Trang chủ Bài nổi bật Tượng Phật Quan Âm Nam Hải 500 năm tuổi từng ẩn dật...

Tượng Phật Quan Âm Nam Hải 500 năm tuổi từng ẩn dật trong ngôi chùa dột nát

1235
Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ là hiện vật gốc, độc bản, mang những giá trị nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu cho nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. Hiện bảo vật quốc gia quý giá này được trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, trước những năm tháng dãi dầu trong ngôi chùa cũ nát nhưng người dân không nỡ dỡ bỏ…
Từng bị lãng quên và nhiều lần phải di dời, bức tượng Phật Quan Âm của chùa Hội Hạ may mắn vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Tạo hình kỳ công, độc đáo cùng những giá trị lịch sử và nghệ thuật của pho tượng khiến nhiều người phải trầm trồ, kinh ngạc.

Bức tượng cổ phủ bụi 

Năm 1962, Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ được thành lập. Cũng bắt đầu từ đây, những thế hệ đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi đó mới là những cô cậu sinh viên được chọn về từ khoa Sử Đại học Tổng hợp và trường Sư phạm bắt đầu những cuộc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật.

Cũng chính nhờ duyên do này mà bức tượng Phật Quan Âm của chùa Hội Hạ mới may mắn được phát hiện và bảo tồn đến ngày nay. Theo lời kể của PGS.TS. Nguyễn Đỗ Bảo, việc ông tìm được bức tượng này là một sự may mắn, một nhân duyên.

Theo đó, mùa hè năm 1965, khi đang một mình trên chiếc xe đạp cũ kỹ dong duổi khắp các con đường đất gồ ghề thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, giữa cái nắng gay gắt, ông Bảo vừa mệt vừa khát nên quyết định tìm chỗ nghỉ chân.

Vừa lúc đó, ông đi tới sân kho của hợp tác xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc nên vào ngồi nghỉ xin nước uống. Thời điểm đó đang vào vụ thu hoạch lúa nên sân kho tập trung rất đông xã viên đập lúa. Trong lúc ngồi nghỉ, ông Bảo vô tình thấy bên cạnh sân kho có một ngôi chùa dột nát, mái ngói lụp xụp, tường mốc phủ rêu.

Cận cảnh khuôn mặt đầy tròn, phúc hậu của Phật Bà Quan Âm Nam Hải chùa Hạ Hội.  

Thấy ông Bảo là người lạ, một xã viên tới gần bắt chuyện hỏi thăm. Nghe xong nhiệm vụ của ông Bảo, người này liền chỉ tay về phía ngôi chùa nói: “Ngôi chùa này có tên là chùa Hội Hạ, chùa dột nát lâu năm rồi mà lại không có sư. Hợp tác xã chúng tôi đang định trong thời gian tới sẽ dỡ đi để làm sân kho. Ở trong chùa có bức tượng Phật rất to nhưng chúng tôi chưa biết xử lý như thế nào. Ở đây không ai dám hóa (đốt đi). Bác vào xem như thế nào, nếu ưng ý thì chúng tôi biếu”.

Chàng sinh viên ngày đó mới 25 tuổi không thể ngờ rằng, bức tượng suýt bị bỏ đi đó là một trong những bức tượng gỗ cổ nhất Việt Nam. Một kiệt tác nghệ thuật đại diện cho mỹ thuật của cả một thời. Khi tiến vào ngôi chùa, trước mặt chàng sinh viên trẻ là một không gian tĩnh lặng, ánh sáng yếu ớt của những lỗ hổng trên mái chỉ đủ nhìn thấy lờ mờ những bức tượng bám đầy bụi và mạng nhện. Quan sát một lượt, ông Bảo phát hiện ra bức tượng sơn son thếp vàng Phật Quan Âm Nam Hải.

Bảo vật quốc gia pho tượng Phật Quan Âm chùa Hội Hạ được trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.  

Khi được phát hiện, bức tượng trong tình trạng bị hư hỏng nhẹ, một số cánh tay và tượng Ngọc Nữ bị rơi ra, nhưng may mắn chúng được người dân xếp tạm quanh tòa sen chứ không bỏ đi. Bằng con mắt tinh tường cùng kinh nghiệm của mình, ông Bảo nhanh chóng nhận định đây là một bức tượng gỗ cổ, hiếm gặp bởi nó có kích thước khá lớn với chiều cao hơn 3 mét. Không ngần ngại, ông Bảo dùng chiếc máy quay phim đen trắng chụp một số tấm ảnh để mang về báo cáo và xin được nhận bức tượng.

