Trang chủ Quốc tế Xin Chào JuBu, JuBu

Xin Chào JuBu, JuBu

239

JuBu, JuBu… Đó là một danh từ mới, chữ “JuBu” là viết tắt từ nhóm chữ “Jewish Buddhist” – nghĩa là, “Phật Tử Do Thái Giáo.” Các thông tin sau dựa vào bài báo “At One With Dual Devotion” của phóng viên Louis Sahagun, trên báo Los Angeles Times ngày 2-5-2006.

Những người tự mang cho mình chữ JuBu thực ra lại cũng không giống nhau bao nhiêu.

Bàn thờ trong phòng khách của Becca Topol có một tượng Phật và một viên đá, trên đá có sơn chữ shalom, nghĩa là hòa bình, theo cổ ngữ Hebrew của dân tộc Do Thái. Hồi tháng tư, bà mừng lễ Vượt Qua (Passover, kỷ niệm chuyện tích dân tộc Do Thái chạy thóat khỏi xứ Ai Cập, theo sách Cựu Ước Kinh) chung với Lễ Phật Thành Đạo theo nghi thức Thiền Tông Nhật Bản.

Topol, 37 tuổi, “Tôi là một JuBu. Việc tôi tu tập theo Phật Giáo thực sự làm tôi thành một tín đồ Do Thái Giáo mạnh hơn.”

Trong khi Phật Giáo giúp bà Topol cảm thức sâu thẳm hơn về Do Thái Giáo, thì lại làm lúng túng cho anh chàng David Grotell, cũng là một JuBu khác. Grotell, 41 tuổi, quá lo lắng về lệnh cấm của Do Thái Giáo đối với việc thờ ngẫu tượng, tới nổi, “mặc dù tôi có một chỗ ngồi thiền trong nhà, nhưng vì là tín đồ Do Thái Giáo, tôi không thể đặt pho tượng Phật ở đó.”

JuBu như thế cũng là một kinh nghiệm đa dạng, ngay cả bên trong một Trung Tâm Thiền (Zen Buddhist Center) tại Santa Monica. Trong này, họ nhấn mạnh về cách mà một sự pha trộn kiểu Mỹ về Phật Giáo đang bùng nở, với đông đảo thiền sinh là tín đồ Do Thái Giáo.

Không ai biết chính xác có bao nhiêu JuBu trên nứơc Mỹ; các bản khảo sát gần nhất là thực hiện thời 1970s. Đa số trong khối 3 triệu Phật Tử tại Mỹ là người gốc Á Châu, nhưng theo một số ước lượng, có ít nhất 30% trong số tân Phật Tử lại là tín đồ Do Thái Giáo.

Để so sáng, nên biết số người Mỹ Do Thái là 6 triệu người.

Alan Lew, người nghiên cứu Phật Giáo trong một thập niên trứơc khi lui về để làm một giáo sĩ Do Thái, gọi sự pha trộn nghịch lý của Do Thái Giáo (thờ một Thượng Đế) và Phật Giáo (không tin có đấng tạo hóa) là “một gặp gỡ sáng tạo tuyệt đẹp và đầy hoa trái của hai tôn giáo tại Hoa Kỳ.”

Nhưng thực tế, họ có chuyên tu sâu thẳm trong Phật Giáo không?

“Hầu hết người ta không đi sâu vào Phật Giáo; họ chỉ muốn cảm thấy an lạc chút thôi,” theo lời Michael Shiffman, sáng lập viên của L.A. Dharma, một tổ chức Phật Giáo không tông phái tại Los Angeles. “Nhưng bạn có thể vừa là tín đồ Do Thái và vừa không tin vào Thượng Đế Tạo Hóa? Câu hỏi thiệt là hay…”

Tuy nhiên, những người khác lại nói, đó là tùy theo bạn định nghĩa thế nào là Thượng Đế.

Chủ yếu, Phật Giáo tạo ra một lối đi lặng lẽ và đơn độc để thóat khỏi đau khổ, và hướng về một đời sống đạo đức dựa vào sự tương liên tương tác, vào trí tuệ và vào từ bi. Một phương pháp cho lối tu này là ngồi thiền hàng ngày.

Tại sao Phật Giáo hấp dẫn với người Do Thái như thế?

“Đau khổ là trung tâm của chuyện này,” theo lời David Gottlieb, ngừơi có cuốn tự truyện “Letters to a Buddhist Jew” (Thư Gửi Một JuBu) trong đó khảo sát đời sống của một “Zen Jew” (Tín Đồ Do Thái theo Thiền Tông) tìm cách giải quyết hai căn cước tôn giáo trong lòng.

Lee Rosenthal, 59 tuổi, cư dân San Diego, lại thấy sự hòa nhập tuyệt diệu. Ong trở về từ Cuộc Chiến VN và đối mặt với cái chết của hai đứa con một thời gian ngắn sau khi chúng sinh ra đời, và rồi tới căn bệnh ung thư của vợ ông.

“Tôi không thể tin vào các câu trả lời thần học mà tôi nhận được từ người ra về lý do tại sao hai con nhỏ của tôi từ trần,” ông kể lại. “Nhưng khi tôi cầm một cuốn sách Phật Giáo lên và sách nói với tôi, ngôn ngữ thẳng thắn và khôn ngoan. Thay vì bọc đường mọi thứ, sách này cho tôi một giải thích đơn giản về tại sao tôi đau khổ – cuộc đời đầy đau khổ và khó khăn. Nó cũng nói rằng bạn không thể chạy trốn khỏi. Phải đối diện mà giải quyết.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma, người Phật Tử hàng đầu thế giới, thường ưa nói, rằng nếu có một nan đề và bạn không thể làm gì được hết, thì không việc gì phải lo lắng nữa. Còn như, nếu bạn có thể làm được chút gì để giải quyết, thì cũng không cần lo lắng làm gì. Thấy như thế, thì chịu đựng được, thậm chí còn vui mừng nữa chứ.

