Trang chủ PGVN Cửa thiền Vị sư trẻ bận rộn

Vị sư trẻ bận rộn

64

Khám chữa bệnh hàng trăm bệnh nhân, đầu bếp của bếp ăn từ thiện, “hầu bàn” những bệnh nhân cao tuổi… Vị sư trẻ Thích Minh Đạo, trưởng phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh đường chùa Phước Quang, suốt ngày bận rộn như thế.


Đến Tuệ Tĩnh đường chùa Phước Quang (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang), ai cũng xúc động khi thấy một vị sư trẻ dáng gầy gầy, mặc bộ blouse trắng tất bật với quá nhiều việc: bắt mạch cho bệnh nhân này xong đã phải quay qua hướng dẫn y sinh châm cứu cho hàng trăm bệnh nhân khác, rồi thoáng lại mất hút khi xuống thăm nom bếp ăn từ thiện đang đỏ lửa… mãi cho đến 11g30. Lúc ấy, thầy đang chậm rãi, từ tốn làm người “hầu bàn” các cụ già dưỡng bệnh ở Tuệ Tĩnh đường.


“Tôi là một lương y”


Cách đây bốn năm, có một vị sư trẻ tốt nghiệp lớp lương y đa khoa tại ĐH Y dược TP.HCM. Không chọn ở lại TP.HCM như một số lương y trẻ khác, thầy Minh Đạo trở về quê và chọn chùa Phước Quang làm nơi hành nghề chỉ với suy nghĩ: “Bà con quê mình còn nghèo lắm, nhiều thiệt thòi… Người tu hành phải làm cái gì đó cho bà con mình!”.


Vị sư trẻ về quê, Tuệ Tĩnh đường được mở ra và lập tức mỗi ngày đón hàng trăm lượt bệnh nhân trong ngoài xã tìm đến khám, điều trị bệnh. Tất cả đều chu đáo, miễn phí từ chỗ ăn chốn nghỉ đến nhận được hỏi han thường xuyên. “Mỗi sáng mấy ông bà già chúng tôi nhờ con cháu đưa đến chữa bệnh, trưa dùng cơm chay, chiều nghỉ ngơi trò chuyện chờ con cháu rước về…” – cụ Phạm Thị Chín, 78 tuổi, rủ rỉ kể chuyện.



Lương y trẻ Minh Đạo còn lên TP.HCM xin nguồn tài trợ của sư bà chùa Giác Tâm để đưa gần 200 bệnh nhân trong huyện đi chữa mắt miễn phí. Từ chương trình, hàng trăm người nghèo được thầy đem lại ánh sáng. Sắp tới là chuyến thứ ba với danh sách bệnh nhân đăng ký đã hơn 100 người. “Không phân biệt giàu nghèo, xa gần…, ai thầy cũng dành cơ hội được thấy ánh sáng, được chăm sóc tận tình” – chị Huỳnh Thị Ngọc Lê (xã Long Hòa) đến nộp hồ sơ cho bố chồng mổ mắt miễn phí xúc động cho biết. Riêng vị sư trẻ chỉ hiền từ bảo: “Đó là bổn phận của mình, một lương y như bao lương y khác!”.


Bếp ăn từ thiện dinh dưỡng – an toàn


Không dừng lại ở đó, mấy năm nay bếp ăn với công suất phục vụ hơn 200 phần ăn do thầy Minh Đạo tổ chức thực hiện luôn đỏ lửa. “Bà con ở quê vốn nghèo, riêng việc lo tiền thuốc đã là quá sức chịu đựng nên đa số bà con hầu như không còn tiền để lo chuyện cơm nước…” – thầy nói và đứng ra quyên góp, kêu gọi bà con phật tử, các mạnh thường quân, đặc biệt là kêu gọi các tiểu thương tại các chợ phát tâm, mỗi người góp một thứ: công sức, tiền bạc, rau củ, dầu muối… để bếp ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trong huyện được ra đời.


“Thấy thầy dốc lòng vì bà con nghèo trong xóm, làm đủ thứ công chuyện mà nhiều khi còn phải đội nắng chẻ củi, nấu cơm nước, chúng tôi mỗi người một tay cùng rủ nhau vào giúp thầy” – bà Huỳnh Thị Bé (66 tuổi), người phụ bếp ăn từ thiện hơn ba năm tại chùa, cho biết. Bếp ăn của thầy thường xuyên có khoảng 15 phật tử, trong đó không ít người như cô Oanh, cô Xuân, cô Út ở tận các xã xa như Tân Tây, Tân Hòa… cứ năm giờ sáng phải bắt xe đò đến chùa phụ bếp. Vậy đó nhưng ai nấy đều hoan hỉ, không trễ giờ, vắng mặt ngày nào.


“Cơm chay nhưng vẫn phải ngon, rau sạch mới đảm bảo cho các bệnh nhân có sức khỏe tốt. Thầy luôn yêu cầu bếp ăn dinh dưỡng và an toàn…” – bà Bé cho biết. Khoảng 8g sáng mỗi ngày (cách nhật trong tuần), cơm canh được đóng hộp, đưa lên xe gắn máy để năm bạn trẻ làm công quả ở chùa chuyển đến hai bệnh viện huyện có nhu cầu.


Vẫn chưa dừng lại


Quá bận rộn như thế nhưng chắc chắn công việc sắp tới của vị sư trẻ này không dừng lại. “Mong muốn lớn nhất cho đến thời điểm này của tôi là xây dựng được một viện dưỡng lão đủ sức nuôi dưỡng khoảng 150 cụ, cùng trung tâm dưỡng sinh cho các cụ trong xã” – thầy Minh Đạo chân tình. Thầy cho biết thêm: viện dưỡng lão đang trong giai đoạn manh nha ý tưởng, nhưng chắc chắn sẽ được khởi công từng phần cuối năm nay.


Cuối tháng tư vừa qua, vị sư trẻ này vừa xây xong một phòng học vi tính rộng gần 200m2 (trị giá 300 triệu đồng) chuẩn bị cho lớp tin học miễn phí dành cho thanh thiếu niên địa phương. “Đám trẻ ngày nào đi ngang cũng ghé thăm hỏi: khi nào mới được học vi tính hả thầy?”. Chỉ biết khất lần các em đến đầu hè năm nay vì đã cạn kinh phí sau khi dồn tiền xây dựng phòng ốc với giá vật liệu xây dựng tăng cao như hiện nay…” – thầy tâm sự.







Anh Trần Văn Tiến, chủ tịch Mặt trận xã Kiểng Phước, cho biết: “Từ ngày thầy Minh Đạo trở về chùa Phước Quang, phong trào từ thiện nhân dân trở nên sôi nổi hẳn. Từ đầu làng đến cuối xóm, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán, rủ nhau cùng đi làm những việc thiện nguyện. Chuyện này trước giờ chưa thấy. Chúng tôi mừng lắm”.