Trang chủ Bài nổi bật Vĩnh biệt Nhà giáo Trương Đình Nguyên, Phó Viện trưởng Học viện...

Vĩnh biệt Nhà giáo Trương Đình Nguyên, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

1016

Vĩnh biệt Giáo sư – Nhà giáo ưu tú Trương Đình Nguyên. Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Ông từ trần vào lúc 9g40 ngày 20-4-2020, thọ 90 tuổi. ( 1931 – 2020).

Lễ truy điệu tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và di quan vào hồi 14g30, ngày 24/04/2020 (tức ngày 2-4-Canh Tý), hỏa thiêu tại Đài hóa thân Hoàn Vũ – Văn Điển – Hà Nội.

Ban Tổ chức tang lễ Giáo sư Trương Đình Nguyên do TT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội làm Trưởng ban.

PTVN trích đăng bài viết của tác giả Xuân Loan viết về thầy Trương Đình Nguyên cách đây 14 năm


 

NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU
(ngày 20/11/2006)

Giáo sư Trương Đình Nguyên, người thầy không mệt mỏi đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục Phật giáo Việt Nam, hiện là Phó Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Nói đến giáo sư, tăng ni khắp nơi đều rất kính trọng, một Phật tử mẫu mực, có những hoài bão lớn đối với việc đào tạo tăng tài ở miền Bắc nước ta. Những người đã từng là học trò thầy, hiện nay đã thành đạt đang công tác khắp mọi miền đất nước.

Khoảng lặng

Năm 1987 tôi còn rất trẻ và hồn nhiên với cuộc sống cả đạo lẫn đời, nhìn đơn giản về các giá trị. Phúc duyên lớn của tôi là thường được gần gũi những bậc thầy khả kính, trong đó có Giáo sư Trương Đình Nguyên. Dù không được làm học trò trên giảng đường, không được học những bộ sách lớn mà thầy truyền đạt, nhưng đối với tôi thầy là người Thầy khó quên nhất trong đời, Thầy thường xem tôi như người thân, như một đứa con gái trong gia đình của mình.

Năm 1987, tại chùa Quán Sứ, thầy còn khỏe, thường đến chùa, lên lớp giảng dạy cho tăng ni, phong thái giản dị, dung ung, uy nghiêm mà dễ gần. Lúc rảnh, tôi thỉnh thoảng tiếp xúc với thầy, dù không được lên giảng đường như những sinh viên khác, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc, vì chính sự gần gũi thân thiện nơi Thầy. Và cũng chính sự gần gũi ấy đã nhen nhóm trong tôi cách nhìn mới thông qua những lời dạy bảo của người, nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống tôi hiện nay. Những lúc trò chuyện, tôi tâm đắc ở thầy lý tưởng sống, đặc biệt bài học thầy dạy cho tôi cách đối nhân xử thế, 5 bí quyết để cảm hoá và làm cho mọi người yêu quý mình, đó là : Ngũ cảm ( Uy nghi cảm, Tín nhiệm cảm, Thân mật cảm, Thần bí cảm, Thánh thiện cảm )

GS. Trương Đình Nguyên sớm được gần gũi với Chư Tôn Thạc Đức. Vì vậy mà khi còn giảng dạy môn Ngôn ngữ văn học cổ đại Trung Quốc tại trường Đại học Ngoại ngữ, thầy đã tự nghiên cứu môn Hán Nôm nhằm nâng cao trình độ về kho tàng Hán Nôm của ông cha để lại quá đồ sộ mà chưa có người khai thác. Với lòng đam mê và miệt mài nghiên cứu Hán Nôm, thầy đã có nhiều công trình biên soạn, khảo cứu dịch thuật:- Đại cương về ngôn ngữ, văn hoá Trung Quốc (chương trình cấp bộ) – Văn học cổ đại Trung Quốc, giai đoạn II (sau đại cương), trong đó có phần: Lịch sử văn học cổ đại, Trích giảng văn học cổ đại. – Giáo trình Hán – Nôm cho các trường cao đẳng sư phạm (2 tập)- Giáo trình lịch sử văn học Trung Quốc (phần cổ đại) – Ngữ pháp Hán ngữ cổ đại, dùng cho trường chuyên tu Hán – Nôm – Giáo trình Thường thức Hán ngữ cổ đại…Trong những công trình biên soạn khảo cứu, chú giải, có thể kể đến Thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông, Văn học Tây Sơn… Ông còn là đồng tác giả nhiều tập sách như : Tổng tập văn học Việt nam, Nguyễn Khuyến và Tác phẩm, Thơ văn chữ Hán Ngô Thời Nhiệm… và hiệu đính khá nhiều công trình Hán Nôm như: Hải Ông thi tập của Đoàn Nguyễn Tuấn, Đại Nam hội điển sử lệ, Từ điển Hán – Việt, Từ điển Nhật -Việt, biên soạn và hiệu duyệt Từ điển Phật học Hán – Việt (2 tập, 3000 trang), Từ điển Kinh Dịch (2000 trang), Từ điển Nho – Phật – Lão. Chỉ phần Kinh Phật nói riêng ông cũng để lại nhiều công trình đáng kể như: biên soạn chú giải Kinh Pháp Hoa đề cương của Thiền sư Minh Chính (ở Bích Động), Thủ Lăng Nghiêm chính mạch … Đồng thời, ông cũng dịch khá nhiều Kinh như sau: Kinh Đại Nhật, Kinh Đại Bảo Tích, Kinh Pháp Hoa, Pháp Hoa huyền tán (2000 trang), bộ Pháp Giới An lập đồ (600 trang được in tại Pháp năm 1993), còn rất nhiều sách chưa xuất bản ước chừng khoảng 30 – 40 cuốn, có cuốn dày hàng nghìn trang, ước chừng tất cả chừng 5 – 6 vạn trang viết tay. Những tác phẩm trên, chứng tỏ GS là người sống và làm việc miệt mài, đem hết tâm hồn, trí tuệ để lại cho đời sau.

