Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Bản đồ hành trình tâm linh (Chương 8, Phần 2)

Bản đồ hành trình tâm linh (Chương 8, Phần 2)

148

 Khi đã thấy được sự khiếm khuyết của sự sanh và diệt này, hành giả bước vào tuệ giác tiếp theo. Tuệ Yếm ly-Nibbida nana, trí tuệ yếm ly, nhàm chán, không còn thích thú tham đắm bất cứ thứ gì. Xét về một mặt nào đó, yếm ly (nibbida) có nghĩa là chán ngán, không phải là chán hành thiền, mà với nghĩa là hành giả thấy sự sanh diệt… sanh và diệt liên tu bất tận, “không có gì là đáng thích thú cả”, một sự việc y hệt lặp đi lặp lại hoài, không bao giờ chấm dứt. Hành giả thấy không có gì là vui thú ở đây cả. Ở giai đoạn đầu thiền tập, hành giả cảm thấy rất an lạc, chứng nghiệm hiều trạng thái hỷ lạc, niềm vui và sự yên bình, thanh thản. 

Ở giai đoạn này, mặc dù tâm tĩnh lặng song không còn những cảm giác như vậy nữa. Bạn thấy tất cả mọi thứ đều biến diệt. Tâm bạn trở nên nhàm chán và không muốn nghĩ đến bất cứ điều gì nữa. Khi mới hành thiền thì bạn muốn nghĩ. Thậm chí suy nghĩ còn trở nên rất thú vị nữa. Bạn có thể tư duy rất tốt, rất hiệu quả. Nhưng đến giai đoạn này, khi có suy nghĩ và bạn quan sát sự suy nghĩ đó, nó liền biến mất, bạn bị buông rơi vào một trạng thái trống rỗng. Không còn một suy nghĩ nào nữa. Ngay cả suy nghĩ cũng là một việc đáng nhàm chán. Nó không còn thú vị cũng chẳng mang lại niềm hứng khởi, thích thú gì nữa. Một số người đã diễn tả trạng thái này như sau: “Tôi không còn muốn suy nghĩ đến bất cứ điều gì nữa. Tại sao phải suy nghĩ làm gì? Không cần thiết phải làm như thế. Trước nay chúng ta đã suy nghĩ quá nhiều”.        
 
Ngay cả suy nghĩ về Pháp cũng là một loại đau khổ. 
 
Ở giai đoạn này, hành giả sẽ hiểu được điều này từ một bài kệ như sau:
Sabbe sankhara anicca ti,
Yada pannaya passati,
Atha nibbindati dukkhe,
Esa maggo visuddhiya                   ~Dhpd 277 
 
Sabbe sankhara anicca ti: Sankhara nghĩa là hành, là bất cứ cái gì được cấu tạo bởi nhân duyên, bất cứ thể loại hiện tượng nào, đều được gọi là hành. Sabbe sankhara anicca là tất cả các hành là vô thường. 
 
Yada pannaya passati: khi thấy được điều này bằng trí tuệ. 
 
Atha nibbindati dukkhe: Hành giả trở nên yếm ly, nhàm chán với đau khổ. 
 
Esa maggo visuddhiya: Đây chính là con đường thanh tịnh. Bởi vì bạn không còn dính mắc với chúng nữa, bạn không còn buồn khổ, thất vọng vì chúng nữa, do đó bạn đã hoàn toàn buông bỏ. 
 
Sabbe sankhara dukkha ti,
Yada pannaya passati,
Atha nibbindati dukkhe,
Esa maggo visuddhiya.                  ~Dhpd 278 
 
Bài kệ đầu (Dhpd.277) nói về vô thường, bài kệ thứ hai (Dhpd.278) nói về khổ, nghĩa của chúng cũng gần tương tự như nhau. Nhưng bài kệ thứ ba này mới thật là quan trọng: 
 
Sabbe dhamma anatta ti,
Yada pannaya passati,
Atha nibbindati dukkhe,
Esa maggo visuddhiya.                  ~Dhpd 279 
 
Hai bài kệ đầu, bạn thấy là tất cả các hành là vô thường, tất cả các hành là khổ (Sabbe sankhara anicca, sabbe sankhara dukkha), song bài kệ thứ ba thì nói tất cả các pháp là vô ngã (sabbe dhamma anatta). Ở đây pháp (dhamma) là tất cả mọi cái hiện hữu. 
 