Sau khi nhận được báo cáo một cuộc họp của các nhà nghiên cứu thời đó đã nhanh chóng được tổ chức. Sau rất nhiều phân tích, đánh giá, các nhà nghiên cứu nhận định, bức tượng được tạo nên trong khoảng thời nhà Mạc (1527 – 1592), như vậy tượng Phật Quân Âm tại chùa Hội Hạ đã được chế tác gần 500 năm.

“Dựa vào các hoa văn mây, rồng và độ lớn của tượng, chúng tôi chắc chắn tác phẩm này ra đời trong thời kỳ phục hưng Phật giáo thế kỷ 16. Đây là một giai đoạn nghệ thuật điêu khắc hưng thịnh nhất, sau những năm nhà Minh sang xâm lược, phá tượng, đập bia, đốt chùa thế kỷ 14, 15”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, thành viên trong nhóm sưu tầm cho biết.

Sau phát hiện này, Viện trưởng Viện Mỹ thuật – Mỹ nghệ khi đó là họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trực tiếp xuống làm việc với chính quyền xã Hợp Thịnh để xin tượng quý về trưng bày, với mong muốn bảo vật được giữ gìn tốt hơn thay vì phơi mưa, nắng. Sau này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – nơi lưu giữ, trưng bày bức tượng đã tài trợ tiền để địa phương xây chùa mới, đồng thời làm tặng một phiên bản tượng Quan Âm.

Thế nhưng số phận tượng quý vẫn chưa hết truân chuyên, sau đó, bức tượng còn bị tách rời và di chuyển thêm 2 lần để sơ tán ở Tuyên Quang và Đà Lạt, tránh nguy cơ bị phá hủy trong những năm 1975, 1979. Nhờ những giá trị lịch sử và nghệ thuật, tượng Quan âm chùa Hội Hạ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 30/12/2013.

Kỳ công kiệt tác Phật Quan Âm

Quay trở lại với việc tìm thấy tượng, sau khi nhận được sự đồng ý của chính quyền xã Hợp Thịnh, Ngành Mỹ thuật đã phải cử một đội những nghệ nhân giỏi nhất xuống tháo dỡ bức tượng đưa về.

Bức tượng được chia là 3 phần chính gồm: thân tượng gắn với 42 cánh tay, đài sen và bệ đa giác. Phần thân còn có hai pho tượng Kim Đồng và Ngọc nữ nhỏ. Mọi công việc vận chuyển, phục chế hoàn thành trong năm 1965 để chuẩn bị cho dịp mở cửa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 24/6/1966.

Theo đánh giá của PGS. TS Nguyễn Đỗ Bảo và nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, pho tượng Quan âm này có được một tổng thể vô cùng bề thế, khỏe khoắn nhưng lại hết sức trang nhã. Để tạo ra được một bức tượng tuyệt hảo như vậy đòi hỏi sự kỳ công và quãng thời gian dài có thể là cả năm trời để hoàn thành. Bởi không có bất cứ vết tích nào để lại về tác giả thực sự nên các chuyên gia phỏng đoán bức tượng này được tạo nên bởi phường thợ nông thôn thời đó.

Trong lịch sử phát triển của mỹ thuật Việt Nam, những nhóm thợ chuyên nghề tạc tượng họ thường đi hết chùa này tới chùa khác. Để có thể hoàn thành được những bức tượng cầu kỳ và tinh xảo, những người thợ này phải ăn ở tại chùa cả tháng tới năm trời. Việc làm tượng ngay tại chùa còn ẩn chứa nhiều nghi thức huyền bí như nghi lễ yểm tâm, hô thần nhập tượng, điểm nhỡn. Giữa các nhóm thợ có sự giao lưu với nhau, trong đó thợ cả là người có nhiều kiến thức, nắm được tinh thần nghệ thuật của giai đoạn.

Những cánh tay cầm pháp khí tỏa sang hai bên đầy tinh tế của bức tượng Phật Bà Quan Âm tại chùa Hội Hạ.

 

Bức tượng Phật Quan Âm tại chùa Hội Hạ có được một tạo hình vô cùng khỏe khắn, hình ảnh quỷ Ô Ba Na Đà nhô lên khỏi mặt nước, đỡ bệ sen gắn liền với điển tích Quan Âm Nam Hải. “Tạo hình phần thân tượng là những khối vuông vức, bờ vai ngang khác hẳn với các tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn về sau. Riêng lối tạo hình đã khiến bức tượng thành hiện vật độc bản ngày nay”, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đưa ra nhận xét.

