Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Xuân xa xứ

Xuân xa xứ

73

Chiều nay có dịp qua Paris, tôi ghé tiệm VN quen thuộc đặt cặp bánh chưng và hỏi thêm cành mai mang từ Sài Gòn sang. Mấy năm trước tôi không những đặt hàng mai Sài Gòn mà cả đào Nhật Tân, Hà Nội nhờ dịp người quen qua chơi. Bên Bỉ này hàng hóa Tết Việt không đa dạng nhưng mắc hơn Paris, nên gần Tết là tôi hay sang quận 13, Paris mua sắm. Khu quận 13 này đông người Việt – Hoa và không khí mua bán cũng náo nhiệt gần như Tết ở Sài Gòn.

Cũng vì muốn cho gia đình vui vẻ ấm cúng, cho tụi nhỏ biết không khí Tết cổ truyền của dân tộc thế nào nên tôi mới ráng mua sắm, chứ giá hàng hóa VN ngày thường đã cao, dịp tết lên 5-6 lần. Mỗi lần qua Paris đi chợ Tết là ông xã hay cằn nhằn tôi chuyện mua hoa mai, hoa đào. Ông bảo: "Mai, đào có đẹp cỡ nào mà qua xứ lạnh này một ngày là đã héo, rụng từng cánh, nhìn còn buồn hơn, tốn tiền thêm".

Mấy năm gần đây kinh tế khó khăn nên tính mê hoa, xài xả láng cho dịp Tết của tôi cũng hạn chế;  chỉ mua thực phẩm, trái cây và những gì cần thiết cho việc cúng giao thừa, cúng ông bà và cả nhà có bữa cơm là đủ rồi. Cũng để có mai, đào trong nhà cho thêm không khí xuân, tôi chọn mua hoa nhựa, tìm cành cây về bện thêm kẽm thế là có chậu mai, đào đẹp tươi quanh năm suốt tháng.

Ở đây có vài người Việt thèm "hương vị Tết" đến nỗi rủ bạn bè gói bánh, làm nem chả, dưa hành củ kiệu… cho vui vẻ, có không khí tết. Như hai chị bạn tôi: một người gói bánh chưng, bánh tét rất khéo cho những người Việt quen đặt hàng; một chị khác thì làm nem, chả lụa rất ngon… Năm rồi tôi đi làm về sớm tính ghé chị ấy mua hai cái bánh chưng, hai cái bánh tét về ngay lo kho thịt, hầm khổ qua… thế mà đến nơi vui quá, ở chơi phụ nấu bánh hơn nửa ngày mới xong. Mùi khói cay cay, mùi lá chuối thơm làm tôi nhớ nồi bánh chưng ngày xưa của bà con hẻm nhà tôi.

Ở hẻm tôi có ba hộ khó khăn, thế là những nhà khá giả hùn tiền mua vật liệu cho ba nhà kia ra công gói bánh chưng, bánh tét. Năm nào đám con nít cũng tụ tập phụ chụm lửa, trở bánh… vui và đầy kỷ niệm. Có lần thằng em trai thấy cái bánh tét nhân chuối nhỏ xíu tưởng nguội bỏ bụng giấu, ai dè về nhà bụng phỏng đỏ tươi mà còn bị đòn.

Nếu ngày tất niên và đầu năm (mồng 1) trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì tôi có thời gian làm nhiều món ăn tươi ngon, còn không là phải chuẩn bị từ cuối tuần trước xong bỏ đông đá. Bận bịu, khó khăn thế nào thì nồi thịt kho tàu, nồi khổ qua hầm, dưa giá, tôm khô, củ kiệu, nem, chả lụa không thể thiếu trong gia đình tôi. Dù các con tôi sinh ra ở đây nhưng chúng vẫn thích món ăn Việt, ghiền tết Việt. Cũng phải thôi, vì cả năm tôi làm việc bận bịu làm gì có nhiều bữa cơm Việt, mà chúng đi học cũng ăn theo Tây nữa.

