Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Bản đồ hành trình tâm linh (Chương 11, phần 2)

Bản đồ hành trình tâm linh (Chương 11, phần 2)

70

 

Chương 11
 
Những suy nghĩ cuối cùng và chuẩn bị cho kỳ nhập thất
 
Chúng ta sẽ không nói chuyện với nhau trong thời gian hành thiền, vì vậy tôi nghĩ các bạn nên làm quen với nhau trước từ bây giờ, nếu bạn chưa biết tên người nào ở đây. Tôi cũng muốn biết tên của các bạn để còn biết bạn là ai. Tôi biết mặt tất cả các bạn bởi vì đã nhìn thấy nhiều lần trước đây, nhưng vẫn chưa nhớ hết tên một số người. Vậy mỗi người trong các bạn ở đây hãy cảm thấy chúng ta là những người bạn, như là anh em, huynh đệ. Cảm giác này cũng rất quan trọng. Chỉ thực hành chánh niệm, thực hành thiền Vipassana thôi thì không đủ. Chúng ta cần phải thực hành nhiều hơn thế; tập luyện tâm từ, thiền tâm từ và cùng với nó là tâm bi nữa; hai tâm đó rất gần với nhau. Chúng ta cũng tiến hành niệm ân đức Phật, nó sẽ làm cho tâm tĩnh lặng, an lạc và thanh tịnh. Khi chúng ta nghĩ đến một người nào đó thật thanh tịnh, thuần khiết, tâm chúng ta cũng có xu hướng giống như người đó. Chúng ta có thể buông xả dễ dàng hơn. Khi bạn nghĩ về Đức Phật, về sự giải thoát, sự thanh tịnh, trí tuệ và tâm bi mẫn của Ngài, ngay lập tức bạn cũng muốn được như thế. Chỉ cần có tâm mong muốn được như Ngài thôi cũng khiến cho bạn muốn buông bỏ tất cả những điều đang gây chướng ngại cho mình. Như vậy, trong quá trình thực hành, chúng ta cũng tập luyện cả điều đó nữa, chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng vài phút thôi. Khi chúng ta thực hành thiền tâm từ, nó không chỉ là trên ngôn từ, lời nói. Chúng ta nghĩ về nhau, nghĩ về từng người một và rải tâm từ, bất cứ mọt tư tưởng từ ái nào, rải đến cho nhau để cho chúng ta cảm thấy thân ái, hữu nghị, an tâm và thoải mái. Vậy hãy làm quen với nhau trước đi, tôi nghĩ hầu hết các bạn ở đây đã biết nhau cả rồi. Chúng ta đều là những bạn bè của nhau hay thậm chí có thể cảm thấy chúng ta là anh em trong cùng một gia đình. Cảm giác này cũng làm cho bạn thấy an tâm và thoải mái hơn, điều này rất quan trọng. 
 
Tâm thiền này sẽ trợ giúp cho tâm thiền kia. Chánh niệm giúp bạn trở nên chánh niệm hơn, an lạc và nhạy cảm hơn. Nó giúp bạn trở nên từ ái, nhân hậu và tinh tế hơn. Chúng ta cần phải thật tinh tế. 
 
