Trang chủ Văn học Truyện Truyện Bóng Áo Nâu (phần 4: Khói hương )

Truyện Bóng Áo Nâu (phần 4: Khói hương )

133

Ngôi tháp hoàn thành năm 1972. Chót vót trên tầng tháp thứ bảy, ở chính giữa, chưng thờ xá lợi Tôn giả Mục Kiền Liên, chung quanh là di cốt của chư vị tăng ni giáo phẩm. Những tầng dưới là nơi nhập cốt vĩnh viễn những ưu bà tắc và ưu bà di; còn có một gian khá rộng nữa dành riêng cho việc cúng kính. Thầy và sư huynh Thiện Tri được ban Lãnh chúng giao cho nhiệm vụ chăm lo chỗ thờ cúng này. Nhiều lúc hai thầy phải quán xuyến luôn cả việc cúng thất cho chư hương linh.


Những năm sau này, chiến tranh càng trở nên khốc liệt, số hương linh nhập di ảnh hoặc di cốt vào tháp Phổ Ðồng càng nhiều, chủ yếu là những người lính trẻ tử trận. Ða số các thân nhân quìø trước di ảnh là những người phụ nữ còn rất trẻ, bên cạnh họ thường là những đứa bé thơ. Họ còn trẻ quá, đẹp quá, đến nỗi hai thầy thường xuyên bị mấy huynh đệ trong chúng chọc ghẹo rằng: coi chừng cúng bảy thất là mất ông thầy đó nghe! Huynh đệ nói đùa, nhưng trong chừng mực nào đó, những lời nói đùa ấy cũng có công năng nhắc nhở, thức tỉnh. Quí thầy lớn vẫn luôn để tâm coi ngó mấy thầy trẻ, sợ mấy thầy bị “giống cọp có đuôi trên đầu” bắt mất đi. Ðối với thầy, chưa bao giờ thầy quan tâm nghĩ đến việc ấy. Ðứng trước những người phụ nữ đáng thương ấy, thầy cảm thấy mủi lòng! Chiến tranh đã làm cho cuộc sống trở nên tang thương, tan nát tất cả. Nhìn cảnh ấy, thầy tự nhủ mình phải cố dốc lòng hơn nữa chăm lo chu toàn việc cúng kính, để phần nào trợ giúp cho hương linh người chết và cũng để an ủi, thức tỉnh người sống. Nhiều hôm, cầm cây chổi lông gà phủi bụi qua mấy tấm di ảnh, thầy đột nhiên dừng lại, nhìn chăm chú vào một tấm ảnh nào đó, thầy thấy họ sao mà quen quá, quen như thể họ là những người hàng xóm cùng quê của thầy vậy. Thầy chợt nhớ đến câu chuyện mà thầy từng đọc đâu đó về đức Phật, ngài đã cố ngăn cuộc chiến tranh giữa vương quốc Kiều-tát-la của vua Lưu Ly và thành Ca-tỳ-la thuộc dòng tộc Sakya của ngài. Mỗi lần gặp Ðức Phật, vua Lưu Ly lại lui binh, nhưng mối thù thì không thể nào dứt được. Vua dùng quân để vây khốn Ca-tỳ-la. Ðức Phật biết rằng đó là cộng nghiệp của dòng họ Sakya, đã đến lúc họ phải trả, ngài không thể can thiệp vào nghiệp lực của người khác được. Chuyện kể rằng, ngài Mục Kiền Liên thấy thế, liền dùng thần thông đưa 500 người Sakya bỏ vào bình bát đem ra khỏi thành để tránh bị chém giết. Nhưng khi mở bình bát ra, ngài kinh ngạc khi nhìn thấy trong bình của ngài chỉ chứa toàn máu!


Nghiệp lực của con người chăng? Nhưng ai gây ra nghiệp? Thầy tự hỏi và tự trả lời: ừØ, thì cũng tại con người! Trong cái sức mạnh cộng nghiệp này, thầy trở nên quá nhỏ bé. Nhưng cho dù nhỏ bé đến thế nào, thầy vẫn cố cầu nguyện cho cuộc chiến tranh sớm chấm dứt, để mọi người bớt khổ.


Buổi sáng, như thường lệ, sau giờ công phu, thầy lên tháp lau quét bàn Phật và phủi bụi trên những bức ảnh thờ. Thầy quét cẩn thận, nhẹ nhàng, như thể sợ hương linh sẽ giật mình thức giấc. Xong công việc, thầy ra ban công, đứng hít thở bầu không khí trong lành và nhìn về phía phố xá. Một màng sương mỏng lãng đãng bao trùm lấy thành phố đã bắt đầu rộn lên báo hiệu một ngày tất bật.


