Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Vị thế của thiết chế Phật giáo Am Các vùng Nam Thanh,...

Vị thế của thiết chế Phật giáo Am Các vùng Nam Thanh, Bắc Nghệ

131

Chùa cổ Am Các tọa lạc trên sườn phía Đông gần đỉnh cao nhất của núi Các, thuộc các xã: Định Hải và Các Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ngôi chùa cổ tựa vào thế núi hình cánh cung với 9 ngọn vươn cao.

Về phía Bắc có ngọn núi thiêng Liên Xá, tương truyền vua Lê Thánh Tông đã phát hiện trên đỉnh núi có viên ngọc bích ánh chiếu rạng ra tận đảo Hòn Mê, nên vị vua văn võ toàn tài nhân đó đã đặt tên cho miền đất này là Ngọc Sơn ngay từ ngày ấy. Phía Tây là những ruộng lúa, nương khoai xen lẫn với núi nọ, đồi kia hợp sức lại, nâng đất cao mãi tạo nên ngàn Nưa chất ngất đỉnh trời, nổi vọt lên giữa miền đồng bằng Tây Nam Thanh Hóa. Phía Đông Am Các cổ tự là biển đông như mặt gương trong soi hình bóng núi; Kênh Trầm (kênh Than) tựa dải lụa xanh uốn lượn, chảy ngay dưới chân núi Các. Về phía Nam là đồng bằng ven biển xen lẫn núi đồi tiếp nối nhau chạy dài tới tận đất Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh.

Tọa lạc ở nơi có thế núi, hình sông đắc địa ấy đã tạo cho hệ thống các công trình kiến trúc Phật giáo mà trung tâm là Am Các cổ tự có vị thế quan trọng, không chỉ là thiết chế của Đạo Phật, giác ngộ dân chúng và trong tâm thức của các phật tử thực hiện lời khuyên của Phật “từ, bi, hỷ, xả”, mà còn là vị trí tiền tiêu, “con mắt” dõi trông và kiểm soát con đường giao thông thủy bộ vào Nam, ra Bắc, quan sát và làm chủ cả một vùng biển lớn phía Đông Nam của quốc gia Đại Việt.

Chùa Am Các.

Am Các cổ tự nằm trên con đường giao thông huyết mạch từ Nam ra Bắc, trong các cuộc hành binh của các vương triều phong kiến Việt Nam, đường thủy đóng vai trò quan trọng. Trước thế kỷ X đường bộ Thanh Hóa đã hình thành nối liền với Bắc bộ. Nhưng do những điều kiện tự nhiên và xã hội nó chưa trở thành vai trò chủ lực trong hệ thống giao thông giữa hai vùng, thì đường thủy từ trung tâm của quận Giao Chỉ đến quận Cửu Chân – Châu Ái đã trở thành quan trọng nhất. Đó là từ sông Hồng phía hữu ngạn vào sông Phủ Lý (tức sông Chân Cầu) rồi sông Đáy, sông Vân Sàng vùng Ninh Bình đến cửa Thần Phù vào Thanh Hoá. Trong các cuộc bảo vệ miền biên viễn phía Nam đất nước, vua Lê Đại Hành đã hành quân đi qua đường thủy trước Am Các cổ tự này. Về điều này sách Toàn thư chép: “Khi nhà vua đi đánh Chiêm Thành, từ núi Đồng Cổ đến sông Bà Hoà, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai đào kênh, đến đây (Quý Mùi-năm 983) thì xong, công tư đều lợi”. Còn GS. Văn Tân cho rằng: “Trong trận viễn chinh này (Lê Đại Hành đi đánh Chiêm Thành), Lê Đại Hành nhìn thấy con đường bộ đi vào Nghệ Tĩnh là con đường khó đi, làm nhọc sức quân đội và nhọc cả sức dân, gây nhiều tổn phí cho nhà nước. Vì vậy nhà vua đã ra lệnh đào một con kênh từ Bố Hạ, Quảng Xương ngày nay đến sông Bà Hoà (Tĩnh Gia) để có thể từ sông Mã cứ theo đường thuỷ mà vào đến tận Nghệ An rồi từ Nghệ An liền ra biển”.