Ở đây có một số đông người cùng ở một chỗ trong một thời gian, 9 ngày, nếu các bạn không chuẩn bị tâm mình cho tốt thì có thể sẽ có nhiều xung đột và bực bội xảy ra. Ngay cả chỉ có hai người ở cùng một chỗ, bạn cũng phải thật nhẫn nại, tế nhị, phải biết tha thứ và hiểu biết. Những việc nhỏ nhặt có thể thường xảy ra lúc này lúc khác làm bạn khó chịu và bạn sẽ nghĩ: “Ồ, cái con người này, tôi ước gì ông ta đừng có đến đây hành thiền, ông ta nói là đến để ngồi thiền nhưng nhìn xem, ông ta chạy hết chỗ này đến chỗ kia”. Rất nhiều ý nghĩ sẽ diễn ra trong đầu bạn. Khi ăn cùng nhau, tôi biết có nhiều người có tật ăn rất xấu, họ ăn cùng nhau và đến nói với tôi rằng: “Cái ông đó thật là tham ăn, món nào ngon ông ta gắp rất nhiều, ông ta còn ăn hết nguyên cả một đĩa đồ tráng miệng”. Những việc đại loại như thế sẽ xảy ra, ngay cả chuyện đóng cửa mạnh tay nữa. Đôi khi có người quên, ngay cả tôi cũng có lúc quên và đóng sầm cửa, gây lên tiếng động rất lớn và tôi cảm thấy thật xấu hổ, “Thật là thất niệm”, mặc dù lúc đó chẳng có ai ở bên cạnh cả. Vì vậy, điều quan trọng là phải cảm thấy rằng chúng ta đang giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi ngày, khi ngồi thiền, chúng ta rải tâm từ, những ý nghĩ từ ái, hiểu biết và thông cảm, tha thứ cho nhau, làm cho nhau cảm thấy thật an tâm và thoải mái, để bạn không cảm thấy mình đang bị người khác đánh giá. Nếu bạn lỡ làm điều gì đó sai lầm, bạn cũng biết: “Ồ, cũng không ai buồn bực về chuyện đó đâu”. Chúng ta biết, nhưng cũng có đôi lúc chúng ta quên. Vậy hãy làm quen với nhau từ bây giờ đi và hãy cảm thấy chúng ta là thành viên trong một đại gia đình. Đó chính là tâm từ. Tâm từ không phải là thứ suy nghĩ: “Cầu mong cho tất cả chúng sanh được hạnh phúc an vui, à quên mất, trừ cái thằng cha chết tiệt ấy!”. Ở Miến Điện có một bài vè như vậy đấy, tôi không nhớ được cả bài như thế nào. “Trừ bọn quái thai, muỗi, rận và quạ, còn lại cầu mong cho tất cả chúng sanh được hạnh phúc an vui”. Thật là tức cười, nhưng thực tế đúng là như vậy đấy. 
 
Tôi hy vọng là các bạn đã hiểu được những chỉ dẫn căn bản để hành thiền. Bây giờ các bạn vẫn có cơ hội để nêu các câu hỏi. Nếu các bạn còn điều gì hồ nghi về kỹ thuật hành thiền cơ bản, về phương pháp hay chỉ dẫn thực hành, xin mời cứ hỏi cho rõ. 
 
Hỏi & đáp: Vâng, chúng ta sẽ có thời gian dành riêng để trình pháp. Bạn có thể hỏi các câu hỏi hay kể về các kinh nghiệm của mình và nhận lấy lời hướng dẫn… Bạn cũng có thể hỏi các câu hỏi một cách riêng tư. Tôi sẵn lòng giúp đỡ các bạn bằng bất cứ cách nào có thể. Sự chuẩn bị này là để giúp các bạn thu được lợi lạc nhiều nhất từ 9 ngày hành thiền tích cực này, bởi vì trong 9 ngày quý báu, thì một ngày có được cũng là vô cùng quý. Đây không phải là việc bạn lúc nào cũng có thể làm được. Thực sự đây là một công việc rất đặc biệt, rất hiếm làm. Tôi muốn các bạn thu được nhiều lợi lạc nhất, thực sự thích thú và thực sự cảm nhận được rằng: “Ồ, thật đáng làm!” và sau này bạn sẽ nhớ lại: “Ồ! Tôi rất vui là đã làm điều đó”. Rất hiếm có cơ hội làm công việc này. Nó sẽ trở thành một kỷ niệm và bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc về nó. Điều đó sẽ giúp bạn tiếp tục hành thiền. Bạn sẽ thực sự học thiền. Rồi bạn sẽ kinh nghiệm được một số tuệ giác sâu sắc, nó sẽ trợ giúp bạn trong suốt quãng đời còn lại, và tôi nghĩ, thậm chí trong cả kiếp sau nữa, bởi vì một tuệ giác thâm sâu sẽ có năng lực rất mạnh, nó có thể ảnh hưởng đến bạn trong rất nhiều kiếp sống. Bạn chỉ cần hiểu được rằng đây chỉ đơn thuần là những hiện tượng vật lý, không phải là một chúng sanh, một thực thể nào và đây đơn thuần chỉ là những hiện tượng tâm lý, không phải chúng sanh hay một thực thể, chỉ cần có được tuệ giác đó, thật sâu sắc và rõ ràng, nó có thể ảnh hưởng đến bạn trong rất nhiều kiếp. Mỗi khi nghe Pháp, bạn sẽ hiểu ngay lập tức: “Đúng, điều đó rất đúng”. Nó có một sức mạnh rất lớn; trí tuệ có năng lực vô cùng to lớn. Trí tuệ, chánh niệm và sáng suốt là những điều mà hầu hết chúng ta không thực hành trong mọi lúc. Chúng ta đã từng trải qua rất nhiều kiếp quá khứ. Tôi không biết chính xác, nhưng chỉ cần đoán định theo kiến thức pháp học, thì có thể nói là trong những kiếp trước chúng ta chưa được thực hành thiền nhiều. Có thể chúng ta đã làm phước thiện khá nhiều, bố thí giúp đỡ người, giữ giới và tất cả những việc thiện khác có thể chúng ta đã từng làm, rất có thể, nhưng rất hiếm khi chúng ta thực sự hành thiền. Rất hiếm khi chúng ta thực sự được hành thiền và thâm nhập sâu sắc để thấy được bản chất của mọi sự. Nếu bạn thực sự suy nghĩ về nó, những điều bạn sẽ làm ở đây có thể là những điều bạn chưa bao giờ làm trong quá khứ. Và trong tương lai, tôi cũng muốn tiếp tục làm như vậy, những khóa thiền tích cực dài hơn, 15 hay 20 ngày. Nếu chúng ta có thể thu xếp được thì tôi cũng rất vui lòng quay trở lại đây để giúp đỡ các bạn. Nếu có thể, chúng ta sẽ làm điều đó, nhưng cũng không chắc chắn là có thực hiện được hay không. Nhưng nếu thực sự toàn tâm toàn ý thì rồi nó cũng sẽ đến thôi. 
 
