Trang chủ Người thời nay Vị Sư cô ở miền Tây nặng lòng với trẻ mồ côi

Vị Sư cô ở miền Tây nặng lòng với trẻ mồ côi

903

Sau những ngày tất bật với công việc, cuối tuần là dịp để chúng tôi tranh thủ thời gian đến thăm những trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng tại chùa Bửu Nghiêm – Mái ấm tuổi thơ, tọa lạc ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Với tấm lòng thương trẻ bao la vô bờ bến, sư cô Thích Nữ Phước Liên – Trụ trì chùa Bửu Nghiêm đã cho chúng tôi cảm nhận được không khí mái ấm của một đình qua những ánh mắt, nụ cười của các em bé mồ côi đang được nuôi dưỡng nơi cửa Phật.

Để đến được ngôi chùa Bửu Nghiêm, chúng tôi phải đi sâu vào một con hẻm quanh co nằm dưới chân cầu Nha Mân – huyện Châu Thành, tuy ngôi chùa có diện tích không lớn lắm nhưng ở nơi ấy lại bừng sáng, đó là ánh sáng từ tâm của tấm lòng từ bi, bác ái. Tôi được biết sư cô Phước Liên có tục danh là Nguyễn Thị Trúc Ly, sinh ra và lớn lên tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1994 khi vừa tròn hai mươi tuổi phát tâm thế phát quy y cửa phật. Kể từ thời gian ấy, chính triết lý về từ bi, bác ái ấy đã mang duyên lành đưa sư cô đến với chùa Bửu Nghiêm với pháp danh Thích Nữ Phước Liên.

Tôi hỏi về cơ duyên mà Sư cô chọn đất Châu Thành để phát tâm nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, sư cô Phước Liên hồi tưởng cho biết: Những ngày tháng tu học, tôi được đi nhiều nơi, tận mắt chứng kiến những hài nhi còn đỏ hỏn bị cha mẹ chối bỏ, không ít những đứa trẻ sống lang bạc, vô gia cư, đói ăn, thiếu mặt…Những hình ảnh ấy khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và phát tâm: “Nếu sau này tôi có thể làm trụ trì một ngôi chùa nào đó, tôi sẽ nhận nuôi tất cả các trẻ bị gia đình từ chối, xin hãy tìm đến chùa, dù khó khăn đến mấy tôi cũng sẽ nuôi dưỡng các con đàng hoàng để các con được sống trong thương yêu mà lớn lên thành nhân dù tình thương đó không phải từ chính những người cha, người mẹ của chúng…”. Mừng thay tâm nguyện của tôi cũng được Trời Phật thương chứng giám. Cuối năm 2007, qua nhân duyên khởi từ Ni sư Thích Nữ Như Liên đang tu tại chùa Giác Lâm, con cháu của ông Phan Văn Vinh đã hoan hỉ theo sở nguyện đồng ý giao cơ sở thờ tự “cô Hai Hiên” lại cho sư cô Phước Liên ngày đêm hương đăng cúng kính. Từ đây, tên chùa Bửu Nghiêm được tái lập và mái ấm cho trẻ mồ côi chùa Bửu Nghiêm cũng ra đời từ đó.

Nhìn bề ngoài chùa Bửu Nghiêm không khác gì những ngôi chùa khác, có chăng là người ta sẽ nghe được nhiều âm thanh của tiếng trẻ con nô đùa, tiếng ê a bập bẹ, tiếng tụng kinh và tiếng những em bé sơ sinh khóc đòi sữa… Không biết từ bao giờ cửa chùa đã trở thành mái nhà cho những đứa trẻ bị bỏ rơi nhưng lại được lớn lên trong tình yêu thương, sự cưu mang, chăm sóc ân cần từ các sư cô – những “người mẹ” chưa một lần làm mẹ…

Những năm đầu tiên trong “Mái ấm tuổi thơ” của nhà chùa chỉ có 4, 5 đứa trẻ mồ côi được sư cô Phước Liên cưu mang nhưng sau đó cứ mỗi năm số trẻ ngày một nhiều, các em đều là trẻ bị bỏ trước cổng chùa trong số này có những trẻ sơ sinh chỉ sanh được vài hôm là bị bỏ hoặc bệnh nặng và bị người thân chối bỏ. Cũng có những em tuy vẫn còn cha mẹ nhưng hoàn cảnh gia đình quá nghèo khổ, cha mẹ mắc bệnh ngặt nghèo, không thể nuôi nổi con nên đã đến chùa gửi cậy nhờ nuôi giúp. Hiện tại, “Mái ấm tuổi thơ” chùa Bửu Nghiêm đang chăm sóc, nuôi dưỡng cho 36 trẻ, các em là những đứa trẻ tứ phương không biết gốc gác nơi đâu. Chính tấm lòng của sư cô Phước Liên đã đem đến cho những đứa trẻ sự yêu thương, chúng gắn bó, quấn quýt, và xem sư cô như người mẹ thật sự của mình…