Tâm nguyện và kiến giải

Giáo sư có phúc duyên được cố Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận, cố hoà thượng Đệ nhị Pháp chủ Thích Tâm Tịch, cố hoà thượng Thích Thanh Chân… đích thân giao phó dạy các đệ tử Hán văn, Kinh Dịch. Năm 1981, khoá đầu tiên của trường cao cấp Phật học khai giảng, HT Thích Minh Châu là Hiệu trưởng, mời giáo sư tham gia Ban giám hiệu và giảng dạy cho tăng ni sinh môn Hán Nôm. Hôm nay, tôi nhìn Giáo sư – người thầy già, vầng trán nhiều nếp nhăn, mái tóc bạc hơn nhiều. Gặp tôi lần này cũng như bao lần khác, vẫn nụ cười và ánh mắt thân thiện,

Giáo sư nói: “Tôi yêu nghề dạy học vô cùng, rất tự hào khi thấy mình đã truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau, thú vị nhất là khi họ thành đạt họ trở thành những người bạn tốt, tôi có rất nhiều bạn… Khi tôi là thầy giáo của các vị tu hành tôi thấy mình càng phải tu dưỡng rèn luyện bản thân mình nỗ lực hơn, tôi cũng học ở họ những phẩm chất quý báu của người xuất gia, tôi tâm đắc câu của người xưa – Giáo học tương trưởng (tức là thày trò cùng giúp đỡ nhau trưởng thành.) Tôi là ngưòi sùng kính tư tưởng Phật giáo. Tôi quan niệm Đức Phật Thích Ca không những là bậc Giác ngộ hoàn toàn mà còn là Nhà Giáo Dục lớn của nhân loại, . Ngài đã đề ra các hệ thống phương pháp sư phạm như ta thấy rõ đó là Thập Nhị Bộ Kinh -12 phương pháp căn bản của hệ thống sư phạm, sau này được các nhà Phật học lấy làm kim chỉ nam. Hơn năm mươi bốn năm đứng trên bục giảng, một phần tư thế kỷ gắn liền cuộc đời với sự nghiệp đào tạo tăng tài, tôi tâm đắc câu Thánh nhân thiện dụ – tức là bậc thánh nhân muốn cho người khác hiểu phải cho nhiều thí dụ gắn với đời thường và đặt câu hỏi để cùng suy ngẫm, triết lý cao siêu cũng nằm tại ngay đời thường thôi. Kinh Bách Dụ tôi rất tâm đắc. Một phương pháp giáo dục rất hay nữa là Tứ nhiếp pháp – bốn phương pháp tập hợp đệ tử, giáo hoá chúng sinh là đồng sự; đồng giải; đồng lợi; ái ngữ. Đức Phật Thích Ca đã chỉ ra phương châm ngắn gọn để phát triển trí tuệ, phát triển tột cùng, đó là Phá chấp hiển chân – phá bỏ tư tưởng mê chấp đạt mục đích nổi bật chân lý và cuối cung là Duy tuệ thị nghiệp – duy chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp của người tu Phật, cái đáng nói là phải tự học. Người tu học Phật chỉ tu mà không học là tu mù, nếu học mà không tu chỉ là học giả”. Đã qua cái tuổi Thất thập cổ lai hy – Cuộc đời thầy vẫn gắn liền với bảng đen phấn trắng khắp các giảng đường đại học. Tôi như bao thế hệ học trò thầy xin gởi đến thầy lòng tri ân chân thành nhất nhân ngày Hiến chương nhà giáo.

Một số hình ảnh lễ tang

 





Bài viết  Xuân Loan – Ảnh Phúc Thịnh – Diệu Tường