Trang chủ Tin tức An Giang: Truy điệu HT. Thích Giác Hoàng

An Giang: Truy điệu HT. Thích Giác Hoàng

276

Đến chứng minh và tham dự có HT. Chau Ty, HT. Thích Chí Đạt – Thành viên HĐCM GHPGVN; HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN; HT. Thích Thiện Pháp – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 TWGH; HT. Thích Thiện Tánh – UV. Kiểm soát HĐTS; TT. Thích Thiện Thống – UV. Thư ký HĐTS, Phó Văn phòng 2 TWGH và phái đoàn Trung ương GHPGVN; HT. Thích Huệ Tài – UV. HĐTS, Trưởng Ban Trị sự và chư Tôn giáo phẩm Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang, các huyện, thị, thành phố; chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các tòng lâm, tự viện trong, ngoài tỉnh và hàng ngàn Phật tử đến tiễn đưa Hòa thượng Thích Giác Hoàng đến nơi an nghỉ ngàn thu của trần thế.
 
Buổi lễ hân hạnh đón tiếp ông Nguyễn Thành Lượm – Tỉnh Ủy viên, Bí thư thị xã Tân Châu và đại diện các ban nghành thị xã Tân Châu tham dự.
 
Nhằm ôn lại công đức và đạo hạnh, cuộc đời và sự nghiệp của Hòa thượng Thích Giác Hoàng bậc thạnh trụ thiền gia, bậc mô phạm cho Tăng Ni, Phật tử của Phật giáo An Giang, HT. Thích Huệ Tài – Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang cung tuyên Tiểu sử Hòa thượng Thích Giác Hoàng – Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự, nguyên Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang từ nhiện kỳ 1 – nhiệm kỳ III (1993 – 2007), Trụ trì chùa Thiên Quang:
 
Theo Tiểu sử ghi lại thì Hòa thượng Thích Giác Hoàng thuộc thiền phái Lâm tế Chánh tông, dòng thiền Trí Huệ, đời thứ 42, hiệu Hiển Thông, húy Giác Hoàng.
Hòa thượng sinh năm 1933, tại làng Sầm Riêng – Campuchia trong một gia đình trung lưu, kính tin Tam Bảo. Hòa thượng là con thứ ba trong gia đình có 5 anh chị em. Hòa thượng rất mực hiếu thảo đối với cha mẹ và sớm giác ngộ định lý vô thường.
 
Do có thiện duyên gieo trồng Phật pháp từ nhiều kiếp, năm 15 tuổi, ngày rằm tháng giêng năm 1951, được Hòa thượng Bổn sư Thích Từ Bạch nhận cho xuất gia làm đệ tử, ban cho pháp hiệu Hiển Thông, tự Giác Hoàng. Từ đó Hòa thượng tin tấn siêng năng lập công bồi đức, chấp lao phụng sự Tam Bảo, theo thầy học đạo.
 
Năm 1955, được Hòa thượng được Hòa thượng Bổn sư cho thọ giới Sa di, tại Giới đàn chùa Long An, làng Tà Chí, Campuchia, do Hòa thượng Thích Quảng Tấn làm Chánh Chủ hương, Hòa thượng Thích Thiện Tu làm Hòa thượng Đàn đầu truyền trao giới pháp.
 
Năm 20 tuổi, Hòa thượng được Hòa thượng Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ Túc giới, tại Đại giới đàn chùa Chuẩn Đề, Vương Quốc Campuchia, do Hòa thượng Thích Giác Thành làm Hòa thượng đàn đầu truyền giới, Hòa thượng Thích Từ Bạch làm Chánh Chủ hương, Hòa thượng Thích Huệ Hưng làm Tuyên Luật sư.
Năm 1970, do sự biến động tính hình chính trị tại đất nước Chùa tháp, Hòa thượng hồi hương về Việt Nam. Khi trở về Việt Nam Hòa thượng cư ngụ tu học tại chùa Thiên Phước, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1972 được Hòa thượng bổn sư công cử về làm Trụ trì chùa Giác Ngạn, tại Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
 
Năm 1976, đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng và ổn định phát triển, Hòa thượng đến làng Tân Châu, tỉnh An Giang, cư trú tại chùa Long Đức hoằng dương Phật pháp. Hội đủ duyên lành năm 1989, vì sự nghiệp phụng sự Tam bảo, trùng hưng Phật pháp Hòa thượng chính thức tiếp nhận đảm nhiệm trụ trì Thiên Quang Cổ Tự, tại thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang. Nay là thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.
 
Từ đó, Hòa thượng xem ngôi chùa Thiên Quang là điểm dừng chân du hóa của người tu sĩ, là mái ấp phát huy sở học, tiếp dẫn hậu lai, xương minh Phật pháp và cũng là điểm sau cùng để an nhiên viên tịch.
 
