Trang chủ Văn hóa Yên Tử – nhìn gần, nhìn xa

Yên Tử – nhìn gần, nhìn xa

98

Góc nhìn lịch sử


Vèo một cái, cáp treo đã đưa đoàn du khách từ chân núi đến quần thể tháp Tổ, chùa Hoa Yên. Thời gian dừng chân chưa nhiều thì đã lại tiếp tục cuộc hành trình mà cái đích là chùa Đồng chót vót trên đỉnh núi mây mù. Dường như phần lớn du khách đến Yên Tử năm nay là để chiêm ngưỡng ngôi chùa bằng đồng mới đúc này mà quên đi cái hấp dẫn nhất của chuyến đi là về thăm cõi Phật, nơi từng là trung tâm của thiền phái Trúc Lâm rạng rỡ một thời.

Chùa Đồng cũng quý, nhưng cái lạ áp đảo hơn cái quý và không thể sánh được với những di tích trải qua nhiều năm tháng của Phật giáo nơi này. Vốn xưa đỉnh cao nhất của Yên Tử chưa có chùa. Có lẽ chỉ đến thời Lê Trịnh (thế kỷ thứ 17-18), một bà phi của Chúa Trịnh mới xuất tiền cho xây ngôi chùa có mái và cột bằng đồng, nền chùa mỗi chiều rộng có 1m. Sách “Đại Nam nhất thống chí” thời Nguyễn còn ghi vậy. Sau đó ít lâu, chùa bị kẻ gian lấy đi mái đồng và dần dà mất cả chùa lẫn tượng.

Năm 1930, trên đỉnh Yên Tử lại có thêm ngôi chùa bằng bêtông cốt đồng; năm 1993, một ngôi chùa nhỏ bằng đồng 3 gian được dựng bên cạnh. Ngày 30.1.2007, ngôi chùa Đồng mới thay thế cho 2 ngôi chùa trên được khánh thành. Đây là một ngôi chùa bề thế (nặng khoảng 70 tấn, từ mái đến cột, tượng trong chùa đều bằng đồng, dài 4,6m, rộng 3,6m, cao 3,35m) riêng sự vận chuyển gần 5.000 chi tiết cấu trúc lên đỉnh núi và lắp ghép lại cũng là một kỳ tích.

Tuy nhiên, liệu chùa Đồng mới có là “đệ nhất kỳ quan trong các công trình kiến trúc của Phật Giáo Việt Nam thế kỷ 21” như nhiều bài báo nhận xét hay không lại còn là điều phải bàn. Kiến trúc và hoa văn trang trí chùa Đồng chưa thể hiện được đậm nét truyền thống của kiến trúc chùa của một thời đại nào. Mà lẽ ra, Yên Tử là di tích gắn nhiều với thời Trần, thì nên lấy mẫu của một ngôi chùa Trần thì có ý nghĩa hơn. Hoặc nếu không thì lấy mẫu của thời Lê, thời mà đỉnh Yên Tử lần đầu xuất hiện ngôi chùa bằng đồng thì hẳn có ý nghĩa nhiều hơn. Chùa Đồng cũng không thể nào là tinh tuý của nghệ thuật đúc đồng của cả xưa lẫn nay.


Được biết nay mai, trong kế hoạch, Yên Tử sẽ có tượng đồng Vua Trần Nhân Tông nặng khoảng 100 tấn đặt ở trên đỉnh An Kỳ Sinh. Hy vọng đây mới chính là biểu tượng thực sự của Phật giáo Việt Nam và ghi nhớ công đức của vị vua gắn cuộc đời mình vào non xanh nước biếc nơi đây. Mong rằng nghệ thuật đúc pho tượng này sẽ không phải ghép mảnh và quy tụ được phong cách nghệ thuật cao và tinh hoa đúc đồng hiện nay.

Đi Yên Tử mà chỉ chăm chăm đến chùa Đồng thì không khác gì một cuộc leo núi dã ngoại. Cái đẹp của Yên Tử chính là ở phần “trầm tích” lịch sử 700 năm và số phận đặc biệt của Vua Trần Nhân Tông.

Không chỉ Vua Trần Nhân Tông, Yên Tử còn là nơi in dấu chân của Vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi và nhiều danh nhân khác.

Góc nhìn đương đại


Yên Tử hôm nay mang dấu ấn của nền kinh tế thị trường. là điểm du lịch lớn vì thế du khách đến khá đông, nhất là dịp xuân về. Hàng quán mọc hai bên đường núi. Cái gì cũng có, miễn là chấp nhận giá cả phải cao dần theo từng độ cao của núi.

Cũng phải thôi, người bán quán phải thuê gánh hàng lên núi mà mỗi đơn vị được đo bằng kilôgram đã phải trả 10-15 nghìn. Một lon bia vì thế có giá từ 15 nghìn trở lên. Một vài chợ cóc ven lối đi gần lên đỉnh núi bày bán nấm, mộc nhĩ, măng rừng, các vị thuốc nam và cả đồ lưu niệm. Đáng lưu ý là cả những ứng dụng kỹ thuật khoa học hiện đại nhất cũng vào cuộc phục vụ “thượng đế”: các thợ ảnh lấy ngay chỉ với một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, một máy in màu du lịch đựng trong một hòm sắt kín và một nguồn điện ắcquy.

Cái đáng nói ở chốn linh thiêng này là vệ sinh môi trường. Quanh chùa Đồng chao ơi là rác bám vào thành vực nhiều vô kể, ngôi chùa nổi bật trên nền trời xanh nhưng cũng nổi bật trên nền những túi nilon xanh đỏ, những vỏ lon bia và giấy rác đủ màu, trông rất phản cảm. Có thể ngăn không cho ăn uống gần khu vực chùa Đồng sẽ là một cách loại bớt nguy cơ rác chăng? Mất mỹ quan nữa là bên cạnh chùa Đồng còn có một ngôi nhà ngói ghi công đức, cũng in bóng trên nền trời xanh như thế.

Giá mà xây dịch ngôi nhà xuống vài chục mét thì chắc là vẻ đẹp chùa còn được thêm lên mấy phần. Vào những hôm đông khách, sân chùa hẹp và chật, một số thanh niên hiếu kỳ còn nhảy hẳn lên, đu bám vào vách chùa, nền chùa trông mất đi sự tôn nghiêm cửa Phật. Thêm nữa, vào những ngày mưa, lối đi và khu vực sân chùa thực sự là một hiểm hoạ rình rập. Chen nhau, trơn trượt, chỉ một người ngã có thể kéo cả chùm xuống vực sâu hoặc đập đầu vào đá. Vì thế, nên chăng kéo dãn người ra ở khoảng sân chùa, chỉ được ngắm và thắp hương trong một khoảng cách nhất định, có hàng lối trong vòng trật tự, tránh những tai nạn.

Rồi đây, Yên Tử còn mọc lên nhiều công trình, mong sao ngành du lịch bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách, đã đành, mà còn hướng đến một chất lượng du lịch đậm chất văn hoá, lịch sử. Kết thúc chuyến hành hương sẽ đọng trong lòng du khách một ấn tượng khó quên về chốn tu hành của bậc quân vương, về tính thiện căn của cõi Phật và về cả cảnh đẹp thiên nhiên hiếm thấy của ngọn núi cao đến 1.068m trấn ngự một vùng Đông Bắc tổ quốc.