Thêm một điểm khá thú vị và đáng tự hào hơn nữa về bức tượng Phật Quan Âm tại chùa Hội Hạ đó là theo nhiều nhà nghiên cứu, kinh nghiệm tạc tượng của người Việt xưa khá tương đồng với tỷ lệ vàng của phương Tây trong mối liên hệ giữa chiều cao và các bộ phận trên cơ thể của bức tượng.

Tỷ lệ này được Marcus Vitruvius Pollio viết trong Trong cuốn thứ 3 của De Architectura, như sau: “Rốn là trung tâm của cơ thể con người, nếu một người nằm xuống với đầu hướng thẳng lên trên, tay và chân sải rộng, với tâm là rốn, ta có thể vẽ một hình tròn chạm tới các ngón tay và chân. Cơ thể con người không chỉ có thể nội tiếp bởi hình tròn, ta còn có thể cho nó nội tiếp một hình vuông. Bằng việc so sánh khoảng cách giữa bàn chân và đỉnh đầu với khoảng cách giữa hai tay khi sải ngang, ta có thể thấy chúng bằng nhau; và do đó các đường thẳng vuông góc với nhau đi qua các điểm này sẽ tạo nên một hình vuông”.

Hình tượng quỷ đội tòa sen nơi Phật đứng gắn liền với truyền thuyết Quan Âm Nam Hải giáo hóa quỷ Ô Ba Na Đà sống dưới biển. 

Vitruvius cũng đưa ra các tỉ lệ và tương quan giữa các phần của cơ thể, ví dụ: “Chiều dài bàn chân bằng 1/6 chiều dài của phần thân. Chiều dài cẳng tay là 1/4. Chiều ngang của ngực là 1/4…”. Do đó, một công trình kiến trúc muốn đẹp thì phải có tỉ lệ và sự đối xứng. Chúng có thể được tìm thấy thông qua giới tự nhiên. Nhưng không có một ví dụ tự nhiên nào hoàn mỹ như vẻ đẹp của tỉ lệ cơ thể con người. Sau này, danh họa Leonardo Da Vinci đã nghiên cứu lại thành quả của Marcus Vitruvius Pollio, áp dụng cho các tác phẩm điêu khắc và hội hoạ của ông thời Phục hưng (thế kỷ 15).

Giữa hai vùng đất xa lạ nhưng tỷ lệ vàng xuất hiện ở tượng Quan Âm chùa Hội Hạ cho thấy trình độ điêu khắc gỗ của người Việt hàng trăm năm trước đã đạt đến đỉnh cao.

Bức tượng Phật Quan Âm bình yên và gần gũi

Nhận xét về bức tượng, TS. Vũ Thị Hằng nhận định: Gương mặt Phật Quan Âm trên bức tượng chùa Hội Hà tròn đầy, phúc hậu, giống như hình tượng điển hình của người phụ nữ Việt Nam tạo nên sự gần gũi. Những bắp tay căng tròn, những bàn tay với ngón tay mềm, mũm mĩm, duyên dáng đang vươn ra tựa bông cúc đại đóa đang chuẩn bị bung nở.

Trong số 42 tay, đôi tay chính chắp trước ngực ở thế liên hoa hợp chưởng, hai tay đặt dưới lòng kết thủ ấn Thượng phẩm thượng sanh. Mỗi bên vai 19 cánh tay tỏa sang hai bên, xòe mở, mỗi tay tượng đều cầm pháp khí. Có thể nhận thấy một số pháp khí như: Sổ châu thủ; nguyệt tinh ma ni thủ; ngũ sắc vân thủ; bảo kiếp thủ; bảo bát thủ; cô lâu trượng thủ; bảo kiếm thủ; ngọc hoàn thủ; bàng bi thủ; quyến sách thủ; Thí vô úy thủ; cung điện thủ; như ý bảo châu thủ; bảo luân thủ; nhật tinh ma ni thủ; bảo kinh thủ; bảo loa thủ; quân trì thủ; bảo kính thủ… Nhiều pháp khí đến nay không còn nhưng ta vẫn có thể bổ sung khi đối chiếu Tứ thập nhị thủ nhãn đồ của chú Đại Bi.

Việc tạo tượng với 42 thủ nhãn ấn pháp thể hiện diệu dụng của chú Đại Bi. Đức Quan Âm, ngài phát nguyện sinh ngàn tay ngàn mắt, có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh với thần chú (Đại Bi). Bồ Tát Quan Thế Âm vì muốn cho chúng sinh được an vui, được trừ tất cả các bệnh, được sống lâu, được giàu có, được diệt tất cả các nghiệp ác tội nặng, được xa lìa chướng nạn, được tăng trưởng công đức của pháp lành, được thành tựu tất cả các thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ tất cả những chỗ mong cầu mà nói ra thần chú này.

