Trang chủ Diễn đàn Ý nghĩa lục hòa và chuyện quả cam

Ý nghĩa lục hòa và chuyện quả cam

222

Trọng tâm của người tu, dù không giỏi nhưng khéo sống đúng với tinh thần lục hòa của đạo Phật thì việc tu tập sẽ được tiến triển đều, đồng thời giúp cho tín tâm Phật tử ngày càng sâu đối với Tam bảo, nhất là Tăng bảo. Tăng Ni trong mùa an cư kiết hạ hay mãn hạ rồi, luôn cố gắng tập sống theo tinh thần lục hòa. Dù chưa trọn vẹn nhưng chúng ta cố tập, từ từ cũng sẽ được hoàn bị. Có thế việc tu mới lợi lạc. Nếu chúng ta không tập sống lục hòa thì sự tu chỉ có hình thức thôi, niềm an vui lợi lạc không được bao nhiêu. Đó là lời nhắc nhở của tôi nhân ngày mãn hạ”.

Lời nhắc nhở về tinh thần lục hoà được dẫn trong ngoặc kép trên là của Hoà thượng Thích Thanh Từ. Báo Giác Ngộ đã chạy tít “Lục hoà”, đăng kèm theo hình ảnh Hoà thượng Thích Nhất Hạnh và Hoà thượng Thích Thanh Từ nắm tay nhau cùng bước đi, và dòng chú thích “Lục hoà là lối sống căn bản của Tăng đoàn”.

Người viết chợt nhớ đến câu chuyện mà các vị Hoà thượng thường truyền tai nhau về đạo tình của các Tổ ngày xưa qua mấy quả cam. Chuyện như sau, ở thời đất nước khó khăn, có một tín chủ dâng vị Hoà thượng đạo cao đức trọng kia một đĩa cam quý. Hoà thượng hoan hỷ nhận lấy, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy mình không xứng đáng ăn những quả cam ngon như vậy, bèn sai chú tiểu đem dâng cúng một vị hoà thượng khác. Hoà thượng khác nhận được mấy quả cam ngon, cũng tự nghĩ như thế, lại cho người đem dâng Hoà thượng khác nữa, và Hoà thượng khác nữa cũng tự nghĩ như vậy…, cho đến khi mấy quả cam kia trở về với vị Hoà thượng ban đầu.

Lục hoà của chư Tổ là sự hài hòa, tương kính, là nghĩ mình đức mỏng, nghiệp dày, còn có những chư tôn đức Tăng Ni, thậm chí cư sĩ xứng đáng hơn mình. Chư Tổ khéo sống lục hoà như thế nên luôn có sự an lạc, chẳng cần phải đại hội, nhiệm kỳ, ghế to ghế nhỏ, mà người đời sau nghe được câu chuyện ấy vẫn không kìm được sự xúc động từ sâu thẳm lòng mình. Y phục xứng kỳ đức thêm nhiều ý nghĩa chính từ những câu chuyện giản dị như thế, nào phải ngôn từ gì cao siêu.

Trong hoàn cảnh này, Hoà thượng Thích Thanh Từ nhắc lại một bài học căn bản không giới hạn tuổi tác, địa vị, chức sắc ấy. Cụm từ “dù không giỏi nhưng khéo sống đúng với tinh thần lục hoà…” mà Hoà thượng sử dụng đã nói lên trọng tâm thực sự của việc tu, của cả đời tu.

Hiện nay có những “trọng tâm” đầy sức hấp dẫn khác như học vị thạc sĩ, tiến sĩ, chức vụ quyền hành cao, quản lý nhiều cơ sở vật chất, đạt nhiều danh hiệu, kỷ lục… Đạt được những điều này được xem là “giỏi”, là “tài ba”… “Giỏi” như thế cũng có những lợi ích cụ thể nào đó, không ai có thể phủ nhận được. Nhưng những ai chưa “giỏi” để đạt được những điều như trên thì cũng không có gì mà phải “cố giỏi” (bằng mọi cách), vì nếu… “không tập sống lục hòa thì sự tu chỉ có hình thức thôi, niềm an vui lợi lạc không được bao nhiêu”.

Nhiều cái “giỏi” như thế nhưng cũng chỉ là những cái tô điểm thêm cho hình thức bên ngoài mà thôi. Cứ nhìn vào thực tế “cuộc đua” nhân sự đại hội Phật giáo ở một số tỉnh thành năm 2012 này mới thấm thía hết những lời Hoà thượng Thích Thanh Từ nhắc nhở. Ghế thì ít mà người muốn ngồi thì nhiều, nên tổ chức Đại hội xong, Phật giáo ở một số tỉnh thành chia năm xẻ bảy, tinh thần “lục hoà”, tín tâm của người Phật tử bị tổn thương lâu dài, không dễ hàn gắn.

Trước tình hình xã hội, tôn giáo phức tạp như hiện nay, mong sao chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội công tâm, khách quan, kịp thời điều chỉnh, giữ vững sự ổn định, hài hòa tại các địa phương, nhằm thúc đẩy Phật sự phát triển. Không thể tiếp tục để các quan hệ có tính chất “trong họ ngoài làng”, biến các nhiệm kỳ đại hội Phật giáo trở thành nơi để tranh danh đoạt lợi như thế tục.

Không bao lâu nữa Đại hội Phật giáo Toàn quốc sẽ diễn ra. Để bắt đầu một nhiệm kỳ mới với nhiều kỳ vọng, người Phật tử chỉ mong được nghe và được thấy thêm nhiều hơn những câu chuyện đầy đạo tình như thế để giữ trọn niềm tin.