Chiến tranh đã bùng lên khắp nơi. Cả cái thành phố rộng lớn này đi đâu cũng nghe người ta xôn xao bàn tán về những trận đánh. Ngay cả những phật tử thuần thành cũng không còn giữ được tâm thái thanh thản thường ngày. Người ta lo sợ. Sợ điều gì chính người ta cũng không phân tích được rõ ràng. Nhưng đó là một nỗi sợ thật sự. Nhiều Phật tử đến chùa không còn chăm tụng kinh nữa, họ đến để hỏi quí thầy về những điều chưa đến. Có lần, để giải tỏa nỗi lo lắng cho một phật tử, thầy kể cho người đó nghe câu chuyện về một người  mất ngựa. Mất ngựa, nhưng ông không buồn, vì ông hiểu được bản chất của cuộc đời, rằng cái gì đến tất nó sẽ đến. Cái sẽ đến có thể là lành, cũng có thể là dữ, không biết trước được. Vài hôm sau, con ngựa của ông trở về, rủ theo một con ngựa nữa. Hàng xóm đến chúc mừng ông, nhưng ông không lấy đó làm mừng. Hôm sau, con trai ông đem con ngựa mới ra tập cưỡi, vì không thuần, ngựa hất rơi đứa con trai xuống đất, gãy một chân. Hàng xóm đến chia buồn, ông bảo, đó không hẳn đã là chuyện buồn. Rồi bất ngờ chiến tranh ập đến, trai tráng trong làng đều bị bắt ra chiến trận, chỉ có con trai ông là thoát… Chuyện tuy giản đơn nhưng hết sức ý vị.


 Vô thường – trong mắt nhiều người là một sự đau khổ. Nhưng, trong nhận thức của thầy, nếu không có vô thường thì không có cuộc đời này, cũng không có Niết Bàn. Vô thường làm cho cuộc sống nở hoa, làm cho cuộc sống thay đổi. Sự thay đổi là cần thiết, nếu biết nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề.


Chiến tranh rồi cũng đã kết thúc. Sau bao năm tranh đấu, bây giờ đất nước đã được thống nhất. Quân giải phóng tràn vào thành phố. Cờ đỏ phần phật tung bay. Nụ cười và nước mắt. Những loạt đạt đây đó thỉnh thoảng vẫn nổ. Người em trai của thầy – chú Ðợi – từ ký túc xá sinh viên hớt hãi chạy sang chùa, hấp tấp nói :


– Thầy ơi, em về quê nghen?


Thầy hỏi:


– Sao lại về quê? Trong lúc giao thời đương nhiên có nhiều biến cố phức tạp, nhưng từ từ rồi sẽ ổn định thôi. Chú phải ở lại học cho xong chớ. Chú đã hứa với ba má là sẽ trở thành thầy giáo cho ba má vui lòng mà.


 Nói rồi thầy dắt chú vào chánh điện. Lần nào đến chùa thăm thầy, chú Ðợi cũng lên chánh điện lạy Phật. Thầy điềm tĩnh đốt nhang, thắp lại hết mấy cây đèn cầy trong chánh điện, rồi nhẹ nhàng nói với người em:


– Thôi, lạy Phật đi, bình tâm lại, chú cũng biết chút ít giáo lý, không áp dụng được miếng nào sao?


Chú Ðợi không đáp. Chú lẳng lặng đến trước bệ Phật, khẽ khàng quì xuống. Thầy cũng trang nghiêm quì xuống. Ngoài kia không khí sôi động ong ong, trong chánh điện khói hương bình lặng tỏa. Những ngọn nến chao chao khi có cơn gió đến, nhưng rồi vẫn cháy sáng lung linh đến giọt cuối cùng nếu có ánh mắt, bàn tay người giữ lửa.


 


Gió mùa hạ 


 


Những vị xuất gia chủ trương thoát tục, ở ẩn núi cao rừng sâu, chuyên tu, tự tin giữ gìn mối đạo bằng cách thể hiện sự chứng ngộ của mình, cắt đứt hẳn với thế giới bên ngoài, tồn tại một cách độc lập, mới không bị tác động của những biến đổi xã hội; còn người mang tâm nguyện hoằng dương Chánh Pháp, tu tập giữa cuộc đời thì những biến đổi của xã hội ảnh hưởng rất lớn vào đời sống.