Rồi thì, người cựu chiến binh Rosenthal trở thành một nhà sư Phật Giáo, điều mà mẹ ông, bà Rosalie, chấp nhận mới vài năm trứơc trong một buổi gặp gỡ cảm động.

Nhà sư này kể, “Mẹ tôi có bệnh lãng trí Alzheimer’s và cứ nghĩ nhầm rằng tôi chỉ là một thằng nhóc gần nhà ở dưới phố thời thập niên 1950s. Vậy rồi một hôm tôi hỏi mẹ tôi, ‘Bà Rosalie ơi, thằng Lee con trai của bà bây giờ ra sao rồi?’ Mẹ tôi ngồi thẳng dậy trong xe lăn, và với cái nhìn tự hào trong mắt, nói, ‘Nó bây giờ là nhà sư Phật Giáo rồi.'”

Ông kể thêm, “Tôi lúc đó nứơc mắt ràn rụa.”

Và cũng đúng theo kiểu Mỹ, JuBu cũng có nhiều chuyện chọc cười. Trong đó có nhiều chuyện Thiền Do Thái một câu, thí dụ như, “Nếu không có tự ngã, vậy thì bệnh phong thấp này của ai đây?”

Đa số trong Hội Đồng Quản Trị của một tạp chí Phật Giáo hàng đầu, tờ Tricycle: A Buddhist Review, là người gốc Do Thái.

Phân nửa trong 10 vị trụ trì Trung Tâm Thiền Tông San Francisco trong 40 năm qua là người gốc Do Thái.

Và ngày càng có nhiều giáo đường áp dụng các chương trình thiền định kiểu Phật Giáo, thí dụ như chương trình mà Giáo Sĩ Lee mới đây sáng lập ra trong một ngôi nhà gỗ màu xanh chỉ cách mươi bước ngôi đền thờ bảo thủ Congregation Beth Shalom tại San Francisco.

Bên trong, hàng dãy đệm tọa cụ để ngồi thiền trang trí với Ngôi Sao David đặt hướng về một ảnh trong khung mang chữ đầu mẫu tự Do Thái, chữ Aleph.

Lew nói, “Khi chúng tôi ngồi Thiền xong ở đây, thì đứng dậy, đi bộ vào giáo đường, nơi đó thay vì đọc kinh Phật, chúng tôi học về Kinh Torah [của Do Thái Giáo]. Thiền thực sự là hấp dẫn cộng đồng Do Thái. Tôi có một lịch trình đi dạy Thiền rất là dầy đặc. Và thường xuyên, khi tôi thuyết giảng về kỹ thuật ngồi Thiền, thì các giáo đường xếp sẵn 50 ghế nhưng lại có tới 300 người tới dự.”

Nhiều người, như Alan Senauke, bây giờ là một nhà sư Phật Giáo ở Vùng Vịnh Bắc Cali, khám phá là hai truyền thống hòa hợp dễ dàng, gần như thuộc vào nhau. Mặc dù ông không còn mừng các lễ Do Thái Giáo, chỉ trừ Lễ Vượt Qua, Senauke nói, “Trong tôi, Đạo Do Thái và Đạo Phật y hệt dây leo quấn vào nhau, không tách rời. Vì tôi là Do Thái Giáo, nên tôi là một Phật Tử hỏng kiểu, và vì tôi theo Đạo Phật, tôi không bao giờ có thể là một người thực hành Do Thái Giáo.”

Với nụ cười, nhà sư này thêm, “Tui thỏai mái vậy đó.”

Marc Lieberman, người bác sĩ nhãn khoa San Francisco từng thu xếp cuộc đối thoại lịch sử giữa các lãnh tụ Do Thái Giáo và Đức Đạt Lai Lạt Ma năm 1989, gọi hiện tựơng JuBu là một điển hình đẹp đẽ của “sáng tạo kiểu Mỹ tuyệt diệu.”

Rời chiếc gối thiền định sau nghi thức ngồi Thiền sáng chủ nhật, bà Topol nói, “Tôi ngay cả đọc các trang Kinh Cựu Ước, thí dụ như các cuộc nói chuyện với Thượng Đế của Moses, y hệt như các công án Thiền; nghĩa là, như các câu hỏi dùng trong Thiền tập kiểu như câu ‘Cái gì là tiếng vỗ một bàn tay?'”

Chuyện gì xảy ra kế tiếp sẽ chỉ là điều ức đóan thôi. Nhưng vài JuBu tiên đoán là sẽ có sự hợp nhất để thành một Phật Giáo kiểu Mỹ độc đáo.

Charles Prebish, giáo sư khoa tôn giáo học tại Penn State University, nói. “Chúng ta rồi sẽ có một kiểu hòa trộn. Nhưng tận cùng, đó là chuyện đang diễn tiến.”

Prebish, người tự gọi mình là Phật Tử có gốc sắc tộc Do Thái, nói thêm, “Tôi hy vọng tôi sẽ còn sống tới khi nhiều chuyện thế này hình thành rõ rệt.”

Xin chào JuBu, JuBu.

Xin gửi lời chào và chúc lành từ một ViBu, ViBu…