Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Bản đồ hành trình tâm linh (Chương 11, Phần cuối)

Bản đồ hành trình tâm linh (Chương 11, Phần cuối)

69

 

Chương 11:  Những suy nghĩ cuối cùng và chuẩn bị cho kỳ nhập thất 
 
Vậy khi hành thiền, trước tiên bạn hãy chú ý vào hơi thở trong vài phút, chú ý vào cơ thể mình nữa. Sau một thời gian, khi niệm và định phát triển, tâm sẽ trở nên rất tĩnh lặng và an lạc, bạn hãy quan sát tâm mình, một suy nghĩ chầm chậm khởi lên và biến mất; một suy nghĩ khác lại chầm chậm khởi lên và biến mất. Bạn quan sát, quan sát nó và khi bạn quan sát nó môt cách trực tiếp, ngay trong sát na hiện tại, nó sẽ dừng lại và tâm bỗng trở nên rất sáng suốt; không còn bất cú một suy nghĩ nào nữa. Bạn có thể thấy được cái tâm đó, không hề có một suy nghĩ. Một trạng thái tâm rất trong sáng, nếu bạn duy trì được chánh niệm thì trạng thái tâm đó sẽ tiếp tục an trụ. Điều này có nghĩa là sẽ không có một suy nghĩ nào đến nữa. Bạn có thể an trú và duy trì được nó. Bạn có thể điều chỉnh tâm mình để duy trì trong trạng thái đó cả một thời gian dài. 
 
Chánh niệm của bạn sẽ trở nên ngày một mạnh mẽ hơn, và ở trong trạng thái đó bạn có thể kinh nghiệm được bất cứ điều gì diễn ra mà không làm nó biến mất. Khi có một âm thanh tới, bạn vẫn duy trì được trạng thái tâm sáng suốt đó và vẫn kinh nghiệm được âm thanh đó và nó sẽ biến mất ngay. Ở trong trạng thái tâm sáng suốt này, nếu có bất cứ cảm giác nào khởi lên trong thân bạn cũng kinh nghiệm được, rồi nó lại biến mất ngay lập tức. Nhưng điều này sẽ xảy ra ở những giai đoạn sau, chứ không phải ở giai đoạn ban đầu. Nó rất tự nhiên. Bạn an trú trên những gì đang diễn ra, ngay cả đối với những cảm giác khó chịu hay là những câu hỏi quấy rầy nào đó. 
 
Những câu hỏi quấy rầy như vậy cũng thương đến, tới lui nhiều lần: “Cái này là cái gì? Cái đó là cái gì? Tôi sẽ làm gì bây giờ?”. Và nếu chú tâm tới câu hỏi đó, một lúc sau nó sẽ biến mất và bạn sẽ thấy rằng: “Không cần thiến phải hỏi”. Bất cứ điều gì đang diễn ra tiếp theo, chỉ cần chú ý, nó sẽ biến mất và một việc khác lại diễn ra, lại chú ý nữa. Nếu bạn sẵn lòng làm như vậy thì cứ tiếp tục làm. Không cần phải làm điều gì khác cả, chỉ cần chú ý vào bất cứ điều gì đang diễn ra. Bất cứ điều gì đang diễn ra trong thân, tâm đều phải được quan sát. Tất cả mọi việc bạn cầm làm chỉ là quan sát nó, nhìn nó, chú ý và thấy được nó là cái gì. Không cần thiết phải thay đổi hay xua đuổi nó đi. Đừng tạo ra điều gì cả. Nó rất đơn giản. Nếu bạn làm như vậy, tâm của bạn sẽ trở nên rất tĩnh lặng, rất yên tĩnh. Bạn không cần phải làm bất cứ một điều gì cả. Đó là một loại định, rất tĩnh lặng. Đôi lúc không có một điều gì diễn ra cả. Tâm rất tĩnh lặng và trong sáng. Bạn có thể thấy được cái tâm đó rõ ràng hơn, bạn có thể thấy rằng nó rất tĩnh lặng. Bạn cảm nhận được sự tĩnh lặng đó. Bạn kinh nghiệm được tâm định đó. Khi ở trong tâm định này, tâm bạn rất sáng suốt, giống như một ánh đèn hay như một ngọn nến thắp sáng trong hang đá vậy, trong một hang đá sâu và không hề có chút gió. Trong hang đó, bạn thắp lên một ngọn nến, nó cháy sáng nhưng ngọn lửa rất tĩnh lặng, như vẽ trong tranh. Đôi lúc bạn có thể thấy tâm mình cũng như vậy: rất tĩnh lặng, không hề lay động. Có lúc bạn thấy tâm mình rất quân bình, vắng lặng. Nó rất mát mẻ, thật tươi mát. Có lúc bạn cảm thấy tâm quân bình đến mức không phải làm bất cứ điều gì cả; rất quân bình, thật nhiều tâm xả. Có lúc bạn lại thấy mình có rất nhiều nghị lực, rất nhiều đức tin để tiếp tục thực hành. Bạn không muốn đứng dậy nữa. Bạn không muốn đi ra ngoài hay làm bất cứ việc gì khác nữa. Bạn chỉ muốn cứ tiếp tục hành thiền như vậy thôi. Đôi lúc, thậm chí bạn còn tự bảo mình: “Tôi có thể ngồi nguyên như thế này mãi”. Nếu tâm bạn nói như vậy, thì bạn thực sự có thể ngồi mãi được. Chỉ có đôi lúc nó lại bị suy yếu đi. Thực ra, tất cả mọi thứ đều biến dịch.
           
