Trang chủ Tết Việt Du xuân Yên Tử vào Hội xuân

Yên Tử vào Hội xuân

58

Năm nay, theo thống kê của cơ quan chức năng, từ ngày mồng 1/8 tháng Giêng (3 đến 10/2), đã có trên 25 vạn lượt khách hành hương về Yên Tử; điều này cho thấy Yên Tử, chốn non thiêng, đã và đang là một trong những tâm điểm thu hút đông đảo nhất các phật tử bốn phương.

Muôn nẻo, một đường

Lễ hội Yên Tử là lễ hội truyền thống hằng năm, mọi người về với Yên Tử là về với cái nôi của trung tâm phật giáo thời Trần, nơi Đệ nhất tổ Trúc Lâm – Điều Ngự Giác Hoàng, Đức vua Trần Nhân Tông đã từng tu hành và viên tịch. Năm nay, ngày 9 tháng Giêng là ngày khai lễ chùa Trình và đúng 8h40′ sáng mồng 10, tức 12/2, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trịnh trọng dâng hương, đọc diễn văn và đánh trống khai hội, sau đó là lời chúc phúc đầu năm mới của TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lễ cầu quốc thái dân an và lễ đóng dấu thiêng Yên Tử. Ngoài các nghi lễ trang trọng thành kính diễn ra trong lễ hội còn có các hoạt động văn hoá nghệ thuật, múa rồng lân, biểu diễn võ thuật và nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác.

Du khách đi hội xuân Yên Tử

Trong tiết xuân ấm áp và ngập tràn không khí của lễ hội, từng dòng người nối dài, thành kính dâng hương từ lễ trường khai hội, qua tất cả các điểm chùa trên đường lên núi cho tới chùa Đồng tọa lạc tại điểm cao 1.068m, nơi cao nhất của non thiêng Yên Tử.

Bình yên nơi cửa Phật

Trên đường hành hương Yên Tử, tuyến đường bộ, leo núi, năm nay có đông du khách hơn bởi thời tiết đẹp, các phật tử có thể vừa đi lễ chùa vừa có điều kiện thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt mỹ của chốn non thiêng.

Trên chùa Đồng Yên Tử.

Từ tuyến cáp treo số 1, du khách đi bộ lên vãn cảnh và thắp hương khấn phật tại chùa Hoa Yên, đi tiếp 20 – 30 phút nữa tới tuyến cáp treo 2. Hết tuyến cáp, đi theo đường núi khoảng 791m từ khu vực tượng An Kỳ Sinh sẽ tới chùa Đồng. Với nhiều người, đây là đoạn khó khăn nhất nhưng không chỉ ngày khai hội mà hầu như ngày nào con đường đá chon von trên đỉnh núi này cũng đông và chật kín người; bởi, sau khi thắp hương hành lễ từ đây, ra về ai cũng thấy lòng mình bình yên, thanh thản hơn. Điều mà nhiều người quan tâm khi hành hương về Yên Tử là các hoạt động dịch vụ và tình hình an ninh trật tự.

Trao đổi với chúng tôi tại trạm công tác khu vực An Kỳ Sinh – chùa Đồng của Trung tâm Quản lý Di tích – Danh thắng Yên Tử, ông Vũ Văn Khoản, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, ở khu vực này giá các mặt hàng dịch vụ có cao hơn bởi các chủ hàng phải thuê người vận tải từ dưới chân núi lên (phải cộng thêm 5.000đ cho 1kg hàng hoá), giá 1 chai nước khoảng từ 10.000 – 15.000đ, tuy nhiên không xảy ra tình trạng bắt chẹt khách hoặc "chặt chém" vì hoạt động kiểm soát của trung tâm được tiến hành trên suốt dọc đường, nếu phát hiện vi phạm, người bán hàng sẽ bị tước giấy phép kinh doanh hoặc bị xử phạt hành chính.

Lực lượng Công an làm nhiệm vụ tại hội xuân Yên Tử.

Chúng tôi được biết, để bảo đảm an toàn cho lễ hội, công tác ANTT cũng đã được tăng cường hơn, tình trạng bán thuốc nam giả có xảy ra nhưng đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, công tác PCCC đã được đặc biệt chú ý, tất cả các điểm hành lễ, các chùa đều có dụng cụ PCCC, các lò thiêu hoá sớ có các lưới thép bảo vệ ngăn tàn lửa bay ra gây cháy rừng, kể cả các nhà sư và lực lượng chấp táp tại các chùa đều được huấn luyện về công tác PCCC.

Sư thầy Thích Đàm Liên, trụ trì chùa Hoa Yên cho biết, những năm trước tình trạng "cò mồi" bán thuốc, đối tượng xấu trà trộn, móc ví, lấy cắp tài sản của du khách xảy ra khá nhiều nhưng năm nay tại chùa chưa xảy vụ việc nào, du khách đi lễ hội, du xuân yên bình và an lành hơn.

Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm cũng đã nâng cấp 2 tuyến cáp treo với số cabin rộng và nhiều hơn. Giá vé một lượt, một người là 130.000đ; mua lẻ 2 lượt, đi và về là 260.000đ; mua vé khứ hồi giá chỉ còn 230.000đ/người, vì vậy lượng khách đi cáp treo cũng rất đông.

Sư thầy Thích Thanh Văn, quê ở Đà Nẵng, đang theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam, được cử về giúp việc trong những ngày lễ hội tại chùa Trình (điểm dừng chân đầu tiên đón du khách đến với Yên Tử), cho biết: Lễ hội Yên Tử được diễn ra trong suốt 3 tháng của tiết xuân, phật tử bốn phương, dù trong Nam, ngoài Bắc và cả khách nước ngoài, đến với Yên Tử bằng bất cứ phương tiện gì, chỉ cần theo đường 18 tới khu vực Dốc Đỏ, thị xã Uông Bí là tới chùa Trình; từ đây rẽ về bên trái, theo tuyến đường trải nhựa len lỏi giữa các rừng cây, thôn, bản, các phật tử có thể dễ dàng vào dâng hương tại các chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan và tất cả các chùa nằm trong hệ thống chùa của Yên Tử.