Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Vấn đề "lợi dưỡng": Phù hợp và xa hoa

Vấn đề "lợi dưỡng": Phù hợp và xa hoa

73

Có lẽ thời đại bây giờ không ai phản đối việc nhà sư có điện thoại, di động, laptop, xe hơi, xe gắn máy… vì suy cho cùng những thứ ấy thật sự là phương tiện để nhà sư soạn bài giảng, nghiên cứu kinh điển, liên hệ Phật sự, đi công tác, giảng dạy…

Không lẽ đi bộ từ Sài Gòn xuống Tiền Giang mà giảng. Hoặc như tôi biết, có một thầy đang công tác tại Viện nghiên cứu Phật học TP.HCM, hằng tuần phải xuống Bạc Liêu (xa 300 cây số) dạy thêm cho trường trung cấp và các đạo tràng, ban đầu thầy tự chạy xe gắn máy, riết rồi chạy không nổi, phải đi xe đò. Nhưng một năm đi chừng 50 lần như thế, cũng oải (quý vị thử đi rồi biết! Tôi cũng là người hay về quê làm Phật sự, mỗi tháng ngồi xe tốc hành máy lạnh 2, 3 lần, mà 6, 7 năm đã phải đầu hàng!).

Chưa kể, những buổi giảng, buổi họp của thầy có khi gồm cả ban đêm, thầy phải đón xe khuya vất vả để trở về Sài Gòn cho kịp lễ, cúng tại chùa của mình, hầu như thầy thức suốt đêm, mất sức rất nhanh. Thế là Phật tử cúng dường thầy chiếc ô tô cũ của họ, thầy tự lái đi, hoặc nhờ huynh đệ lái, thì nhanh hơn, chủ động giờ giấc hơn, làm được nhiều việc hơn.

Như vậy, tự thân các phương tiện kỹ thuật không có lỗi, người sử dụng cũng không có lỗi.

Có lỗi chăng là khi chúng ta sử dụng phương tiện quá mức so với đời sống chung của đồng bào. Một chiếc xe Dream hoặc Future giá trung bình 20 triệu đồng là vừa đủ độ bảo đảm an toàn để chạy đường dài khoảng 300km, cần gì tới SH 50-70 triệu. Hoặc chiếc ô tô 200-300 triệu cũng là vừa đủ, cần gì tới xe 500-700 triệu hoặc cả tỉ đồng.

Hoặc cái di động Nokia giá 2 triệu rưỡi cũng đáp ứng được nhu cầu liên lạc, chụp ảnh, quay phim, đọc sách ebook, kết nối internet, kể cả lưu trữ nhạc Phật giáo, Anh văn, vài bài thuyết pháp. Không cần tới điện thoại giá 7-8 triệu, thậm chí cả chục triệu. 

Nghĩa là, nếu chúng ta không kềm chế, thì từ chỗ phương tiện nhảy sang hai chữ “xa hoa” thật dễ dàng. Kỹ thuật ngày càng tiến bộ, dĩ nhiên các phương tiện sẽ ngày càng nâng cấp hơn, nhưng tốt nhất tăng ni nên chọn phương tiện nào thấp hơn chúng sinh một chút, như thế mới không gây dị nghị, mang tiếng xấu cho tăng đoàn.

Những phương tiện trung bình mà giới trung lưu, công chức thường dùng, như tôi vừa kể, có lẽ được chấp nhận hơn cả. Chúng vừa đạt tiêu chí an toàn, lại có giá cả vừa phải, và dễ hoà vào số đông dân chúng. Suy cho cùng, trong xã hội thì số lượng người giàu và nghèo luôn chiếm tỷ lệ thấp, còn tỷ lệ cao nhất vẫn là giới trung lưu, tăng ni nên chọn mức sống của thành phần này, xem ra dễ hoạt động nhất. 

Không ai bắt tăng ni phải khổ hạnh, vì nếu khổ hạnh mà không làm lợi ích cho ai, không xiển dương chánh pháp, thì thà chư vị sử dụng phương tiện để đem đến lợi lạc cho chúng sanh vẫn hơn! Nhưng nếu sử dụng phương tiện quá mức nhu cầu, quá mức so với đời sống chung của cộng đồng, thì có khi tổn phước, đặc biệt là gây phản cảm, khiến người ta mất niềm tin vào Phật giáo, điều này lại càng tổn phước.