Hỏi: Khi tôi cảm thấy rã rượi, buồn ngủ và biết rằng có ngồi thiền tiếp thì cũng chẳng đi đến đâu, thì có nên đứng dậy và đi kinh hành không? 
 
Đáp: Trước khi bạn cảm thấy buồn ngủ, hãy chú ý vào những gì đang diễn ra với trạng thái tâm bạn lúc đó. Đó cũng là một đối tượng của thiền. Trong tiếng Pali, nó được gọi là sankhittam. Sankhittam nghĩa là tâm đi mất; không chạy ra ngoài mà lại chạy vào trong. Nó không phải là định (samadhi) mà làm tâm đang bị buồn ngủ, hôn trầm. Đôi lúc cảm thấy giống như bị buồn ngủ, uể oải, lười biếng. Khi buồn ngủ, thực ra bạn cũng uể oải, lười biếng, không có năng lượng và nghị lực. Vậy trước tiên, khi nó xảy đến thì hãy nhìn chính trạng thái tâm đó. 
           
Quan sát bất cứ điều gì đang diễn ra trong hiện tại còn quan trọng hơn vượt qua nó. 
 
Khi điều đó xảy đến, hãy chú ý nhiều hơn. Đôi khi chỉ cần chú ý hơn và tự làm mình tỉnh thức: “Bây giờ tôi phải chú ý nhiều hơn nữa” sẽ làm cho bạn tỉnh táo trở lại. Có lúc, bởi vì chú tâm nhiều, trong một vài giây ngắn ngủi bạn chợt rơi vào giấc ngủ; bạn không còn hay biết về bất cứ điều gì nữa. Rồi bạn lại tỉnh dậy và nhận ra rằng: “Ồ, mình đã bị ngủ quên đi mất trong khoảnh khắc ngắn ngủi vừa rồi”. Và khi có điều gì diễn ra, bạn mới nhận biết được và tỉnh dậy. Vì vậy trước hết hãy làm như thế. 
 