Vào bên trong gian phòng của mái ấm, tôi thấy sư cô Phước Liên đang dỗ dành một vài em bé, những bé lớn đã biết giúp đỡ sư cô của mình, đứa lớn 5,6 tuổi chăm sóc đứa nhỏ hơn. Từ cho bú sữa, tắm giặt, thay tả, ru ngủ, các em thương nhau như anh chị em ruột trong nhà… Tôi vội đến bồng ngay một em bé nhỏ nhất đang nằm trong nôi, đó là một bé trai mặt mày rất kháu khỉnh đáng yêu. Nghe sư cô Phước Liên nói, bé được sư ôm vào chùa lúc trời tờ mờ sáng, theo kinh nghiệm sư biết bé mới vừa sinh được vài ngày tuổi, còn đỏ hỏn nhưng hôm nay là một em bé trắng trẻo, mập mạp được hơn hai tháng.

Nhìn các em, không hiểu sao lòng tôi lại thấy bùi ngùi, một cảm xúc khó tả lắm vì tôi cũng là một người mẹ, cũng có những đứa con nhỏ của mình… Thấy chúng tôi đến thăm, các em rất lễ phép thưa gửi, bé lớn hơn, hiểu chuyện còn lấy ghế mời chúng tôi ngồi, mời nước uống. Nhìn các em mặc áo sòng, tóc ba chòm, mặc ngây thơ cùng đôi mắt sáng hồn nhiên, không ai có thể cầm lòng không thương xót cho được. Trong phòng, gần chục trẻ đang được ẵm bồng, chăm sóc. Có bé lên ba chạy nhảy như sóc. Có bé chừng một tuổi chập chững bước đi, biết ê a bập bẹ gọi cha mẹ… nhưng cũng có đứa bệnh nặng phải nằm phòng cách ly. Tiếng trẻ con khóc cười cứ vang vãng, nhưng đắng cay là các con đâu biết mình đang là những đứa trẻ mồ côi, không cha mẹ, không họ hàng quyến thuộc…

Nhìn trên vách tường, những tấm ảnh chân dung của các em do nhà trường chụp cuối cấp được treo rất nhiều trên vách, sư cô Phước Liên chỉ tay và nói: “Mấy đứa nhỏ hồi nào còn nhỏ xíu, có một kí mấy, hai ký thôi mà bây giờ đã năm, sáu tuổi, đã ra dáng như vậy rồi…!”. Vừa nói xong, nhìn trong ánh mắt của sư cô, tôi cảm nhận được niềm vui và sự hạnh phúc trong đó.
– Nuôi nhiều trẻ như vậy thì chi phí sẽ cao lắm, làm sao để sư cô trang trải được đây?
Sư cô Phước Liên nhẹ nhàng nói:
– Trước đây chùa ẩm thấp, nhỏ mái tone, vách lá nhưng may được nhà hảo tâm hỗ trợ nên bây giờ chùa cũng trang nghiêm hơn, tụi nhỏ có chỗ ở tươm tất, có bếp ăn, khu vui chơi… tôi mừng lắm. Mỗi tháng mấy đứa nhỏ đi học đóng hơn mười triệu tiền học các thứ, rồi phòng khi các con đau ốm, bệnh tật nên tôi phải dành dụm, chi tiêu cho hợp lý để đảm bảo các cháu được đi học, ăn uống đầy đủ. Đó là số tiền mà tôi đi tụng đám ma chay, rồi từ các phật tử cúng dường, mạnh thường quân… có bao nhiêu tôi để dành chủ yếu là lo cho tụi nhỏ. Cũng nhờ chính quyền địa phương quan tâm nên có nhiều chính sách hỗ trợ nên từ đó nhà chùa cũng nhẹ gánh được phần nào. Bữa ăn hằng ngày của các con tuy là những món đồ chay đạm bạc nhưng đó là tất cả những gì tốt nhất mà các sư có thể làm được cho các bé.

– Vậy có trường hợp nào trẻ được cha mẹ đón về không sư cô? Tôi hỏi thêm.