Nơi Thiên Quang cổ tự, Hòa thượng vóc hết tâm lực, sức lực để phụng sự Tam bảo, lợi lạc chúng sanh. Với tâm từ hòa khả kính, bao dung nhiếp hóa chúng sanh, Hòa thượng đã thấu triệt bài kệ của Hòa thượng Bổn sư truyền trao Tâm pháp.
“Giác Tánh viên dung tâm tự tại,
Hoàng Tâm trực ngộ độ quần sanh”
Với bổn hoài trong sự nghiệp truyền đăng tục diệm, Hòa thượng tiếp nhận nhiều đệ tử xuất gia như : Chơn Ngã, Chơn Nguyện, Chơn Tánh, Chơn Lạc, Chơn Tịnh, Chơn Minh . v.v… và hàng nghìn đệ tử tại gia.
 
Trong những năm đầu vận động thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tại An Giang, Hòa thượng là một trong những vị giáo phẩm thành lập Ban Vận động thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang.
 
Năm 1993, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang được thành lập. Tại Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ I, Hòa thượng được suy cử vào chức danh Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh hội liên tục 3 nhiệm kỳ.
 
Năm 2002, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, Hòa thượng được Đại hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng.
 
Năm 2007, Hòa thượng được Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh An Giang lần thứ IV suy tôn lên ngôi vị Chứng Hội đồng Chứng minh Ban Trị sự; cũng trong năm này, Hòa thượng được Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI suy tôn vào ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh.
 
Từ ngày thành lập Ban Trị sự, Hòa thượng tích cực tham các công tác Phật sự của Phật giáo An Giang: trên cương vị mô phạm, Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni, Hòa thượng là Giáo thọ sư của nhiều Đại giới đàn, tổ chức thành công nhiều khóa Bồi dưỡng trụ trì và tham gia nhiều Phật sự trọng đại khác của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
Với công đực và đạo hạnh, Hòa thượng được Trung ương GHPGVN tặng Bằng tuyên dương công đức, UBMTTQVN tặng Kỷ niệm chương Vì sự Nghiệp Dân vận và Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết Dân tộc và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.
 
Để bài tỏ lòng kính tiếc khôn nguôi người pháp lữ đồng hành, đồng sự trong Chánh pháp, HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, thay mặt Ban Thường trực HĐCM, Ban Thường trực HĐTS đọc lời tưởng niệm.
 
Kính bạch Giác linh Hòa thượng,
 
Trong Pháp giới duyên sinh vô tận, một chơn thân ngũ uẩn xuất trần, mượn tứ đại làm thân tác tắc, giữa phàm trần không nhiễm hồng trần. Nước sông Tiền thao thao dòng Phật thủy, xứ Tân Châu gió quyện mây từ, đất chùa Vàng duyên lành kết trái. Hòa thượng vốn sẵn có tín tâm, nên đã phát chí xuất trần từ thuở nhỏ, Chùa Long An xả tục cầu chơn, nêu cao chí cả. Đường giải thoát lâng lâng nhẹ gót, vượt trần gian siêu thoát luân hồi, bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham dục, để lẽ huyền vi còn mãi trong tâm.
 
Buổi đầu xuất gia học đạo, suốt bao năm vun bồi cội đức, Hòa thượng đã thường hằng tinh tấn, nổ lực chuyên cần công phu công quả. Rồi đến độ nhân duyên hội đủ, Trường tuyển Phật lần lượt bước vào, giới thân huệ mạng trang nghiêm, sáng soi dòng Diệu thể, kể từ đây ngôi Tam Bảo tam tôn kế vị, làm sứ giả Như Lai, Thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sinh, trau dồi trí đức, phước huệ trang nghiêm.
 
Bằng hạnh nguyện đại thừa, Hòa thượng đã vào đời bằng tinh thần đại sĩ, quyết chí hy sinh phụng sự cõi trần. Đạo đời hòa quyện, một thể viên dung, chan hòa pháp giới, Hòa thượng đã tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, truyền trì đạo mạch, phát huy chân lý Đạo nhà một cách trong sáng và tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử. Quả thật: “Lưng mang bức tượng Di Đà. Chữ Trung chữ Hiếu việc nhà vẹn phân. Dù cho đi trọn đường trần. Đạo Tâm đâu dễ một lần phôi pha”.
 
