Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Chùa Ba Vàng có phạm tội hành nghề mê tín dị đoan?

Chùa Ba Vàng có phạm tội hành nghề mê tín dị đoan?

1139

Trong bài Chùa Ba Vàng có lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?, chúng tôi đã chứng minh Chùa Ba Vàng không phạm tội cưỡng đoạt tài sản cũng như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong bài này, chúng tôi tiếp tục chứng minh Chùa Ba Vàng không phạm tội hành nghề mê tín, dị đoan như quan điểm của một số luật sư và chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 320 Bộ luật hình sự, tội hành nghề mê tín, dị đoan đòi hỏi phải thỏa mãn hai dấu hiệu: dấu hiệu về hành vi và dấu hiệu về chủ thể.

Thứ nhất, về hành vi, tội hành nghề mê tín, dị đoan đòi hỏi phải có hành vi “bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác”.

Chùa Ba Vàng hoàn toàn không có hành vi “bói toán, đồng bóng”, thậm chí, Chùa Ba Vàng còn mạnh mẽ phản đối các hành vi này.

Chùa Ba Vàng cũng không có hành vi mê tín, dị đoan khác, bởi vì hiện tại chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải thích thế nào là các hình thức mê tín, dị đoan khác”.

Về pháp lý, “pháp thỉnh oan gia trái chủ” có phải là mê tín, dị đoan hay không, cần có văn bản giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không phụ thuộc vào quan điểm của bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào khác.

Về giáo lý, “pháp thỉnh oan gia trái chủ” tại Chùa Ba Vàng không phải là mê tín, dị đoan.  

Cơ sở nền tảng của “Pháp thỉnh oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng là giáo lý nhân quả của Phật giáo.

Cơ sở nền tảng ấy được khẳng định trong tài liệu “Hướng dẫn tu tập chuyển hóa nghiệp” của Chùa Ba Vàng như sau: “Chùa Ba Vàng hướng dẫn cho Phật tử và nhân dân tu tập theo nhân quả để chuyển hóa được các nghiệp khổ”.

Trên cơ sở giáo lý nhân quả, Chùa Ba Vàng chỉ ra nguyên nhân cụ thể trong quá khứ dẫn đến kết quả trong hiện tại và phương pháp hóa giải.

Phương pháp hóa giải là tu tập theo Phật pháp, cụ thể là nương tựa vào sức mạnh chân chính (quy y Tam Bảo), nhận lỗi và không tái phạm (sám hối), học tập và thực hành giáo lý (nghe pháp, tụng kinh), suy nghĩ, phát ngôn và hành động đúng (giữ giới), làm từ thiện (bố thí), hộ trì Phật, Pháp, Tăng (cúng dường Tam Bảo và làm công quả).

Mặc dù Báo Lao động chỉ nhằm khai thác việc “thỉnh vong”, “xuống tiền”“làm không công” theo kiểu thông tin giật gân, một chiều, xuyên tạc và phỉ báng nhưng chứng cứ về phương pháp tu tập theo Phật pháp nói trên của Chùa Ba Vàng đã được chính Báo Lao động “ngược gió tung bụi” để lộ ra ở giây thứ 38 trong clip có tính chất “buộc tội” mang tên: “Gọi vong” chùa Ba Vàng – bí ẩn nguồn thu trăm tỉ”.

Mục đích của “pháp thỉnh oan gia trái chủ” được khẳng định trong tài liệu “Hướng dẫn tu tập chuyển hóa nghiệp” của Chùa Ba Vàng là nhằm cho tín chủ được “thuận duyên trong các công việc để an ổn tu tập theo pháp của người Phật tử tại gia”, tín chủ và các vong linh “từ nay cho tới vô lượng kiếp về sau cùng tu tập theo giáo pháp của Phật cho tới ngày được thành Phật”.

Như vậy, Chùa Ba Vàng đã đưa tuệ giác vào tín ngưỡng dân gian “triệu vong, tiếp linh”, hướng dẫn mọi người tu tập thành Phật, tức là thành người giác ngộ, giải thoát.

“Pháp thỉnh oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng khác về bản chất so với “triệu vong, tiếp linh” trong tín ngưỡng dân gian đang được thực hiện ở các đền, điện, miếu, phủ.

Những gì không liên quan đến giáo lý nhân quả và tứ thánh đế, không hướng đến giác ngộ, giải thoát thì Chùa Ba Vàng tuyệt đối không làm như: không tìm mộ, không cúng tế dưới hình thức sát sinh, đốt vàng mã, bùa chú…

Tu tập theo Phật pháp dưới sự hướng dẫn của Chùa Ba Vàng, nhiều người đã khỏi một số bệnh nan y, bỏ được tệ nạn, sống đạo đức, an vui và có trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội. Đây là đóng góp lớn của Chùa Ba Vàng cho một đất nước còn nhiều vấn nạn về sức khỏe và đạo đức.

Sự tồn tại và tác động của vong linh đối với suy nghĩ, hành vi và môi trường sống của con người được thừa nhận trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy cũng như Phật giáo phát triển.

Theo quy định tại Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Chùa Ba Vàng có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, cụ thể có quyền tự do tin, thực hành và giảng dạy về giáo lý nhân quả, trong đó có lý thuyết về sự tồn tại và tác động của vong linh đối với suy nghĩ, hành vi và môi trường sống của con người. Quyền này luôn được cộng đồng quốc tế theo dõi một cách chặt chẽ, bảo đảm thực hiện và trừng phạt nghiêm khắc nếu có vi phạm.

Vì vậy, tại Thông báo số 066/TB-HĐTS ngày 26-3-2019, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam khu vực phía Bắc chỉ kết luận “pháp thỉnh oan gia trái chủ” tại Chùa Ba Vàng “không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống” chứ không kết luận là mê tín, dị đoan.

Thứ hai, về chủ thể, những hành vi “bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác” chỉ cấu thành tội phạm trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích.

Chùa Ba Vàng chưa từng bị xử phạt hành chính và chưa từng bị kết án.

Tóm lại, do không đủ hai dấu hiệu hành vi và chủ thể nên Chùa Ba Vàng hoàn toàn không phạm tội hành nghề mê tín, dị đoan.

Vậy mà có những luật sư và chức sắc Giáo hội còn dẫn chiếu các tình tiết tăng nặng đối với Chùa Ba Vàng như: thu lợi bất chính hai trăm triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đây là sự thiếu hiểu biết pháp luật đến mức đáng kinh ngạc bởi vì đã không thỏa mãn hai dấu hiệu cấu thành cơ bản tại khoản 1 thì không thể áp dụng tình tiết tăng nặng tại khoản 2 Điều 320 Bộ luật hình sự.

Nói một cách dễ hiểu, Chùa Ba Vàng không phạm tội thì làm sao tăng nặng hình phạt với Chùa Ba Vàng được.

Kết luận chung, Chùa Ba Vàng không phạm các tội cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hành nghề mê tín dị đoan thì vấn đề “không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống” là vấn đề nội bộ của Phật giáo, Nhà nước không có quyền can thiệp.

Nguyễn Mai

P/S: Trong bài này, cụm từ “Chùa Ba Vàng” được hiểu là “các cá nhân có liên quan tại Chùa Ba Vàng”.