Mùa hạ năm 1975, thầy đã chứng kiến bao nhiêu là biến động, những người bạn thân thiết sống chung dưới mái trường Phật học Huệ Nghiêm, cùng kết nghĩa, coi nhau như anh em rất chân tình, giờ đã tan tác mỗi người một nơi. Trong nhóm chỉ còn “anh tư” Trí Hải và “chú út” Chơn Thanh trụ lại. Có những buổi sáng đi dạo quanh chùa, đứng ở tháp Phổ Ðồng, thầy quay nhìn lại hai dãy phòng quen thuộc: nơi này đã có những ngày rộn tiếng huynh đệ gọi nhau trước lúc đi ăn quả đường, tiếng bàn luận, hỏi han đầm ấm sau giờ tan học; tiếng cười vui nhẹ nhàng khi đi tụng kinh xuống, y hậu vàng rực cả một góc xôn xao. Những âm thanh quen thuộc ấy giờ còn đâu! Một số phòng cửa đã khóa im ỉm vì người ở đó đã ra đi! Dãy nhà lặng vắng, một không khí buồn bã nặng nề bao trùm. Những huynh đệ ngày nào cùng nhau tu học, chia sẻ những gian lao, thiếu thốn, ôm ấp biết bao hoài bão ước mơ, mà giờ đây mỗi người một nẻo. Người về chùa Tổ, người đi nước ngoài, kẻ ra đời hoàn tục… Mới hay ở đời “đồng cam” đã khó mà “cộng khổ” lại càng khó hơn. Khi thiếu thốn vất vả chịu đựng như nhau thì mọi người cùng siết tay sát cánh đương đầu, nhưng khi cái khó, cái khổ giáng xuống từng con người với một mức độ khác nhau thì con người bắt đầu buông nhau ra và trong hàng ngũ sẽ có ngay những kẻ đứng im hoặc quay lưng lại. Lý tưởng xuất gia cao đẹp là vậy, những ngày tâm đắc tiếp cận giáo pháp cao sâu, được thầy tổ sách tấn hết lòng  như thế, tưởng rằng bột sẽ thành bánh, nào ngờ óc trâu lợn cợn, bánh cũng không thành mà muốn trở về thân gạo cũng không xong. Nguyễn Du đã thật thiên tài khi dùng từ “hàng thần lơ láo”. Những người thay đổi không phải do chủ định mà do đứng trước hoàn cảnh không trụ được thì suốt đời đi cũng như trôi. Biết vậy, nhưng đâu phải ai cũng có thể kiên trì đối mặt cùng thử thách. Thầy suy nghĩ thật nhiều và cảm thấy buồn. Thầy không trách những  huynh đệ ra đi, thầy chỉ thấy thương và tội cho tất cả vì biết nghiệp duyên khó cải.  Bản thân thầy, dù đã quyết định con đường ở lại nhưng nhìn không khí ảm đạm xung quanh, cũng không khỏi xao lòng.


Buổi chiều, sau giờ cơm, các thầy thường đi bách bộ trong khuôn viên chùa, từng người hoặc từng nhóm ngồi lại với nhau trên các băng đá.Vẫn không gian và cảnh vật ấy mà sao giờ đây không khí nhuốm màu ảm đạm. Ai nấy nói năng dè dặt, trong mắt mỗi người đều ẩn nét âu lo. Có những nhóm trước kia hay tụ họp trong phòng trò chuyện, bàn bạc về giáo lý, về tình hình thời sự. Bây giờ, những buổi nói chuyện thật nhạt nhẽo. Trước kia đất nước chiến tranh, tình hình xã hội biến chuyển, thay đổi từng ngày mà tinh thần mọi người không dao động. Bây giờ, đất nước hòa bình, tình hình xã hội đã khẳng định, vậy mà tinh thần mọi người lại bất ổn vì những âu lo xa xôi. Mới hay đức Phật ngày xưa thấy tâm chúng sinh rất rõ, Ngài đã không trả lời các câu hỏi về những chuyện xa xôi, chỉ dạy bảo người nên nhằm vào hiện tại mà tu tập, thân đâu tâm đó sẽ bớt những phiền não vô ích. Là người tu, bất cứ thời nào, bất cứ lúc nào nếu biết nương vào Pháp Phật, đừng để tâm chạy theo ngoại cảnh lăng xăng thì sẽ được yên. Thầy chợt nhớ về cái triết lý ăn chuối của dân gian ngẫm thiệt hay: lột tới đâu cắn tới đó. Trong tình hình này, chớ nên suy diễn toan tính đa đoan, cứ quán chữ duyên mà tùy thuận là hay nhất.


