Trang chủ Văn hóa Du lịch TVTL Giác Tâm: Thanh tịnh chốn cửa Thiền

TVTL Giác Tâm: Thanh tịnh chốn cửa Thiền

162

Nơi sơn thủy hữu tình

 

Từ thị trấn Cái Rồng huyện Vân Đồn, theo hướng Đông Bắc khoảng 10 km, chúng tôi đến được Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm. Trên con đường dẫn đến Thiền viện, cảnh ở đây hoang sơ, tự nhiên và đẹp đến mê hồn. Phía tay trái là những rừng thông, rừng phi lao rì rào, hoa sim rực hồng trên những mỏm đá, còn phía tay phải là những căn nhà nhỏ xinh, mái đỏ, nằm ẩn trong những lùm cây xanh. Tiếp đến là bờ biển trong quần thể vịnh Hạ Long, ban ngày nắng đẹp, sóng biển vỗ nhè nhẹ vào bờ. Xa xa là những hòn đảo lớn nhỏ nằm nhấp nhô trên sóng nước trong xanh như ngọc. Mùa này đến Cái Bầu đã đầu hè, tuy nắng nóng nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được cái mát lạnh mơn man da thịt nhờ gió biển thổi vào.

 

 

 

Đến Thiền viện, một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa thanh tịnh lại có sự hòa hợp đến kỳ diệu của tự nhiên và cuộc sống con người làm cho cảnh vừa kỳ vĩ lại vừa gần gũi. Bước chân lên bậc tam cấp dẫn lên Thiền viện, ngẩng mặt nhìn lên, thấy thấp thoáng những mái chùa cong vút đến nghệ thuật. Đó là những mái vòm của Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm được xây dựng vào năm 2007 trên nền ngôi chùa Phúc Linh Tự xưa kia. Theo các nhà sư trụ trì ở Thiền viện thì ngôi đền và chùa xưa kia thờ các vị tướng thời nhà Trần có công đánh đuổi giặc Nguyên – Mông.

 

 

 

 

Đến Thiền viện dù chỉ một lần thôi, du khách nào cũng phải thốt lên rằng địa thế và hướng phong thủy ở đây tuyệt diệu quá. Lưng chính điện tựa vào ngọn núi cao sừng sững, nơi có những gốc thông già xù xì mọc tự bao giờ, điểm xuyết vào là những khóm sim xanh tốt đang nở hoa. Thiền viện hướng mặt ra biển, nơi đó là vịnh Bái Tử Long mênh mông nước biển và hùng vĩ với những hòn đảo lớn nhỏ. Sóng biển ngày đêm vỗ nhè nhẹ vào bờ làm cho cảnh và không gian không ồn ã. Thật đúng là “sơn thủy hữu tình” như con người vẫn chọn và ngợi ca.

 

Thanh tịnh nơi cửa Thiền
 

Chính điện rộng hơn 6000m2, gồm hai tầng, bước vào tầng thứ nhất của Thiền viện, không gian rộng và thoáng mát. Đó là nơi thờ tổ, thờ các chư vị tổ sư, Bồ Đề Đạt Ma khai sinh ra thiền phái Trúc Lâm, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa đại sư Huyền Quang. Tầng thứ hai đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, phía sau là phù điêu bằng đồng mô tả lại quang cảnh của gốc cây Bồ đề, nơi Ngài giác ngộ. Hai bên là tượng của Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ Tát, tượng trưng cho trí tuệ và từ bi. Thắp nén nhang trầm, chắp tay niệm Phật trước tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, lòng người như cảm nhận được những giáo lý và điều răn của Đức Phật từ bi, đồng thời như được xóa bao phiền muộn, bao lo lắng và nghĩ suy chốn bụi trần. Tiếng mõ hòa cùng lời kệ và tiếng chuông bên gác nhỏ làm cho con người nhận ra được những điều kỳ diệu của nhân thế.

 

Ở hai bên vách chính điện có tạc những bức tranh kể về quá trình sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni và con đường giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rồi những bài kệ, bài thơ được khắc trên những cột to và gác chuông như để nhắc nhở con người về đạo lý, giáo lý ở đời.

 

Đứng trên tầng hai của chính điện, phóng tầm mắt ra xa, nơi vịnh Bái Tử Long hùng vĩ, du khách cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm và thanh tịnh nhường nào. Sự hòa điệu cảm xúc giữa chốn cửa thiền với cái bao la rộng lớn của thiên nhiên và nhịp vỗ miên man của sóng biển làm cho lòng người như được soi mình trước một tấm gương trong vắt điều thiện tâm.

 

 

 

 

Đi dọc bờ biển được mấy trăm mét sau khi xuống núi, chúng tôi vào thăm ngôi chùa nhỏ ngay sát bờ biển, nơi đây thờ Địa tạng Bồ Tát. Phía tay phải ngôi chùa là tượng Quan thế âm Bồ Tát lưng quay ra biển lớn, mặt hướng về núi như để che chở và phổ độ cho chúng sinh.

 

Đến Thiền viện Cái Bầu chúng tôi có một cảm nhận rất khác so với các điểm du lịch khác. Đó là trật tự an ninh tốt, các dịch vụ như gửi xe, nhà vệ sinh, ghế ngồi hoàn toàn miễn phí. Nếu ở qua trưa và tối, du khách có thể được thụ cơm chay ngay tại Thiền viện. Ngoài ra, nơi đây không có tình trạng bán hàng, chèo kéo khách, ăn xin và những tệ nạn khác.

 

 

 

Đến Cái Bầu đi bạn ơi! Đến đây để lắng lòng mình nơi cửa thiền thanh tịnh, để hòa mình vào thiên nhiên đất trời để thấy cái vô cùng, cái khoáng đạt và cái hoang sơ.