Dĩ nhiên, tăng ni nào có phước mới được cúng dường nhiều như thế, nhưng phước không phải là vô tận, nên kiệm cần, gìn giữ. 

Mọi người lại đặt vấn đề, Giáo hội PG có cần can thiệp, đặt quy chế cho tăng ni hay không? Cần lắm chứ. Gần đây, nhà nước đã ra quy định cho cán bộ các ban ngành ở mức độ nào, cấp bậc nào thì sử dụng phương tiện tương ứng cỡ đó, tránh lãng phí, xa hoa. Người đời làm được, tại sao người tu chúng ta lại không làm được. Cái khó là tăng ni chúng ta không có cấp bậc hoặc ban ngành rõ ràng, cách nào để quản lý?

Một vị Hoà thượng tuy phẩm bậc cao hơn vị đại đức trẻ nhưng có khi hoà thượng lại không hoạt động nhiều, còn vị đại đức phải đi học, hoặc đi giảng tại các tỉnh, nhu cầu cần xe, cần điện thoại, laptop phải nhiều hơn. Vậy ai có quyền sử dụng phương tiện cao hơn? Rất khó.

Nhưng nói thế không có nghĩa chúng ta bó tay. Chúng tôi đề nghị một cách quy định và quản lý như sau:

-Trong mỗi chùa, vị trụ trì đều am hiểu công việc của tăng chúng, biết ai học gì, làm gì, Phật sự ra sao, thì trụ trì cho phép mỗi người sử dụng phương tiện thích hợp, nhắc nhở mỗi khi quá đà. Như một vị thầy mà tôi quen biết, khi có một đại đức trong chùa sắm chiếc xe tay ga khá đắt tiền, thầy đã nhắc nhở, khuyên đổi lại chiếc xe bình dân hơn. Vị đại đức không vâng lời, thầy quyết định mời ra khỏi chùa. Nếu chùa nào cũng có trụ trì kiên quyết như thế thì tăng ni không dám sống xa hoa.

– Và đến lượt ai sẽ quản lý các trụ trì? Chính là Ban đại diện PG quận, huyện. Tổ chức này dĩ nhiên phải am tường công tác của từng trụ trì, và có họp hành hàng tháng, rất dễ nhắc nhở nhau. Lên cao hơn nữa, là vai trò của Tỉnh Hội PG, cũng họp hành hàng tháng, và quản lý công việc của hệ thống cơ sở cấp dưới. Không một trụ trì nào thoát khỏi “đôi mắt” của Tỉnh Hội và chính quyền, kể cả tai mắt nhân dân.

Chỉ cần hỏi vị A, vị B, là Ban lãnh đạo của Tỉnh Hội biết ngay vị đó đang học gì, hoặc dạy ở đâu, làm từ thiện thế nào. Hoặc hỏi chính quyền địa phương, hỏi người dân nơi vị trụ trì ấy đang ở thì biết ngay thông tin. Như vậy, nếu thật tâm muốn quản lý thì đâu có khó. Vị nào sống xa hoa so với công việc đang phụ trách là mọi người biết ngay, và điều chỉnh ngay.

– Và nếu muốn công khai hơn nữa, có thể lập một trang web hoạt động của mỗi tỉnh, thành, trong đó có mục giới thiệu sơ lược các chùa, giới thiệu trụ trì, hoạt động Phật sự, một số tăng ni trong chùa…Khi có thắc mắc, kiến nghị, người ta sẽ phản ảnh lên trang web, rất tiện lợi cho giáo hội nắm thông tin và điều chỉnh.

Điều này chỉ làm PG thêm uy tín mà thôi. Vả lại, Phật tử cũng rất muốn biết hoạt động của các chùa, của chư vị tăng ni, từ đó phát tâm ủng hộ hoặc cùng nhau sách tấn tu học, chứ không đơn thuần chỉ là “kiểm tra, theo dõi”.

Hiện nay, rất nhiều tăng ni và Phật tử trẻ am hiểu tin học, dễ dàng thành lập và quản lý trang web, chúng ta không phải lo. Thật ra, mỗi tỉnh thành cần có trang web hành chính PG như thế để tiện nắm bắt thông tin, kết nối lẫn nhau. 