Một hôm, ngồi nói chuyện với thầy Trí Hải  bên hồ sen, nhìn mấy cái mạng nhện nho nhỏ giăng trên đám sen trong hồ, thầy ngẫm nghĩ: những con nhện trước khi giăng tơ phải quan sát, chọn kỹ cho mình một góc để giăng, đã chọn thì phải làm cho trót, nếu cứ giăng chỗ này vài đường, lại nhảy sang chỗ kia, thì suốt đời giăng mắc dở dang! Những con nhện biết chăm chút cái góc mà mình đã chọn, giăng  cẩn thận những đường tơ rút từ ruột của mình để có một cái lưới tròn, chắc, thì gió giật không đứt, mưa quất không rơi. Cái lẽ ở đời của con người cũng thế. Quay qua thầy Trí Hải, thầy nói:


– Trong nhóm huynh đệ thân thiết chúng mình, “anh hai” và “anh ba” đã ra đi, còn tôi với thầy chúng ta gắng trụ lại. Mình đã gắn bó với nơi này hơn mười năm qua, những điều chúng ta học hỏi được ở Phật học viện, không lẽ không giúp gì được cho chúng ta vượt qua thử thách hôm nay hay sao?


Thầy Trí Hải bóp chặt hai bàn tay, gương mặt lộ rõ nét đăm chiêu, lúc sau mới nói:


– Huynh đệ ở đây lúc nầy rất hoang mang với  những tin đồn: nay thì lấy trường, mốt thì  sẽ không cho tu…. tôi cũng thấy lo quá!


Thời cuộc ảnh hưởng rất lớn vào tư tưởng mỗi người. Ai mà không lo, giữa lúc mọi thứ còn đang quá mới mẻ, biết bao sự hoài nghi phát tán khắp nơi. Mọi phán đoán nhận định đều có thể sai lệch, nhưng là người tu, đối cảnh phải biết điều tâm, tri hành hợp nhất. Bao nhiêu điều tâm đắc từ giáo pháp cao minh, đối với cảnh trần chẳng lẽ chỉ là những bài học suông? Thầy nói:


– Nghiệp duyên dù khó chuyển, nhưng nếu lòng thành phát tâm thì tôi tin rằng chúng ta sẽ được gia hộ. Gió chỉ có thể thổi tung được bụi cát chớ làm sao bay được đá tảng.


Trầm ngâm một lúc, thầy ngồi xích lại gần thầy Trí Hải nói nhỏ vừa đủ hai người nghe:


– Thời nào cũng vậy, con người luôn cần có một đời sống tâm linh. Những quan niệm ấu trĩ, quá khích, nhất thời rồi sẽ bị thời gian đào thải. Thầy học lịch sử cũng thấy đó: dân tộc ta, truyền thống Phật giáo đã ăn sâu, dù trải qua thăng trầm nhưng rồi vẫn giữ vững vị trí trong lòng trăm họ. Những tấm gương xưa còn đó, không bằng cách này thì bằng cách khác, những bậc chân tu vẫn giữ tròn mối đạo. Mình xuất gia rồi, xá gì an nguy của bản thân, quyết chí tu hành chân chánh, tôi nghĩ không có gì không thể vượt qua.


Có lẽ đây cũng là dịp sàng lọc nghiêm khắc. Thế hệ những người xuất gia đi qua mấy cuộc chiến tranh đến ngày đất nước thống nhất, trải bao thay đổi từ chế độ chính trị, hoạt động xã hội bên ngoài đến tận ý thức hệ, tư tưởng bên trong con người… Chính thế hệ ấy đã cho Phật giáo Việt Nam những bậc cao tăng tài đức mà sau này lịch sử còn mãi lưu danh.


Trong những ngày này, Phật học viện Huệ Nghiêm – một trong những cái nôi tu học quan trọng của chư tăng miền Nam –  nếu không được bàn tay dìu dắt của quí hòa thượng, không biết tình hình còn tan tác đến đâu. Hòa thượng Bửu Huệ nhận thấy mỗi lần họp chúng là mỗi lần chư tăng thưa thớt dần dần. Sự tồn tại của Phật học viện Huệ Nghiêm do bao công sức và tâm huyết của hòa thượng Thiền Tâm, hòa thượng Thanh Từ… không lẽ trôi theo dòng nước?


Hòa thượng Bửu Huệ triệu tập cuộc họp Ban chấp hành nhà trường để nhận định tình hình tư tưởng của tăng chúng và bàn phương án giải quyết. Hòa thượng  đưa ra ý tưởng dựng một số thất cho chư tăng nhập thất tu tập, quay về sống với nội tâm, bớt đi những vọng tưởng, bớt bị chi phối bởi trần cảnh bên ngoài. Mọi người đều tán thành ý định lập thất tu tập của hòa thượng. Thế là hai thất bằng lá được dựng lên cấp thời phía sau dãy phòng tăng. Mọi người trong chúng ai cũng phải bắt thăm nhập thất từ một tuần cho đến sáu tháng. Từ khi có hai thất lá, tinh thần của mọi người bớt đi phần nào hoang mang, bắt đầu bình tâm trở lại. Không khí dần lắng dịu.