Hỏi & đáp: Con người ta thường rất hãnh diện, tự hào về cái ghế của mình, và trong hầu hết mọi trường hợp, cái ghết của họ sẽ cho thấy họ là ai. Lấy một ví dụ chẳng hạn, có người nói với tôi rằng, nếu bạn đi vào một cơ quan nào đó, thì độ lớn của phòng làm việc sẽ nói cho bạn biết người đó là ai. Nếu bạn thấy một chậu cây cảnh trong phòng, thì cái cây đắt giá và quý hiếm đó sẽ nói cho bạn biết chủ nhân của nó là ai: xếp trưởng. Càng nhiều cây và càng đắt tiền thì chức vụ càng cao hơn; nếu không đủ chỗ thì cả căn phòng đầy những chậu cảnh. Chúng ta quá hãnh diện về những gì mình mặc trên người, về chiếc ghế mình ngồi, về chiếc giường mình ngủ. Chúng ta phân biệt cao thấp với nhau bằng chiếc ghế. “Anh không được ngồi cái ghế đó, chỗ đó dành cho một nhân vật quan trọng”. Khi nguyện giữ bát quan trai giới (giữ 8 giới), chúng ta cố ý khiêm nhường, không tự khoe mình bằng y phục và ghế ngồi; không ngồi chỗ cao và sang trọng. Điều đó cũng ảnh hưởng đến tâm mình nữa. Tôi rất vui là bạn đã đề cập đến chuyện đó. 
 
Bát quan trai giới không có nghĩa là tước đoạt của bạn những như cầu thiết yếu của cuộc sống.  Chúng giúp bạn hành thiền, làm cho cuộc sống của bạn giản dị hơn. 
 
Nếu không quen giữ 8 giới, có thể bạn sẽ nghĩ: “Ồ, thật là khó”. Nhưng nếu bạn sẵn lòng, thì dù không quen, bạn sẽ thấy là đến ngày thứ hai mọi việc sẽ đâu vào đấy. Chỉ có ngày thứ nhất là bạn cảm thấy hình như thiếu thiếu một cái gì đó. Bạn có thể uống thật nhiều nước sinh tố để thay cho bữa tối. Ăn sáng no, ăn trưa no và buổi tối thì uống sinh tố. Uống nước hoa quả cũng rất tốt cho việc hành thiền. Uống nước không làm cho bạn nặng nề và mệt mỏi; nó cung cấp cho bạn nhiều năng lượng và bạn cũng cảm thấy thân thể nhẹ nhàng. Hãy làm cho cuộc sống của bạn thật đơn giản, và tiết kiệm thời gian nữa, rất quan trọng. Thử nghĩ mà xem, chúng ta phải mất bao nhiêu thời gian để ăn uống. Khi tôi ăn, thường phải mất khoảng 15 phút. Tôi tự dành ra khoảng 20 phút cho việc đó, nhưng thường thì chỉ 15 phút là xong bữa. Khi nghĩ đến khoảng thời gian phải dành cho việc nấu nướng, tôi nghĩ: “Tại sao cứ phải dành quá nhiều thời gian để nấu nướng thế nhỉ? Chỉ cần luộc chín, nêm ít muối, thêm chút dầu ăn, rồi ăn là xong”. Chỉ cần 10 phút để nếu và 10 phút để ăn. 
 