Thế kỷ XVII, vào chính ngày lễ Thánh Giu-se 19/3/1627, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và cha Marquez, trên đường ra giảng đạo tại Đàng Ngoài, từ biển, theo sông Bạng đã đặt chân lên giáo xứ Ba Làng (nay thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá) để truyền đạo. Chính sông Bạng có chi lưu gọi là Kênh Than chảy qua chùa Am Các, nối sông Bạng, Bà Hòa thông với sông Yên phía Bắc và theo hệ thống nội thủy, dong thuyền để ra đến Ninh Bình, Nam Định, Thăng Long. Với 2 sự kiện đã nêu trên cho thấy Am Các và dòng sông Bạng – Kênh Than – Bà Hòa không những có vai trò quan trọng trong việc truyền thụ đạo pháp (Phật giáo và Ki tô giáo) mà còn có vị trí chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ và mở mang cương vực của quốc gia Đại Việt.

Vậy Phật giáo được du nhập vào miền đất xứ Thanh từ khi nào? Từ đầu Công nguyên, đạo Phật truyền bá vào nước ta theo hai đường, đường biển và đường bộ. Ở Thanh Hóa, Phật giáo Ấn Độ được truyền vào bằng đường biển theo các thuyền buôn dọc theo Nam Dương và đến bán đảo Đông Dương vào Việt Nam. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Duy Hinh, Phật giáo theo đường biển và trực tiếp truyền vào Thanh Hoá đường thứ tư. Sự có mặt của các nhà sư Ấn Độ ở Thanh Hoá lúc bấy giờ còn lưu lại trong truyền thuyết về động Hồ Công, huyện Vĩnh Lộc và ở Sầm Sơn là dấu chân Độc Cước trên hòn Cổ Giải. Mối liên hệ giữa thần Độc Cước ở Thanh Hoá với Phật giáo đó là khi truyền giáo vào Việt Nam, các nhà sư Ấn Độ đã thờ một bàn chân biểu thị cho Đạo, diễn ra trong các năm 36, 37, 84, 159, 183… Phật giáo vào Thanh Hoá thích nghi với những cư dân đánh cá biển hơn là những người làm nông nghiệp ở vùng Bắc bộ.

Am Các nằm ở miền duyên hải phía Nam xứ Thanh, sự xuất hiện của Phật giáo ở vùng đất này khá sớm. Đại Việt sử ký toàn thư chép về Lý Thái Tổ như sau: Vua thân đi đánh Diễn Châu, khi về đến Vũng Biện (nay thuộc xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia – TG) gặp lúc trời đất tối sầm, gió sấm dữ dội, vua đốt hương khấn trời rằng: “Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Còn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không oán trách. Đến như sáu quân thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét. Khấn xong, gió sấm đều yên lặng”. Theo ngư dân vùng này cho biết, nơi vua Lý đốt hương khấn Trời Phật đó chính là chùa Bãi Đông. Vết tích ngôi chùa cổ nằm bên bờ biển hãy còn nền móng cũ, trên nền chùa vẫn còn gốc cây thị cổ và chồi cây  mỗi năm chỉ ra 7 quả và cây ổi cười…, chùa cổ mới đây được tôn tạo lại.

Chùa cổ Am Các xuất hiện từ khi nào, hiện nay, chưa tìm thấy nguồn tài liệu nào ghi chép một cách chính xác. Sách xưa chỉ cho biết: Nơi có loài trúc hoa thường mọc và là nơi trồng chè xanh phơi khô giã nát để bán ở chợ Bạng, nổi tiếng khắp vùng. Các cuộc thám sát và khảo cổ gần đây nhất vẫn chưa có câu trả lời hoàn toàn đầy đủ. Theo sách Vân Đài loại ngữ của nhà bác học Lê Quý Đôn, Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán và dấu tích thời gian từ những hiện vật tại chùa Hạ và các chùa trên Am Các cho thấy: Am Các là một trong những trung tâm Phật giáo của vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ với quần thể Phật giáo kiến trúc có hệ thống hoàn chỉnh gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, mang tính điển hình, quy mô khá lớn dựa vào địa thế của thiên nhiên, khiến cho kiến trúc chùa gắn với cảnh sắc núi non vừa gần gũi, thanh tịch với cõi trần thế, nhưng lại thiêng liêng, cao diệu của chốn niết bàn, cực lạc.

