Trang chủ PGVN Cửa thiền Võ sư tý hon: Sống được không dễ

Võ sư tý hon: Sống được không dễ

77

Đó là hình ảnh quen thuộc mà mấy năm trở lại đây, những phật tử đến chùa Phổ Giác (Q. 11, TPHCM) thường gặp.

Chú tiểu đó là Nguyễn Duy Phương, con trai thứ 2 của gia đình anh Nguyễn Tuấn An và chị Đinh Thị Anh (quê xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).

“Người chú nhỏ nhưng nghiệp thì nặng”

Sinh ra trong một gia đình theo đạo Phật và cũng là một người tu tại gia, mẹ Phương tin con mình là kết quả của một cái nghiệp. Do vậy, năm Phương 14 tuổi, chị đã hướng con đi theo con đường xuất gia. Vào chùa, Duy Phương có pháp danh Nhuận Pháp.

"Khi đã thấy gần gũi hơn với kinh Phật, nhang đèn và các thầy, chú thấy đam mê tu hành". (Ảnh: Phan Tú)

Thời gian đầu xuất gia, chú rất buồn nhưng vì thương mẹ, hiểu đây là ý nguyện của mẹ nên cố gắng ở lại với các thầy, Nhuận Pháp kể lại bằng một giọng ngọng nghịu.  

Vẫn giọng kể đều đều, chú tâm sự, sau một thời gian, khi đã cảm thấy gần gũi hơn với nhang đèn, kinh phật và các thầy, chú thấy đam mê tu hành. Nhuận Pháp bảo, thân chú nhỏ nhưng nghiệp thì nặng nên xuất gia để sám hối nghiệp lực.

Thầy Minh Kiệt, trụ trì Chùa Phổ Giác nhận xét: “Tuy nhỏ bé nhưng Nhuận Pháp có khả năng ý thức như người lớn. Các công việc như tắm rửa, giặt giũ, chú đều tự làm được. Những việc được nhà chùa giao, chú đều hỏi kỹ và làm cẩn thận.

Chú rất thương người và đặc biệt yêu quý trẻ con. Mỗi khi chùa mời những người khiếm thị, những người bán vé số đến xỏ chổi, chú thường hay đi khu vực quanh chùa bán vé số giúp họ và bán rất đắt khách. Khi có tiền, Nhuận Pháp đều mua quà bánh cho trẻ con xung quanh”. 

Mỗi ngày của chú bắt đầu từ 5h30 sáng với những công việc chuẩn bị nhang đèn, pha trà cho thầy, quét dọn. Buổi chiều, chú lau chùi chính điện. Buổi tối, chú tụng kinh, nghe thầy giảng về đạo Phật, thỉnh thoảng còn mở máy tính nghe kinh. Đến 9- 10h khuya, chú lại vào căn phòng bé xíu gần 1,2 m2 của mình đánh giấc.

Khoảng 9-10 giờ khuya, chú lại về căn phòng gần 1,2 m2 đánh giấc. Ảnh: Phan Tú

Trong những năm xuất gia, chú còn học các thầy đánh cờ tướng, viết thư pháp…Chú bảo, cờ tướng thì chỉ có thể chơi với mấy đứa trẻ, còn đánh với người lớn thì không nổi. Chú mới học thư pháp được 1 tháng, hiện đã viết được chữ Tâm, chữ Phật. Qua băng đĩa và các chương trình truyền hình, chú học được múa tề thiên và múa quyền. 

Tu hành không nghĩ chuyện sống chết

Sinh ngày 19/3/1985, cậu bé Nguyễn Duy Phương lọt lòng mẹ, tuy đầy đủ bộ phận nhưng quá nhỏ, cả người chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay bà đỡ. Thấy con nhỏ quá, chị Anh không dám đem cân và đã nghĩ tới chuyện xấu nhất. Một tuần sau, ba đem Phương cân thử thì thấy chỉ nặng 600 gr.

Dù có một thân hình tý hon, Duy Phương vẫn phát triển bình thường. 3 tháng, Phương biết lật và nhận ra mẹ, 7 tháng biết vịn thành giường tập chững, 10 tháng mọc 4 răng sữa, ăn dặm từ tháng thứ 10, 15 tháng cai sữa, 24 tháng biết nói. Thấm thoát mà giờ đã được 24 năm.

24 tuổi, chú tiểu Nhuận Pháp chỉ như một đứa trẻ lên 3. (Ảnh: Phan Tú)

Chị Đinh Thị Anh nghẹn ngào kể: “Trước khi mang thai Phương, sức khỏe tôi bình thường, 5 tháng đầu thai kỳ, tôi khỏe nhưng từ tháng thứ 6 trở đi người luôn mệt mỏi, ăn uống kém, thai không máy, thai 9 tháng mà bụng nhỏ như 5 tháng…”.