Phật bà Quan Âm 42 tay chính là sự hiện hình Thiên Thủ Thiên Nhãn. Huyền tích về Đức Quan Âm Diệu Thiện vì cắt tay, móc mắt chữa bệnh cho cha mà sau hiện hóa ngàn tay ngàn mắt. Thể hiện cho lòng từ bi, quảng độ.

Cùng với đó hình ảnh quỷ Ô Ba Na Đà nhô lên khỏi mặt nước, đỡ bệ sen gắn liền với điển tích Quan Âm Nam Hải. Quan Âm Nam Hải được những người đi biển thờ cúng là sự thể hiện một cách cụ thể của một trong nhiều chức năng cứu khổ cứu nạn khác nhau của vị Bồ-tát này, như câu:

“Gió đông đi biển chìm thuyền/  Niệm danh Bồ-tát sóng tan hết liền”.

Ở Việt Nam, sự tích Quan Âm Nam Hải lưu truyền trong dân gian gắn liền với câu chuyện công chúa Diệu Thiện. Điển tích đó được lưu lại trong kinh Phật giáo Việt Nam như sau:

“Chân như đạo Phật rất mầu/ Tâm trung chữ Hiếu niệm đầu chữ Nhân. Hiếu là độ được song thân/ Nhân là cứu độ trầm luân muôn loài. Thần thông ngàn mắt ngàn tay/ Cũng trong một điểm linh đài hóa ra. Này trong bể nước Nam ta/ Phổ môn có đức Phật Bà Quan Âm. Niệm ngài thường niệm tại tâm/ Dẫn xem sự tích ca ngâm cho tường…”

Còn vào thời Phật giáo còn hưng thịnh ở xứ Ấn, những thương thuyền Ấn Độ thường mang theo tượng Quán Thế Âm Bồ-tát để cầu nguyện cho những chuyến hải trình được thuận buồm xuôi gió.

Bảo vật quốc gia Tượng Quan Âm Nam Hải chùa Hội Hạ đã chứng kiến nhiều đổi thay của dòng lịch sử Việt Nam xuyên suốt 5 thế kỷ. Hình tượng Quan Âm luôn thể hiện được khát khao hòa bình, hạnh phúc cùng những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Dù ở bất cứ thời đại nào và trải qua bao nhiêu biến cố thì hình tượng quan âm vẫn luôn tồn tại và được nghệ nhân gửi gắm những giá trị cốt lõi về đức đạo trong đời từ ngàn đời nay trong đời sống tâm kinh của người Việt.

Đối với người châu Á, không ai là chưa từng nghe đến đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Chẳng những thế, truyền thuyết về ngài còn được nhân gian thêu dệt vào những huyền thoại làm tăng vẻ huyền nhiệm, trong đó có sự hiện thân của Bồ Tát Quán Âm Nam Hải.

Theo huyền sử Tàu thì Diệu Thiện là con gái thứ ba của vua Diệu Trang, một tiểu quốc cận biên Ấn Độ; Không vâng lời vua theo gương hai người chị là Diệu Âm và Diệu Thanh lập gia thất mà muốn xuất gia quy Phật; sau nhiều lần cản ngăn và trừng phạt không thành, vua thuận cho Diệu Thiện vào chùa, nhưng mật cho các sư ni hành hạ cho Diệu Thiện nản chí mà quay về.

Ni trưởng chùa Bạch Tước báo cáo về triều là công chúa Diệu Thiện vẫn cam chịu được mọi khó nhọc, một lòng quyết chú tu hành, nổi giận, vua sai đốt chùa, bắt công chúa về lại triều rồi xử trảm. Nhiều hình phạt đều bất thành vì được Ngọc Đế sai Thần hoàng bổn cảnh hóa thân cọp cỏng nàng chạy để bảo vệ nàng. Trong lúc hồn liền khỏi xác, được Diêm vương đưa nàng đi thăm các cửa ngục hành hình tội nhân.

Do uy lực của Diệu Thiện mà các tội nhân được siêu thoát; Diêm vương được lệnh nghinh tiển hồn Diệu Thiện trở lại dương thế. Tỉnh lại, Diệu Thiện hoang mang không biết đi về đâu, thì được đức Phật khuyên  hãy đến núi Phổ Đà ở cù lao Hương đảo  Nam Hải tiếp tục tu luyện. Sau 9 năm, Ngài đắc đạo, từ đó được hồng danh là Quan Âm Nam Hải.


Vũ Lành – Thành Trung / Xa lộ pháp luật