Sóng gió thật lợi hại, nhưng nếu biết chống chèo thì rồi cũng vượt qua. Sóng bên ngoài không nguy hiểm bằng sóng bên trong. Khi lòng người dậy sóng, thì thuyền to biển lặng cũng cứ phải loay hoay giữa giòng không thể đến bờ nào được.


 


 


Nhập thất 


 


Ðối với các mối quan hệ hằng ngày thầy hay xuề xòa, dễ dãi cho qua: “thôi kệ…” đó là câu cửa miệng mà thầy hay nói, nhưng trong tu học thầy luôn nghiêm khắc với chính mình. Ðể chuẩn bị cho ngày nhập thất, thầy tìm đọc, nghiên cứ kỹ các tài liệu sách vở một cách riết ráo và chú ý tham hỏi ý kiến những huynh đệ nhập thất trước đó. Thầy thường xuyên lên chánh điện lạy Phật cầu gia bị. Tập ngồi thiền lâu hơn thường ngày. Thầy ý thức đây là dịp tu tập quan trọng cho mình, không phải là sự đối phó hay khoa trương, do vậy thầy chuẩn bị cho mình thật kỹ về tinh thần cũng như kiến thức. Tu tập phải dụng công toàn diện, không thể phiến diện nghĩ rằng chỉ có tu tâm là đủ. Ði quả là bằng chân nhưng nếu chỉ có hai chân cử động thôi thì không thể về đích được. Phải có ý muốn đi, có mắt nhìn đường và cả người cùng chuyển động hỗ trợ cho chân bước đi thì mới tới đích được. Phải khiêm cung nhận biết khả năng mình, không thể ngã mạn so mình với những bậc tuệ giác cao, chỉ cần một cành hoa, một tiếng hét là có thể hốt nhiên đại ngộ. Thầy luôn ý thức học hỏi một cách cẩn thận, bất cứ làm việc gì cũng chu đáo chuẩn bị.


Ðến ngày thầy nhập thất. Y  Hậu trang nghiêm thầy lên chánh điện lễ Phật, lễ Tổ. Thầy Minh Thanh được phân công hộ thất, cũng y hậu chỉnh tề đưa thầy vào.  Dù đã chuẩn bị kỹ nhưng thầy vẫn cảm thấy hồi hộp, xúc động. Thầy đã từng nghe nhiều câu chuyện  kể lại tâm trạng khi ở trong thất: rất nhiều những biến hiện của tâm khi nó ở yên không có cảnh và duyên tiếp xúc. Ðối với  người nhập thất có phương pháp điều tâm thích hợp, hiệu quả thì trạng thái rất  an lạc. Nhưng nếu người nhập thất chưa quen, điều tâm chưa tốt thì rất nhiều chướng ma quấy phá. Trước khi vào thất thầy cũng như các huynh đệ đều đã được nghe hòa thượng giải thích dặn dò: “Tâm ta như con vượn, lúc nào cũng muốn leo trèo, nhảy nhót suốt ngày, không thể  ngồi yên cho nên  khi để tâm không  là nó sanh khởi vọng niệm, người tu phảøi  biết nhận  ra nó để mà điều phục. Khi nhập thất phải lưu ý không nên sợ hãi khi gặp ma ấm hoặc Phật cảnh hiện ra, lúc đó phải trụ tâm, thân đâu tâm đó không nên xao động cũng như  tham đắm. Phải biết bớt việc từ  bên trong lẫn bên ngoài, phải giữ tâm hiện tiền không để cho nó chạy theo tập khí, việc đi đứng nằêm ngồi chấp tác trong khi nhập thất cũng phải biết hạn chế”…


Qui định ở trong thất: ngoài những dụng cụ cá nhân và y hậu…không đựợc mang vào thất bất cứ vật gì kể cả kinh tụng. Thầy tự phân thời khoá cho chính mình:


Ba giờ khuya thầy thức dậy ngồi thiền niệm Phật. Lúc đầu thầy ngồâi được khoảng một giờ và vài ngày sau bắt đầu tăng dần lên. Sau giờ tọa thiền là thể dục đi thiền hành quanh thất. Khi ngồi thiền, thầy nhận rõ những hoạt động tâm thức di chuyển. Tâm càng lắng chừng nào thì những hoạt động của tâm càng thấy rõ từng li từng tí, giống như mặt nước vậy, nước càng yên mặt hồ càng hiện rõ bóng dáng của sự vật. Tám giờ thầy lại ngồi thiền niệm Phật. 12 giờ thọ trai rồi chỉ tịnh đến 13g30. 14giờ lại ngồi thiền niệm Phật. Buổi chiều thì đi thiền hành  quanh thất.