Bởi vì thời gian ngồi thiền chỉ có một giờ đồng hồ, nếu cố gắng bạn có thể ngồi được trọn cả tiếng. Hãy cố gắng trong thời thiền tọa. Sau đó bạn sẽ đi kinh hành trong một tiếng. Rồi bạn sẽ nhận thấy sau một vài ngày, bạn có thể ngồi được lâu hơn. Do vậy, mặc dù không được đưa vào chương trình hành thiền, nhưng vào những ngày cuối của khóa thiền, có thể từ ngày thứ năm, thứ sáu, hay thứ bảy gì đó, nếu muốn và nếu bạn có thể làm được, thì bạn có thể chỉ ngồi mà không cần đi kinh hành. Bởi vì chúng ta có rất nhiều thời kinh hành, bốn hoặc năm thời, nếu muốn bạn có thể bỏ kinh hành để tiếp tục ngồi. Nhưng hãy cẩn thận đấy. Đừng làm thế để chứng tỏ điều gì cả. Hãy làm nếu như nó thực sự có lợi ích cho bạn. Bạn không tự chứng tỏ điều gì cho mình hay người khác thấy cả. Bạn không phải chứng tỏ rằng: “Tôi có thể ngồi được 2 tiếng đồng hồ”. Bạn không cần phải tự chứng tỏ như thế. Dù bạn có ngồi hay đi, điều quan trọng nhất là phải thực sự chánh niệm, thực sự chú ý vào những gì hiện đang diễn ra trong thân và tâm mình. Tôi không nói rằng ngồi thiền thì tốt hơn đi kinh hành, không nhất thiết là như thế. Có lúc, khi đi kinh hành bạn lại chánh niệm tốt hơn. Lúc khác, ngồi thiền lại tốt hơn. 
 
Chánh niệm còn quan trọng hơn là việc ngồi thiền được lâu  hoặc đi kinh hành thời gian dài. Thực chất thời gian chẳng có gì là quan trọng cả. 
 
Việc xen kẽ thực hành thiền tọa với kinh hành là một thời khóa rất tốt. Nó cũng tốt cho sức khỏe nữa. Nếu ngồi quá lâu, thân và tâm của bạn trì trệ. Nhưng như tôi đã nói, sau một vài ngày, nếu muốn bạn có thể ngồi lâu hơn, điều đó thì được. Đi kinh hành một tiếng rưỡi buổi sáng và buổi tối là những thời kinh hành dài. Bạn có thể ra phía ngoài để đi. Nhưng giữa hai thời đó cũng có nhiều thời kinh hành nữa. Từ 7.00 đến 8.30 là một thời kinh hành dài; từ 10.00 đến 11.00 là một thời kinh hành nữa; từ 1.00 đến 2.00, một tiếng kinh hành; từ 3.00 đến 4.00, một tiếng nữa và uống trà cùng đi kinh hành trong một tiếng rưỡi nữa. Như vậy, bạn uống một tách trà hết 5 phút rồi đi kinh hành 1 tiếng 25 phút còn lại. Sau một thời gian, một cách tự nhiên, bạn sẽ muốn ngồi nhiều hơn. Bạn trở nên tĩnh lặng và an lạc và có thể ngồi trọn cả một giờ hay một giờ rưỡi. Đôi khi ở cuối khóa thiền, nhất là trong những khóa thiền dài hạn, có người ngồi thiền một lúc ba thời liên tục, một tiếng ngồi, một tiếng đi kinh hành và một tiếng ngồi tiếp thep. Nếu họ không đứng dậy đi kinh hành ở thời giữa, họ có thể tiếp tục ngồi được đến ba tieesgn. Có nhiều người làm như thế nữa. Bạn không nhất thiết phải làm như vậy. Nhưng người nào thích thì cứ làm, cũng được. Từ 7.30 trở đi là ngồi thiền hoặc đứng thiền. Thiền đứng cũng rất tốt và cần thiết trong một số trường hợp. Ở đây cũng vậy, từ 9.00 đến 10.00 sáng, ngồi hoặc đứng thiền; bạn cũng có thể đứng cũng được, không sao cả, nó cũng tốt như nhau nếu như bạn có thể làm. Đứng ở một nơi nào đó, toàn thân thật thư giãn, cánh tay buông lỏng, giữ nguyên tư thế và hành thiền như khi ngồi vậy. Lúc đầu bạn sẽ thấy khó mà đứng được đến một tiếng rưỡi, vậy thì chỉ đứn 15 phút, rồi khi cảm thấy đủ thì ngồi xuống một cách chậm rãi và yên lặng. Hãy cố gắng tập như vậy. 
 
