Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Viện ĐH Vạn Hạnh: những vấn đề PT trong nửa đầu thập...

Viện ĐH Vạn Hạnh: những vấn đề PT trong nửa đầu thập niên 1970

110

Viện  Đại học Vạn Hạnh, với cơ sở vật chất 4000 m2 so với 43 héc ta của Viện Đại học Đà Lạt (do Hội đồng Giám mục Việt Nam quản lý) đã tiến kịp, và trong kết quả định tính, có thể coi là vượt Viện Đại học Đà Lạt về một số mặt.

Thật ra, Viện Đại học Đà Lạt không phải là một nước cờ sai của Đạo Thiên chúa Ca tô tại Việt Nam. Khi đó, tại Đà Lạt, Đạo Thiên Chúa Ca tô đã có nhiều trường trung học lớn và nổi tiếng. Viện Đại học Đà Lạt là bước tiếp theo dành cho số học sinh trung học tốt nghiệp các trường Thiên chúa Ca tô này..

Việc phát triển của Viện Đại học Phật giáo tại Sài Gòn làm cho các tu sĩ Thiên Chúa Ca tô, vốn rất thiện nghệ  trong lãnh vực giáo dục hết sức quan tâm. Một nước cờ mới được tính toán và nó khởi động từ năm 1972. Đó là Viện Đại học Minh Đức.

Viện  Đại học Minh Đức không trực tiếp do Hội Đồng Giám mục Việt Nam xây dựng, như trường hợp của Viện Đại học Đà Lạt, mà do một hội có  tên là  Minh Trí và linh mục Bửu Dưỡng,, thuộc dòng tu Đa Minh, đứng ra thành lập.

Tuy nhiên, Wikipedia tiếng Việt, thông tin về mở đầu về  Viện Đại học Minh Đức rất rõ ràng: “Viện  đại học này do Giáo hội Công giáo điều hành”.

Do vậy, nếu chỉ so sánh Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện  Đại học Đà Lạt trong mảng giáo dục Đại học tư thục tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, thì  Viện Đại học Vạn Hạnh của Phật giáo có vẻ  như dẫn đầu. Nhưng nếu so sánh trong bức tranh tổng thể giáo dục đại học nói chung, thì  kế hoạch để vượt qua Viện Đại học Vạn Hạnh đã được xúc tiến từ năm 1970, chính thức khởi  động từ năm  1972.

Tuy nhiên, kết quả cụ thể của Viện Đại học Minh Đức chưa rõ ràng, vì thời gian hoạt động quá ngắn, chỉ từ năm 1972 đến tháng 4 -1975. Chỉ hoạt động có 3 năm, nghĩa là chưa có lớp sinh viên cử nhân nào của Đại học Minh Đức ra trường.

Viện  Đại học Minh Đức được thành lập trên cơ sở  khắc phục những nhược điểm của Viện Đại học  Đà Lạt so với Viện Đại học Vạn Hạnh. Cũng như  Viện Đại học Vạn Hạnh,, Viện Đại học Minh Đức bám  thật sát vào thành phố Sài Gòn – Gia Định, đặc biệt là hướng vào khu trung tâm của thủ đô miền Nam Việt Nam trước đây. Cơ sở của Viện Đại học Minh Đức được phân tán nhỏ, một phần dựa vào cơ sở trường lớp trung học Thiên Chúa giáo Ca tô có sẵn, không nhắm tới mục tiêu xây dựng một cơ sở hoành tráng và đẹp đẽ như Viện Đại học Đà Lạt.

Trong khi Viện  Đại học Vạn Hạnh thiên về một trường đại học khoa học cơ bản về khoa học nhân văn và xã  hội, thì Viện Đại học Minh Đức lại chủ  trương một hướng phát triển thiên về đào tạo nghề  ở bậc đại học. Tôn chỉ của Viện Đại học Minh Đức là “Dân tộc, hiện đại hóa và thực dụng”. Chúng ta chú ý đến từ “thực dụng”!

Trên cơ  sở tôn chỉ như trên, Viện Đại học Minh Đức có các trường Đại học Kỹ thuật Canh nông, Đại học Khoa học Kỹ thuật, Đại học Kinh thương, Đại học Nhân văn Nghệ thuật, Đại học Y khoa.

