Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Vì một Ban Hoằng pháp mạnh

Vì một Ban Hoằng pháp mạnh

125

Ban Hoằng pháp, có thể nói là ban quan trọng hàng đầu trong số các ban của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vì lẽ rất hiển nhiên và đơn giản, vì hoằng pháp có liên quan đến hầu hết các hoạt động của đạo Phật từ nghi lễ đến đào tạo tăng tài, từ hoạt động hướng dẫn Phật tử cho đến sinh hoạt thanh niên…
 
Do đó, trách nhiệm của Ban Hoằng pháp cũng là nặng nề nhất.
 
Đây là nói đến tương quan giữa Ban Hoằng pháp trong nhiệm vụ đối với giáo hội và tương quan đối với các ban khác trong giáo hội.
 
Nhìn ra, các hoạt động bên ngoài, chúng ta thấy các vấn đề liên quan đến hoạt động hoằng pháp của Phật giáo ngày càng phát sinh nhiều hơn.
 
Chẳng những phát sinh nhiều hơn, mà các vấn đề có liên quan đến hoạt động hoằng pháp Phật giáo trở nên đa dạng hơn, phức tạp hơn, nặng nề hơn.
 
Chẳng hạn, vấn đề cải đạo tín đồ Phật giáo một cách có hệ thống, có tổ chức, phát triển với quy mô báo động; vấn đề cá biệt một số tăng sĩ Phật giáo, kể cả những vị có hạ lạp cao, công khai tuyên bố những quan niệm tu tập khác với những quan niệm truyền thống của Phật giáo Việt Nam (mà nhìn chung, không có lợi cho sự phát triển của hoạt động hoằng pháp), vấn đề phát triển các tôn giáo mới, tôn giáo lạ… khoác màu sắc Phật giáo…
 
Trước những vấn đề như vậy, đông đảo tăng ni Phật tử đều mong chờ ý kiến có tính chất chỉ đạo, định hướng từ phía Giáo hội nói chung.
 
Tuy nhiên, dường như hàng lãnh đạo của Phật giáo chúng ta chưa quen với việc đối mặt, phải phát biểu về những vấn đề lộn xộn, phức tạp, mới lạ như thế.
 
Vì vậy, chúng ta hết sức thông cảm với thực trạng, nhiều khi, lãnh đạo Giáo hội im lặng trước những vấn đề khá là nóng bỏng.
 
Tuy nhiên, im lặng cũng đưa tới những hậu quả không hay.
 
Trước hết, tất yếu, sẽ có những suy nghĩ hiểu lầm về quan điểm của Giáo hội, quan điểm của các bậc tôn túc hàng lãnh đạo.
 
Người ta có thể suy diễn rằng, im lặng là đồng ý, là hậu thuẫn một cách gián tiếp… Nhưng đồng ý, hay hậu thuẫn cho vấn đề nào,cho ai,thì không rõ ràng. Cho nên, nếu 2 phía, hoặc nhiều phía có quan điểm đối chọi nhau, thì phía nào cũng hiểu là sự im lặng như thế từ giáo hội, từ các bậc tôn túc hàng lãnh đạo, gián tiếp đồng ý, tán thành, công nhận, hậu thuẫn cho quan điểm của họ.
 
Điều đó đương nhiên dẫn tới việc tình trạng phức tạp rối rắm càng trở nên phức tạp rối rắm hơn nữa.
Điều cần lưu ý, là sự im lặng không tạo nên một giáo hội mạnh, một giáo hội trách nhiệm và quyền hạn, một giáo hội kiểm soát được tình hình hoạt động.
 
Do đó, việc im lặng từ cấp có thẩm quyền của Phật giáo, chỉ có thể là hiện tượng tạm thời, và đương nhiên cần sớm được cải thiện.
 
Nhưng cải thiện từ đâu, từ xuất phát điểm nào?
 
Ý kiến chủ quan của tôi là Ban Hoằng pháp, do vị trí, vai trò, trách nhiệm quyền hạn như trên, nên trước hết đứng ra đảm nhiệm công việc này.
 
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là lãnh đạo Ban Hoằng pháp phải theo dõi, ôm đồm và phát biểu ý kiến về tất cả mọi việc liên hệ. Điều này tạo nên gánh nặng khó có thể kham nổi cho lãnh đạo Ban Hoằng pháp.
 
Cách mà chúng tôi đề nghị là phương thức, tạm gọi là “người phát ngôn của Ban Hoằng pháp”.
 
“Người phát ngôn Ban Hoằng pháp Trung ương” là một vị chân tu có kiến thức sâu rộng về Phật học cũng như thế học, có khả năng phát biểu lưu loát và trước tác phát ngôn thành bài viết.
 
Ý kiến người phát ngôn Ban Hoằng pháp vừa có giá trị là một ý kiến chính thức, tuy nhiên, nó cũng có giới hạn cần thiết (vì ý kiến không do một vị tôn túc lãnh đạo cao cấp đưa ra).
 
Ý kiến của người phát ngôn Ban Hoằng pháp cũng không phải là một văn bản chính thức, như thông tư, thông bạch…
 
Cho nên, cái lợi ở đây sẽ là Giáo hội vừa có tiếng nói, tuy nhiên, ý kiến của người phát ngôn Ban Hoằng pháp Trung ương chỉ có tính chất bước đầu, và hàm chứa yếu tố thăm dò.
 
Nếu công luận phản ứng tích cực và đòi hỏi Giáo hội có thái độ rõ ràng, mạnh mẽ hơn, thì chư tôn đức lãnh đạo cấp cao hơn sẽ lên tiếng đi sâu theo hướng quan điểm của “Người phát ngôn Ban Hoằng pháp”.
 
Trường hợp, có vấn đề từ công luận, thì chư tôn đức lãnh đạo cấp cao hơn có thể phát biểu theo hướng điều chỉnh quan điểm của người phát ngôn Ban Hoằng pháp.
 
Như vậy, Ban Hoằng pháp là đơn vị “đứng mũi chịu sào”, đồng thời có quyền hạn đưa ra các ý kiến đầu tiên mang tính chất chính thức sơ khởi của Giáo hội.
 
Nhưng do đây là phát biểu của người phát ngôn cấp ban, nên dù sao cũng có vai trò là hàn thử biểu thăm dò phản ứng của công luận. Từ đó, sẽ là cơ sở để đưa tới những phát biểu chính thức, mạnh mẽ, rõ ràng từ cấp cao hơn của giáo hội.
 
Phát biểu của “Người phát ngôn Ban Hoằng pháp Trung ương” có thể phổ biến bằng cách đăng trên trang web Ban, gửi tới các tờ báo và trang web Phật giáo khác.
 
Như vậy, theo phương án chúng ta sẽ có một Ban Hoằng pháp mạnh, có nhiều quyền hạn hơn, có trách nhiệm hơn, có liên hệ nhiều hơn với các vấn đề của Phật giáo Việt Nam.
 
Một giáo hội mạnh theo hướng như trên, tuy nhiên vẫn bảo đảm được sự tôn nghiêm cần thiết của giáo hội. Nó sẽ chấm dứt được tình trạng im lặng từ phía Giáo hội, bỏ qua yêu cầu của công luận quần chúng Phật tử, như đang diễn ra với các bất lợi đã phân tích ở trên.
 
Tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tại Bình Dương – 2011;