Đúng là cần phải có đủ năng lượng để giữ cho cơ thể mạnh khỏe, những đừng dành quá nhiều thời gian cho việc nấu nước  và suy nghĩ về đồ ăn thức uống. 
 
Trước đây, tôi cũng như vậy. Khi còn trẻ, mỗi lần bạn bè gặp nhau, chúng tôi nói chuyện này chuyện kia và cuối cùng cũng không biết tại sao câu chuyện lại quay về đề tài ăn uống, lần nào cũng vậy, đại loại như sáng nay đã ăn món gì món gì… Sau một lúc chúng tôi mới chợt nhận ra: “Này! Sao đang nói chuyện khác rồi cuối cùng lại kết thúc ở đề tài ăn uống thế này”. Vì vậy, ăn uống là một phần tương đối lớn trong cuộc sống của chúng ta, trong những nhu cầu của cơ thể chúng ta. Chúng ta không tự tước đoạt quyền lợi của mình, cũng không làm hỏng sức khỏe bằng việc nhịn ăn. Chúng ta chỉ ăn cho vừa đủ.
 
Thực ra thì các sản phẩm chế biến từ sữa cũng là một loại thực phẩm. Chỉ có hoa quả và nước sinh tố là được phép dùng sau 12 giờ trưa. Trà mạn hoặc trà xanh tôi nghĩ cũng được. Mật ong, nước mía, nước dừa, nước cam, nước chuối ép cũng được phép dùng. 
 
Hỏi & đáp: Cái chính là làm cho cuộc sống của bạn thật đơn giản. Chúng ta không phải mất thời gian nấu nướng. 
 
Mục đích chính là làm cho cuộc sống của chúng ta thật đơn giản, và từ bỏ thói tham ăn tham uống của mình. 
 
Bạn có biết Đức vua Milinda không? Thỉnh thoảng đức vua cũng giữ Bát quan trai giới. Đức vua chính là người đã hỏi ngài Nagasena rất nhiều câu hỏi trong Kinh Mi-tiên vấn đáp. Tên của nhà vua là Milinda hoặc Menander. Trong tiếng Pali là Milinda. Nhà vua này, bạn có biết ông cẩn thận và khôn ngoan đến mức nào không? Trước khi đến vấn đạo với Ngài Nagasena, bao giờ đức vua cũng thọ trì 8 giới trong vòng một tuần và sống trong một căn phòng rất đơn giản chứ không sống trong cung điện xa hoa, gấm vóc. Đức vua chỉ mặc một loại quần áo rất giản dị và thậm chí còn đội một cái mũ như thế này, chỉ để che đầu chứ không phải để trưng diện. Nhà vua giưa Bát quan trai giới, ngồi thiền một lúc rồi mới đến vấn đạo. Khi bạn đã chuẩn bị cho mình như thế, tâm lý và thái độ của bạn đã thay đổi hẳn. Bạn không còn cảm thấy mình là một ông vua nữa. Bạn có cảm giác mình là một người đi tìm đạo và đã chuẩn bị cho thân, tâm mình cho việc đó. Đây là một điều rất quan trọng chúng ta phải lưu ý; nếu ông ta còn cảm thấy mình là một ông vua, thì khi vấn đạo với cái cảm giác đó, ông sẽ hỏi những câu ngu ngốc. Vì vậy, ông đã tự tách mình ra khỏi địa vị của một ông vua. Nhưng không từ bỏ quyền lực, ông chỉ không tham dự việc triều chính và dành một tuần để hành thiền, thọ trì bát quan trai giới rồi mới đến vấn đạo. Khi đó ông mới nghĩ ra được những câu hỏi có ý nghĩa và quan trọng. Đó là những điều mà chúng ta nên ghi nhớ, học hỏi và thực hành. Nếu tôi không hành thiền thì sẽ rất khó để nói về thiền. Nếu các bạn không hành thiền thì sẽ rất khó để hỏi các câu hỏi về thiền. Nếu bạn làm được tất cả những sự chuẩn bị này thì khi đó bạn sẽ biết cần hỏi những gì, và nếu phải nói thì tôi cũng sẽ biết cần phải nói cái gì. Các bạn cũng không nên mang theo đồ vật gì quý giá đên đây cả. Nó chỉ làm cho bạn bận tâm thêm mà thôi. 
 