Thực ra sau thời kinh hành một tiếng, nếu bạn đi kinh hành thật chánh niệm, thì thời ngồi thiền sau đó sẽ rất tốt. Bởi vì niệm và định bạn đã trau dồi trong lúc đi kinh hành sẽ giúp bạn ngồi tốt hơn. Vì vậy, hãy cố gắng thực hành cả hai một cách đều đặn, không nên thiên lệch quá về bên nào. Xem điều gì sẽ xảy ra? Trước hết hãy cố gắng ngồi và đi kinh hành đều đặn. Cố gắng thực hành theo chương trình hành thiền. 
 
Hỏi: Chúng tôi sẽ làm gì sau khóa thiền này, bởi vì ngay ngày hôm sau khi khóa thiền kết thúc một số người chúng tôi sẽ phải đi làm trở lại?
 
 
Đáp: Đúng vậy, điều này rất quan trọng. Tôi đã nghĩ là sẽ nói chuyện đó trong buổi cuối cùng. Nhưng thôi cũng được, chúng ta có thể nói ngay bây giờ. Bạn hỏi câu hỏi đó bây giờ cũng rất là tốt. Nếu không có câu hỏi đó thì làm sao biết được điều gì sẽ xảy ra phải không? Rồi bạn sẽ lại nghĩ về chuyện đó trong lúc hành thiền ở đây. Đó không phải là một việc tốt. Do đó, tôi muốn nói về việc đó ngay bây giờ, tại đây luôn. Nếu bạn ngày càng chú tâm nhiều hơn, thì một cách tự nhiên, sau ngày đầu tiên bạn sẽ thấy càng an lạc và tĩnh lặng hơn. Có thể lúc này lúc khác bạn vẫn còn nghĩ ngợi chuyện này chuyện kia, sau một vài ngày, ba hoặc bốn ngày, tâm bạn sẽ trở nên ổn định, rất yên tĩnh và an lạc. Sau tám hoặc chín ngày, bạn sẽ nghĩ: “Ồ, nếu tôi không phải rời khỏi đây thì thật là tuyệt vời biết bao, giá mà tôi không phải quay trở lại với cuộc sống bận rộn ngoài kia nhỉ”. Điều đó sẽ xảy ra một cách tự nhiên. Thân và tâm của bạn cũng trở nên rất nhạy cảm. Vì vậy, khi trở ra một cách đột ngột như vậy, bạn sẽ rất khổ sở; vội vội vàng vàng, lái xe, nhìn cái này, nghe cái nọ, quả thật là khổ. Vậy bạn hãy chuẩn bị đón nhận những điều đó. Sau khi khóa thiền kết thúc, hãy ở lại một chút, nói chuyện với nhau về một vấn đề gì đó để làm quen dần với việc nói chuyện và điều chỉnh mình trở lại bình thường.
  
