Trang chủ Diễn đàn Về “Tiêu chuẩn người Phật tử Việt Nam”

Về “Tiêu chuẩn người Phật tử Việt Nam”

106

Vẫn biết thống kê là việc làm bất khả, chí ít cho đến lúc này, thế nhưng tác giả vẫn cứ trăn trở: “Không có thông tin này chính xác thì các cơ quan chức năng (cả Nhà nước lẫn Giáo hội, ở tầng Trung ương lẫn cơ sở) làm sao hoạch định chính sách, làm sao dự trù kế hoạch, làm sao thực hiện dự án, làm sao trả lời về nhu cầu cho bạn bè muốn giúp đỡ hay đối ứng với kẻ xấu muốn đánh phá”.


Từ những trăn trở về cái sự đời đầy rối rắm, tác giả sau một hồi truy xét tìm kiếm các con số, đã kiến nghị đến những 30 điểm để được công nhận là Phật tử Việt Nam, rồi bày tỏ: “Ba mươi điều trên đây tuy là tối thiểu, nhưng người viết cho rằng thật khó có thể tự xưng mình là một Phật tử Việt Nam nếu không biết và không làm những điều đó”.


Xuất phát từ bài viết này, tác giả Quảng Pháp lại đưa ra quan điểm của mình để “định dạng” cho một Phật tử. Tiêu chuẩn mà Quảng Pháp đưa ra có vẻ “khốc liệt” hơn. Trong đó, đỉnh cao là phải qua thi cử để trở thành Phật tử Việt Nam.


Tôi băn khoăn tự hỏi, lấy con số thống kê là trách nhiệm của những nhà xã hội học, của Ban Tôn giáo Chính phủ, hay của Giáo hội. Công tâm mà nói, họ cũng tốn rất nhiều công sức lẫn giấy mực để đi tìm cái định nghĩa Phật tử là gì, tiêu chí nào để thống kê. Với những tôn giáo khác, mọi việc hầu như đã hoàn thành. Nhưng với Phật giáo thì vẫn còn dang dở, cho dù họ đã từng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, mạn đàm, tham khảo nhiều chuyên gia thế giới.


Lấy lý do không thể thống kê được con số Phật tử cụ thể mà kiến nghị như thế thì có hợp lẽ chăng? Người Phật tử Việt Nam mấy ngàn năm có cần biết bao nhiêu người mộ đạo đâu, mà họ vẫn mang đầy tâm nguyện vun vén cho Phật giáo nước nhà được vuông tròn. Ở góc độ xã hội học, việc đặt những tiêu chí chủ quan như thế để có một tiêu chí nhằm tìm kiếm một con số thống kê báo cáo thì hoàn toàn chưa phù hợp với lý luận học.


Cái băn khoăn của Nguyễn Kha, cụ thể, chính sách là chính sách gì? Kế hoạch gì, dự án gì? Ai giúp đỡ, giúp đỡ ai? Ai phá hoại, phá hoại ai? Nhìn từ góc độ xã hội, người Phật tử chưa bao giờ có ý nghĩ cần tách biệt với người không Phật giáo. Phá hoại ư? Phật dạy, chẳng ai có thể phá hoại được đạo Phật, ngoại trừ người con Phật.


Nếu Giáo hội muốn thực thi chính sách, kế hoạch, dự án đó thì nên phân người Phật tử làm hai hạng: người Phật tử được Giáo hội công nhận và không được Giáo hội công nhận. Từ đó, mọi chính sách, kế hoạch dự án chỉ dành cho những người thuộc nhánh Giáo hội thừa nhận thôi.


Người Phật tử nói chung và người Phật tử Việt Nam nói riêng, không ai cần một sự chứng nhận của cấp có “thẩm quyền”. Bởi vì Phật giáo không thuộc về ai, thì chẳng ai có thẩm quyền để phán xuống anh A là Phật tử, còn anh B thì không!


Người Phật tử là người có tâm hướng Phật. Người Phật tử chỉ cần biết Phật, biết ứng dụng những gì từ trong giáo lý cho cuộc sống hàng ngày theo cách của mình, miễn sao nó đem lại lợi ích và an lạc. Suốt ngày quần quật, lam lũ với công việc để lo cho miếng ăn được no đủ, rỗi đâu để họ tìm tới những lý luận cao siêu, mơ hồ.


Đa số người đến chùa thọ lễ Quy y để trở thành Phật tử nhưng người yêu mến Phật vẫn tự cho mình là người con Phật, chẳng cần đến chùa xin chứng nhận. Những người thầy chân chính chẳng ai buộc những người mến Phật phải quy y để được cấp phái rồi mới công nhận là Phật tử.


Người dân đất nước tôi còn rất nhiều kẻ sống nghề bắt ốc, mò cua, người đốn củi, kẻ chăn trâu thuê,… con đường đến trường vốn đã quá khó khăn và gập ghềnh mờ mịt… Nếu như, để thỏa mãn cái tôi, cái sĩ diện của những người cho mình là kẻ biết Phật, những tiêu chuẩn kia được ban ra, con đường đến chùa của họ cũng sẽ bị khóa lại, cho dù em bé chăn trâu thuê kia chỉ muốn dâng Phật nắm cát. Nếu có thật những tiêu chuẩn kia thì chiều chiều chùa quê tôi sẽ vắng bóng những đứa trẻ nô đùa, thiếu hẳn bóng dáng liêu xiêu của các cụ, các mẹ. Với tôi, những hình ảnh ấy thật đẹp và đã gieo vào trong tâm thức từ nhỏ. Nó vẫn đang là những hình ảnh góp phần nuôi lớn lòng mến mộ đạo pháp trong tôi.


May mắn, tất cả chỉ đang dừng lại trên phương diện lý luận!


Bài viết này xuất phát từ ý muốn “nói lại” bài viết của tác giả Nguyễn Kha đã đăng trên website của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (NSGN số 126 đăng lại) và bài viết của Quảng Pháp đăng trên NSGN số 127.