Trang chủ Diễn đàn Vụ in hình Đức Phật trên bao bì sữa tắm: Ý thức...

Vụ in hình Đức Phật trên bao bì sữa tắm: Ý thức dân tộc trong kinh doanh

116

Một trong những cách đó là bảo vệ truyền thống văn hóa của dân tộc mình.


Chúng ta biết, những người lãnh đạo một dân tộc, quốc gia có tâm thì họ không sợ mất chính quyền bằng sợ mất những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Giở lại những trang sử dân tộc, chúng ta thấy rằng, hầu hết, các nước đế quốc xâm lược đều âm mưu tàn phá văn hóa của dân nô lệ. Bản sắc văn hóa mất thì dân tộc vĩnh viễn tiêu vong. Bởi vậy, cho dù kẻ thù xâm lược có mạnh mẽ và hung bạo tới đâu, chỉ cần không đánh mất những giá trị văn hóa của cha ông, thì chúng ta sẽ dễ dàng khơi dậy niềm tự hào dân tộc khi kêu gọi toàn dân cùng hướng về một mối để chiến đấu giành lại giang san.







Trung ương GHPGVN và Bộ Văn hóa đề nghị thay đổi nhãn mác


Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn gửi Bộ VHTT và ĐSQ Italia tại Việt Nam đề nghị có biện pháp để Cty BNB thay đổi nhãn mác trên sản phẩm, tránh xúc phạm đến tín ngưỡng của người dân.

Được sự uỷ quyền của lãnh đạo Bộ VHTT, ngày 7.2, Thanh tra bộ đã có ý kiến bằng văn bản gửi Cty BNB khẳng định: Việc nhập khẩu bày bán sản phẩm dầu tắm trên là không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống của dân tộc; đề nghị Cty BNB có cách thức thay đổi nhãn mác trên sản phẩm để đảm bảo sự tôn trọng hình ảnh tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân…
 


Trở lại vấn đề, ngày nay, khi chúng ta bước vào sân chơi mới, trong bối cảnh sống chung với mọi dân tộc trên toàn cầu, vấn đề bản sắc dân tộc được đặt trước một thử thách mới. Câu hỏi lớn nhất của chúng ta bây giờ là làm thế nào để không bị tan chảy, không bị cuốn hút theo những dòng chảy cuồng loạn. Mỗi thời kỳ lịch sử đều có những khó khăn thách thức và thuận lợi khác nhau. Việc mở cửa giao lưu với thế giới hiện nay của chúng ta để làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh với mục đích cuối cùng là giữ gìn được bản sắc văn hóa của mình. Bởi vì, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc mới chính là mất nước thực sự. Giữ được bản sắc văn hóa thì con cháu chúng ta mai sau sẽ không phải vật lộn để tìm lại chúng. Giữ gìn được bản sắc văn hóa thì chúng ta dễ dàng tạo được thế đứng trong dòng chảy cuồn cuộn của thế giới văn minh.


Tất cả mọi dân tộc trên thế giới khi giao lưu với bất cứ dân tộc, quốc gia nào khác đều dựa trên hai tiêu chí quan trọng: giữ gìn giá trị văn hóa của chính mình và thu về lợi nhuận vật chất, cho dù các mối giao lưu núp dưới bất cứ danh từ mỹ miều nào. Cụ thể hơn, bất cứ dân tộc, quốc gia nào cũng có những điều mang tính thiêng liêng, không hẳn phải trùng với tiêu chí của các dân tộc, quốc gia khác. Những tiêu chí này không thể đánh đổi bằng lợi nhuận vật chất.


Vậy thì, các nhà kinh doanh khi buôn bán sản phẩm có hình ảnh thiêng tôn giáo nhưng không bị pháp luật nghiêm cấm thì cũng nên biết đặt những giá trị đạo đức của dân tộc mình lên trên, không thể đem những giá trị văn hóa dân tộc khác mà bao biện cho những hành động vì lợi nhuận vất chất của mình.Biết tôn trọng những điều thiêng liêng của dân tộc tức là biết giữ lòng tự trọng cho dân tộc mình, biết góp phần bảo vệ sự độc lập của dân tộc.


Như vậy, với người Ấn, họ kinh doanh hình ảnh đức Phật là bình thường, người Mỹ vẽ lên áo thun hình ảnh đức Phật hay những nhân vật họ ngưỡng mộ là chuyện hợp với văn hóa nước họ. Chúng ta không nên can thiệp vào đời sống văn hóa của họ qua lăng kinh tư duy với đời sống văn hóa của mình. Cũng vậy, chúng ta cũng không vì sự “thoải mái” của các nước khác mà xem thường những giá trị đạo đức mà cha ông ta đã giữ gìn.


Đức Phật là một nhân vật được những người Phật tử Việt Nam nói riêng và các dân tộc Á Đông nói chung ngưỡng mộ và xem là linh thiêng. Hình ảnh Ngài thấm sâu vào từng câu chuyện cổ tích, vào từng lối tư duy. Giá trị giáo pháp của Ngài đóng góp cho dân tộc này lớn biết bao! Những trang sử vàng son của dân tộc mang đậm dấu ấn tư tưởng của Ngài. Vì vậy, Người Việt tôn kính đức Phật không đơn thuần vì cái sự linh thiêng của Ngài, mà còn là để tỏ lòng cảm ơn một bậc vĩ nhân.


Với những suy nghĩ như vậy, chúng tôi thiết nghĩ, những nhà kinh doanh nên biết tôn trọng đức Phật. Biết tôn trọng Ngài tức quý vị biết tạo ấn tượng đẹp về doanh nghiệp của mình trong lòng khách hàng. Nếu chỉ biết nhìn vào lợi nhuận mà bất chấp tất cả thì hẳn không là điều hay cho chính quý vị và cho ngành thương mại non trẻ của chúng ta.


Từ đó, việc coi thường những giá trị tâm linh của dân tộc trong một bộ phận dân cư đang là một mối nguy và là một thách thức lớn cho những người đang nắm trọng trách xã hội chúng ta hiện nay.