Vào ngày thứ hai cũng vậy, sức mạnh và quán tính thiền vẫn còn tiếp tục theo bạn thêm một vài ngày nữa. Vì vậy, vào ngày thứ hai, khi đi làm, bạn sẽ có cảm giác là mình không muốn nói nhiều nữa. Ngay cả cách bạn làm việc cũng trở nên chậm rãi, khoan thai hơn, điều này rất tự nhiên. Nếu có thể thì bạn hãy nói cho bạn bè đồng nghiệp của mình biết về việc mình mới tham dự một khóa thiền xong, rằng đây là một việc diễn ra một cách hết sức tự nhiên. Như vậy, khi quay trở lại làm việc, đồng nghiệp của bạn sẽ biết rằng hôm nay và mấy hôm tới nữa bạn sẽ yên lặng và chậm rãi hơn mọi khi, sẽ không nói nhiều như trước nữa. Đôi lúc bạn cũng không muốn chú ý đến câu chuyện mọi người đang tán gẫu với nhau. Chú ý đến bao nhiêu người nói bao nhiêu chuyện trên trời dưới biển với nhau thật là mệt mỏi. Bạn sẽ cảm thấy: “Ồ, thật là mệt mỏi”. Vì vậy, hãy nói với họ rằng: “Nếu tôi không được chú ý lắm thì xin hãy hiểu và thông cảm cho tôi nhé. Sau vài ngày tôi sẽ bình thường trở lại thôi”. Bạn cũng nói chuyện này cho mọi người trong gia đình của bạn biết nữa. Nói rằng: “Tôi sẽ đi tham dự một khóa thiền, khi tôi trở về thì đây là điều sẽ xảy ra một cách rất tự nhiên. Đừng nghĩ rằng tôi là một kẻ mới ở trên trời rơi xuống nhé. Đừng nghĩ rằng có điều gì đó đã xảy ra với tôi cả. Điều đó rất bình thường thôi”. Sau một vài ngày bạn sẽ quen lại với lối sống trước kia của mình và có thể bạn sẽ có sự xả ly, bớt dính mắc hơn một chút. Đôi khi sự xả ly này sẽ còn tiếp tục trong nhiều ngày hay có khi nhiều tháng. Nếu bạn vẫn tiếp tục hành thiền thì nó sẽ còn tiếp diễn. Nhưng bạn vẫn có thể tiếp tục làm các công việc của mình, thậm chí còn làm tốt hơn trước nữa. Các mối quan hệ của bạn cũng sẽ tốt hơn xưa bởi vì giờ đây bạn không còn phản ứng nhiều như trước nữa. Nếu có chánh niệm, khi nghe người khác nói, bạn sẽ có sự chú ý hoàn toàn và hiểu được ý họ một cách rất rõ ràng, sau đó đáp lại một cách thích hợp, chứ không còn phản ứng lại một cách tự động như trước nữa. 
 
Có một điều mà nhiều người cũng thường phản ánh. Đây cũng là điều rất quan trọng mà chúng ta cần phải thảo luận. Nhiều người nói rằng khi bạn thật chánh niệm, bạn sẽ mất đi tính nhanh nhạy, không còn phản ứng nhạy bén như trước nữa. Bạn sẽ trở nên khoan thai, trầm tĩnh hơn. Trước khi nói điều gì, bạn thường nghĩ thêm một vài giây rồi mới nói. Trước kia thì bạn cứ nói, nói mà không suy nghĩ, cũng không ý thức được là mình đang nói cái gì nữa. Nhưng sau nay, khi đã trở nên chánh niệm hơn, trước khi nói điều gì bao giờ bạn cũng nghĩ trước. Nhiều lúc bạn cũng chẳng nói nữa, bởi vì thấy không cần thiết. Vì vậy, mọi người xung quanh có lúc sẽ nghĩ: “Hình như anh ấy định nói điều gì đó, nhưng không biết có điều gì đã xảy ra”. Bạn sẽ biết là mình muốn nói về vấn đề gì, bạn thấy được điều đó và suy nghĩ: “Không cần thiết, đừng nói”. Đó là một số điều mà chúng ta cần phải biết. Có thể những điều này sẽ trở thành một khó khăn nào đó trong cuộc sống của bạn. Nhưng nếu bạn tiếp tục một cách đầy tự tin và vẫn duy trì hành thiền, sau này nó sẽ không còn là vấn đề nữa và cuộc sống của bạn sẽ ngày càng trở nên có ý nghĩa hơn, có tổ chức hơn, có kỷ luật hơn, ít bị phiền não, bất an hơn, ít phí thời gian hơn và ít hao phí năng lượng hơn. 
 