Vào buổi tối cảnh vật xung quanh yên lặng và tâm cũng dễ tĩnh. Có lúc  thầy cảm giác mọi vật quanh mình mất hết, chỉ có mình đối diện với mình, lòng nhẹ tênh nhưng trạng thái đó chỉ thoáng đến, bước đầu chưa giữ  được lâu.


Khi duyên cảnh bên ngoài bị cắt thì cũng là lúc  nội tâm bắt đầu hoạt động, nhưng nhờ trước đây thầy đã học rất kỹ Kinh Lăng Nghiêm nói về ngũ ấm ma nên thấu rõ phần nào vọng khởi từ bên trong.


Ngày đầu tâm rất yên, qua ngày thứ hai, thứ ba thì lại lăng xăng nhớ tới việc này việc nọ. Sống trong thất có lúc khởi lên ý mong muốn cho mau hết ngày giờ nhưng mỗi lần như vậy thầy biết tâm mình đang duyên bên ngoài nên tỉnh giác kéo nó trở về. Phương pháp nầy người xưa gọi là “chăn tâm”. Có những lúc theo dõi tâm, thầy cảm thấy nhức đầu và sau đó thầy thả lỏng thân tâm không trụ một chỗ  nữa. Ðây là giai đoạn con khỉ bị trói chặt quá nên nó vùng vẫy, phải buông dây ra từ từ không nên cột chặc. Có đêm sau khi tọa thiền niệm Phật xong, đặït lưng nằêm  xuống mới vừa chợp mắt ngủ là sa vào những giấc chiêm bao triền miên. Mới hay giữ được chánh niệm thật khó. Thầy nhớ đến bài kệ trong kinh Người biết sống một mình


Ðừng tưởng nhớ quá khứ


Ðừng lo lắng tương lai


Quá khứ đã không còn


Tương lai thì chưa tới.


Hãy quán chiếu sự sống


Trong giờ phút hiện tại


Kẻ thức giả an trú


Vững chải và thảnh thơi



Bài kệ đã phần nào giúp thầy trở về chánh niệm. Thầy bắt đầu dụng công ngay vào cả những sinh hoạt cá nhân, khi rửa mặt đánh răng, khi nghỉ ngơi đều theo dõi tâm mình, không để những tạp niệm sinh khởi, dẫn dắt. Chú tâm và dành nhiều thời gian thực hiện pháp môn niệm Phật để choán chỗ, không để những vọng tưởng len vào tâm. Khi đi thiền hành, thầy đưa mắt nhìn vào khuôn viên Huệ Nghiêm, thế là những nhớ nghĩ đủ thứ ập đến. Thầy biết ngay và bắt đầu áp dụng phương pháp sơ đẳng làhạn chế cái nhìn. Sau nhiều ngày, khi đã làm chủ được tâm hơn, thầy mới từ từ thả lại ánh mắt. Thầy nhìn vào khuôn viên Huệ nghiêm nhưng tâm không lung tung nhớ nghĩ nữa. Trước đây khi sống trong chúng, thầy cũng đã từng thực tập thiền hành, nhưng chỉ là sự thực tập đơn giản. Bây giờ, sống trong thất, qua nhiều ngày lắng rõ tâm, thầy mới thực sự cảm thấy có những bước thiền hành an lạc, khác hẳn với trạng thái thư giãn khi thiền hành trước kia. Rồi những lúc nghỉ ngơi, nằm lắng nghe tiếng gió, tiếng con chim nào đó kêu thánh thót… tiếng hót như mở ra cảnh vật ở quê nhàthời thơ ấu. Thầy cũng lập tức nhận thấy và nhẹ nhàng khởi tâm niệm Phật. Khi ăn cơm, nhận thấy bữa ăn hôm nay không ngon, tâm bắt đầu dấy tưởng ý niệm phân biệt, lần đầu thì thầy ngưng ngang bữa ăn, niệm Phật sám hối, nhưng lần sau thì thầy có thể vẫn tiếp tục ăn, không quá khắc khe với tâm mình nữa, nhưng biết cảnh giác hơn. Cứ như thế, dần dần thầy điều phục, từ việc làm chủ được lục căn đến làm chủ tâm thức và càng ngày càng cảm thấy nhẹ nhàng, tự tại, không khẩn trương, khổ công như trước nữa.