Hỏi: Khi chúng ta theo dõi các cảm giác, chúng ta vẫn hay biết hơi thở được chứ? 
 
Đáp: Nếu có thể trụ tâm trên hơi thở thì bạn cứ an trụ ở đó càng lâu càng tốt. Khi có một cảm giác nào đó trên cơ thể trở nên rõ và mạnh lôi kéo sự chú ý của bạn, thì một cách tự nhiên tâm bạn sẽ liên tục hướng đến đó. Trong trường hợp này hãy chú ý thật lâu đến cảm giác đó, an trụ tâm trên cảm giác đó thật lâu, càng lâu càng tốt. Chú tâm trên cảm giác nào không quan trọng, điều quan trọng là bạn chú tâm trên cảm giác đó trong một thời gian dài và thấy rõ được bản chất của nó. Nó không có hình dáng, không tên gọi và cũng không thuộc về một ai cả. 
 
Hỏi & đáp: Đúng, nó có thể biến mất; cũng có lúc nó không đi, nhưng hầu như mọi lúc nó đều biến mất. Khi nó biến mất, hãy quay trở lại với hơi thở. Đôi khi thậm chí cả hơi thở của bạn cũng biến mất; chỉ còn lại một trạng thái tâm rất trong sáng và an lạc. Khi đó bạn hãy chú ý vào cái tâm đó. Sẽ không còn gì ở đó nữa, không có các cảm giác trên thân, thậm chí hơi thở cũng không. Mặc dù bạn vẫn thở, nhưng hơi thở trở nên rất vi tế đến nỗi bạn không còn nhận biết được nó nữa. Cũng bởi vì bạn chú ý nhiều hơn đến các trạng thái tâm của mình, càng chú ý đến các trạng thái tâm, tâm bạn càng thu hút vào trong chính trạng thái tâm đó, tâm an trú ở trong tâm. Cơ thể bạn biết mất khỏi sự chú ý, vì vậy bạn không còn nhận biết được nó nữa, bạn không cảm nhận được gì trên cơ thể nữa. Bạn chỉ có thể cảm nhận được tâm mình, rất trong sáng và tĩnh lặng. Có lúc bạn cảm thấy như có gợn sóng lăn tăn chợt đến. Bạn có thể thấy điều đó, cảm nhận nó và rồi nó biến mất, hãy theo dõi nó. Nhưng điều đó chỉ xảy ra ở những giai đoạn sau này mà thôi. 
 
Hỏi & đáp: An trú ở trong đó càng lâu càng tốt. Nếu bạn có thể giữ tâm trên một cảm giác, thì hãy an trú trên cảm giác đó càng lâu càng tốt. Hơi thở cũng là một cảm giác. Chúng ta chọn hơi thở làm đề mục, bởi vì lúc nào nó cũng ở cùng chúng ta. Các cảm giác khác thì lúc có, lúc không. Khi có suy nghĩ đến, chú ý vào suy nghĩ đó, nhưng nếu bạn có thể chú ý hoàn toàn vào cảm giác thì thế cũng là đủ. Khi chú ý vào hơi thở thì đó cũng là cảm giác. Khi hít vào thở ra, thì cái cảm giác bạn chú ý tới không phải là hướng đi vào hay đi ra, nó không có hình dáng. Bạn không nghĩ về hơi thở; chỉ chú ý tới cảm giác đang có mặt trong quá trình thở mà thôi. Hít vào, thở ra bạn cảm nhận được cái gì đó, một cảm giác; ngay cả khi đang thở, bạn cũng chú ý vào cảm giác, một trong số các cảm giác. Bởi vì nó rất tự nhiên và diễn ra liên tục trong mọi lúc, nên chúng ta lấy đó làm tâm điểm chú ý, nhưng nếu có một cảm giác nào đó trên thân khởi lên thì các bạn hãy chú ý tới nó. Nếu bạn có thể an trú trong cảm giác đó trong suốt thời gian nó có mặt thì hãy tiếp tục làm như thế. Chúng ta không nói là làm như thế này tốt hơn thế kia, bởi vì chỉ trong thiền an chỉ định (samatha) chúng ta mới phải trụ tâm dính chặt trên một đề mục. Còn trong thiền Vipassana, bạn có thể chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác, miễn là đừng suy nghĩ về nó hay về bất cứ điều gì khác bên ngoài. Bạn có thể chú tâm và bất cứ cảm giác nào và trụ tâm ở đó càng lâu càng tốt. Khi nó biến mất thì lại quay trở lại với tâm điểm chú ý của mình. 
 
