Trang chủ Diễn đàn Vài ý kiến về tổ chức lễ hội Phật giáo

Vài ý kiến về tổ chức lễ hội Phật giáo

116


Các lễ hội Ki-tô giáo như Giáng sinh, Phục sinh, Tình nhân… cũng theo đó mà tăng dần ảnh hưởng, được giới trẻ đua theo cùng làn sóng ăn chơi, tiêu dùng, hội hè. Do gắn với tiêu dùng nên các lễ hội đó sẽ được các công ty kinh doanh quảng cáo miễn phí, lại thêm sự hậu thuẫn của cộng đồng Vatican II (Với mục tiêu là hoà nhập các lễ hội Thiên Chúa giáo vào các cộng đồng dân cư trên thế giới). Giáo hoàng Benedict XVI nói Châu Á là “vùng đất màu mỡ nơi Lời Chúa có thể được gieo và mang lại mùa gặt bội thu”. Ngài thúc giục “khám phá những cách thế mới để loan báo sự chân thành tròn đầy của Phúc Âm Đức Chúa Kitô cho các dân tộc Châu Á, những cách thế phương thức mới để Phúc Âm hoá những nền văn hoá ấy”. Cho nên Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi các giáo xứ hãy chăm lo tổ chức những sinh hoạt giáo dục theo từng lứa tuổi, nhằm giúp cho mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng là giới trẻ, phát huy được những giá trị Kitô giáo trong đời thường.[1]


 


Cho nên chẳng mấy chốc mà những năm qua các Lễ Giáng sinh, lễ Tình nhân đã trở nên phổ biến, thân thuộc và như một dòng xoáy, các lễ hội đó đang cuốn lấy giới trẻ – những chú cá đang khát khao một mặt biển mênh mông, lãng mạng nào đó…Và ngày càng nhiều các bạn trẻ – với sự hời hợt về nhận thức, với cái nhìn thiển cận vẻ hào nhoáng, vui thú bên ngoài hưởng ứng nhiệt tình, quên dần “nếp sống muôn đời của tổ tông” – nếp sống tôn trọng các giá trị truyền thống, giá trị của tình thương, hỷ xả, nhân quả, giá trị đoàn kết,đùm bọc trong hoà hợp và cảm thông…



So sánh như vậy không có nghĩa là Phật giáo phải cố gắng học đòi, a dua, chạy theo trần cảnh, bắt chước cho giống, cho bằng, cho rầm rộ, xô bồ như những lễ hội trên. Với nét đặc thù riêng của một tôn giáo uyên thâm: “Trọng Tâm, bất trọng Tướng”, đề cao sự thực tập, với bề dày lịch sử hơn 25 thế kỷ, các lễ hội Phật giáo (Phật đản, Vu-lan…) thường mang giá trị tâm linh cao thượng và giá trị nhân bản sâu sắc (đề cao Tuệ giác, Giới hạnh, Từ Bi, Hiếu hạnh, Bố thí… ). Nhưng cũng vì phương châm: “Trọng Tâm, bất trọng Tướng” đó mà phần nào các lễ hội Phật giáo thường mang tính cục bộ, gói gọn dưới mái chùa, ít ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Duy trừ có Lễ Vu-lan Báo hiếu đã được dân gian hoá và rất phổ biến. Nhưng trải qua một thời gian dài, ý nghĩa Báo hiếu cao đẹp đó dường như bị lấn át dần bởi lễ Cúng cô hồn (Lễ thí thực) – là một phần nghi thức trong lễ Vu-lan. Mà trong lễ cúng này, những người không hiểu lý Đạo mặc sức bày biện rượu, thịt…và đốt hàng đống vàng mã nên đã gây ngộ nhận cho nhiều người và làm bằng chứng để các tôn giáo khác mặc tình bài bác, chỉ trích đạo Phật.


 


Phật tử phải chung tay góp trí” cùng Giáo hội làm cho diện mạo các mùa lễ, các ngày lễ trong đạo Phật vừa tươi mới hơn nhưng cũng vừa thể hiện được bản sắc thiền vị của Phật giáo, tôn trọng các giá trị truyền thống của dân tộc và nhận được sự ủng hộ, tham gia sâu rộng của đông đảo quần chúng trong tinh thần Vô lượng hoan hỷ.Xứng đáng với vị trí của Phật Giáo trong lòng dân tộc và xứng đáng với tầm cỡ một tôn giáo lớn, riêng lễ Phật Đản là một lễ hội cấp quốc tế.


Mục đích của việc làm mới lại các ngày lễ của Phật giáo:
– Vì thuận theo lý nhân duyên và luật vô thường:phải đổi mới để tồn tại, sự đổi mới phải tích cực (phát huy bản sắc riêng, không bắt chước máy móc), phù hợp với hoàn cảnh mới (thời kỳ hội nhập) nhưng phải tuyệt đối gìn giữ các bản sắc truyền thống của Phật Giáo(vì bản sắc đó là chân-thiện-mỹ, hoàn toàn viên mãn )


– Chúng sinh thời Mạt Pháp thường ưa thích sắc (hình ảnh, sắc tướng bên ngoài), thanh (âm điệu, âm nhạc ) do đó phải thuận theo căn cơ mà nhiếp hoá.