Hơn 3 năm ở quê nhà, Phương lớn rất chậm, lúc này cậu cao 45 cm, nặng gần 4 kg.

Cho rằng con bị suy dinh dưỡng trầm trọng, cả gia đình chị Đinh Thị Anh đã chuyển vào TPHCM chữa bệnh cho con. Bắt đầu, Phương ở bệnh viện Nhi đồng II rồi chuyển qua bệnh viện Phụ sản Từ Dũ.

Tháng 7/1988, cậu lại được chuyển qua Trung tâm phục hồi trẻ mồ côi suy dinh dưỡng (TTPHTMCSDD) của Bộ LĐTBXH tại TPHCM. Ở đây, Phương được BS Nội nhi Nguyễn Hồng Nga trực tiếp điều trị, chăm sóc suốt 10 năm liền sau đó.

Theo Bs Nguyễn Hồng Nga, sau khi tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Duy Phương, bà đã trực tiếp lập bệnh án, tiến hành các xét nghiệm tổng thể, chụp Xquang xương, tim phổi, soi đáy mắt… đặc biệt là nghiên cứu nhiễm sắc thể để tìm những biến đổi cụ thể.

Bà đã đi tới kết luận đây là bệnh nhân của hội chứng Seckel- một hội chứng mà y học thế giới chưa tìm được nguyên nhân và phương pháp chữa trị. Được biết, phần lớn những ca Seckel trên thế giới đều sống không quá 13 tuổi.

“5 năm liền sau khi vào Trung tâm, Phương vẫn “lưu ban” với nhóm 3 tuổi, vậy mà cậu vẫn bé nhất nhóm. Lúc đó, cậu 8 tuổi, cao 70 cm, nặng 5,7 kg. Tuy vậy, Phương vẫn rất hiếu động. Cậu thường ngồi trên lon sữa, múa võ, trồng cây chuối…Cậu còn biết chào hỏi, mời khách uống nước, khách ra về vẫn biết bắt tay tạm biệt…

Chú tiểu Nhuận Pháp biết nhận biết mặt chữ nhưng khả năng tính toán hơi chậm. (Ảnh: Phan Tú)

10 năm ở TTPHTMCSDD, Duy Phương còn được học chữ. Cậu nhận biết được mặt chữ nhưng khả năng đọc và tính toán hơi chậm”, BS Nga kể. 

Theo lời chị Anh, các năm trước, mỗi năm Duy Phương tăng trung bình 500 gr, chiều cao hầu như không thay đổi nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, Phương chững lại ở mức 13 kg và 90 cm.

Anh trai của Duy Phương hơn cậu 4 tuổi, hiện là Kỹ sư Công nghệ thông tin, khỏe mạnh bình thường.

Nhuận Pháp kể, bây giờ, đã 24 tuổi rồi nên chú không nghĩ đến chuyện sống chết nữa. Mỗi tối trước khi đi ngủ, chú thường niệm Phật. Chú mong được sang Ấn Độ để gặp Đức Phật, tham quan nơi Đức Phật nhập niết bàn. Chú còn ước được đi Mỹ chữa bệnh để cao lớn như những người bình thường.

Theo BS Nga, Nguyễn Duy Phương là ca thứ 17 trên thế giới và là ca thứ 2 ở VN trong thế kỷ XX mắc hội chứng Seckel. Trước đó, các giáo sư Đặng Văn Chung và Mai Thế Trạch cũng đã trực tiếp theo dõi trường hợp cháu Nguyễn Văn Toàn ở Nam Định, sinh ra chỉ nặng 500 gr.

Tuy nhiên, năm 1972, Toàn đã chết vì viêm não khi mới 10 tuổi. Sau Nguyễn Duy Phương, còn có thêm trường hợp cháu bé tý hon Vũ Văn Khanh ở Đắc Lắc.

Theo Bs Nga, bệnh nhân mắc hội chứng Seckel có những triệu chứng như thân hình nhỏ bé, mũi khoằm, đầu chim, tiếp thu trong học hành kém nhưng bắt chước rất giỏi; sức khỏe và tâm sinh lý phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.

Giải thích về hiện tượng hầu hết các ca Seckel trên thế giới đều không sống quá tuổi 13, Bs Nga khẳng định: “Nguyên nhân gây tử vong sớm của các cháu không hẳn vì chứng Seckel mà có thể mắc các chứng bệnh thông thường khác”.

Với Nguyễn Duy Phương, Bs Nga cho rằng không cần một chế độ dinh dưỡng và thuốc men đặc biệt bởi chỉ trừ thân hình bé nhỏ, Phương hoàn toàn là một người bình thường.