Bạn cũng không háo hức, ham muốn làm quá nhiều thứ như trước kia nữa. Ngay cả đi lại quá nhiều chỗ này chỗ kia, bạn cũng không còn hứng thú nữa, bởi vì những việc đó thực sự là không cần thiết và không có ích lợi gì cả. Tôi không hiểu tại sao người ta cứ nghĩ rằng họ phải làm một việc gì đó; họ cứ phải tự làm cho mình bận rộn tối tăm mặt mũi suốt ngày như thế. Điều này thực sự đã trở thành một cơn nghiện, một căn bệnh trầm kha. Tại sao cần phải làm quá nhiều như thế? Rất nhiều người trong thời đại hiện nay, nhất là ở phương Tây, nếu bạn không bận rộn, họ sẽ nói là bạn có điều gì đó không bình thường. Họ sẽ nghĩ: “Sao vậy, bạn không làm gì cả sao?”. “Ngày nghỉ cuối tuần thì anh làm gì?”. “Ồ, chẳng làm gì cản, tôi chỉ ở nhà thôi”. “Cái gì? Không làm gì ấy hả? Chỉ ngồi ở nhà thôi ư? Chắc là anh không được bình thường rồi”. Chẳng có gì là không bình thường cả. Họ chỉ phát rồ lên lao bổ đi chỗ này chỗ kia, còn bạn thì không, thế thôi. Bạn tỉnh táo còn họ điên loạn, vì thế họ lại nghĩ rằng bạn bị điên. Nhưng hãy thật nhẫn nại và nhân hậu, tử tế với mọi người. Hãy hiểu cho họ. Đó chính là điều tôi muốn nói; khi bạn trau dồi định, niệm và có sự hiểu biết sâu sắc hơn, thế giới của bạn thay đổi và bản thân bạn cũng thay đổi. Nhưng bởi vì bạn là một con người đang phát triển, đang trưởng thành, hướng thượng, bạn cần phải nhẫn nại và hiểu biết hơn, tử tế và khoan dung hơn với người khác. Vì vậy hãy hiểu cho mọi người và tha thứ, cảm thông cho họ, dù rằng họ không hiểu được bạn. Rất nhiều người nói với tôi: “Ông cố gắng để hiểu chúng tôi, và chúng tôi cũng cảm thấy rằng ông hiểu được chúng tôi. Thế ông có cảm thấy rằng ông muốn chúng tôi cũng hiểu ông không?”. Tôi trả lời: “Có chứ, nếu các bạn hiểu được tôi thì tôi cũng sẽ rất vui. Nhưng nếu các bạn không hiểu được, thì tôi cũng có thể hiểu được điều đó”. Chúng ta muốn có sự hiểu biết lẫn nhau. Hiểu lầm thật là một điều đau đớn. Bởi vì chúng ta là những người cố gắng hành thiền với chánh niệm, với lòng nhân hậu, và từ những hiểu biết, trí tuệ sâu sắc đó, từ tuệ giác, chúng ta cũng cố gắng để hiểu được những người khác. Với sự hiểu biết đó thì cuộc đời của các bạn sẽ thực sự không còn là một vấn đề khó khăn nữa. Có thể lúc đầu họ chưa biết làm sao để thích nghi với sự thay đổi trong thái độ ứng xử của bạn, vì vậy về một mặt nào đó bạn phải tìm cách giúp đỡ họ. 
           
Hỏi & đáp: Vâng, trong ngày cuối cùng của khóa thiền chúng ta sẽ nói về một số vấn đề để bế mạc. Do đó ngày cuối cùng là rất quan trọng, sau thời ngồi thiền cuối sẽ có một buổi thảo luận nữa. Có một vài vấn đề cần làm rõ, coi như là một buổi kết thúc: một buổi khai mạc và một buổi bế mạc. Đây là một điều nữa. 
           
Khi bạn làm một việc gì, hãy làm cho thật hoàn hảo. 
 