Có một số người tôi đã từng gặp, họ lý luận rằng: Đức Phật nói ngũ uẩn này là vô ngã, nhưng Ngài không nói rằng không có một cái ngã (hay linh hồn) nào cả. Họ tới hỏi tôi: Đức Phật nói ngũ uẩn này là vô ngã, như vậy còn có một cái là ngã, điều mà Đức Phật không phủ nhận, có phải vậy không? Tôi trả lời: “Không phải vậy”. 
 
Đức Phật nói rằng sabbe dhamma anatta, tất cả mọi thứ, mọi khái niệm, ngay cả Niết Bàn nữa, cũng đều vô ngã, không loại trừ một pháp nào. Chữ Dhamma-Pháp bao hàm tất cả mọi thứ, không loại trừ một cái gì. Tất cả đều là Pháp. Không có một cái gì có thể gọi là ngã cả. Chính vì vậy, bài kệ này có ý nghĩa rất quan trọng.             
 
Bhayatupatthanam ekameva tini namani labhati.
~Vsm 651 
 
Tuệ Thấy Nguy Hiểm (bhaya-nana, hay còn gọi là Kinh úy Tuệ), Tuệ Kinh sợ (adinava-nana, hay Quá hoạn Tuệ) và Tuệ Yếm ly (nibbida-nana) – ba tuệ này thực chất chỉ là một (ekameva), song được mang (labhati) ba tên gọi khác nhau (tini namani). 
 
Ya ca bhayatupatthane panna yan ca adinave nanam ya ca nibbida,
ime dhamma ekattha, byanjanam eva nanam. ~Pts ii.63 
 
Khi bạn thấy nó là nguy hiểm (ya ca bhayatupatthane panna), khi bạn thấy sự khiếm khuyết, bất toàn của nó (yan ca adinave nanam), thấy nó thật nhàm chán (ya ca nibbida), tất cả những điều này thực chất chỉ là một (, ime dhamma ekattha), được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau (byanjanam eva nanam). 
 
Như vậy sẽ có nhiều tên gọi khác nhau cho một tuệ giác.  Bạn có thể thấy tuệ giác này từ 3 góc độ khác nhau:  nguy hiểm, khiếm khuyết, không có gì đáng vui thích. 
 
Sau khi đã thấy mọi thứ đều là nguy hiểm, mọi sự sanh diệt là khiếm khuyết, bất toàn, tất cả đều không đáng vui thích, hành giả muốn được thoát ly khỏi tất thảy những điều này và cảm thấy hết sức nhàm chán, mệt mỏi với chúng. Đây được gọi là muncitukamyata, “Tuệ Muốn Giải Thoát” (Dục thoát tuệ). Đây là tầng tuệ tiếp theo. Quán sát thân này, toàn bộ cả 5 uẩn này, hành giả thấy nó không đáng để dính mắc, chấp thủ vào bất cứ uẩn nào. Hành giả muốn giải thoát khỏi tất cả các hành, muốn vượt ra khỏi chúng. Khi bạn cảm thấy không an lạc ở một nơi nào đó chẳng hạn, bạn sẽ nghĩ đến việc đi khỏi nơi đó, tìm kiếm một nơi chốn an bình, hạnh phúc hơn. Bạn không thể tìm thấy bất cứ sự an lạc nào trong 5 uẩn này, bạn muốn giải thoát khỏi chúng. Đôi khi bạn còn thấy ngay cả việc hay biết cũng rất mệt mỏi…, nhận biết, … quán sát…, hành thiền… Những việc đó thật là mệt mỏi. 
 
Hãy xem bạn đã tiến bộ đến mức nào! Lúc đầu bạn còn ham thích, đắm say trong các thú vui ngũ dục. Khi bắt tay hành thiền, bạn muốn từ bỏ các thú vui này. Nhưng khi đã hành thiền, bạn trở nên tĩnh lặng, an lạc và hạnh phúc và rồi bạn lại dính mắc vào những trạng thái an lạc đó. 
 