Tóm lại, đời sống tăng ni cần đi theo con đường trung đạo bằng sự tự giác lẫn sự quản lý của giáo hội. Không thể không báo động về lối sống xa hoa của một số người, vì đó là con sâu làm rầu nồi canh, khiến quần chúng mất niềm tin vào PG.

KINH ĐẠI THỪA KIM CƯƠNG KINH LUẬN có viết

"Bồ tát Văn Thù hỏi Phật: Sao gọi là Lục sư ngoại đạo?

Đức Phật dạy:

Khi ta nhập diệt rồi, có nhiều thứ Ma ba tuần xen vào trong Pháp ta.

* ở chùa, cạo đầu, mặc áo Phật, chung lộn với người đời, ăn thịt uống rượu, nhơ bẩn đất Phật. Đấy là ngoại đạo thứ nhất.

* Còn có người dắt vợ, đem con vào chùa. Học theo tà thuật cho là để truyền lại cho đệ tử. ăn thịt uống rượu. Cũng đi làm chay, tụng kinh cho người. Không phải ông thầy, không phải người tục. Đó là ngoại đạo thứ hai.

* Còn có những người tà, trên thì không có thầy truyền, dưới thì không có thầy chứng, bị ma quỷ ám ảnh, mê muội. Trí biết bậy bạ, cho là thông minh. Chẳng có công tu, tự xưng thành đạo. Bên ngoài làm giống theo Phật, trong tâm làm việc tà mị, phỉnh gạt người đời, theo vào đường tà, diệt hạt giống Trí của Phật. Đấy là ngoại đạo thứ ba.

* Lại có người làm theo việc hữu hình, học phép hữu vi, vẽ bùa, thỉnh chú, đuổi Quỷ, sai Thần, phỉnh gạt người đời. ác kiến càng nhiều thì chính kiến của Phật càng bị tiêu diệt. Đây là ngoại đạo thứ tư.

* Còn có người y theo việc tốt xấu, học theo chiêm quẻ, bàn luận cát hung, xem bói xem tướng, nói trước những điều họa phúc, dối chúng gạt người, tiêu diệt con mắt chính Pháp của Phật. Đây là ngoại đạo thứ năm.

* Lại có người sửa soạn hình tướng, bụng trống lòng cao. Mình không có tài năng mà lòng tự cao, cho mình là giỏi, chưa có chứng ngộ nói là đã chứng, đã ngộ.  Học được một hai câu nói của Phật, cho mình đã thấu lý. Chẳng ăn dầu, muối, trà, quả, tương, dấm. Chấp theo tà tướng, dối gạt người không Trí. Chẳng cần xem Kinh, niệm Phật. Chẳng cần làm Phúc tham Thiền. Chẳng cần xuất gia thụ giới. Chẳng cần tìm Thầy học Đạo. Dám đem sắc thân uyển giả này mà ví cùng Phật không khác. Lừa gạt người không biết đều vào nơi hắc ám. Dứt đoạn căn lành, tiêu diệt hạt giống Trí Tuệ. Hay chấp trược những sự khờ khạo, ngu si. Đây là ngoại đạo thứ sáu.

Sáu hạng ngoại đạo này là Ma ba tuần, đến thời mạt Pháp, xen vào giáo Pháp của ta, phá hoại Già Lam, huỷ báng chính Pháp của Phật, chê bai những giáo tướng, nghi thức tụng niệm. Nên, Phật dạy các vị Bồ tát Đại thừa phải đem nguyện lực, tùy chỗ ứng hiện. Hoặc làm vị Đế vương, hoặc làm vị Tể quan, hoặc làm vị Trưởng giả, đều ở mỗi chỗ làm vị Đàn việt để tiêu trừ tà đạo, ủng hộ chính Pháp, không cho tà ma tự tiện quấy phá, y theo lời Phật dạy. Đây mới là Đệ tử của Phật. Còn như thuận theo tà là đồng với Ma ba tuần ngoại đạo, huỷ báng Pháp Đại thừa, đọa vào Địa ngục như tên bắn.

Hễ đã mất thân người, muôn kiếp khó trở lại được."