Giống như khi vẽ một vòng tròn, bạn phải vẽ cho đủ một vòng. Nếu vẽ một vòng tròn mà bạn còn để lại một đoạn tách rời thì trông không đẹp mắt chút nào cả. Khi bạn làm hoàn chỉnh, bạn sẽ cảm thấy đầy đủ, mãn nguyện. Điều quan trọng là phải làm cho hoàn chỉnh. Bạn cũng phải có quyết tâm, sự quyết tâm này cũng là một công cụ rất hữu ích. Một trong 10 balamật là balamật quyết định, adhitthana-parami. Adhitthana nghĩa là gì? Ngôn từ Pali thật là sâu sắc và thú vị. Khi nhìn vào ý nghĩa thâm sâu của mỗi từ, tôi đều thấy chúng rất sâu sắc. Từ tha có nghĩa là đứng. Adhi nghĩa là vững mạnh. Nghĩa là đứng vững, bạn rất mạnh mẽ, vững vàng: “Đây là điều nhất định tôi sẽ làm”. Bạn có sự quyết tâm. Ngay ở trong ngôn ngữ phương Tây người ta cũng dùng thành ngữ đó, “to take a stand”, xác lập một quan điểm, một lập trường vững vàng. Như vậy, điều quan trọng là không được yếu hèn, nhu nhược. Khi bạn muốn làm gì, trước hết hãy học hỏi, tìm hiểu nó một cách kỹ lưỡng đã: “Đúng vậy, đây chính là điều mà tôi thích làm”. Khi đã tìm hiểu đầy đủ, bạn mới quyết định: “Tôi sẽ thực hiện điều này”. Và sau khi bạn đã quyết định làm điều đó thì đừng thay đổi nữa; bởi vì nếu bạn cứ thường xuyên thay đổi ý kiến, nó sẽ trở thành một thói quen. Nhất là trong lúc khó khăn, người ta thường hay từ bỏ: “Ôi dào, nó chẳng làm nên trò trống gì cả, chẳng ích lợi gì nữa”. Đôi khi tâm chúng ta rất gian trá và lừa đảo. Nó viện dẫn đủ mọi lý do tốt đẹp để biện minh, rất nhiều lý do, nhiều và nhiều hơn nữa. Có lúc nó nói: “Việc đó sẽ có hại cho sức khỏe của mình. Thôi, bỏ qua đi”, hay là: “Nghỉ một chút đã. Mình có thể làm sau cũng được. Chỉ nghỉ một chút thôi mà”. Tâm trí rất lưu manh và hay lừa đảo. Vì vậy bạn phải xác lập một quyết định vững vàng: “Nhất định tôi sẽ làm việc này” và tiến hành làm ngay. Trong 9 ngày ở đây, bạn sẽ không chết được đâu. Sẽ không có điều gì xảy ra cả. Thực tế bạn sẽ cảm thấy còn khỏe khoắn hơn, sẽ hạnh phúc và an lạc hơn. Chỉ trong mấy ngày đầu, bởi vì chưa quen ngồi quá lâu, có thể bạn sẽ cảm thấy đau lưng hay đau đầu gối, bị một số đau nhức nhỏ. Tôi bị thoát vị đĩa đệm cột sống, thế mà vẫn có thể ngồi được nhiều giờ, không sao cả. Ngay cả khi bị thoát vị đĩa đệm, lúc mới đầu thì rất đau, nhưng ngay cả khi đó tôi vẫn hành thiền được, về sau cái đau biến mất dần, phải mất đến ba tháng. 
 
Dù sao, chúng ta vẫn luôn có thể làm được nhiều hơn là mình nghĩ. 
 
Bây giờ chúng ta hãy cùng đảnh lễ Đức Phật.
 
                     Con xin đem hết lòng thành kính làm lễ Đức Thế Tôn.
Ngưỡng mong phước báu này sẽ dẫn dắt chúng con tới bờ giác ngộ giải thoát. 
 
                     Con xin đem hết lòng thành kính làm lễ Pháp Bảo.
Ngưỡng mong phước báu này sẽ dẫn dắt chúng con tới bờ giác ngộ giải thoát. 
 
                      Con xin đem hết lòng thành kính làm lễ Tăng Bảo.
Ngưỡng mong phước báu này sẽ dẫn dắt chúng con tới bờ giác ngộ giải thoát 
 
Rừng thiền Viên Không
Mùa an cư 2550
(Hạ 2006)
 
Theo: Bản đồ hành trình tâm linh 
Tác giả: Sayadaw U Jotika 
 
Chân thành cảm ơn bạn Thái Dũng Trung đã giúp đánh máy để đưa tác phẩm này lên trang web PTVN