Song khi đã đạt đến giai đoạn này thì ngay cả thiền  cũng không làm bạn dính mắc nữa.  Ngay cả thiền cũng trở nên thật nhàm chán.  Bạn muốn giải thoát khỏi cả nó nữa.  Điều đó cũng đúng, như thế là tốt. 
 
Bạn muốn giải thoát khỏi đề mục thiền, và thoát ly khỏi tâm thiền; bạn muốn thoát ra khỏi cả hai. Bạn muốn thoát ra khỏi đề mục và tâm chánh niệm đang hành thiền. Điều đó có nghĩa là bạn không muốn nhận biết thêm bất cứ thứ gì nữa. 
 
Trong một số trường hợp, hành giả cảm thấy quá chán ngán việc quan sát sự sanh diệt, đến mức cho rằng tốt hơn hết là không quan sát nữa. Họ ngừng lại không quan sát, không chú ý đến nó. Có lúc tâm trở nên trống rỗng, không bị xao lãng đến bất cứ đối tượng nào nữa, bởi vì hành giả đã quá nhàm chán đến nỗi không thể có hứng thú với bất cứ đối tượng nào. Nếu hành giả ngưng hành thiền, tâm vẫn tĩnh lặng nhưng sẽ không còn thấy sanh diệt nữa. Hành giả thấy như vậy lại tốt hơn, an lạc hơn và thú vị hơn. 
 
Tâm vẫn tĩnh lặng, sống trong khoảng trống rỗng đó.  Tuy nhiên, nếu ở trong trạng thái đó lâu,  hành giả sẽ mất đi sự sáng suốt và rồi rơi trở lại địa ngục,  không có lối thoát. Ngừng hành thiền không phải là một lối thoát. 
 
Hành giả tiếp tục chú tâm lại, tiếp tục thấy tất cả mọi thứ chỉ tồn tại trong một sát na ngắn ngủi. Nó chỉ tồn tại giữa khoảng sanh và diệt, quá ngắn ngủi; đó chỉ là một tiến trình khiến cho mọi thứ có vẻ như trường tồn. 
 
Khi bạn xem phim, trong mỗi giây máy chiếu lên màn hình khoảng 20 bức hình. Màn hình tắt đi 20 lần trong mỗi giây, song bạn không hề thấy được khoảng tối, bởi vì mắt bạn không thể phát hiện nhanh đến vậy. Khi ta nhìn thấy một người đang di chuyển, thực ra không có sự di chuyển nào cả, chỉ là những hình ảnh tiếp nối nhau xuất hiện, chúng chỉ khác nhau tí chút. Bởi vì chúng ta không thấy được khoảng trống giữa hai hình, nên thấy chỉ như là cùng một người đang đi. Chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi, một hình ảnh xuất hiện rồi biến mất, rồi lại một hình ảnh khác xuất hiện. 
 
Trong thiền, bạn có thể nhìn được nhiều như vậy, bởi bạn có thể thấy được 20 hình biến mất trong mỗi giây.  Đối với một hành giả có tâm định thì mỗi giây là một khoảng thời gian rất dài. Thời gian bị biến dạng đi rất nhiều. 
 
Thông thường, chúng ta có vithi-citta (tâm tiến trình) và bhavangacitta (tâm hữu phần). Vithi-citta là tâm quan sát bất cứ những gì đang diễn ra ở đây và bây giờ. Dòng tâm hữu phần là một trạng thái tâm nền, nó không có đề mục có thể nhận biết rõ ràng; nó chỉ duy trì sanh mạng và sự liên tục của dòng tâm thức mà không có một đề mục hiện tại nào cả. Thông thường con người có khoảng trống này rất rộng, trong thời gian dài, quá trình duy trì tâm này được gọi là dòng hữu phần. Một tâm sanh khởi và diệt mất, nhận biết bất cứ cái gì đang diễn ra hay suy nghĩ về một việc gì đó, rồi cách quãng một đoạn, rồi một tâm khác lại sanh lên, diệt đi – trong tiến trình đó chánh niệm về một đối tượng hoặc một suy nghĩ nào đó và rồi lại đến một khoảng trống nữa. Thông thường mọi người điều có một khoảng cách quãng khá rộng. Khoảng cách này càng lớn thì chúng ta biết càng ít, càng đãng trí, thất niệm nhiều. 
 