Có nhiều lúc cảm giác không chịu biến mất. Chẳng hạn như cái đau, nó ngày càng đau hơn, và sau một lúc bạn nghĩ: “Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa, nó đau quá và làm tâm tôi trạo cử, bất an”. Đôi khi có người đau đến phát run. Họ cố gắng chịu đựng, chịu đựng thêm rồi nghĩ: “Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa”. Có người run lên vì đau, có người đau đến toát mồ hôi. Nhiều người rất dũng cảm. Nhưng khi bạn thấy đây đã là giới hạn chịu đựng cuối cùng rồi, nó không còn ích lợi gì nữa thì hãy đổi sang tư thế khác một cách chậm rãi và chánh niệm. Bạn nhích từng cm một và cảm nhận các cảm giác đi cùng sự thay đổi đó, “Giờ nó đã đỡ hơn”. Bạn hãy thay đổi tư thế một cách chầm chậm, cảm nhận được sự thay đổi của các cảm giác, chuyển dần, chuyển dần, mất dần, mất dần đi. Rồi bạn sẽ tìm được một tư thế khác thoải mái hơn và tâm bạn cũng thư giãn, thoải mái hơn. Khi bị đau, một cách tự nhiên tâm sẽ trở nên rất căng thẳng. Bây giờ tâm bạn đã thư giãn, thoải mái và quay trở lại với đề mục hơi thở. Nó rất tự nhiên; toàn bộ tiến trình diễn ra rất tự nhiên. 
 
Hỏi & đáp: Chỉ cần quan sát sự suy nghĩ, suy nghĩ về thức ăn, về nhà cửa, về công việc, về bạn bè. Bạn chỉ cần nhận biết được suy nghĩ là đủ, rồi quay trở lại với các cảm giác. Sau này bạn sẽ có thể theo sát những suy nghĩ đó, nhưng điều đó về sau mới làm được. Đối với những người mới hành thiền, nếu chú ý vào suy nghĩ, chúng sẽ tiếp diễn hoài không bao giờ dứt, chỉ sau khi bạn đã phát triển được một mức định tâm nào đó, thì nhìn các suy nghĩ, bạn mới có thể thấy nó thật rõ ràng, từng từ từng câu một đang chạy trong tâm bạn. Nó giống như một cuộc chuyện trò ở trong đầu vậy, bạn còn có thể lắng nghe được nó, từ này tiếp nối từ khác. Nếu chúng ta chú tâm đứng đắn, nó sẽ dừng lại và biến mất, không còn một suy nghĩ nào nữa. Khi tâm không còn suy nghĩ, nếu có thể, bạn sẽ thấy được cái tâm không suy nghĩ đó. Chẳng hạn bạn đang xem TV, lúc chương trình truyền hình chấm dứt hay bạn chuyển sang một kênh trắng khác, không có chương trình nào cả. Khi không có chương trình nào nữa thì có cái gì trên màn hình? Không có hình ảnh nào cả, đúng thế, nhưng vẫn có cái gì ở đó. Có một màn hình trống không và trắng xóa. Tâm cũng như thế: trống không nhưng sáng suốt. Sáng suốt có nghĩa là bạn có ở đó, có chánh niệm ở đó, tâm tỉnh thức những rất yên tĩnh, không suy nghĩ, không hình ảnh, âm thanh, không có lời. Nó rất tĩnh lặng và trong sáng. Bạn có thể cảm nhậm được và an trú trong đó. Đây là trạng thái tâm sáng suốt nhất. Khi đó nó sẽ trở thành đối tượng cho bạn hành thiền. Nếu bạn có thể an trụ tâm như vậy được lâu, nó sẽ rất có ích. Bạn giữ được trạng thái tâm yên tĩnh, trong sáng đó càng lâu, thì khi có bất cứ điều gì diễn ra, nó sẽ trở nên rõ ràng hơn.
 
Theo: Bản đồ hành trình tâm linh 
Tác giả: Sayadaw U Jotika  
 
Mời bạn đọc xem tiếp Bản đồ Hành trình Tâm linh (Chương 11, Phần cuối)