Trước 18 giờ bên này là cả nhà quây quần chuẩn bị cơm tối. Đúng 18 giờ (giao thừa bên VN), chồng tôi bày biện cúng giao thừa, còn tôi gọi điện về cho ba mẹ để cả nhà chúc Tết;  xong xuôi là cả nhà ăn cơm và chuẩn bị đi chùa hái lộc đầu xuân. Sáng mồng 1 vừa cúng ông bà mấy món tự tay tôi nấu theo kiểu VN vừa làm con gà nấu cháo, trộn gỏi rau răm cúng đầu năm. Cả nhà ăn xong, diện đồ mới đi chúc Tết họ hàng. Tụi nhỏ cũng mặc áo dài, mừng tuổi người lớn, nhận lì xì. Hết mồng 1 là hết Tết, ai lo việc nấy…

Có năm gia đình tôi còn được tham gia lễ hội mừng xuân do Đại sứ quán VN tổ chức vui lắm. Tôi như được sống giữa Sài Gòn chiều 30, được thưởng thức món ăn VN, gặp nhiều bạn bè Việt…

Không hiểu vì sao hai năm gần đây hai con lại hỏi tôi: "Khi nào nhà mình về ăn Tết với ông bà ngoại hả mẹ?". Có thể vì chúng muốn được ăn Tết ngay chính quê hương của cha mẹ chúng hay vì thấy mỗi lần gần Tết là mẹ hay than với gia đình, bạn bè là nhớ Tết Việt, nhớ Tết Sài Gòn. Dù lý do gì đi nữa tôi cũng phải cố gắng cho các cháu sớm về gặp ông bà, được hiểu thêm về quê hương VN – cội nguồn dân tộc và đặc biệt là được thưởng thức Tết Việt – Tết cổ truyền của dân tộc. Không phải vợ chồng tôi không muốn về sum họp gia đình dịp tết, mà do công việc mưu sinh bận rộn, đầu năm lắm việc, rồi hai con bận thi cử… nên tính riết cũng chịu thua.

Tết Việt với tôi ở đây không thiếu gì nhưng nó vẫn không đủ những thứ gọi là "hương vị Tết Việt" và dần dà trở nên nhạt nhẽo, chán chường. Tôi vẫn nhớ câu hát của nhạc sĩ Xuân Hồng: "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất quê mình", cho nên dù đón Tết ở nơi đâu nhưng hình ảnh Tết ở Sài Gòn vẫn luôn in đậm trong tâm trí tôi.

Nhớ những phong bao lì xì đỏ rực bán ở mấy con đường quanh khu phố đông y quận 5 – nhà tôi; những chòi lá ở vỉa hè chợ Cầu Muối chất từng đống dưa hấu; nhớ tiếng trống lân dạo xóm người Hoa quận 11; nhớ cảnh ông đồ viết câu đối góc đường Châu Văn Liêm… Bạn bè lại bảo "sống ở đây là phải chấp nhận", nhưng lòng tôi vẫn canh cánh nỗi nhớ mong.

Tôi vẫn thèm bữa cơm tất niên, cùng mẹ dạo phố mua sắm, cùng ba chăm sóc mấy cây mai, bonsai trong vườn… những chiều cuối năm. Tôi muốn một lần được tung tăng trong bộ áo dài trên đường hoa Nguyễn Huệ, được một lần đi chợ hoa ở công viên Tao Đàn… Và tôi không thể nào quên giờ phút giao thừa thiêng liêng cả nhà bên nhau ấm áp, hạnh phúc.

Tất cả sao xa vời với tôi quá, chỉ còn là hoài niệm! Bây giờ tôi đã ở một nơi rất xa và đang hướng về quê hương với từng nỗi khát khao. Nhớ lắm Sài Gòn – TP.HCM mùa xuân đang réo gọi. Hẹn với người, với quê hương con sẽ về thăm trong mùa xuân tới.