Trụ  sở chính của Đại học Minh Đức đặt tại số  6 Hoàng Hoa Thám, Gia Định, nay thuộc quận Bình Thạnh, TPHCM. Còn các cơ sở khác đặt rải rác ở các quận nội thành như quận 5, quận 10…

Nếu  đầu thập niên 1960, Viện Đại học Đà Lạt, đã đặt ra đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo một thách thức về hoạt động giáo dục nói chung, tạo nên một cú hích đưa tới việc thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh, thì đầu thập niên 1970, Viện Đại học Minh Đức đã tạo nên một thách thức mới đối với Viện Đại học Vạn Hạnh trong việc phát triển hoạt động giáo dục. Một  “cú hích” thứ hai đã thành hình, buộc Viện  Đại học Vạn Hạnh tính tới những bước cải cách quan trọng, dẫn đến việc thành lập Phân khoa Khoa học Ứng dụng và chuẩn bị cho Trường Đại học Y khoa.

Linh mục Bửu Dưỡng, người chịu trách nhiệm thành lập Viện  Đại học Minh Đức, được giới thiệu như là  một trường hợp cải đạo từ Phật giáo  điển hình. Vị linh mục giáo sư triết học thường được giới thiệu là xuất thân từ hoàng tộc Nguyễn Phúc, gia đình là tín đồ Phật giáo thuần thành, nhưng bản thân đã từ bỏ Phật giáo, đi theo tiếng gọi “Tin Mừng”, trở thành một linh mục Ca tô, hoạt động mạnh mẽ trên lãnh vực giáo dục. Cùng với linh mục Bửu Dưỡng, tên tuổi nhiều cha cố Thiên Chúa Ca tô cũng được nhắc đến trong việc thành lập Viện Đại học Minh Đức như các linh mục Bạch Văn Lộc, linh mục Nguyễn Văn  Thịnh.

Là một  đại học do Đạo Thiên Chúa Ca tô điều hành, tất nhiên, mục đích của nhà trường không tách rời với việc truyền đạo thường được thể hiện qua vai trò linh mục tuyên úy. Tuy nhiên, vì Viện  Đại học Minh Đức chỉ mới thành lập có vài năm, nên việc thực hiện mục tiêu này chưa được  định hình rõ ràng. Nhưng nó cũng có tác dụng tôn cao hình ảnh của những tu sĩ Thiên Chúa Ca tô học vấn uyên thâm trong mắt giới trí thức miền Nam Việt Nam. Cho nên, dù không phục vụ trực tiếp ngay cho việc truyền đạo, cơ sở trường lớp không gắn biểu trưng thánh giá như Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Minh Đức vẫn có những hứa hẹn cho việc truyền đạo, với những tấm áo chùng đen của các linh mục thấp thoáng trên hành lang đại học.

Dù không đưa ra những thống kê rõ ràng, nhưng con số sinh viên ghi danh đông đảo nhất là đối với Trường Đại học Kinh Thương và Trường Đại học Y Khoa, đã tạo nên những ý kiến ước đoán về lợi nhuận của Viện Đại học Minh Đức ngay trong buổi đầu thành lập. Đặc biệt, vào giờ tan học, Trường Đại học Kinh Thương Minh Đức đặt tại đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2, quận 10, TPHCM), đối diện Học Viện Quốc gia Hành chánh bấy giờ đã thường gây ra những đợt ùn tắc giao thông do số sinh viên quá đông.

Nhiều nhà  hoạt động giáo dục sư phạm dự đoán, trong tình hình phát triển như vậy, có thể đến cuối thập niên 1970, Viện Đại học Vạn Hạnh lại trở về vị trí hạng hai trong lãnh vực giáo dục tư thục tại miền Nam.

Qua nội dung trình bày ở trên, chúng ta có thể thấy rằng giáo dục xã hội là một lãnh vực gắn bó  hết sức chặt chẽ với hoạt động tôn giáo.

Những vấn  đề mà hoạt động giáo dục xã hội Phật giáo Việt Nam gặp phải trong các thập niên 1950, 1960, 1970 ở miền Nam sẽ là những vấn đề Phật giáo Việt Nam phải đối mặt trong thời gian sắp tới, và mọi chuyện đã bắt đầu ở giáo dục mầm non.

MT