Trang chủ Diễn đàn Viết tiếp về loạt bài "Tổ chức lễ Phật đản: Cơ hội...

Viết tiếp về loạt bài "Tổ chức lễ Phật đản: Cơ hội bị bỏ qua"

59

Tôi không rõ tác giả Minh Thạnh đã kết thúc loạt bài “Tổ chức lễ Phật đản: Cơ hội bị bỏ qua” chưa? Tác giả có đề cập đến giai đoạn hiện nay hay không?

Trong  “Bài 3 – thập niên 1990” không thấy có ghi chú “đón xem bài 4” nên tôi đoán tác giả đã kết thúc chủ đề này. Do vậy, tôi xin có vài dòng nhận xét, viết tiếp, mặc dù có thể hơi sớm.

1/ Xuyên suốt 3 bài viết, tác giả Minh Thạnh nhiều lần sử dụng cụm từ “ không khôn ngoan và thiếu trách nhiệm”. Tôi không đồng ý với quan điểm này. “Thiếu trách nhiệm” thì hoàn toàn chính xác, không có gì phải bàn cãi; còn “không khôn ngoan” có phần chưa đúng.

Vì sao tôi nhận định như thế? Xin dẫn chứng cụ thể các mùa Phật đản trong khoảng mười năm trở lại đây.

Tác giả có biết rằng: Vì hạn hẹp kinh phí trùng tu chùa nên một số nơi đã không tổ chức Phật đản, nếu có cũng chỉ qua loa, chiếu lệ.

Tác giả có biết rằng: Để vận động tài chính tái thiết chùa, một số vị đã có sáng kiến dời lễ đài chính từ mặt tiền trung tâm, đông người qua lại về nơi chùa mình đang xây dựng chùa, mặc cho sân chùa ngổn ngang gạch đá, sâu hút trong ngõ cụt vắng người.

Tác giả có biết rằng: Để tiết kiệm kinh phí thuê sân bãi, một vài nơi tổ chức Phật đản tại chùa cho đỡ tốn kém.

Tác giả có biết rằng: Nhiều vị có suy nghĩ là tổ chức ở đâu cũng vậy, cũng chỉ vài ngàn người là cùng, nên tổ chức ở sân chùa cho đỡ thấy sự trống trải, không gian thưa thớt của ngày đại lễ, để khi lên hình nhìn mới đẹp…

Tác giả có biết rằng: Đã thành quy định bất thành văn, lễ Phật đản cấp chùa, cấp quận huyện không được vượt mặt cấp Trung ương và Thành hội. Cụ thể, Trung ương và Thành hội không có chủ trương rước kiệu Phật thì các chùa cũng khó lòng thực hiện. Nếu thực hiện sẽ bị quy chụp đủ điều, bị kỷ luật, khiển trách vì làm trái thông bạch chỉ đạo của Trung ương, gây cản trở giao thông…

Còn nhiều điều nữa, nhưng như vậy cũng đủ cho thấy nhận định “không khôn ngoan” là chưa chính xác, không nhìn sâu vào nguyên nhân bên trong. Nếu “không khôn ngoan” thì làm sao lại có những suy nghĩ, sáng kiến như trên. Do đó, tôi không đồng tình với quan điểm này của tác giả.

Nếu tác giả Minh Thạnh thấy được những điều trên thì sẽ hiểu vì đâu mà tổ chức lễ Phật đản ngày càng sa sút.

2/  Nếu ai tinh ý sẽ nhận ra được quy luật thăng giáng của lễ Phật đản: không thể duy trì thành công tổ chức lễ Phật đản; một bước tiến, ba bước lùi, chứ đừng mơ đến phát triển quy mô lễ Phật đản như các nước xung quanh.

Đỉnh cao năm 1964 rồi sau đó tuột dốc, đỉnh cao năm 1973 rồi sau đó trở lại tình trạng cũ, đỉnh cao 1982 rồi từ từ xẹp dần như quả bóng xì hơi.

Gần đây nhất, sau bước tiến quan trọng ra sân vận động Quân khu 7 năm 2008 là vết trượt dốc không phanh về ngõ cụt đường Huỳnh Lan Khanh mà không có lối thoát. Biết bao giờ Phật giáo Việt Nam mới thoát khỏi quy luật nghiệt ngã này???

3/ Nếu đã đề cập đến cơ hội bị bỏ qua trong tổ chức Phật đản vào những thập niên trước thì không thể không nói sự bất thường, phi lý của Phật đản 2013 (PL 2557) tại TP HCM.

Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, nội bộ Giáo hội lúc bấy giờ bị phân hóa, chia rẽ, các hệ phái tách ra khỏi Giáo hội, đất nước chiến tranh… thì sự tuột dốc, bỏ qua cơ hội quý giá của ngày lễ Phật đản lúc đó còn có thể hiểu và thông cảm được.

Phật giáo Việt Nam hiện tại có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều những năm 70, vậy mà cũng bỏ lỡ cơ hội một cách thiếu trách nhiệm, không thể chấp nhận được.

Ban đầu, BTS GHPGVN TPHCM dự kiến Đại lễ Phật đản năm nay sẽ được tổ chức tại một trong các địa điểm: Công viên 23 tháng 9 (Q.1) hoặc Nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11) hoặc chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3) (1).

Nhưng cuộc họp sau đó của Thành hội với 24 quận, huyện lại biểu quyết, thống nhất đồng lòng đưa về chùa Phổ Quang. Phải chăng có điều gì đó bất thường ở đây? Vì sao sau khi bàn bạc, biểu quyết thống nhất, lại không tổ chức Phật đản tại một trong những nơi dự định ban đầu?

Không tổ chức được ở nhà thi đấu, ở công viên thì cũng phải tổ chức ở chùa Vĩnh Nghiêm như tuyên bố với báo chí ban đầu, không thể nói lưỡi đôi chiều, và không thể nào đưa đại lễ Phật đản vào ngõ cụt của sân chùa Phổ Quang. Có phải chăng uy tín, khả năng tập họp quần chúng Phật tử của các vị lãnh đạo Phật giáo không còn như trước???

Hai năm vừa rồi, Phật giáo quận 3 đã tổ chức thành công Phật đản ở Đài tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức, không bị bó buộc, hạn chế trong bốn bức tường chùa.

Đây là một thành quả đáng ghi nhận, đáng được duy trì, phát huy trong những năm sau. Nhưng thật đáng tiếc là điều này đã không xảy ra, không như mong đợi.

Năm nay, đặc biệt kỷ niệm 50 pháp nạn, 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, 50 năm kỷ niệm mùa Phật đản máu lửa, bi tráng 1963 thì Phật giáo quận 3 lại lui về sân chùa Vĩnh Nghiêm tổ chức Phật đản (2), theo quy luật nghiệt ngã trên: một bước tiến, ba bước lùi.

Sự kiện tổ chức Phật đản cấp quận này ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng chung của lễ Phật đản cấp Thành phố và làm giảm ý nghĩa lễ kỷ niệm 50 năm pháp nạn đi hơn một nửa.

Điều này chắc chắn sẽ làm cho các con chiên hoài Ngô, các xóm đạo cờ vàng ở hải ngoại hả hê, vui sướng tột độ, đúng như mong muốn của họ và là cơ hội tốt cho họ tuyên truyền, xuyên tạc. Chắc chắn, tôn giáo này sẽ không để lỡ cơ hội như Phật giáo để mất cơ hội.

Việc Phật giáo quận 3 tổ chức lễ Phật đản ở công viên, nơi ngã tư đường lịch sử của Phật giáo, không bị hạn chế không gian là một bước tiến lớn, thể hiện tầm nhìn xa, năng lực của người lãnh đạo.

Việc rút lui về tổ chức Phật đản trong sân chùa trong bối cảnh đặc biệt như năm nay là ba bước lùi, thiếu trách nhiệm, bỏ lỡ nhiều cơ hội, không thể hiện lòng tôn kính, tri ân Bồ tát Thích Quảng Đức và chư Thánh tử đạo năm xưa đã tranh đấu, đòi bình đẳng tôn giáo cho Phật giáo.

Việc không tổ chức được lễ Phật đản (dù chỉ là quy mô cấp quận) tại nơi Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu năm xưa là một thất bại, thiếu sót lớn không gì bù đắp nổi trong dịp kỷ niệm 50 năm pháp nạn 1963.

Tổ chức lễ Phật đản cấp quận cũng không tránh khỏi quy luật thăng giáng của lễ Phật đản, vẫn quanh quẩn trên lối mòn cũ, không lối thoát, không có gì gọi là những điểm mới.

Cơ hội bị bỏ qua một cách đáng tiếc, thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại đến một truyền thống đang hình thành, đến mức không khôi phục được đỉnh cao đã có.

Ngày 16/5/2013

(1)    http://giacngo.vn/thoisu/2013/03/29/325643/ 
(2)    http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2013/05/11/124041/