Càng hành thiền, tâm chúng ta càng sắc bén hơn  và khoảng cách quãng này càng hẹp lại.  Như vậy trong cùng một tiến trình thời gian,  chúng ta có chánh niệm nhiều hơn;  chánh niệm được nén lại vào trong khoảng thời gian này. 
 
Chẳng hạn, lúc đầy mỗi giây chúng ta chú tâm vào một sát na chánh niệm, sau một thời gian tăng lên 5, 10, 15, 20… Càng chánh niệm, bạn càng cảm thấy thời gian như dài thêm. Thời gian là gì? Thời gian chỉ là một tư tưởng. Khi bạn hoàn toàn không ý thức được điều gì đang diễn ra, hoàn toàn không có ý thức, lúc đó tâm bạn không biết được thời gian. 
 
Trong tầng tuệ này, có lúc một ý nghĩ rất ngắn nào đó sẽ chợt thoáng qua, như là “không có gì là ổn định cả (cala)”, “mọi thứ đều chuyển dịch, xáo động và không kéo dài”, những ý nghĩ như vậy sẽ khởi lên trong tâm. “Không có cốt lõi nào trường tồn trong đó (asaraka)”, “mọi thứ đều không có thực thể”. Đôi khi cũng có cả ý nghĩ như thế này (sankhata) “mọi thứ sanh khởi bởi vì có đủ nhân duyên khiến nó sanh”. Những ý tưởng rất ngắn ngủi, thoáng qua như vậy sẽ đến… Đôi khi hành giả cảm thấy sự sanh diệt liên tục thật là bức bách, như một sự tra tấn, không có điểm dừng. Giống như người có phát ra một âm thanh chói tai kéo dài; sau một lúc âm thanh đó trở nên rất khó chịu, như một sự tra tấn. Hành giả quan sát sự sanh diệt quá lâu đến mức cảm thấy mình bị mắc kẹt trong đó… đây chỉ là một cái bẫy, một sự tra tấn. Đôi khi điều này đến mức không thể chịu đựng nổi. Đối tượng này là đau khổ. Sự sanh diệt này thật sự là đau khổ. Phải quan sát sự sanh diệt cũng là đau khổ. 
 
Đôi khi bạn thấy cuộc sống này là một căn bệnh kinh niên; nó cứ tiếp diễn hoài, dù bạn vẫn nghĩ là mình mạnh khỏe, nhưng nó vẫn luôn sanh diệt. Đừng nghĩ ngợi quá nhiều về nó, nếu không bạn sẽ bị bỏ rơi vào trầm cảm. 
 
Những tư tưởng thoáng qua đến một cách tự nhiên; hãy nhận biết chúng rồi xả bỏ. Đừng dừng lại và suy nghĩ quá nhiều. Nếu dừng lại để suy nghĩ, bạn sẽ nghĩ rất hay, bởi vì tâm không bị xao lãng nữa; bạn có thể viết sách về Phật Pháp được nữa. Nhưng đừng ngừng lại và nghĩ ngợi. Nếu nghĩ quá nhiều, bạn sẽ bị trầm cảm. 
 
Khi suy nghĩ là bạn đã tự đồng hóa.  Suy nghĩ làm cho bạn có cảm tưởng rằng BẠN đang suy nghĩ.  Suy nghĩ làm cho bạn cảm thấy có sự liên tục,
bởi suy nghĩ sẽ kết nối mọi việc.  Không suy nghĩ, sẽ không có sự liên kết giữa việc này với việc kia. 
 