Bằng tinh thần hòa hợp đoàn kết, thống nhất Phật giáo cao độ, Hòa thượng đã thể hiện nguyện vọng thống nhất Phật giáo của Tăng Ni, Phật tử cả nước, đã tiếp nối dòng sinh mệnh năm 2000 lịch sử của Phật giáo Việt Nam, xây dựng thành công ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo An Giang nagy từ những ngày đầu tiên thành lập Tỉnh hội. Qua đó, Hòa thượng đã được Đại hội Phật giáo Tỉnh nhà suy cử làm Phó Trưởng ban kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Tỉnh hội Phật giáo An Giang trong suốt ba nhiệm kỳ. Rồi đến khi niên cao lạp trưởng, Hòa thượng được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc suy cử vào ngôi vị thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà cho đến ngày về cõi Phật.
 
Với tinh thần tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, sứ giả của Như Lai, trang nghiêm ngôi Tam bảo, Hòa thượng đã cùng Quý Hòa thượng trong Tỉnh hội mở Trường Phật học An Giang, đào tạo tăng tài, khai tâm mở trí cho Tăng Ni Phật tử gần xa phát huy huệ mạng, tín tâm kiên cố, đạo nghiệp tinh chuyên và đã trở thành những người hữu ích cho Phật pháp. Để từ đó, Hoa đời Hoa đạo đua nhau nở, mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương.
 
Thế những tưởng, trên bước đường phụng sự Đạo pháp, phục vụ chúng sinh và xã hội, Hòa thượng còn tiếp tục đóng góp lâu hơn nữa, để làm Thiền đăng định hướng và làm bóng cây đại thụ, che mát cho Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo An Giang. Nào ngờ đâu, một phút vô thường, âm dương cách biệt, Hòa thượng đã an tường, thu thần viên tịch, quảy dép về Tây, để lại bao niềm kính tiếc khôn nguôi. Quả thật:
“Đạo nghiệp một đời ghi đá trắng,
Hóa thân muôn thuở ngự sen vàng”
Sự ra đi vĩnh viễn của Hòa thượng là một mất mát lớn lao đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo An Giang cùng Môn đồ pháp quyến và Tăng Ni, Phật tử. Sự mất mát này, chúng tôi cũng như Tăng Ni, Phật tử không sao tìm lại được trong cuộc đời hữu hạn của kiếp người trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, chung lo Phật sự ở hiện tại và tương lai.
 
Thế rồi, dù thời gian có đi qua, không gian có xóa mờ nhân ảnh, song công đức và đạo nghiệp mà Hòa thượng đã trọn đời hiến dâng cho Đạo pháp và chúng sanh, cho Phật giáo Tỉnh nhà vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Tăng Ni, Phật tử và trong trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Như Cổ đức đã nói: “Một mai thân xác tiêu tan. Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời”.
 
Hôm nay, trong giờ phút nghìn thu vĩnh biệt này, Hòa thượng hóa duyên đã mãn, trong pháp giới vô biên, Giác linh Hòa thượng đã ngao du tự tại, vận thần thông đoạn ngự cửu liên đài, xả báo thân, chứng nhập Pháp thân, siêu Tịnh độ không rời uế độ. Giờ đây, trước Giác linh Hòa thượng, chúng tôi Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội, là những người bạn đồng hành, đồng sự pháp lữ đại thừa trong chính pháp, thắp nén tâm hương tưởng niệm, để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình Pháp lữ đời đời trong chánh pháp. Đồng thời, xin nguyện kề vai sát cánh bên nhau, đoàn kết, hòa hợp, cùng chung lo ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo An Giang ngày càng phát triển, ổn định, trang nghiêm trong lòng dân tộc và hoàn thành những ước nguyện mà Hòa thượng còn kỳ vọng.
 
Thôi, nơi Bảo tháp trang nghiêm, nhục thân Hòa thượng hãy an nghỉ. Nơi thế giới Niết bàn Vô tung bất diệt, Giác linh Hòa thượng hãy ngao du tự tại, với pháp thân lồng lộng tựa hư không, sẽ sống mãi trong lòng pháp lữ, trong tư duy cùng pháp giới chân như.
 
Tiếp theo là ai điếu của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang, tưởng niệm ân sư của Môn nhơn đệ tử. Cuối cùng toàn thể chư Tôn giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử ngậm ngùi cung tống kim quang Hòa thượng Thích Giác Hoàng nhập bảo tháp,
 
 
Chư tôn giáo phẩm Lãnh đạo GHPGVN giếng tang HT. Thích Giác Hoàng
 
HT. Thích Thiện Nhơn ký sổ tang lưu niệm
 
Chư tôn giáo phẩm chứng minh lễ truy điệu
 
HT. Thích Huệ Tài cung tuyên tiểu sử HT. Thích Giác Hoàng
 
HT. Thích Thiện Nhơn đọc lời tưởng niệm của TW GHPGVN
 
Môn đồ pháp quyến dâng lời tưởng niệm
 
TT. Thích Thiện Thống cảm tạ
 
 
Đòan xe cung tống kim quan HT. Thích Giác Hoàng nhập bảo tháp