôn của Phật, một vị lương đống của Thiền môn.


         Ngài xuất gia theo Đức Tổ Vĩnh Nghiêm, học đạo khi tuổi đời vừa tròn đôi mươi và chính thức vào hàng xuất gia bình đẳng trong Chánh pháp năm 24 tuổi.


         Sau 14 năm tinh tấn tu học, hành trì phạm hạnh, phát huy giới đức ưu việt của một Tỳ kheo, Hòa thượng được chư tôn đức đương thời thỉnh làm Giới sư, Hòa thượng Đàn đầu truyền trao giới pháp cho các thế hệ hậu học tại các Đại giới đàn như: Giới đàn chùa Quán Sứ (Hà Nội – 1953), Giới đàn chùa Tế Xuyên (Hà Nam – 1955), Giới đàn chùa Thần Quang (Hà Nội – 1959), Giới đàn chùa Bà Đá (Hà Nội – 1976), Giới đàn chùa Quán Sứ (Hà Nội – 1978).


         Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thành hội Phật giáo Hà Nội thành lập, từ năm 1981 đến năm 2001, cứ mỗi năm, sau ngày an cư kiết hạ, Thành hội Phật giáo Hà Nội đều tổ chức Đại giới đàn truyền giới cho Tăng Ni, tất cả Đại giới đàn Thành hội Phật giáo Hà Nội đều cung thỉnh Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng truyền trao giới pháp cho các giới tử.


         Với sứ mạng “Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”, Hòa thượng đã lần lượt được bổ nhiệm trụ trì các thiền môn tự viện như:


– Năm 1958, Giám tự chùa Quán Sứ – Hà Nội;


– Năm 1962, Trụ trì chùa Cao Đà – Hà Nam;


– Năm 1979, Trụ trì Tổ đình Bồ Đề (Thiên Sơn cổ tích tự) – Hà Nội;


– Năm 1981, Trụ trì chùa Quán Sứ – Hà Nội (Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam);


– Năm 1997, Viện chủ Tổ đình Tế Xuyên – Hà Nam.


         Đặc biệt, những trọng trách đối với Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng luôn luôn quan tâm đến sứ mạng thiêng liêng của Tăng già “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, nên Ngài rất tích cực tham gia gánh vác liên tục nhiều Phật sự từ khi còn trẻ cho đến lúc cao niên như:


         – Năm 1958, Uỷ viên Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam;


         – Năm 1972, Uỷ viên Ban Nghi lễ Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam;


            – Năm 1976-1981, Uỷ viên Thường trực Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam;


         – Năm 1983, Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Thành hội Phật giáo Hà Nội;


            – Năm 1992, Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật  giáo Việt Nam;


         – Năm 1997-2007, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


         Mặc dù tuổi đời, tuổi đạo đã cao, Hòa thượng vẫn ra đảm nhiệm trọng trách ở ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phải chăng, việc làm cao cả đó không còn ý niệm hữu vi khi Ngài đã nhập thế độ đời với tinh thần vô ngại đại bi!


         Thật ra, ngôi nhà Phật giáo được rạng rỡ sáng ngời hay lu mờ tăm tối đều tùy thuộc vào hàng ngũ Tăng sĩ có thực tu thực học, có oai nghi phạm hạnh hay không? Cho nên, trong “Quy nguyên trực chỉ”, ở phần chú thích có câu: “Quân đắc nhất hiền thần tắc hưng quốc trị bang. Pháp môn đắc nhất nột tử tắc tùng lâm vĩnh tại” (Nước nào được một vị hiền thần cai trị thì nước đó thịnh vượng. Pháp môn được một Tăng sĩ tài đức dẫn đạo thì tòng lâm nhờ đó mà tồn tại lâu dài).


         Ngoài ra, trong “Thiền lâm bảo huấn” có viết: “Khi nghe một bậc đạo đức mất đi thì Ngài Chân Tịnh thương tiếc đến rơi lệ khiến thị giả là Trạm Đường thấy vậy than rằng: Vạn vật sinh ra trong trời đất một khi đã có hình chất thì sự khô chết, tàn lụi dường như không thể tránh được. Thiền sư tự rước lấy khổ đau làm gì? Ngài Chân Tịnh dạy rằng: Pháp môn được hưng thịnh là nhờ người có đạo đức chân chính, nay các bậc ấy đã mất đi thì tòng lâm phải suy kém vậy”.


         Lời dạy của Ngài Chân Tịnh thật thâm thúy thay! Chỉ có bậc chân tu mẫu mực mới có đủ khả năng lèo lái con thuyền Chánh pháp vượt qua khỏi phong ba bão táp của dòng đời, mới thắp sáng lên ngọn đèn trí tuệ để đưa chúng sinh đến bến bờ giải thoát. Chỉ có những tâm hồn tha thiết với Đạo pháp mới biết lo lắng cho tiền đồ Phật giáo, mới có ý tưởng tốt đẹp làm thăng hoa ngôi nhà Chánh pháp mà thôi.


         Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam trong những năm gần đây, biết bao bậc cao tăng thạc đức sau khi hoàn thành sứ mạng độ sanh, chu toàn Phật sự thượng hoằng hạ hóa, các Ngài lần lượt trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt như cố Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cố Hòa thượng thượng Thiện hạ Siêu, v.v… rồi nay đến Đức Đệ nhị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam – cố Hòa thượng thượng Tâm hạ Tịch. Với gần 8 năm ở cương vị Pháp chủ cho đến ngày viên tịch, uy tín của Ngài ngày càng sáng tỏ tỏa bóng mát an lành cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nương nhờ tu học.


         Hình ảnh đạo hạnh của Đức Pháp chủ mãi mãi sống trong lòng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, là ngọn hải đăng soi đường cho đàn hậu lai trên bước đường tu học giải thoát.


         Giờ đây, thật vô cùng bùi ngùi xúc động khi viết những dòng tưởng niệm này để tưởng nhớ một bậc cao tăng đã xả báo thân, chứng nhập pháp thân. Hòa thượng ra đi là một mất mát lớn lao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và để lại cho Tăng Ni, Phật tử niềm tiếc thương vô hạn, nhưng với tấm gương đạo hạnh viên mãn, chí nguyện lợi tha từ ái của Ngài vẫn còn soi sáng cho chúng tôi trên bước đường làm tốt đạo, đẹp đời để cùng nhau tiến bước nhịp nhàng trên lộ trình phát huy Giáo hội Phật giáo và tiến trình đổi mới của đất nước hôm nay.


         Xin thành kính đốt nén tâm hương bày tỏ tấm lòng ngưỡng nguyện Giác linh Hòa thượng Pháp chủ công hạnh viên thành, tự tại giải thoát vào miền Cực lạc.


HT. Thích Tắc Thành – Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN