Trang chủ Văn học Tùy bút Tùy bút: Chốn xưa

Tùy bút: Chốn xưa

540



 

Chốn xưa

(Tùy bút được nhận từ tác giả Trùng Quang – Minh Thịnh) 

    Khí tiết mùa hè nóng nực, Thủ đô đông đúc, xe cộ đi lại như mắc cửi, khiến cho không khí đặc quánh, tưởng chừng lấy muôi mà múc được.

   Ngày thứ Bảy cuối tuần, ai cũng vội vàng hối hả thu xếp nốt phần công việc, để ngày nghỉ đỡ phải bận tâm. Đang ngồi uống nước trà đá bên bờ hồ Gươm, nghe tiếng xe cộ pha lẫn tiếng người nói ồn ào thì có điện thoại gọi tới: – Sư huynh à ! Ngày mai là Chủ nhật, tụi em nghỉ học, Sư huynh cho đi dã ngoại đổi mới tư duy nhé!

   Số là dịp đầu Xuân vừa rồi, có mấy cô cậu sinh viên Mỹ thuật, thi thoảng qua lại uống trà nói chuyện về Mỹ học, rồi lan man qua đông tây kim cổ, nên có duyên là vậy!       

   Thế là quyết! Sáng sớm Chủ nhật huynh đệ chúng tôi khăn gói quả mướp lên đường về Luy Lâu, trung tâm văn hóa cổ xưa nhất của Đại Việt.

   Ngót hai giờ đồng hồ, gập gềnh gió bụi, bóng dáng phồn hoa đô thị cũng lùi lại phía sau, làng quê dần dần hiện ra không rõ nét, đâu đó đã đô thị hóa, đâu đó đã bê tông hóa. Lốn đốm xen kẽ giữa mới và cũ, tựa như một họa sĩ trình bày một tác phẩm theo trường phái cách tân. Thỉnh thoảng bắt gặp một cổng làng rêu phong, núp dưới những tàng cây cổ thụ, như thách thức thời gian, hiện diện khiêm tốn trong bức tranh tổng thể ấy có điều gì đó hiên ngang, tạo cho ta cái nhìn đầy trăn trở.
   Mặt trời đã lên cao, những ngọn gió từ cánh đồng thổi về như món quà của thiên nhiên ban tặng. Cả đoàn dừng lại một ngôi chùa cổ thuộc Luy lâu xưa, vẫn cổ kính, vẫn trầm mặc rêu phong như tự bao đời vẫn thế. Rồi thì tha hồ mà chụp ảnh, thỏa sức mà ngắm nhìn, không tiếc lời để ca ngợi.

   Qua rặng tre, qua chiếc cổng cạnh chùa, bé nhỏ dường như chỉ dành cho từng người đi một. Có bà cụ giải thích rằng, cổng Tam quan lớn trước chùa chỉ dành cho những ngày lễ lớn, còn bình thường nhà chùa và nhân dân vẫn qua lại bằng lối đi này, tiện lợi và dễ dàng trông nom hơn. Thế cũng tốt, cũng chẳng sao, vẫn đi lại được bình thường mà.

   Cả đoàn lặng lẽ vào chùa, tới khoảng sân trước nhà Tổ. Thấy Sư Cụ, chúng tôi liền chắp tay thi lễ và xin phép được vào chùa dâng hương lễ Phật. Sư Cụ vui mừng và ân cần hướng dẫn cả đoàn đi lễ Phật và thăm quan phong cảnh.

   Đoàn đi lễ và thăm quan xong, Sư Cụ mời về nhà khách xơi nước. Sư Cụ giới thiệu rằng, chùa này đã được Đảng và Nhà nước quan tâm vì đây là di tích Cách mạng, di tích lịch sử, đã từng nuôi giấu cán bộ kháng chiến. Sư Cụ đã từng là cán bộ tham gia thời đó, nay đã già nên nghỉ sinh hoạt, về lo việc chùa và tín ngưỡng cho nhân dân. Phần hoạt động và tham gia Mặt trận Tổ quốc nhường cho Sư Ông còn trẻ tuổi làm việc.