Sư cô chợt trầm ngâm rồi nói:

– À có, đến giờ tôi cũng rất nhớ bé, do hoàn cảnh mà mẹ gởi lại chùa khi mới sanh được vài hôm. Từ đó con lớn lên trong sự thương yêu của nhiều người ở chùa. Nuôi một đứa trẻ mới thấy có bao nhiêu cái khổ cực nhưng điều đó không là gì khi mình đã thương yêu, lâu ngày thì mến tay mến chân. Con đến ba, bốn tuổi thì được mẹ đến xin cho về để gia đình nuôi dưỡng, biết được điều kiện đã có thể nuôi được cháu nên to6u cũng hoan hỉ để con được về với gia đình nhưng làm sao đành lòng xa. Vậy mà đến giờ mấy năm rồi người mẹ ấy không liên lạc, cũng không một lần đến chùa. Nhiều lúc sư nhớ con lắm nhưng biết phải làm sao mà gặp…
Nghe tâm sự của sư cô Phước Liên mà lòng chúng tôi thấy thương quá, tôi chợt nghĩ, nếu không có nhà chùa, không có những tấm lòng từ bi của các sư cô nơi đây thì không biết các em sẽ như thế nào? đi đâu và về đâu? Nhưng cuộc đời là những cánh cửa, cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, tuy các em không có tình yêu thương của cha mẹ nhưng bù các em lại có duyên với cửa phật, được sư cô Phước Liên đón nhận, che chở, yêu thương như chính người mẹ hiền. Từ nhiều nơi các em đến gần nhau, sống chung với nhau dưới một “Mái ấm tuổi thơ” rồi trở thành một gia đình thật sự, được dạy dỗ, giáo dục kỹ năng sống và được học những bài học đạo đức về đối nhân xử thế, về đạo làm người…

“Nhiều người có điều kiện hay những gia đình hiếm muộn từng đến đặt vấn đề xin trẻ về nuôi, ban đầu tôi và các sư cô cũng muốn chu toàn tâm nguyện của họ vì nghĩ cuộc đời của các bé sẽ thêm nhiều may mắn. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy không yên tâm vì đời các bé đã một lần bất hạnh, cho đi lần nữa rồi liệu có được sống sung sướng hay lại càng bất hạnh hơn. Biết là không phải ai cũng vậy, sẽ phụ lòng của nhiều người tốt. Nhưng thôi các con đến đây là đã có duyên với cửa Phật, với nhà chùa bổn phận tôi phải theo ý trời. Nếu sau này các con có duyên với Phật thì sẽ ở lại kế nghiệp chuyên tâm tu tập, còn không thì cho hoàn tục theo sở nguyện làm một người có ích cho xã hội, như vậy cũng rất tốt, tôi cũng mãn nguyện hơn?” – sư cô Thích Nữ Phước Liên bộc bạch.

Ngoài nuôi trẻ mồ côi, sư cô Phước Liên còn hỗ trợ cơm trưa cho những học sinh xa nhà điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Đa số các em học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa đến học 2 buổi/ngày phải ở lại trường. Nhờ có những bữa ăn này mà nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn từng có suy nghĩ sẽ bỏ học được ấm lòng hơn và yên tâm trong học tập. Từ đó Bếp ăn khuyến học ở chùa Bửu Nghiêm đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Lúc chúng tôi ra về cũng là lúc sư cô đang tất bật chuẩn bị phát hơn 200 phần ăn trưa cho các em học sinh ở xa đang trong mùa thi chuyển cấp để giúp các em no lòng mà đủ sức thi cử. Nhìn những phần cơm chay với rau củ đạm bạc nhưng trong mắt các em ánh lên niềm hạnh phúc vô ngần, những giọt mồ hôi, những nụ cười của các sư cô như vầng trăng đẹp soi sáng khắp muôn nơi…

Tiếng chuông chùa cứ thong thả ngân nga, cảm giác thanh thoát, gần gũi thiêng liêng đến lạ thường, những đoàn người ở khắp các nơi đang đi vào con hẻm nhỏ, trên tay là gạo, sữa, bánh, trái cây… chúng tôi biết họ cũng đang tìm về chùa, tìm về những đứa trẻ đáng thương ấy. Tôi vui sướng vì nhà chùa lại được tiếp sức, sẻ chia.

Chia tay người sư cô Phước Liên có tấm lòng “Bồ tát”, và những tấm lòng nhân ái tại chùa, tôi thầm mong các sư có nhiều sức khỏe để đi tiếp đoạn đường lắm gian nan này, cầu mong các em nhỏ được lớn lên, nên người từ những tấm lòng từ bi… nơi “Mái ấm tuổi thơ” ấy!


CẨM TÚ