Triết gia Descartes lý luận: “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”; có thiền sư cho rằng càng tư duy chúng ta càng không có mặt, vì khi tư duy chúng ta đánh mất sự sống trong dòng tư duy. Tư duy trở thành một chướng ngại khiến ta không tiếp xúc thực sự được với sự sống. Phái Thiền Tào Ðộng cũng nói: “Phi tư duy thị thiền chi yếu giả” (không tư duy là điểm thiết yếu của thiền). Có nhập thất và điều được tâm mới thấy và hiểu rõ điều này.


Tuy những ngày sống trong thất “chăn tâm” rất khó, nhưng  những lúc chăn được thì tâm rất khinh an (nhẹ nhàng).  Có sống những giờ phút theo dõi tâm mình như thế mới thấy được những cái hay cái dở của chính mình để mà điều phục. Ðiều phục được tâm bình thường mới có được an lạc.


Trạng thái an lạc trong thất khi điều phục được tâm quả là “bất khả tư nghì”, không thể miêu tả được, chỉ có chính hành giả mới biết. Người nhập thất điều tâm tốt, khi ra thất rồi, vẫn có được khả năng thấy tâm rất rõ, giúp ích rất nhiều cho đời sống tu tập hằng ngày. Nhập thất là một phương pháp tu tập tối thiết của người tu để tiếp cận chân lý giải thoát.


 


Nhiệm vụ đa đoan


 


Năm 1981 Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ban đại diện Phật Giáo huyện Bình Chánh chuẩn bị nhân sự. Một hôm thầy Thiện Bổn đến thăm và có ý mời thầy tham gia Ban Ðại diện Phật giáo huyện Bình Chánh. Thầy Thiện Bổn nói:


– Huệ Nghiêm là một ngôi chùa có chư tăng đông nhất trong huyện, các vị lãnh đạo cử tôi đến trao đổi với thầy và mời thầy tham gia vào cương vị Phó Ban đại diện, thầy thấy thế nào?.


Thầy đáp:


– Thượng tọa cũng biết đó, tôi là chúng của Huệ Nghiêm chớ không phải trụ trì, ở đây có hòa thượng và các huynh đệ lớn hơn tôi, thượng tọa để tôi trình lại với hòa thượng và mấy vị lớn rồi sẽ trả lời sau.


Sau giờ  thọ trì thầy lên phòng  hòa thượng trình bày sự  việc và  xin ý kiến.


Hòa thượng Bữu Huệ ôn hòa nói:


– Tôi là người thầy hướng dẫn mấy huynh đệ tu thôi, còn việc tham gia công tác với giáo hội  mấy huynh đệ cứ  tự lượng sức mình. Tôi chỉ nhắc một điều: dù làm việc phật sự  hay dụng công tu tập thì các huynh đệ cũng nên nhớ lời hòa thượng Vạn Ðức đã dạy: “Phiền nảo khởi  giai do đa sự , thị phi sanh dĩ thị đa ngôn”. Nếu chúng ta lao vào công việc mà ta cho là phật sự nhưng không làm chủ được tâm mình trong khi làm việc, bị danh lợi cuốn trôi thì phật sự sẽ trở  thành ma sự !


Sau khi trình và tiếp ý hòa thượng, thầy suy nghĩ rất nhiều. Thầy nhớ lại những ngày sau giải phóng, tâm trạng hoang mang đã ảnh hưởng đến đời sống tu tập của mọi người như thế nào. Nghĩ đến đó thầy quyết định phải tham gia gánh vác công việc với giáo hội để các huynh đệ ở đây an tâm lo tu. Mọi việc sẽ an ổn, thuận lợi hơn nếu trong chúng Huệ Nghiêm có người đại diện ra làm việc cùng giáo hội. Nếu ai cũng muốn an nhàn, không muốn tham gia hoạt động quản lý thì công việc chung ai lo? Phật giáo phải khẳng định vị trí của mình trong xã hội, phải góp sức xây dựng xã hội hoàn thiện. Không thể đứng ngoài lề công cuộc đổi mới đất nước. Giúp đất nước, con người sống trong hòa bình, ấm no hạnh phúc cũng là một trong những mục tiêu của Phật giáo  Sau một đêm suy nghĩ cái chung cái riêng, thầy quyết định chọn giải pháp đứng ra gánh vác  công tác  mà quí thầy đã tín nhiệm yêu cầu.


Khi tham gia Ban Ðại diện  với chức vụ Phó ban, thầy lại có thêm nhiệm vụ quản lý  Bát Bửu Phật Ðài. Công việc quản lý rất phức tạp làm thầy càng thấm thía lời dạy của Ðức Phật: “Cái nầy có thì cái kia có, cái nầy sanh thì cái kia sanh”. Thật là rối rắm! Mới hay, tu được trong hoàn cảnh phật sự đa đoan quả thật là khó! Người đứng ra làm quản lý là đứng giữa ranh giới của hai khái niệm “hy sinh” và “chết. Nếu vẫn giữ được mình, không để cho vọng tưởng, danh vị kéo đi thì là một sự hy sinh bản thân cho sự nghiệp chung; còn nếu không giữ được mình, bị cuốn luôn vào guồng máy ấy thì coi như đã chết! Chấm dứt sự nghiệp tu hành, đôi khi còn mang hậu quả vô lường mà không biết, bởi hình thức thì còn đó mà nội dung thì đã biến mất rồi! Chức danh, giáo phẩm đại đức, trụ trì.v..v… còn đó mà bản chất một tỳ kheo trong con người ấy đã không còn nữa.


Sau Ðại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ V, thầy được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Hoằng pháp TP.HCM. Ðây là một nhiệm vụ mà thầy cảm thấy cần phải tập trung bỏ ra nhiều công sức, bởi đây cũng là vấn đề mà thầy rất tâm huyết và có nhiều ấp ủ, dự định.


Công tác hoằng pháp những năm qua dẫu có nhiều tiến triển khá tốt nhưng vẫn chưa có những bức phá mới. Ðã có nhiều chùa tổ chức được các đạo tràng tu học cho phật tử, có nơi thu hút được gần cả ngàn người. Các chùa đã bắt đầu quan tâm, ý thức tổ chức các lớp giáo lý căn bản dành cho phật tử. Những buổi thuyết pháp của quí thầy ngày càng nhiều hơn, nâng cao hơn. Ðó là những mặt mạnh mà công tác hoằng pháp nhiều năm qua đã đạt được. Tuy nhiên, với trách nhiệm vừa nhận, còn rất nhiều điều khiến thầy âu lo, trăn trở. Nhìn lại lực lượng tham gia hoằng pháp: những vị giảng sư có tiếng, thuyết pháp được nhiều chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thành phần phật tử trí thức và lớp trẻ so với mặt bằng chung vẫn còn quá ít. Phải quan tâm chú trọng đầu tư, nhắm vào giới trí thức và lớp trẻ. Nhiều đêm, thầy nằm suy nghĩ những phương pháp khả thi có thể kiến nghị cùng giáo hội để đẩy mạnh lĩnh vực hoằng pháp. Dù là Duyên hay  điều kiện Thiên thời – Ðịa lợi – Nhơn hòa  cũng cần có bàn tay con người tác động, tạo dựng. Không thể “chờ”  mãi.


Những ý nghĩ về công tác hoằng pháp đôi khi chiếm rất nhiều thời gian của thầy. Có lần ngồi uống trà với thầy Minh Thanh, không thể không bày tỏ những trăn trở của mình, thầy thở dài, tâm sự:


– Tôi thấy mình sao đa đoan quá!


Thầy Minh Thanh nói:


– Thầy vẫn nhớ lời của hòa thượng đó chớ?


– Lúc nào tôi cũng nhớ.


– Vậy thì bớt đa đoan đi!


Thầy cười:


– Tôi giống như hạng người thứ hai trong câu chuyện ba người chưa biết lội, đi qua bên một bờ sông, khúc sông đó luôn có người chết đuối. Người thức nhất thấy và bỏ đi luôn, không cứu giúp; người thứ hai thì đứng la lên, gọi người tới giúp; người thứ ba thì lặng lẽ quyết tâm đi học lội để trở lại cứu được nhiều người. Tôi chưa biết lội nhưng cũng không nỡ bỏ đi, đành đứng đó mà la làng kêu cứu vậy! Vớt được người nào đỡ người đó.


Thầy Minh Thanh điềm đạm cười:


– Người chết đuối vô số, đứng đó kêu hoài sao? Kêu một lúc nào đó thôi rồi phải lo đi tập lội chớ.


Thầy cũng cười:


– Thì thấy còn có chút hơi, cứ kêu cái đã.


Rồi thầy uống một ngụm trà, cầm luôn cái cốc trên tay, vẻ mặt trầm ngâm, nói như nói với chính mình:


– Kêu hoài, đến lúc hết hơi rồi lấy gì tập lội đây? Nhưng… cứ nhìn thấy là bỏ đi không đành, không đoạn!


Thầy là vậy. Trong thầy như luôn có hai luồng ý nghĩ: thiết tha với việc chuyên tu mà vẫn đau đáu lòng với việc chúng sanh, phật sự.