Chùa Trường Sa tọa lạc ở Trung tâm thị trấn Trường Sa, đối diện với Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt.
Những người lính đảo Trường Sa trong những bộ quân phục trang nghiêm, cùng người dân trong bộ quần áo chỉnh tề, trong tà áo dài duyên dáng đi lễ chùa đầu năm, mong cầu không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho sự yên bình của Tổ quốc.
Lễ chùa đầu năm mới trên quần đảo Trường Sa thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân sống và làm việc trên đảo. Họ đến chùa để thể hiện lòng biết ơn và cầu nguyện cho một năm mới tràn đầy bình an, hạnh phúc và thành công.
Hoạt động này diễn ra trên quần đảo Trường Sa không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là dịp để mọi người tụ họp, giao lưu và chia sẻ niềm vui. Đến nơi tâm linh những ngày đầu năm mới không đơn giản chỉ để ước nguyện, để cảm nhận sự giao hòa của đất trời, mà còn tìm đến một điểm tựa tinh thần nơi đầu sóng, ngọn gió.
Không chỉ có các hộ dân đi lễ chùa đầu năm, chùa cũng là nơi thường xuyên lui tới của các chiến sĩ hải quân, cán bộ trạm hải đăng, thầy giáo… Các anh đến với chùa như muốn gửi gắm những lời yêu thương, lời chúc năm mới vào tiếng chuông chùa vang mãi về đất liền, về với gia đình.
Dưới bóng mát của cây bồ đề, phong ba… trong sân chùa, bé Nguyễn Trà My, 8 tuổi – con một hộ dân trên đảo xúng xính trong tà áo dài màu đỏ tươi đang vui đùa cùng các bạn. Nguyễn Trà My khoe, hôm nay con đi chùa cầu cho mình năm mới học giỏi, được bố mẹ yêu thương, con chúc các chú bộ đội Hải quân mạnh giỏi, dồi dào sức khỏe.
Tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có tất cả 9 ngôi chùa, do vậy đã tạo điều kiện cho người dân được chiêm bái. Những ngôi chùa ở Trường Sa không chỉ là điểm sinh hoạt tôn giáo, mà còn là những cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.
Tại đảo Đá Tây A, phong tục đi lễ chùa đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh, một việc làm không thể thiếu trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo. Đồ lễ chùa ngày tết chỉ đơn giản như đĩa trái cây, gói bánh… Những đồ lễ mộc mạc, giản dị như chính con người nơi đây, nhưng gửi gắm vào đó biết bao mong ước cho mưa thuận, gió hòa, cho cuộc sống an bình, phát triển của quân và dân trên đảo.
Ngày đầu năm mới, xúng xính trong những bộ đồ mới, gia đình anh Nguyễn Văn Ninh, sinh sống trên đảo Đá Tây A gác lại những việc trong gia đình để cùng nhau lễ chùa đầu năm. Giữa đảo xa, lễ chùa với gia đình anh không chỉ là dịp cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống của quân và dân trên đảo được bình yên mà còn là dịp để gia đình hướng về tổ tiên, dân tộc. “Các hộ dân thường lên chùa thắp hương vào ngày mùng Một, ngày Rằm và những dịp đầu xuân năm mới. Ở ngoài đảo xa xôi, cách xa đất liền, chùa là nơi chúng tôi lui tới thắp hương, chúng tôi rất an lòng khi ngày nào cũng được nghe tiếng chuông chùa vọng vang giống như trong đất liền vậy”, anh Ninh cho hay.
Sư thầy Thích Nhuận Hiếu – Trụ trì chùa Đá Tây A dâng hương thỉnh Phật. Trong không khí trang trọng, buổi lễ diễn ra trang nghiêm với những lời cầu chúc về sự bình an và may mắn cho mọi người, cho đất nước.
Theo Đại tá Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, đồng thời là Phó Lữ đoàn Trưởng, Lữ đoàn 146, thuộc Vùng 4 Hải quân Việt Nam, Phật giáo là một trong những tín ngưỡng tâm linh phổ biến của người Việt Nam. Người dân đến chùa lễ Phật cầu mong cho thân tâm an lạc, gia đình yên vui. Những ngôi chùa nơi đây là điểm tựa tâm linh của cư dân trên đảo và những ngư dân đang đánh cá ngoài khơi xa; là cột mốc chủ quyền thể hiện tâm nguyện về cuộc sống yêu hòa bình, hướng thiện, bình yên, cầu mong đất nước, quê hương luôn vững vàng trước mọi bão giông, sóng gió…

 

Ngoài chùa Trường Sa, trên huyện đảo Trường Sa, còn có nhiều ngôi chùa trên các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Phan Vinh, Nam Yết. Tất cả các ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa, chính điện đều hướng về Thăng Long – Hà Nội như tấm lòng của mọi người Việt hướng về trái tim của cả nước, thể hiện khát vọng một cuộc sống hòa bình, hữu nghị như tấm lòng nhân hậu bao đời nay của người dân Việt Nam.