   Nói tới đó thì ngoài cổng có tiếng xe máy về, thoáng cái đã vào tới sân. Một nhà sư trung niên, chắc là vị Sư Ông vùa được nhắc tới, dựng xe, vào chào Sư Cụ rồi quay sang chúng tôi:      

   – Các vị vừa ở xa về à? Tôi cũng bận nhiều việc quá, cứ phải lo toan nhiều việc xã hội, hôm thì họp Mặt trận Tổ quốc, lúc thì lại hội Nông dân tập thể nữa. May mà Sư Cụ còn khỏe đỡ đần mọi việc ở chùa, không thì cũng bí lắm. Thôi mời các vị trưa nay ở lại dùng cơm với nhà chùa nhé!

   Chúng tôi quay qua hầu chuyện Sư Cụ, lát sau đã thấy cơm nước tơm tất được bưng lên, thôi thì đủ cả, mực xào, gà rán, giò chả, cá chép nguyên con, mà toàn là đồ chay cả, mùi vị hấp dẫn lắm, ăn vào nếu có trí tưởng tượng tốt, sẽ quán tưởng sẽ thấy như thật.

   Sẵn đang đói lại được tính tình xởi lởi vui vẻ của Sư Ông nên Thầy trò tự nhiên vừa ăn vừa nói chuyện thoải mái.

   Dùng cơm xong, bên giành tích nước vối, nhấm nháp vị đắng ngọt của thứ nước đẳng cấp, đặc trưng của chùa Bắc, được Sư Ông kể cho nghe nhiều chuyện hoạt động xã hội các cấp, được thưởng lãm bằng khen của nhiều ban ngành từ Xã, Huyện, Tỉnh cho tới Trung ương.

   Thầy trò rôm rả, thoáng chút hoàng hôn đã buông xuống, cả đoàn lục tục xin phép ra về, tiếc là chưa tham quan và chiêm bái thật kỹ càng kiến trúc của ngôi cổ tự đã đi vào huyền thoại này.

   Nghe đâu ngôi chùa này còn lưu giữ được bộ Kinh Phật cao quí và sâu sắc lắm, thôi đành hẹn lần sau.

   Rồi bỗng nhiên thời gian như ngừng chảy, tiếng chuông chùa bắt đầu ngân lên. Chẳng ai bảo ai tất cả đoàn cùng kéo nhau ra phía trước sân chùa, ngóng về nơi có cổng Tam quan và tiếng chuông vọng lại.

   Trên gác chuông là chú tiểu chừng 10, 12 tuổi đang đánh chuông. Cả đoàn chụp ảnh, thu âm, mỗi tiếng chuông là một câu kệ, cứ đọc cứ đánh chuông, đôi mắt vô hồn nhìn về chốn xa xăm.

   Chừng non một tiếng đồng hồ, khi tiếng chuông cuối cùng vừa rứt, con người chú trở nên nhanh nhẹn hoạt bát liền, như tuổi thơ vốn có.

   Tôi liền hỏi chú tiểu : – Vừa rồi chú đọc bài kệ tôi có nghe thấy câu: “Thượng chúc đương kim Hoàng đế Đại Tống càn khôn,  văn võ quan liêu cao thăng lộc vị”  – Vậy chú có hiểu câu kệ đó không?  – Chú nói chú không biết, vì Sư Cụ và Sư Ông bảo chỉ cần học thuộc lòng thôi lên đọc và đánh chuông là có phúc rồi, thế cũng là tu mà!

   Vì có biết chút ít chữ Tàu nên tôi hiểu câu kệ đó nghĩa như sau: “Trên là chúc cho vị Vua đương kim trị vì nước Đại Tống (ở bên Tàu) được trường tồn như trời đất, và các vị quần thần văn võ, quan lại (của nước Tống) được thăng quan và tài lộc dồi dào! ”

   Tiếng chuông ngân sâu xa, lời bài kệ bằng chắc, văn phong sắc bén, mạch lạc, nhưng nội dung nghe buồn buồn muốn rơi lệ và chạnh lòng cho sự sơ sẩy của bài văn thỉnh chuông dập khuôn lạc lõng.

   Rời chùa về lại Thủ đô. Cả đoàn ghé lại hồ Gươm làm một chầu trà đá, nghe lại sự ồn ào của đô thị. Trời tắt nắng đã lâu, dưới ánh đèn phố đêm rực rỡ, không khí mền lại, gió hồ Gươm bắt đầu xao động, trong lãng đãng trời đêm, tháp Rùa rủ bóng xuống mặt hồ không còn tĩnh lặng, tôi mơ hồ nghe lúc đậm khi nhạt chuyện Lê Lợi trả gươm.                                           

                                                                                                     (Nguyệt hồ, Hưng Yên, cuối hạ – Tân Mão)