Khi suy nghĩ là bạn kết nối sự việc lại với nhau. Suy nghĩ là thứ làm cho chúng ta cảm thấy dường như có sự liên tục và liên kết. Không suy nghĩ thì không có sự kết nối, không có sự liên tục; chỉ có cái gì đó đang sanh diệt, chỉ như vậy thôi, không có ý nghĩa gì khác. 
 
Có lúc bạn nghĩ sự sanh diệt này giống như một cái gai trong bắp thịt mình. Đôi khi bạn lại có cảm tưởng rằng cuộc sống là một căn bệnh. Khi nói về trạng thái của tầng tuệ này, nó có vẻ như rất tiêu cực và bi quan. Bạn thấy nó như một nỗi nguy hiểm không được cảnh báo trước. Nó giống như một trái bom nổ chậm. Bạn có thể chết bất cứ lúc nào. 
 
Mọi việc đều có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào;  cuộc đời này thật khó đoán định.  Tiến trình này không phải là nơi bạn tìm đến trú ẩn và được an toàn (atana). Không phải là nơi nương nhờ và trú ẩn.  Đó là những loại suy nghĩ thoáng qua sẽ đến với bạn. 
 
Khi người ta dính mắc vào những đối tượng này – chúng chính là những đối tượng của sự dính mắc – chúng sẽ làm tâm bạn ô nhiễm. Bạn có thể thấy rõ chúng chính là những đối tượng của phiền não. Ngay cả trong giai đoạn này, bạn cũng có thấy rõ được đặc tướng khổ, song nó khác với loại khổ mà bạn chứng nghiệm trong giai đoạn đầu thực hành. Trong giai đoạn đầu, bạn không thấy được khổ là trong mỗi sát na sanh diệt. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, bất cứ cái gì sanh diệt bạn đều thấy nó là khổ, không đáng hài lòng, song bạn thấy nó như từng sự việc tiếp nối nhau, rất rõ ràng. 
 
Tất cả các tuệ minh sát (vipassana-nana) thực chất chỉ là vô thường,
 khổ và vô ngã. Nói một cách ngắn gọn về tuệ minh sát thì chỉ có ba. Thâm chí bạn còn có thể gộp chúng vào một tuệ duy nhất:  tất cả chỉ là sanh diệt. Đây là cách chúng ta diễn giải chi tiết.  Còn thực chất tầng tuệ nào cũng là vô thường, khổ, vô ngã cả. 
 
Thậm chí, ngay cả sau tầng đạo quả đầu tiên, bạn sẽ lại chứng nghiệm cùng một sự việc như vậy nhưng một cách sâu sắc hơn. Đôi khi bạn thấy tiến trình này không thuộc về một người nào; không ai sở hữu nó. Những tiến trình này không có chủ sở hữu. Bạn chú ý vào cái nghe, nó sanh lên và diệt mất. Bạn biết mình không sở hữu được cái nghe này, nó đã biến mất. Chúng ta nghĩ rằng cái thân này là của tôi (cảm giác sở hữu), có một “cái tôi” ở đó. Ở tầng tuệ này, bạn có thể thấy rằng không có ai sở hữu những tiến trình tự nhiên này cả. Bạn cũng nhận ra mình không thể ra lệnh cho nó được. Bạn không thể bảo nó: “Phải diễn ra như thế này, đừng xảy ra như thế kia; ở lại đó và không được đến nữa”
 
Không có chủ sở hữu. Bạn cũng thấy chúng trống rỗng,  không có tự ngã, không có linh hồn, không phải đàn ông, đàn bà.  Vô thường, khổ, vô ngã có nhiều góc độ khác nhau. 
 
Mặc dù có lúc hành giả cảm thấy muốn ngừng hành thiền, “Có ích lợi gì khi nhìn những thứ này, chúng thật khổ não, không đáng hài lòng? Sao cứ phải nhìn chúng hoài như vậy”. Nhưng sau đó hành giả sẽ hiểu rằng dừng lại không phải là một giải pháp. Tốt hơn cả là tiếp tục tiến lên, tiếp tục nhận biết, không còn con đường nào khác.
 