– Chứng minh một đạo Phật nhập thế và Vô lượng hoan hỷ (một trong bốn tâm vô lượng: Từ-Bi-Hỷ-Xả).



– Khích tấn toàn thể 4 chúng của Phật trên lộ trình sống “Tốt Đạo,đẹp đời”



– Mục đích cao cả nhất là hoằng dương Chính Pháp: tạo điều kiện thuận duyên để người chưa biết đạo đến với Đạo Phật hoặc giúp họ gieo duyên lành với Phật Pháp.
– Và chắc chắn không ngoài mục đích cúng dường chư Phật.


 


Một vài giải pháp gợi ý tổ chức lễ hội Phật giáo



– Giáo hội nên cố gắng thông báo liên tục khoảng 7 ngày trước Lễ về chương trình chung, thông điệp, ý nghĩa… của mùa lễ, ngày lễ…một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để không chỉ Phật tử mà tất cả mọi người đều biết để hưởng ứng (vì 80 % dân số Việt Nam theo Đạo Phật hoặc ảnh hưởng tư tưởng Phật Giáo). Giáo hội bắt buộc treo Phật Kỳ tại mọi cơ sở Phật Giáo trong mùa lễ, ngày lễ, khuyến khích và đề nghị treo Phật kỳ tại nhà của đông đảo Cư sĩ Phật tử nhằm tạo không khí rộn rã nhưng cũng rất trang nghiêm, xây dựng một hình ảnh hoà hợp và thống nhất của Phật giáo trong nước cũng như thế giới.


 


– Vườn Lâm-tỳ-ni chỉ được phép thiết trí tại các tự viện để bảo đảm sự tôn nghiêm, không nên thiết lập đại trà tại tư gia Cư Sĩ nhằm tránh sự bắt chước máy móc, a dua theo một số tôn giáo khác.


 


– Các xe hoa diễu hành trên các trục đường chính và quanh các lễ đài tập trung nên có đông đảo Phật tử (tại gia và xuất gia) tuần hành theo với cung cách và thái độ chánh niệm, hoà hợp, an lạc và hoan hỷ đúng Chánh Pháp (mỗi người phải là một bằng chứng sống động về một đạo Phật hoà hợp mang lại “an lạc cho số đông”, mỗi người là một bông hoa về giới hạnh và oai nghi dâng lên cúng dường chư Phật).


 


– Để tất cả quầng chúng nhân dân có thể cùng tham gia diễu hành và để tránh kẹt xe nên thông báo trước trên các PTTTĐC lộ trình đi qua, thời gian (nên là sáng sớm và tối) và nhờ lực lượng Công an giao thông đi theo đoàn điều phối lưu thông, tránh ùn tắc .



– Phần khoá lễ là tối quan trọng và nên được truyền trực tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng.


 


– Phần hội nên được chú ý hơn để thu hút bạn trẻ: ca múa nhạc, thư pháp, trò chơi dân gian,hội chợ ẩm thực chay…phải vừa vui phải vừa bổ ích, vừa thể hiện tinh thần của đạo Phật (ví dụ:đặt tên trò “bịt mắt đập niêu” là “phá chấp”; “kéo co” gọi là “duyên sinh-vô ngã”…)
– Bên cạnh các hoạt động Lễ – Hội, cần đẩy mạnh hoạt động TTXH nằm khẳng định sứ mạng “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”.




Dù sống đến trăm năm,



Không thấy Pháp Tối Thượng,



Chẳng bằng sống một ngày,



Thấy được Pháp Tối Thượng.
(Kinh Pháp cú, kệ 115)



Do vậy, những dịp đại lễ Phật giáo là một thắng duyên to lớn để đem một phần “Pháp Tối Thượng” ấy đến cho nhiều người chưa biết Đạo, để họ được “sống một ngày” thật ý nghĩa, thật lợi lạc và vô lượng hoan hỷ trong kiếp người nhiều khổ đau.Nên mỗi người con Phật được tham dự vào phải có trách nhiệm góp phần tôn vinh lễ hội tôn giáo của mình, làm sống dậy những giá trị cao đẹp của đạo Pháp, thắp sáng hơn hình ảnh một tôn giáo “không làm rơi một giọt máu nào của chúng sinh trên bước đường truyền bá”, một giáo lý thiết thực “mang lại lợi ích cho số đông, an lạc cho số đông” đã được củng cố và khẳng định qua 25 thế kỷ.


 


Nếu quý độc giả quan tâm và muốn chia sẻ về chủ đề tổ chức lễ hội Phật giáo, xin mời ghé thăm chủ đề tại diễn đàn Phật tử Việt Nam: http://phattuvn.org/diendan/viewtopic.php?t=665