Các hiện vật hiện tồn ở chùa như tượng pháp, chân tảng đá hoa sen, bàn thờ đá, bệ đá hoa sen, bát hương… có nhiều khối đá xanh to, khối lượng lớn được tạc khắc không còn nguyên vẹn ngay trước lối ra vào của chùa; có hai ô đất được đắp cao mà theo người dân kể lại là mộ của hai nhà sư có từ rất lâu… Điều quan tâm là nhóm hiện vật: chóp và trán bia, đế bia, tượng đá, bệ tượng hình đài sen, chân tảng hình hoa sen… mang đậm kiến trúc và mỹ thuật thời Lý – Trần. Đặc biệt hương án bằng đá sa thạch có chạm khắc hình hoa sen cách điệu thể hiện rõ dấu ấn nghệ thuật Chăm pa hiện được đặt trước chùa Hạ thờ Phật. Vị trí dựng chùa được đặt trên núi hay gò đất thấp hướng ra phía Đông để lấy dương khí giống như cách thức xây đền tháp Chăm…, điều đó cho chúng ta dễ dàng liên tưởng rằng giữa Am Các cổ tự có sự giao thoa về văn hóa – nghệ thuật, tôn giáo với Chăm pa trong nền cảnh tự nguyện hoặc cưỡng bức.

Mới đây, dựa trên những kết quả khảo cổ, phát lộ nền móng cổ và hiện vật ở khu vực này, một số nhà nghiên cứu nhận xét: Chùa Am Các được xem là một quần thể công trình Phật giáo tầm cỡ và cổ xưa bậc nhất tại xứ Thanh. Am Các là quần thể Phật giáo kiến trúc có hệ thống chuẩn mực, có lối kiến trúc, vị trí tọa lạc ưu thế, ưu việt của. Có thể chùa Am Các được xây dựng ít nhất cách đây hơn nghìn năm, gắn liền với quá trình hình thành quốc gia Đại Việt tự chủ và sự phát triển Phật giáo từ thế kỷ thứ X và liên tục suốt từ thời Lý – Trần cho đến thời Lê Trung Hưng.

Một quả chuông mới được đúc tại chùa Am Các.

Theo dân gian quanh vùng truyền đời cho biết: Am Các là nơi mà Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (933 – 9011) vị tăng thống thời Đinh thuộc dòng Thiền Vô Ngôn Thông là người tham gia tạo dựng và tu thiền. Ông xuất hiện với tầm vóc là nhà trí thức uyên thâm, tinh thông cả Nho, Phật, Lão, một nhà văn hóa tài năng đã đem trí tuệ tài năng đóng góp có hiệu quả công cuộc bảo vệ nền độc lập buổi đầu của hai triều đại đầu tiên của lịch sử dân tộc là triều Đinh – Tiền Lê.

Tuy nhiên, về quê quán và nghiệp đạo của ông có nhiều thông tin khó xác định. Theo ghi chép bấy lâu cho rằng ông sinh ra và hành đạo ở phía Bắc: Quê quán hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc, sau là thôn Đoài, xã Da Hạ, huyện Kim Hoa phủ Bắc Hà, nay là thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, tu chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, Thường Lạc. Sinh thời sư thường đến đây, vì thích cảnh thâm, thanh tịch, đẹp, nên sư đã dựng am ở. Nhưng theo Theo Giáo sư Đào Duy Anh: Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu người thôn Cát Lợi, huyện Thường Lạc chính là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Về nghi vấn này, ngày 22/5/2017, trong chuyến đi khảo cứu, quan sát thực địa, nền móng, hiện vật và những thông tin do người dân nơi đây cung cấp, GS, Viện sĩ Phan Huy Lê đã nói: “Nếu sự thật là như vậy (thôn Cát Lợi, huyện Thường Lạc chính là huyện Tĩnh Gia) thì cần phải viết lại lịch sử về quê hương của Đại sư Ngô Chân Lưu”.

Am Các cổ tự xưa nằm án ngữ trên con đường giao thông quan trọng nối liền vùng đất phía Bắc Thanh Hóa với vùng đất phía Nam thuộc địa bàn hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Với tầm vóc và uy tín của Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu có sức qui tụ và lan tỏa để Am Các thực sự trở thành một trong những trung tâm Phật giáo từ thời kỳ này mở rộng, thâm nhập và ảnh hưởng tới đời sống cộng đồng và được nhà Lý xem như là quốc đạo, giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị và văn hóa của cư dân vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ. Chính vì thế mà về sau này, dưới thời Lý – Trần và đến thời Lê Trung Hưng, nhân dân địa phương đã chú tâm xây dựng Am Các cổ tự thành một trung tâm tôn giáo lớn, cơ sở quan trọng của việc thờ đạo Phật. Đó chính là điều kiện thuận lợi để Am Các cổ tự tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, đáp ứng được nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân từ thế hệ này đến thế hệ khác.

TS. Hoàng Minh Tường