Đối với một số người, cần phải mất một thời gian khá lâu để phát triển mỗi tầng tuệ giác. Đối với một số khác thì chỉ cần một khoảnh khắc ngắn ngủi, có khi chỉ trong mấy phút, mấy giờ hoặc mấy ngày là được. Một số phải mất vài tháng. Điều đó còn tùy thuộc vào động cơ của mỗi người. Nếu bạn nghĩ rằng mình có nhiều thời gian và muốn thẩm nhiệm mỗi tầng tuệ một cách từ từ và kỹ lưỡng, thì có thể mất một thời gian khá lâu. Nếu không muốn làm như thế, bạn có thể chú tâm nhiều hơn và đẩy nhanh tốc độ quá trình đó lên. 
 
Đôi khi, trong giai đoạn này, hành giả bắt đầu nghĩ:  “pháp hành của tôi không còn tốt đẹp như trước nữa”. Điều này rất nguy hiểm.  Họ cảm thấy không hài lòng về sự thực hành của mình. 
 
Thực ra họ không hài lòng về chính tiến trình đó, nhưng sự bất mãn này lại chuyển sang một đối tượng khác, họ nghĩ: “Trước đây tôi hành thiền rất tốt, nhưng bây giờ lại không được như vậy nữa; tôi không thấy mọi thứ rõ ràng như trước nữa”. Bởi vì khi mọi thứ chuyển dịch chậm, nó trụ lại lâu hơn và bạn có thể thấy chúng rất rõ. Nhưng ở giai đoạn này, mọi thứ đều biến dịch quá nhanh đến nỗi bạn không biết phải làm gì nữa. Thậm chí bạn không thể thấy được nó nữa, bởi vì nó cứ biến mất… biến mất, rất nhanh. Mọi thứ không còn hứng thú gì nữa. Ở tầng tuệ thứ tư này, mọi việc đều rất hứng thú đối với bạn. Nhưng giờ đây chúng không còn như vậy nữa. Chúng trở nên nhàm chán và đơn điệu. 
 
Hãy cẩn thận; khi nhàm chán, bạn hãy tự nhắc nhở mình rằng:  “mọi việc đang tiến triển tốt đẹp”. 
 
Một số người dừng lại và bỏ cuộc. Nhiều thiền sư nói: “Thật đáng tiếc! Đáng buồn thay. Họ cần phải tiếp tục hành thiền, rồi sau đó sẽ có bước đột phá. Nhưng họ lại dừng lại và bỏ cuộc, họ chán nản và mất hết mọi hứng thú”. 
 
Đừng chán nản, hãy tiếp tục tiến lên!
Đây chính là tuệ thứ 10: Patisankha-nana
Bhanga-nana – Tuệ Diệt.
Bhaya-nana – Tuệ Thấy Nguy hiểm.
Adinava-nana – Tuệ Thấy Khiếm khuyết, bất toàn.
Nibbida-nana – Tuệ Chán nản.
Muncitukamyata-nana – Tuệ Muốn Giải thoát.
Patisankha-nana – Tuệ Giản trạch, quay lại với thiền tập
 
Nếu muốn giải thoát thì bạn không thể chạy trốn, vì vậy hãy quay lại hành thiền.          
 
Tuệ tiếp theo sẽ là Tuệ Xả hành (sankharupekkha-nana), tuệ này rất thâm sâu, rất quan trọng và thú vị. Sau tuệ thứ 11, còn một số tầng tuệ khác nữa nhưng chúng chỉ diễn ra trong vòng nửa giây đồng hồ, do đó bạn không thể làm được gì với chúng cả. Sau tuệ thứ 11, sẽ không còn đường quay trở lại nữa, mọi việc sẽ tiến triển rất nhanh chóng.
 
Theo: Bản đồ hành trình tâm linh 
Tác giả: Sayadaw U Jotika  
 
Mời bạn đọc đón xem chương 8, phần 3: Từ tuệ thứ năm đến tuệ thứ mười: Từ Tuệ Diệt đến Tuệ Thấy Nguy Hiểm, Tuệ Kinh sợ, Tuệ Yếm ly, Tuệ Muốn Giải thoát và Tuệ Giản trạch.